* Công cụ này giúp dịch nhanh các văn bản trong kinh Hán Tạng, do âm Hán Việt có thể có nhiều âm khác nhau cho cùng 1 chữ Hán, nên công cụ sẽ ưu tiên sử dụng các từ Hán Việt thông dụng (ví dụ như 藏 sẽ dịch là Tạng, thay vì có thể dịch là Tàng). Đây chỉ là công cụ giúp quý vị tra soát nhanh nghĩa, nếu muốn dịch chuẩn sang hẳn tiếng Việt (giống như cố Hòa thượng Trí Tịnh) thì cần phải không ngừng học tập nghiên cứu thâm sâu hơn rất nhiều lần nữa.
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (大正新脩大藏經), là bộ đại tạng kinh bằng chữ Hán do Hội xuất bản các kinh điển quan trọng Đại Chánh (大正一切經刊行會) ấn hành từ năm 1924 đến năm 1934 (Đại Chánh lấy theo niên hiệu của Nhật hoàng Yoshihito 嘉仁). Đại Chánh Tạng cơ bản dựa trên Bát Vạn Đại Tạng Kinh (hoàn thành năm 1251, đời vua Cao Tông) của Cao Ly quốc, được tập thành, bổ sung, san định và hiệu đính bởi các học giả Phật giáo danh tiếng của Nhật Bản thời bấy giờ như Takakusu Junjiro (高楠順次郎), Watanabe Kaikyoku (渡邊海旭), Ono Genmyo (小野玄妙),... là bộ kinh tạng hoàn thiện có giá trị học thuật nhất hiện nay. Cơ bản dựa trên bộ Bát Vạn Đại Tạng Kinh, Đại Chánh Tạng còn tham chiếu và sử dụng rất nhiều nguồn đại tạng kinh có giá trị.
Với tính chất đồ sộ và giá trị của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, niềm mong ước từ lâu của tôi là có thể số hóa được toàn bộ Đại Chánh Tạng (Hán/Việt). Ưu điểm của việc kỹ thuật số (digital) so với truyền thống (analog) đó là tốc độ tra cứu và khả năng truy xuất dữ liệu vô cùng nhanh chóng, cùng với khả năng khởi tạo ngẫu nhiên tùy ý, khả năng cập nhật thuận tiện, giúp cho Đại Chánh Tạng đã tuyệt vời giờ càng thêm phần sinh động, phong phú, không nhàm chán, khô cứng. Nay công trình này gần như đã hoàn thành 99.99% bản Hán (đầy đủ 85 tập và 2920 bộ kinh với hơn 10000 quyển, đặc biệt nhất là có cả Đồ Tượng Bộ từ tập 86 đến 97 với rất nhiều tranh ảnh quý), bạn có thể dễ dàng xem theo danh mục các bộ kinh, sắp xếp theo thứ tự, tính năng tìm kiếm cũng rất dễ dàng (không cần phải gõ tiếng Việt có dấu),... Mỗi bộ kinh đều có bản Hán văn nguyên gốc (nguồn từ CBETA và SAT), có thể click vào mỗi link tương ứng để tham khảo thêm. Ngoài ra website đã tích hợp tính năng phiên dịch Hán/Việt tự động, còn có thêm tính năng Hán tự bên cạnh phiên âm để có thể dễ dàng đối chiếu.
Đối với các bộ kinh đã có bản Việt dịch mà tôi tâm đắc như kinh Pháp Hoa tam bộ (Vô Lượng Nghĩa, Diệu Pháp Liên Hoa, Quán Phổ Hiền), kinh Duy Ma Cật, kinh Hoa Nghiêm, kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Đại Bảo Tích... tôi có dành riêng một chuyên mục (click vào mục kinh tạng tuyển tập ở menu); chánh yếu là cập nhật lại ngữ pháp, dễ thâm nhập được kinh văn hơn. Đồng thời đầu mỗi phẩm đều có bổ sung thêm thông tin sử liệu (vị trí của kinh trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh) để tăng tính học thuật cho bản Việt dịch. Ngoài ra các phần chú giải trong các bản Việt dịch cũng đã được lược bớt; mục đích là để cho kinh văn được liền mạch không bị đứt đoạn, thêm vấn đề nữa là khuyến khích thêm sự tìm tòi thuật ngữ Phật học, vì thời đại ngày nay ta có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên internet, không còn khó khăn như thời điểm kinh văn mới được dịch sang tiếng Việt.
Ý nghĩa của việc số hóa Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh không gì khác hơn là mong muốn ai có duyên biết đến website này "Khai Thị Ngộ Nhập Phật Chi Tri Kiến" như tinh thần của "Diệu Pháp Liên Hoa", cùng dìu dắt nhau để khai mở lăng kính Đại thừa. Vì phiền não của hữu tình chúng sanh nhiều vô lượng, nên Đức Phật thuyết pháp cũng vô lượng; thuyết pháp vô lượng nên nghĩa lý cũng vô lượng...