Skip to content

Kinh Vô Lượng Nghĩa – Dẫn nhập

無量義經

DẪN NHẬP


Pháp Hoa là con đường dẫn đến thế giới mầu nhiệm của chư Phật, là giai đoạn chót của Tam thừa. Ngài Kiều Trần Như, Ca Diếp, Xá Lợi Phất,… trải qua hơn bốn mươi năm theo Phật mới được nghe kinh này. Năm ngàn Tỳ kheo tăng thượng mạn đành cam mất trân bảo, trở lại cuộc sống phàm phu.

Chúng ta không sanh cùng thời với Đức Phật, nhưng thọ trì được kinh Pháp Hoa, cảm nhận được công đức kinh. Điều này chứng tỏ chúng ta đã thành tựu một phần nào của bốn pháp mà Đức Phật nói trong phẩm “Phổ Hiền” là có căn lành, được chư Phật hộ niệm, sống trong chánh định và phát đại bi tâm. Căn lành đã sẵn, chư Phật luôn hộ niệm cho ta; nhưng vì sống trong đường hiểm sanh tử, thiếu niệm đại bi, xa rời chánh định, nên chúng ta gần Phật mà chẳng thấy Ngài, không vào được cửa Pháp Hoa. Vì những chúng sanh này, Phật hiện ra trên thế gian như một đóa sen, một đấng cứu thế.

Đứng ở vị trí Ngũ thừa, kinh Pháp Hoa được coi là pháp Viên đốn, là Tối thượng thừa Viên giáo. Nếu xét trong năm thời thuyết pháp của Đức Phật, thì Ngài nói kinh Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã và sau cùng mới giảng Pháp Hoa. Với vị trí quan trọng như vậy, phương thức tu hành theo kinh Pháp Hoa hết sức tinh mật. Vì là pháp dạy cho Bồ tát, hàng phàm phu tầm thường trong nhân gian khó đặt chân vào thế giới này, trừ khi hội đủ bốn điều kiện như đã nói trên.

Chính Đức Phật xác định trong phẩm “Phương Tiện” rằng khi Ngài thành đạo dưới cội Bồ đề, muốn mang pháp tối thượng giảng dạy; nhưng quan sát thấy chúng sanh trí kém, đang bị nung nấu trong Nhà lửa Tam giới. Nếu Ngài chỉ nói Nhất Phật thừa, họ không thể hiểu, sẽ chìm đắm trong sanh tử.

Pháp Phật chứng được thường tự vắng lặng, chỉ có chư Phật mới thấu tột và không thể diễn tả bằng ngôn ngữ phàm phu. Muốn chỉ cho chúng sanh tướng chân thật, Ngài phải dùng phương tiện. Trong bốn mươi năm nói pháp, Phật dùng vô số phương tiện giảng nói các pháp để giúp chúng sanh xa rời ngũ dục thế gian.

Đến hội Linh Sơn, hàng A la hán dứt sạch sự chấp trước và lên bờ giải thoát, Ngài mới dạy chân lý Pháp Hoa bằng cách khai Tam thừa nói Nhất thừa hay khai phương tiện, chỉ chân thật. Các pháp ứng cảm tùy cơ, bên ngoài là Thanh văn Nhị thừa hay Quyền thừa cho Bồ tát mới phát tâm, nhưng thực bên trong là ẩn mật Pháp Hoa kinh. Các pháp phương tiện nói trước, nếu không phải là nhân của Pháp Hoa thì khi nghe pháp chân thật Nhất thừa, các đệ tử của Ngài không thể hiểu và phát tâm tu Pháp Hoa được. Cũng như chư Phật quá khứ, ban đầu Ngài nói pháp Tứ đế đến Thập nhị nhân duyên và Lục độ Ba la mật. Chúng sanh nương theo tu hành, đắc đạo, đắc quả, đắc pháp sai khác. Điều này chứng tỏ kinh Phật nói có vô lượng, vô biên, vô số nghĩa. Bước qua được cửa Vô Lượng Nghĩa, mới thâm nhập vào cảnh giới Pháp Hoa. Vì vậy, kinh Pháp Hoa được thuyết giảng trải qua nhiều năm tháng, hành giả vẫn cảm nhận và tu được. Nếu chỉ có một nghĩa, thì chỉ cần hành trì một lần là thông được với chư Phật, không phải nhọc công suốt đời tu tất cả pháp.

Hành đạo từ địa vị phàm phu đến quả thánh, tâm hành giả triển chuyển theo từng niệm sanh diệt, nên giáo pháp của Phật cũng theo đó mà thay đổi. Từ khi sơ Chuyển pháp luân đến hội Pháp Hoa, trải qua bốn mươi năm, Đức Phật rèn luyện và giáo dưỡng chúng Tam thừa thuần thục. Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát ví như ba cấp bậc của tiểu học, trung học và đại học. Trong thời gian bốn mươi năm đào tạo chúng Tam thừa, Đức Phật đưa ra những mô hình tu tập kiểu mẫu để chuẩn bị cho họ bước vào tạng bí yếu của Như Lai.

Ngài Trí Giả Đại sư ví Phật trao kinh Pháp Hoa giống như ông trưởng giả chỉ phú chúc gia tài cho người con có đủ tư cách và khả năng trông coi sự nghiệp. Cũng vậy, Đức Phật huấn luyện chúng hội suốt bốn mươi năm đoạn sạch trần cấu, hoàn toàn thanh tịnh, Ngài mới cho gia bảo Pháp Hoa. Được giáo dưỡng thuần thục rồi, chúng Tam thừa cùng bước vào thế giới Vô Lượng Nghĩa gọi là đồng quy giáo.

Như vậy, kinh Vô Lượng Nghĩa là cửa ngõ dẫn vào thế giới Pháp Hoa, dùng để tổng kiểm tra lần cuối tư cách của chúng Tam thừa trước khi họ thực sự trở thành hành giả Pháp Hoa kiểu mẫu.

Theo ngài Thiên Thai, thọ trì Pháp Hoa tam đại bộ gồm các kinh Vô Lượng Nghĩa, Pháp Hoa và Quán Phổ Hiền mới trọn vẹn được. Trước khi Đức Phật giới thiệu Pháp hội vượt ngoài tầm thấy biết của con người, Ngài nói kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, hay nói những gì mà tâm thức con người không tiếp thu được, vì sự vật luôn chuyển đổi không dừng. Lúc trước, chúng hội tu hành theo mô hình cố định để diệt trừ tham sân phiền não. Đến nay, bước vào thế giới Vô Lượng Nghĩa, thâm nhập vào dòng thác trí huệ Như Lai, không còn khuôn mẫu cố định nào có thể có tác dụng.

Tất cả các pháp trôi chảy miên viễn, tiến hóa linh hoạt vô cùng tận, chỉ hiện hữu những Bồ tát đa dạng, tùy loại hiện thân để cứu khổ chúng sanh. Linh hoạt tánh của Vô Lượng Nghĩa diễn nói vô cùng tận. Không đạt được trạng thái tâm chứng này mà tu hành, Huyền Giác Thiền sư quở trách như kẻ đếm tiền giùm người khác. Đếm suốt đời mình vẫn là kẻ ăn xin, chẳng được lợi ích gì.

Trụ trong Vô Lượng Nghĩa, một câu một chữ trong kinh mang ý nghĩa chuyển đổi không lường, là nhịp cầu đưa hành giả đến thế giới mầu nhiệm của Pháp thân và Báo thân Phật. Thật vậy, ngài Trí Giả thâm nhập cửa Vô Lượng Nghĩa, bước vào thế giới Pháp Hoa, cảm nhận được chữ Diệu. Ngài giảng cho vua Tuyên Đế nghe suốt ba tháng vẫn chưa nói hết ý nghĩa của chữ này. Hoặc ngài Nhật Liên thánh nhân tổng nhiếp được Vô Lượng Nghĩa trong một câu niệm Đề kinh Pháp Hoa. Ngài liền thông được tất cả pháp, tạo thành một lực dụng bất khả tư nghì, khiến sóng bủa ba đào cũng phải lặng yên và chuyển đổi cả tư tưởng xã hội thời bấy giờ.

Trước khi Đức Phật đưa chúng hội vào cảnh giới Pháp Hoa, Ngài nói kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa. Bồ tát Đại Trang Nghiêm hỏi Phật: 

  • Kinh này từ nơi nào tới, sẽ đi về đâu và trụ ở chỗ nào? 

Ngài trả lời: 

  • Kinh này từ nhà chư Phật mà tới.

Nhà chư Phật là tâm từ bi. Chúng Tam thừa đã ra khỏi sanh tử, vì tình thương tràn đầy đối với chúng sanh mà Phật trao kinh này cho các ngài. Tâm Từ của các ngài lan rộng đến đâu thì pháp cũng theo đó biến chuyển thành vô lượng.

  • Kinh này sẽ đến chỗ chúng sanh phát tâm Bồ đề. 

Chúng Tam thừa chính là những hành giả phát tâm Bồ đề. Các ngài đã vượt ra ngoài định luật chi phối của tam giới và đang tiếp tục đoạn đường cầu Vô thượng Chánh đẳng giác, cứu độ chúng sanh. Thành tựu tư cách như vậy, các ngài mới đủ khả năng thâm nhập trí huệ Như Lai và trở thành người thay thế Phật diễn dịch Vô Lượng Nghĩa pháp.

Qua câu trả lời của Phật với Bồ tát Đại Trang Nghiêm, chúng ta nhận được ý nghĩa của danh từ “Giáo Bồ tát pháp” trong tên kinh không chỉ đơn giản có một nghĩa thông thường là pháp để dạy Bồ tát. Nó còn mang ý nghĩa quan trọng là pháp để hình thành các vị Bồ tát, một biểu tượng đẹp trong nhân gian, khiến mọi người đều quy ngưỡng, làm lợi ích cho muôn loài.

Ngoài ba đặc tính là Đại thừa, Vô Lượng Nghĩa và Giáo Bồ tát pháp, đặc tính thứ tư của pháp này là Phật sở hộ niệm. Tất cả chư Phật khi hành đạo Bồ tát là tu nhân, thành Phật là kết quả. Qua quá trình tu hành, các Đức Phật đã tìm ra chân lý, tìm được dòng thác trí huệ Như Lai và đang sống trong kết quả đó. Nếu rời bỏ tri giác ấy, không còn là Phật.

Tư cách của một hành giả tham dự vào cảnh giới Vô Lượng Nghĩa được triển khai đầy đủ qua ba phẩm của kinh là “Đức Hạnh”, “Thuyết pháp” và “Công Đức”. Ba phẩm này tiêu biểu cho ba tầng kiểm tra tư cách hành giả. Tầng thứ nhất kiểm tra đức hạnh, tầng thứ hai kiểm tra tri thức và tầng thứ ba kiểm tra khả năng truyền bá kinh Pháp Hoa của hành giả. Vượt qua ba tầng kiểm tra này, hành giả là mẫu người lý tưởng tràn đầy tư cách thánh thiện để bước vào cảnh giới mầu nhiệm Pháp Hoa.

1. Kiểm tra đức hạnh

Mục tiêu Đức Phật ra đời và giảng kinh Pháp Hoa là khai tri kiến Phật để giúp cho chúng sanh thành Phật. Tuy nhiên, quan sát chúng sanh nghiệp cấu nặng nề, đầy đủ tham sân phiền não, không thể trong nhứt thời chuyển đổi chúng thành thuần thiện được. Ngài mới dùng phương tiện dìu dắt họ từng bước vào đạo.

Trải qua mười hai năm đầu, Phật nói pháp Tứ đế, lấy giới làm căn bản để tác động cho đại chúng xa rời nghiệp ác, phát triển tánh lành, trở thành người tốt trong xã hội. Mười hai năm này chỉ để xây dựng đại chúng trở thành người đức hạnh, đào tạo con người phàm phu trở thành một Tỳ kheo. Tỳ kheo là người phải có dáng giải thoát, trông xa thấy đẹp như loài cỏ hương, nhưng sống gần vị Tỳ kheo thấy càng đẹp hơn. Không phải chỉ có tướng hảo bên ngoài mà cử chỉ, lời nói, hành động đều thánh thiện, có tác dụng làm cho người vơi đi phiền não.

Chúng Thanh văn tu pháp Tứ đế, rèn luyện đức hạnh, trở thành người đạo đức thực sự, không lỗi lầm ở thế gian, không làm mất lòng người mới có thể giáo hóa chúng sanh. Phật uốn nắn Thanh văn trong quá trình mười hai năm tu hành, họ phải lóng nghe những sự chỉ trích xung quanh để y pháp sám hối, tự sửa mình cho trong sạch lần và tu cho tròn đủ 37 Trợ đạo phẩm. Trong 37 Trợ đạo phẩm lấy Bát chánh đạo làm căn bản để định giá trị của hành giả Pháp Hoa.

Trước hết, hành giả tự xét cái nhìn sự vật của mình có chính xác, có đúng sự thật hay không. Thông thường cái thấy của phàm phu thường bị thiên lệch, hoặc tầm nhìn không quá đường chân trời; vì còn bị lệ thuộc vào yếu tố tình cảm từng người. Nếu thấy trên căn bản tham vọng, bè phái thì còn vô số sai trái khác nữa.

Trên bước đường tu tập, tùy theo trình độ tu chứng mà chúng hội đạt được những cái thấy khác nhau. Hàng A la hán an trụ thiền định, thực chứng Huệ nhãn, biết được diễn biến của ba đời trước và ba đời sau. Hàng Bồ tát chứng đắc Pháp nhãn biết được sự tổng hợp của các pháp và đến giai đoạn cuối cùng đắc được Phật nhãn, thấy tất cả các pháp tồn tại biến hóa một cách chính xác như thấy vật trong lòng bàn tay.

Kế đến kiểm tra lời nói của hành giả có đúng như thật hay không. Tâm lý thế gian thường muốn cho câu chuyện hấp dẫn nên thường bịa đặt thêm thắt. Vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta không được nói thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều. Sở dĩ Phật được mọi người tin cậy tôn kính, vì lời nói của Ngài luôn luôn đúng thật. Ngài thường suy nghĩ những lời hay lẽ phải theo đúng Chánh pháp. Chúng sanh thường để tâm trí chạy theo những ý nghĩ ác độc tà dại, buông lung, nên sức tập trung trở thành yếu kém. Trái lại, Phật luôn trụ trong tư duy chân chánh, nên mọi sự hiểu biết của Ngài không bao giờ sai lầm.

Từ sự suy nghĩ đúng đắn, hành giả siêng năng phát huy những việc làm tốt đẹp, mang lợi ích cho mọi người. Ngoài ra, đời sống và nghề nghiệp của hành giả Pháp Hoa phải lương thiện chân chánh và cuối cùng phải luôn sống trong Tam tạng giáo điển. Sự hiểu biết của hành giả do trầm mình trong giáo pháp Như Lai, nên đạt được sự thấy biết chính xác. Thành tựu viên mãn pháp tu Bát chánh đạo, hành giả mới tròn đầy giới đức, thì qua được cửa thứ nhất của Vô Lượng Nghĩa để thâm nhập thế giới Pháp Hoa.

Nếu thiếu phần đức hạnh căn bản này, hành giả tự bị đào thải từ vòng thứ nhất như năm ngàn Tỳ kheo tăng thượng mạn. Họ không bị ai đuổi mà tự xấu hổ, lễ Phật, rồi bỏ đạo tràng ra đi.

2. Kiểm tra khả năng hiểu biết là nội dung của phẩm “Thuyết Pháp”

Trước khi hành giả thuyết pháp, phải thấu rõ pháp. Nếu không biết mà giảng nói, pháp trở thành phi pháp. Ở giai đoạn trước, tu Duyên giác, Phật dạy hành giả quan sát các pháp. Nghĩa là quan sát sự vật biến chuyển và biết được sự thay đổi chính xác của nó, hành giả sẽ nói không sai lầm. Đức Như Lai không rời thế giới này, Ngài đắc đạo do quán thế gian pháp. Vì vậy quán sát pháp là quan sát thế gian. Lìa bỏ thế gian tu hành không thể thành đạo được.

Trang bị bằng sự hiểu biết đúng như thật, từ sơ Chuyển pháp luân ở Lộc Uyển đến Kỳ Hoàn tịnh xá, qua Trúc Lâm và sau cùng ở hội Linh Sơn, Đức Phật thuyết pháp cho các đối tượng khác nhau là quốc vương, A la hán, Bích chi Phật, Bồ tát. Tùy theo cơ cảm mà chúng hội thọ nhận pháp tương ứng lợi lạc khác nhau. Tuy nhiên, nếu gặp đối tượng có đủ khả năng tiếp nhận, Phật mới giảng nói. Như đối với hàng Duyên giác là những người có trí, do phước đức trí huệ tích lũy từ nhiều đời, nên sanh ra thì bẩm tánh đã thông minh. Ngài dạy họ pháp quán nhân duyên, quan sát vũ trụ từ hữu hình đến vô hình, thấy được cội nguồn của chân thật pháp và mối tương quan tương duyên tạo nên sự tồn tại giữa các pháp. Từ đó Duyên giác dùng lửa chánh định đốt sạch, nên không còn vật nào dính líu với họ và đạt được quả vị Bích chi Phật.

Phật cũng dạy họ quan sát về sự hình thành của thân người do tứ đại tạo nên. Đối với người chỉ sống với bản năng, cơm ăn áo mặc, tất nhiên họ tuyệt phần ở lãnh vực tri kiến này. Hàng Bích chi Phật quan sát tận cùng thân Ngũ ấm, thấy do nhân duyên giả hợp mà có, nhân duyên ly tán, thân sẽ tự mất. Dù sao, con người theo lời Phật dạy là một sanh vật tối linh so với các loài khác; vì chỉ có con người mới có khả năng tu thành Phật, nhờ tám giác quan mà các loài khác không hội đủ.

Khi tu pháp quán Thập nhị nhân duyên để trở thành Bích chi Phật, Phật dạy hành giả quan sát Ngũ ấm có Lục căn tiếp xúc với Lục trần sanh ra Lục thức, gọi là 18 giới. 18 giới này tác động trong sáu đường chúng sanh tạo thành 108 phiền não. Quan sát căn bản phiền não qua pháp Nhân duyên, nhận thấy từ một niệm tâm của hành giả phóng ra, xoay vần trong sự tương quan tương duyên biến hóa và đưa đến 84000 phiền não trần lao.

Ở giai đoạn kiểm tra đợt hai, hành giả phải có khả năng hiểu biết tường tận, biết được diễn biến vật lý và tâm lý đúng như thật rồi mới thuyết pháp. Vì vậy bài pháp của hành giả thỏa mãn được sở cầu sở nguyện của chúng sanh, mới giáo hóa họ được.

Trụ ở tầng thứ nhì của Vô Lượng Nghĩa, hành giả đang đi trên con đường Trung thừa. Tư cách đạo đức ở tầng thứ nhất của Vô Lượng Nghĩa phải gắn liền với tri thức chính xác như thật ở giai đoạn hai, mới thực sự tạo thành hình ảnh một hành giả Pháp Hoa thay Phật tuyên pháp mầu trên thế gian này.

3. Tầng thứ ba của Vô Lượng Nghĩa kiểm tra về khả năng giáo hóa là Bồ tát hạnh hay mười điều công đức của kinh

Khi đầy đủ đức hạnh vẹn toàn và trang bị một tri kiến chính xác đúng như thật, hành giả dấn thân vào đời chứng nghiệm những bài pháp học được ngay trong thực tế cuộc sống.

Mỗi người tùy theo tư thế và vị trí hành đạo mà sử dụng được từng phần công đức khác nhau. Nếu hành giả may mắn vào được thế giới Pháp Hoa, nhận được một trong những công đức bất khả tư nghì. Nhưng một niệm tâm khởi lên ngăn cách với Phật, hành giả liền rơi trở lại thực tế của phàm phu. Bấy giờ tưởng còn mầu nhiệm, nhưng sự thực không có kết quả nữa. Cũng như muốn sử dụng máy phải có người biết điều khiển. Con người của Pháp Hoa mới thọ trì được kinh Pháp Hoa. Con người của Pháp Hoa là Bồ tát ở dạng thức thứ hai, không phải là con người phàm phu này. Vì vậy tu các pháp thuộc nhân thiên, Phật ví như ta làm việc “Cái giá một ngày” hết sức cực khổ mà lợi ích không được bao nhiêu.

Tất cả mọi việc hành giả làm dù hữu lậu hay vô lậu, nếu biết nương theo Bồ tát hạnh đều được chuyển sang thế giới Thật Báo. Nhờ vậy tuy thân còn ở thế giới này mà đã liên hệ với thế giới kia. Khi hành giả làm việc bằng tâm vô cầu, mọi công đức mầu nhiệm sẽ tuần tự hiện ra. Trái lại, khi đặt kế hoạch liền kẹt vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nghĩa là bị con người Ngũ ấm ngăn che, không thể nhận được sự mầu nhiệm nữa.

Mười công đức của kinh Pháp Hoa dưới đây là kết quả của Bồ tát ở Tam thừa, chỉ bằng Bồ tát Sơ phát tâm ở Viên thừa.

1. Chuyển phiền não thành Bồ đề

Khi hành giả thọ trì kinh, tâm duyên được với kinh và Phật, công đức lành sanh ra. Những sự ngăn che của phàm phu tự tan biến, Lục căn trở thành thanh tịnh. Tất cả phiền não trước kia tác hại hành giả bao nhiêu, nay đều chuyển thành phương tiện tốt để hành đạo.

Trước đó, khi nói pháp Tứ đế ở thành Ba La Nại, Phật dạy phải đoạn trừ phiền não; vì đối với tâm lượng chán nản mệt mỏi của chúng hội bấy giờ, phiền não là chướng ngại. Ngược lại, nay tuy Bồ tát bị cách ấm, mang thân phàm phu mà cảm được kinh hay niệm danh hiệu Phật, tất cả nghiệp xấu trở thành tánh Bồ đề, ác hóa thiện. Ví như hoa sen hút bùn nhơ chuyển ra hương sen thơm ngát.

Nương công đức kinh và thần lực của chư Phật, hành giả chuyển đổi toàn bộ con người, những tâm trược ác, tham lam, ganh ghét, sân hận, si mê không còn tác dụng nữa và đổi thành tâm đại bi, nhẫn nhục, trí huệ. Tuy nhiên, nếu hành giả khởi niệm đắc được pháp này, tức thì công đức cũng tự động tiêu tan theo vọng niệm điên đảo.

Sử dụng được công đức bất khả tư nghì thứ nhất, hành giả có khả năng hành đạo như Bồ tát Sơ địa. Chẳng những không qua giai đoạn tiệm tu của hàng Thanh văn, mà còn bỏ luôn được bốn mươi giai đoạn của Bồ tát từ Thập tín đến Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng để đi thẳng vào Bồ tát Thập địa. Đạt được công đức thứ nhất, tự nhiên công đức thứ hai sanh ra.

2. Tu một pháp thông tất cả pháp

Theo ngài Trí Giả, từ Phật giới quan sát tất cả pháp Phật dạy xuống đến tận cùng chín loài thế giới khác đều không chướng ngại. Khởi đầu, Phật nói pháp Tứ đế cho năm anh em Kiều Trần Như và các ông tiếp nhận được dễ dàng. Pháp này là tư nghì sanh diệt Tứ đế, không phải là pháp chân thật; vì có thể tu và hiểu bằng tri thức phàm phu.

Từ pháp sanh diệt lần tu lên, tâm niệm chúng hội đổi thay từng giai đoạn và nhận được nghĩa lý khác nhau. Quả vị cũng theo đó mà lớn dần, đắc được pháp Noãn, pháp Đảnh, pháp Nhẫn, quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Đến giai đoạn này, chúng hội đã bước sang bất tư nghì sanh diệt Tứ đế, vượt ngoài sự hiểu biết của loài người.

Khi đạt đến quả vị A la hán, chúng hội vượt qua ranh giới sanh diệt môn, vào cảnh giới bất tư nghì bất sanh bất diệt Tứ đế. Hành giả hoàn toàn tự tại, nói pháp không chướng ngại. Cũng những ngôn ngữ ban đầu này mà nay giải đáp được vô số bài toán của thế gian. Đó là con đường hành đạo thông thường của mọi người.

Tuy nhiên, hành giả Pháp Hoa không theo phương hướng này, hành giả đốt giai đoạn vượt bỏ thời gian bốn mươi năm theo Phật, nghe pháp, để đạt đến tiền Pháp Hoa. Hành giả dùng tâm hoàn toàn thanh tịnh, vô nhiễm trước mọi phiền não trần lao, tu một pháp thông được tất cả pháp. Ở giai đoạn này, hành giả vẫn làm công việc bên ngoài thấy tầm thường như lạy Phật, tụng kinh; nhưng tạo được lực dụng bất khả tư nghì, tự nhiên thông được Tam thiên Đại thiên thế giới.

Hành giả thông suốt pháp Phật và căn tánh hành nghiệp của chúng sanh. Vì vậy, một câu, một chữ trong kinh giảng thành vô số nghĩa, nói một ngày, một tháng, một năm cũng không hết. Tất cả chúng sanh đến, hành giả biết chúng muốn gì, làm gì, tu pháp gì và tùy theo căn cơ mà chỉ dạy cho họ được lợi ích. Trường hợp điển hình ở Nhật có ông Ikeda sử dụng được công đức này. Ông mồ côi cha mẹ, làm nghề bán báo, được Nhật Đạt Thượng Nhân dạy niệm Đề kinh, bất thần ông mất tướng ngọng và trở thành pháp sư nói giỏi hơn thầy. Nhờ niệm Đề kinh, ông thông được tất cả pháp. Nương thần lực kinh, ông tự động giải đáp được tất cả vấn đề, không phải học.

Thành tựu công đức thứ hai, hành giả tuy còn mang thân phàm phu, nhưng làm việc như hàng Bồ tát Nhị địa.

3. Hành giả còn phiền não vẫn được tự tại trong ba cõi

Khi thông được tất cả pháp, hành giả qua lại ba cõi, xuống lên chín đường hoàn toàn không chướng ngại, không ô nhiễm. Mặc dù còn mang thân Ngũ ấm, nhưng đã liên hệ được với chư Phật một cách tương tục, nên ra vào sanh tử tự do, từ Bồ tát giới đến địa ngục giới, tùy ý thay đổi sắc thân. Bấy giờ, hành giả đủ tư cách đảm nhiệm sứ mệnh mà Phật giao phó. Dù ở trong Nhà lửa vẫn an nhiên tự tại đưa mọi người về thế giới Cực Lạc. Đây là tư thế của Bồ tát ở Ta Bà để trợ hóa cho Phật, tương đương với Bồ tát đệ Tam địa.

4. Chưa độ mình mà có thể độ người

Tuy còn thân phàm phu vẫn làm bạn được với Bồ tát mười phương. Cũng như trường hợp Huệ Tư Thiền sư lập giới đàn vô tướng để đưa Trí Giả đến thế giới chư Phật, tham dự vào Bồ tát học xứ, ngang hàng với Bồ tát hành đạo trong mười phương.

Dù chỉ mới phát tâm Bồ đề, hành giả cũng được coi là Pháp vương tử, cha là Phật, mẹ là kinh Pháp Hoa. Bồ tát mới phát tâm được ví như hoàng tử, dù còn nằm nôi vẫn được thần dân kính nể và làm bạn với các con vua khác.

Ở vị trí đồng đẳng với Bồ tát mười phương, hành giả một mặt trụ thân nơi Ta Bà, một mặt tham dự các Bồ tát học xứ, trau giồi trí huệ. Vì vậy, tuy hành giả còn nhỏ nhưng nhận được Phật lực, Pháp lực, Bồ tát lực mười phương, tạo được lực dụng bất khả tư nghì, ngày đêm đều có Thiên Long Bát Bộ che chở, ác ma ngoại đạo không xâm hại được.

5. Tuy còn phiền não mà làm việc như có thần thông

Trì kinh Pháp Hoa đạt được bốn điều công đức nói trên, hành giả tuy còn phiền não, trông vào thực tầm thường, nhưng làm được việc phi thường. Đó là Bồ tát nội bí ngoại hiện, bề ngoài thị hiện thân phàm phu, Thanh văn, mà bên trong đầy đủ thần thông, độ được vô số chúng sanh. Việc làm của họ vượt ngoài sự thấy biết của phàm phu.

Họ hành đạo dưới dạng tâm chơn như, tác động cho người mà chính người này cũng không hay biết. Kinh ví họ như Long cung thái tử, mới sanh bảy ngày đã có thể làm mây nổi lên và mưa tuôn xuống. Hành giả ở giai đoạn này ngang với Bồ tát đệ Ngũ địa.

6. Tuy còn phàm phu mà làm cho người dứt phiền não

Hành giả còn đủ phiền não ràng buộc, nhưng đã là bóng mát nương tựa cho chúng sanh. Những tâm hồn đau khổ tuyệt vọng đến độ có thể tan thân mất mạng, nếu đến với hành giả đều được bình ổn. Thậm chí chỉ nghe tên, hoặc chỉ nghĩ đến hành giả, cũng nhận được sự an lành.

Nương công đức kinh, hành giả trấn át được nghiệp lực chúng sanh, trong nhứt thời, ngang hàng với đệ Lục địa Bồ tát. Được công đức thứ sáu này, lời nói nào của hành giả cũng thành sự thật, mọi người nương theo tu hành đều đắc pháp, đắc quả. Kinh ví như hoàng tử còn nhỏ mà nhờ uy đức của vua cha nên cai trị được toàn dân. Hành giả cũng vậy, tuy còn ở địa vị phàm phu, nhưng nhận được Phật lực truyền vào, thay thế chư Phật giáo hóa chúng sanh, mọi việc làm đều là Phật sự.

7. Tự nhiên được Ba la mật và các thần thông

Đồ chúng của Phật như ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề,… theo Phật từ ban đầu, gia công tu hành 37 Trợ đạo phẩm chứng Diệt đế Niết bàn.

Nay hành giả Pháp Hoa không tu 37 Trợ đạo mà tự nhiên các Trợ đạo phẩm đều thành tựu. Thật vậy, hành giả không cần phải trải qua nhiều kiếp để tu pháp đoạn dục khử ái, chỉ nhứt tâm thọ trì kinh Pháp Hoa, thì tự động nhàm chán mọi đắm say dục lạc thế gian. Hoặc hành giả không tu Bát chánh đạo, pháp này cũng tự thành tựu; vì trong một niệm tâm thanh tịnh tương ưng với kinh, thấy đúng như thực, không còn tà dại. Chẳng những 37 Trợ đạo phẩm mà cả Lục độ Ba la mật, hành giả cũng không tu, nhưng tự nhiên chứng được.

Tuy nhiên, đó không phải là thực chứng như hàng A la hán, Bồ tát đạt được. Hành giả nương vào công đức kinh và thần lực chư Phật có được những pháp bất khả tư nghì này. Ngược lại, chỉ khởi một niệm tăng thượng mạn, liền rớt trở lại thân phận hẩm hiu của phàm phu.

8. Những người chống trái trở thành thuận hòa

Hành giả có khả năng làm cho người phát tâm Bồ đề. Người đến với hành giả thực sự không phát tâm, nhưng nhờ nương công đức kinh, hành giả chuyển đổi được họ.

Bồ tát sơ tâm khởi một niệm thanh tịnh duyên với kinh, sẽ khơi dậy tâm Bồ đề cho người khác; nhưng niệm sau không thanh tịnh, nên không trưởng dưỡng được Bồ đề tâm này một cách liên tục. Ngược lại, các vị Bồ tát lớn thanh tịnh miên viễn, công đức tròn đầy, bất cứ lúc nào nghĩ tưởngđến các ngài, chúng sanh đều được thanh tịnh.

9. Túc nghiệp dứt, được nhạo thuyết biện tài, chứng được Đà la ni

Đến giai đoạn này, những nghiệp còn lại nhứt thời đều tan hoại và hành giả được nhạo thuyết biện tài, chứng được Đà la ni, tương đương với Bồ tát Cửu địa. Bấy giờ hành giả thông suốt mọi vấn đề không cần phải học, như hai vợ chồng ông Okano ở Nhật được gọi là ông Hòa thượng, là một người thợ sửa radio tầm thường.

Khi ông phát tâm Bồ đề, nương công đức kinh tu tập, cuộc đời hai người hoàn toàn đổi mới. Từ một người thợ tầm thường, cả hai ông bà trở thành pháp sư nổi tiếng, nhạo thuyết biện tài. Bất cứ người nào đến với ông bà cũng tìm được sự bình an cho tâm hồn. Vì độ cảm kinh và lòng từ bi của ông bà liên tục nên công đức sử dụng và phước báo không thay đổi.

Đắc được pháp này, tuy còn ở địa vị phàm phu, đã phân thân đi giáo hóa khắp thế giới, thậm chí dạy cả loài thú tu hành. Hành giả thuyết pháp, khuyên dạy dưới dạng con người thứ hai, nên chính hành giả cũng không biết. Vì vậy, mà từ loài người đến loài cầm thú cảm ơn giáo hóa, kéo đến quy ngưỡng.

10. Phàm phu thân hành Bồ tát đạo

Sử dụng được công đức thứ mười, hành giả tương đương với Bồ tát Đẳng giác, tuy còn ở chốn phàm phu đã phát được a tăng kỳ thệ nguyện. Tình thương của hành giả bằng với Quán Thế Âm, phổ cập đến muôn loài mọi giới, nhứt thời đầy đủ mười hạnh nguyện của Phổ Hiền.

Nương công đức kinh, hành giả giáo hóa được khắp mười phương; nhưng một niệm vọng động khởi lên, liền rớt trở lại thế giới phàm phu. Tuy nhiên, hành giả vẫn nhận được công đức từ các thế giới kia gởi về, nghĩa là bị đọa mà vẫn tu được.

Mười công đức nói trên được Đức Phật xác định chỉ có Bồ tát nhân gian mới sử dụng được. Bồ tát nhân gian là Bồ tát vì thương chúng sanh trở lại cõi Ta Bà để hóa độ. Các ngài thọ Ngũ ấm thân, nên bên ngoài vẫn có phiền não trần lao như mọi người, còn bị nghiệp tập quán chi phối, nhưng bên trong hoàn toàn thanh tịnh. Khi thọ trì kinh, trong ngoài đều thanh tịnh, đương nhiên phá được bức màn vô minh thông từ trong ra ngoài và lúc trở lại tư thế phàm phu, các ngài vẫn thanh tịnh.

Vì vậy, Phật nói Bồ tát hiện vào Ta Bà độ sanh có kinh bảo vệ, không sợ mất kiếp. Ngược lại, chúng phàm phu trong ngoài đều nhiễm ô, nghiệp chủng tử là nghiệp tội lỗi, chưa đối cảnh mà tâm ác đã hiện ra. Đây là chúng sanh phàm phu điên đảo vì năm món dục trôi lăn trong sanh tử, không thể sử dụng được phần công đức này.

Tóm lại, kinh Vô Lượng Nghĩa đánh dấu tổng kết bốn mươi năm thuyết pháp của Đức Phật và mở ra cánh cửa cho chúng Tam thừa đã hoàn tất quá trình tu giới, định, huệ bước vào thế giới Pháp Hoa, nhận lãnh ấn chỉ của Phật, thay Ngài giáo hóa ở cõi Ta Bà, làm lợi lạc cho chúng hữu tình.


66b95280279eec88f2c6c3d3d4af3e58

Hòa thượng Thích Trí Quảng (1938~)