Kinh Vô Lượng Nghĩa – Giới thiệu
無量義經
- Published: 04 Nov 2021 22:39:26
- Modified: 31 Jul 2022 13:40:40
- Categories: Kinh Vô Lượng Nghĩa
- Tags: Cư sĩ Hạnh Cơ
GIỚI THIỆU
Kinh Vô Lượng Nghĩa (Amitartha Sutra) do ngài Đàm Ma Già Đà Da Xá (Dharmagatayasas) dịch ra Hán văn tại chùa Triều Đình ở Quảng Châu vào năm 481; được thu vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, quyển 9, số 276.
Ý chỉ của kinh này đặt trên cơ sở: Vì phiền não của hữu tình chúng sanh nhiều vô lượng, nên Đức Phật thuyết pháp cũng vô lượng; thuyết pháp vô lượng nên nghĩa lí cũng vô lượng; nghĩa lí tuy vô lượng nhưng chỉ phát sanh từ một pháp, đó là pháp Vô tướng.
Từ “Vô Lượng Nghĩa” có ba ý nghĩa:
- Tất cả các pháp đều có đầy đủ vô lượng vô số nghĩa lí, cho nên gọi là “Vô Lượng Nghĩa“.
- Vô Lượng Nghĩa tức là “thật tướng”. Theo ngài Cát Tạng (549~623) giải thích trong bộ Pháp Hoa Kinh Nghĩa Sớ, thì bản thể của thật tướng là không có hạn lượng, cho nên gọi là “thể vô lượng”; từ một pháp thật tướng mà phát sanh ra tất cả pháp, cho nên gọi là “dụng vô lượng”; cả thể và dụng của thật tướng đều vô lượng, cho nên gọi là Vô Lượng Nghĩa.
- Vô Lượng Nghĩa là chỉ cho kinh điển Đại thừa. Trong phẩm “Tựa” của kinh Pháp Hoa có nói: Đức Thế Tôn vì chư vị Bồ tát mà nói kinh Đại thừa tên là Vô Lượng Nghĩa. Vì vậy, kinh này cũng có người gọi tên là kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa.
Phẩm “Tựa” của kinh Pháp Hoa còn cho biết, tại đạo tràng Kỳ Xà Quật (gần thành Vương Xá), Đức Phật đã nói kinh Vô Lượng Nghĩa này trước khi nói kinh Pháp Hoa. Sau khi nói kinh Vô Lượng Nghĩa, là Pháp môn đã do tự Ngài chứng đắc, đem giáo hóa hàng Bồ tát Đại thừa, Ngài liền nhập định Vô Lượng Nghĩa Xứ; và sau khi xuất định Ngài đã nói kinh Pháp Hoa. Vì vậy chư vị cổ đức đều nói rằng, kinh Vô Lượng Nghĩa này chính là tiền đề, là phần mở đầu của kinh Pháp Hoa; có thể nói, nội dung của toàn bộ kinh Pháp Hoa là khai triển ý chỉ của kinh Vô Lượng Nghĩa vậy.
Về ngài Đàm Ma Già Đà Da Xá, dịch giả của kinh này, các sử liệu đã không nói gì nhiều về tiểu sử và hành trạng của ngài; chỉ biết đại khái rằng, ngài là người Thiên Trúc, có mặt ở Quảng Châu vào khoảng cuối triều Lưu Tống (420~479) đầu triều Tiêu Tề (479~502).
Theo bài “Tựa Kinh Vô Lượng Nghĩa” của ẩn sĩ Lưu Cầu (437~495) viết để ở đầu cuốn kinh, có Tỳ kheo Tuệ Biểu ở núi Võ Đang, lập chí du phương cầu đạo, không nề hiểm nguy, lao nhọc. Triều Tiêu Tề, Kiến Nguyên năm thứ ba (481), ông đến vùng Lĩnh Nam, được gặp Sa môn Đàm Ma Già Đà Da Xá người Thiên Trúc ở chùa Triều Đình, Quảng Châu. Vị sa môn này có tài viết kiểu chữ “lệ” rất đẹp, đã dịch cuốn kinh Vô Lượng Nghĩa, muốn lưu truyền nhưng chưa biết giao phó cho ai.
Tỳ kheo Tuệ Biểu bèn chí thành cầu thỉnh, ngài bèn trao cho. Tuệ Biểu được bản kinh ấy, liền đem về lại núi Võ Đang… Ngoài mấy nét giản dị đó ra, không ai biết gì thêm về cuộc đời hành đạo của ngài; cả năm sanh năm mất cũng không rõ.
Trước bản dịch của ngài Đàm Ma Già Đà Da Xá, cũng đã có bản dịch Vô Lượng Nghĩa Kinh của ngài Cầu Na Bạt Đà La (394~468) vào triều Lưu Tống (420~479), nhưng đã bị thất truyền rất sớm.
Bản kinh Hán văn được dùng để dịch ra Việt văn là bản Hán dịch của Tam tạng Pháp sư Đàm Ma Già Đà Da Xá, rút ra từ Đại Chánh Tạng, quyển 9, số 276.
Cư sĩ Hạnh Cơ
Miền tây Canada
Tiết Thượng Nguyên năm Bính Tuất (2006)
Phật lịch 2549