Skip to content

Nội dung kinh Duy Ma Cật – Dẫn nhập

維摩詰所說經

DẪN NHẬP


I. NHẬN XÉT TỔNG QUÁT VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

Sau khi thành đạo, từ Bồ Đề đạo tràng đến Ta La song thọ trải qua hơn ba trăm hội, Phật dùng huệ giác quan sát thật tướng các pháp và thực trạng xã hội, Ngài đưa ra nền giáo lý trong sáng, toàn bích.

Tuy giáo pháp của Phật có 84000 Pháp môn, nhưng chính yếu vẫn là tinh thần “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Phật dạy chúng ta phát triển nếp sống đạo đức thanh cao và phát huy trí huệ thấy đúng như thật để hành động phù hợp với sự chuyển biến của quy luật khách quan. Chính Đức Phật đã tìm thấy chân lý ngay trên thế gian và thể hiện chân lý trong cuộc sống dưới mọi tình huống.

Trên bước đường hoằng hóa độ sanh, tùy theo sinh hoạt của từng nước, Ngài dạy chúng Tăng nhận thức đúng đắn về thực trạng xã hội và đưa ra pháp tu tương ứng, để hoán chuyển tâm chúng hội an trú thanh tịnh ngay trong lòng cuộc đời. Và xa hơn, họ nương theo Phật pháp, cải tạo nếp sống xã hội trở thành thiện mỹ hơn.

Với nhân cách siêu việt, trí huệ tuyệt luân, việc làm thánh thiện lợi lạc cho đời, cùng với hàng đệ tử mô phạm thánh chúng, Phật đã đáp ứng yêu cầu cần thiết của xã hội lúc bấy giờ. Ngài đã là hạt nhân thu hút mọi tầng lớp người quy ngưỡng. Một đạo Phật hiện hữu sống động, cần thiết tất yếu như vậy đã nhẹ nhàng đẩy lùi tư tưởng lạc hậu của Bà la môn giáo.

Phật tại thế, mọi người sống hạnh phúc bên Ngài, thì vấn đề tìm hiểu về Phật tất nhiên không cần đặt ra. Tuy nhiên, khi Ngài nhập Niết bàn, không có người có đạo đức và tri thức như Ngài để dìu dắt chúng hội. Từ đó, người ta bắt đầu suy nghĩ, tìm hiểu về Phật.

Mọi người đều có chung suy nghĩ rằng cần góp nhặt lời Phật dạy để truyền trao cho nhau để tu hành. Trong lần kiết tập này, dĩ nhiên không thể trùng tuyên đầy đủ lời Phật dạy, cũng như không được mọi người tán thành hoàn toàn.

Thật vậy, những chứng nhân quan trọng đã từng trực tiếp nghe Phật thuyết pháp như Xá Lợi Phất, hay Mục Kiền Liên không còn hiện diện, các ngài đã nhập Niết bàn. Ngoài ra, lịch sử cũng ghi rõ đại đệ tử thuyết pháp bậc nhất Phú Lâu Na và năm trăm Tỳ kheo không đồng ý với những gì được kiết tập. Các ngài đã rời bỏ cuộc họp đến hang động khác để trùng tuyên lại.

Theo tôi, những gì các vị La hán hiểu và góp nhặt được trong kỳ kiết tập lần đầu chỉ là một phần tư tưởng của Phật. Chính Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại rằng pháp của Ngài nói cho chúng ta chỉ là lá trong tay khô chết, không phải là chân lý. Ý này được xác định trong kinh Văn Thù rằng suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp, Phật chưa nói một lời và kinh Pháp Hoa diễn tả các pháp vắng lặng không thể dùng lời nói để diễn tả. Như vậy, điều Phật nói ra mà Ngài còn khẳng định là phương tiện. Huống chi cái chúng ta nắm bắt phương tiện chỉ là “phương tiện nằm trong phương tiện”, ắt hẳn còn cách xa chân lý Phật hơn nữa.

Dưới nhãn quan của Phật giáo Đại thừa, ý nghĩa tiềm tàng bên trong kinh mà chúng ta cần vận dụng mang lợi ích thiết thực cho đời sống, ví như lá trong rừng. Nó hoàn toàn khác với những gì đóng khuôn trong lời Phật nói, không còn sức sống, giống như nắm lá trong tay.

Đến đây, cần đề cập thêm về vấn đề liên quan đến sự hưng vong của Phật giáo Ấn Độ để hiểu rõ thêm về việc làm tác hại của người theo chủ nghĩa giáo điều. Các nhà sử học đều thắc mắc rằng Phật giáo sinh hoạt mạnh mẽ khi Phật tại thế và đến thời kỳ Phật giáo phát triển, sức sinh động của đạo Phật cũng còn mạnh. Nhưng đột nhiên, Phật giáo bị suy đồi cho đến mất tích ở Ấn Độ. Tại sao lại xảy ra tình trạng tệ hại như vậy; trong lúc ở những nước khác, Phật giáo cũng gặp sự chống phá mạnh mẽ mà vẫn duy trì tồn tại được.

Theo tôi, Thượng tọa bộ thời ấy cứ khư khư giữ nguyên những gì mà họ cho là đúng theo Phật dạy. Họ không chịu nhìn vào thực trạng xã hội để đáp ứng yêu cầu của thời đó, nên đã trở thành đối kháng với Bà la môn giáo. Giáo đoàn sống đóng khuôn trong giáo điều, nên giới trí thức trong xã hội từ từ rời bỏ Phật giáo. Dưới mắt Bà la môn hay xã hội, tu sĩ Phật giáo trở thành những người ăn hại và dần dần bị rơi vào quên lãng.

Trái với chủ trương thoái hóa bị tàn lụn dần của Thượng tọa bộ, giáo nghĩa Đại thừa với tinh thần phóng khoáng, đã dung hóa và thu nhiếp những gì Phật dạy Bà la môn, cư sĩ, hay nói chung cho xã hội phát triển. Vì vậy, giáo nghĩa Đại thừa chẳng những không đối kháng với Bà la môn giáo, mà còn gần gũi lợi ích, nên được họ tiếp thu để phát triển thành tân hưng Bà la môn gọi là Ấn Độ giáo.

Tóm lại, tinh thần cục bộ, tiêu cực của Phật giáo Tiểu thừa đã bị Bà la môn giáo xóa bỏ. Ấn Độ giáo ra đời kết hợp văn minh Vệ Đà với tinh ba của giáo nghĩa Đại thừa. Tinh thần Phật giáo Đại thừa tiềm ẩn trong Ấn Độ giáo ngày nay được thể hiện qua lời phát biểu của cố Thủ tướng Nerhu. Ông tự coi mình theo đạo Phật, mặc dù thực sự ông là tín đồ của Ấn Độ giáo. Hoặc đọc các tác phẩm của triết gia danh tiếng Ấn Độ như Tagore, cũng thấy man mác giáo nghĩa Đại thừa hàm chứa bên trong.

Trở lại vấn đề thời kỳ kiết tập lần đầu của ngài Ca Diếp, chúng ta nhận thấy thời đó chưa soạn thành kinh điển, chỉ truyền thừa bằng cách truyền khẩu. Sau đó, vì trình độ hiểu biết của mỗi người khác nhau, tuy cùng một lời dạy của Phật lại nảy sinh những nhận thức khác biệt. Đó là nguyên nhân phát sinh A Tỳ Đàm hay Luận tạng, tạo thành giáo lý Tam tạng.

Kinh tạng và Luật tạng ghi lại cuộc sống của Phật và lời dạy của Ngài. Luận tạng giải thích lời Phật. Sự giải thích này thay đổi khác nhau tùy theo xuất xứ, hoàn cảnh quốc độ và trình độ nhận thức của từng Luận sư. Từ đó, dẫn đến sự hiểu biết và nhận thức về lời dạy của Phật không đồng nhất, mở đầu cho thời kỳ A Tỳ Đạt Ma phát triển. Nhiều bộ phái Phật giáo được hình thành, nhưng chung quy có hai bộ phái chính là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ.

Thượng tọa bộ gồm những người lớn tuổi, bảo thủ, ít thích cải cách sửa đổi, thường quen sống theo lối mòn cũ, cảm thấy bình ổn hơn. Họ chủ trương y kinh, y luật Phật dạy, không được thêm bớt. Trái lại, Đại chúng bộ gồm lớp người trẻ có tư tưởng tiến bộ, chủ trương kế thừa tư tưởng của Phật, nhưng lấy ý của đại chúng làm chính và tùy theo yêu cầu của đại chúng mà vận dụng, phát triển giáo lý phục vụ đại chúng. Từ căn bản dựa trên ý thức về xã hội, về đại chúng làm chuẩn, khác với chủ trương giáo điều của Thượng tọa bộ, kinh điển của Đại chúng bộ phát triển những điểm mới lạ hơn kinh của Thượng tọa bộ biên soạn.

Tư tưởng của hai bộ phái này bắt đầu lan rộng mạnh mẽ thành hai con đường. Con đường Nam truyền Phật giáo đi xuống phía Nam Ấn Độ và qua Sri Lanka biên soạn thành tạng kinh Pali. Con đường Bắc truyền Phật giáo từ Trung Ấn Độ đi ngược lên phía Bắc, truyền sang Afghanistan, Trung Đông, Trung Á đến Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam.

Tư tưởng của Thượng tọa bộ truyền xuống phía Nam được tiếp nhận đầy đủ nguyên vẹn, vì nơi đây nền văn hóa còn thấp hay chưa có văn hóa. Ngược lại, tư tưởng Phật giáo của Đại chúng bộ từ Trung Ấn lên Bắc Ấn gặp ngay tư tưởng triết học có sẵn thuộc văn hóa Hy Lạp, Ai Cập, La Mã.

Thật vậy, sau Phật nhập diệt bốn trăm năm, Alex­an­der chinh phục Ấn Độ và mang đến tư tưởng Hy Lạp, một nền triết học lớn của nhân loại thời ấy. Chính trong môi trường của văn minh Ấn kết hợp với văn minh Hy Lạp, đã sản sinh ra tư tưởng Phật giáo Đại thừa, tạo nên một cái nhìn mới về Phật giáo dưới dạng triết học.

Đại thừa Phật giáo, hay Phật giáo phát triển chú trọng đến việc vận dụng tinh thần của kinh, diễn tả chân ý của Phật bằng lối văn thời đại. Sách giáo lý diễn tả theo văn xưa không còn thích hợp, được thay bằng kinh điển Đại thừa đương đầu với tư tưởng ngoại đạo. Đó là chân tinh thần Phật giáo phát triển, truyền bá đến nơi nào cũng tiếp thu những nét sáng đẹp của văn hóa địa phương để phát triển tinh ba của địa phương ấy. Sức sống của Phật giáo phát triển giống như dòng nước ngọt trôi chảy đến mọi nơi, nuôi sống cây cỏ xanh tươi mà không tàn phá những kỳ hoa dị thảo.

Với sự hài hòa tốt đẹp, Phật giáo Đại thừa hay Phật giáo phát triển lần lần khác biệt Phật giáo gốc, đặt giá trị truyền thừa Phật giáo trên tinh thần hơn là kế thừa hình thức. Phát triển nội dung và xóa bỏ hình thức chính là nguyên nhân phát xuất bộ kinh Duy Ma cũng như kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa.

Theo sự nghiên cứu lịch sử, những bộ kinh này thực sự được hình thành vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Vì vậy, các học giả thế giới không cho rằng kinh này do Phật nói ra và ngài A Nan kiết tập để lại cho chúng ta. Ngày nay, các học giả đều đồng ý rằng kinh điển Đại thừa được biên soạn sớm nhất trước công nguyên một trăm năm. Có người dựa vào đây để chỉ trích kinh Đại thừa không phải của Phật.

Tuy nhiên, có thể kết luận rằng Tam tạng kinh điển của Phật dù thuộc hệ Nam truyền hay Bắc truyền đều không phải ghi nhận một cách chính xác trực tiếp từ lời nói của Phật. Ý kinh thuộc về phần thuyết giảng của Phật, nhưng văn kinh do người đời sau ghi lại. Mỗi khi thuyết pháp, Phật ứng theo căn cơ, trình độ, hoàn cảnh địa phương mà nói pháp khác nhau. Trong chúng hội, người nghe pháp trình độ không đồng, nên sức tiếp thu và ghi nhận phải khác nhau, là điều tất yếu.

Kinh thuộc hệ Nam truyền với lối văn mộc mạc, bình dân diễn tả sự kiện thực tế hơn. Kinh điển của Phật giáo phát triển thì văn lý hàm chứa ý nghĩa sâu sắc và chải chuốt, rất linh hoạt như kinh Hoa Nghiêm có đến bốn mươi lăm ngàn bài kệ.

Ngoài ra, xây dựng trên tinh thần phát triển nội dung, Phật giáo Đại thừa thường chia giáo lý Phật thành hai phần là Phương tiện môn và Chân thật môn. Giáo lý thuộc Chân thật môn không thể dùng ngôn ngữ diễn tả. Phật cũng thường nhắc trong kinh Pháp Hoa rằng các pháp tướng thường tự vắng lặng, chỉ có thể dùng tâm mà trực nhận. Chính vì sự khó khăn trong việc chỉ dạy cũng như trực nhận chân thật pháp, Phật khởi lòng đại bi, tạm dùng giáo lý phương tiện. Phật thường ví pháp phương tiện đó như nắm lá trong tay đã rời khỏi sự sống. Sự hiểu biết và diệu dụng của Ngài như lá trong rừng luôn xanh tươi theo bốn mùa.

Tinh thần Đại thừa nhằm triển khai sức sống của lá trong rừng. Hay nói cách khác, nhìn sự vật hiện hữu, sinh hoạt đúng như thời đại và phân tích, vận dụng giáo lý cho phù hợp với xã hội đang sống. Còn giáo pháp Phật thuyết ra chỉ là phương tiện hướng dẫn chúng ta tiếp cận chân ly. Phát huy tinh thần này, Phật giáo Đại thừa cố gắng tìm hiểu ý nghĩa sâu xa hàm chứa bên trong lời nói của Phật, cố diễn tả chân ý của Phật. Quan niệm bảo thủ thì chỉ ghi nhận lời Phật và luôn luôn trân trọng giữ nguyên, không thay đổi.

Người thể hiện tinh thần tìm hiểu nghĩa lý thâm sâu của kinh điển Đại thừa một cách chân thành là Trần Huyền Trang. Ngài là Pháp sư đời Đường, mà vua Đường Thái Tông quý mến, nhận làm em. Ngài tha thiết với việc tìm hiểu chân ý của giáo pháp Đại thừa, đã vượt mọi khó khăn, hiểm nguy gian khổ sang Ấn Độ cầu pháp.

Trước ngài, kinh Duy Ma đã có năm bản và bản gần nhất của ngài Cưu Ma La Thập dịch, cách ngài một trăm năm. Ngài Huyền Trang cảm nghĩ kinh Duy Ma còn hàm chứa nhiều nghĩa sâu xa bên trong mà Cưu Ma La Thập chưa dịch được. Vì Cưu Ma La Thập là người Quy Tư, nên không hiểu rõ văn Trung Quốc, phải nhờ Tăng Duệ, Tăng Triệu sửa kinh, thì ý không còn đúng nữa. Điều này thôi thúc ngài Huyền Trang ra đi tìm áo nghĩa kinh, trải qua mười bảy năm ở Ấn Độ. Trở về, ngài dịch lại bản kinh Duy Ma có tính cách học thuật. Bản của ngài Cưu Ma La Thập dịch mang tính chất tín ngưỡng.

Học giáo lý Đại thừa không nắm được chân ý của kinh, chúng ta dễ thế tục hóa hay không tưởng hóa đạo Phật, trở thành xiển đề. Chính Phật cũng xác định rằng Ngài hiện hữu trên cuộc đời để dìu dắt chúng sanh từ bờ mê đến bến giác. Và kinh không phải là cứu cánh, chỉ là phương tiện nhằm chuyển đổi ta từ con người phàm phu vô minh trở thành bậc sáng suốt. Tất cả kinh Đại thừa nói chung đều thể hiện tính chất này rõ rệt và kinh Duy Ma cũng không nằm ngoài mục tiêu ấy.

II. VỊ TRÍ CỦA KINH DUY MA CẬT TRONG HỆ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

Kinh Duy Ma là bộ kinh Đại thừa có sớm nhất, phát sinh từ ngả rẽ của bộ phái Phật giáo và mười điều phi pháp ở thành Tỳ Xá Ly.

Nguyên vì Đức Thế Tôn diệt độ sau khoảng một trăm năm, các vị Tỳ kheo xuất thân từ dòng họ Tỳ Xá Ly đề xướng ra mười hành vi chủ trương là thích hợp với giới luật của Tỳ kheo. Mười hành vi đó như sau:

  1. Diêm tịnh: Căn cứ vào giới luật, các Tỳ kheo không được để đồ ăn cách đêm. Nghĩa là các thứ đồ ăn thông thường không được để đến ngày hôm sau rồi lại ăn. Nhưng nếu đồ ăn đó đem ướp với muối, thì vẫn có thể được dùng ngày hôm sau.
  2. Chỉ tịnh: Về bữa ăn của Tỳ kheo phải ở lúc chính ngọ. Nếu đúng lúc đang đi giữa đường, thì bữa ăn có thể được dùng ở quá giờ ngọ một chút, nghĩa là mặt trời đã xế bóng chừng độ hai chủ (mỗi chủ một thước năm tấc ta).
  3. Tụ lạc gian tịnh: Tỳ kheo sau khi ăn rồi, nếu ở trước giờ ngọ, tới chốn tụ lạc khác xin được thức ăn, vẫn có thể được thụ dụng.
  4. Trụ xứ tịnh: Một tháng hai kỳ các Tỳ kheo phải tụ tập ở một trụ xứ nào đó để làm lễ Bố tát. Nếu trụ xứ quá hẹp, có thể được phân chia làm hai nơi để làm lễ Bố tát.
  5. Tùy ý tịnh: Quyết nghị của đoàn thể xuất gia cần phải toàn viên tận tập để giải quyết. Nếu trường hợp không thể xuất tịch được, sau khi giáo đoàn quyết nghị, sẽ có thể đem những quyết nghị đó thông cáo sau.
  6. Cửu trụ tịnh: Có thể noi theo vào tiền lệ, nghĩa là noi theo thể lệ của người trước đã làm.
  7. Sanh hòa hợp tịnh: Sau giờ ngọ, các Tỳ kheo không được ăn phi thời, nhưng có thể được dùng nước hòa lẫn với sữa, không cần phải để sữa lắng xuống.
  8. Bất ích lũ ni sư đàn tịnh: Tọa cụ của Tỳ kheo kích thước bề dài, bề rộng phải theo đúng như quy định trong giới luật. Nếu là tọa cụ không có viền xung quanh, có thể được dùng quá khuôn khổ đã định.
  9. Thủy tịnh: Tỳ kheo không được uống rượu, nhưng vì trường hợp bệnh hoạn, dùng để làm thuốc, có thể pha lẫn với nước để uống.
  10. Kim tiền tịnh: Tỳ kheo vốn dĩ không được cầm tiền. Nếu bất đắc dĩ, có thể được cầm tiền bạc và xúc tích tiền bạc.

Mười điều trên thực ra vi phạm giới luật. Đứng về phương diện nghiêm khắc của giới luật mà giải thích là phi pháp. Nhưng đứng về mặt khoan đại mà giải thích, thì thích hợp với giới luật.

Các Tỳ kheo ở phương Đông đứng về phe tự do mà giải thích, nên dung hứa mười điều kể trên. Trong lúc đó, ở phương Tây có một học giả tinh thông giới luật là trưởng lão Da Xá du hành tới thành Phệ Xá Ly, gặp ngài Bố tát. Ngài nhận thấy các Tỳ kheo thuộc dòng Tỳ Xá Ly khuyến hóa tín đồ cúng dường tiền bạc. Ngài rất kinh ngạc.

Vì can ngăn việc đó, ngài đối trước tín đồ mà tuyên cáo: “Việc Tỳ kheo cầm tiền và nhận tiền là một cấm giới nghiêm trọng trong giới luật!”, để cảnh cáo các Tỳ kheo.

Các Tỳ kheo cho rằng trưởng lão Da Xá làm phương ngại sự cúng dường của tín đồ và lăng mạ đại chúng. Họ bắt ngài phải xin lỗi trước đại chúng và tín đồ. Nhưng ngài không nghe theo, trốn vào thành, đối trước dân chúng công nhiên phát biểu mười hành vi phi pháp như trên. Đại chúng thấy vậy liền tập Tăng tác pháp sấn xuất (đuổi ra khỏi chúng, theo luật Phật, nếu một Tỳ kheo nào đem lỗi xấu của đại chúng công bố trước tín đồ sẽ bị xuất chúng).

Trưởng lão Da Xá trở lại phương Tây, cảm thấy giới luật của Phật bị suy tàn. Ngài quyết đi vận động các bậc trưởng lão để giải quyết mười điều phi pháp. Các trưởng lão kết luận mười điều kể trên là phi pháp.

Ngược lại, các Tỳ kheo thuộc Đông bộ không phục tùng nghị quyết này. Họ cùng nhau hội họp tại nơi khác và cũng để kiết tập kinh điển, gọi là Đại kiết tập hay Đại chúng kiết tập.

Trích “Lược sử Phật giáo Ấn Độ” trang 89 của Hòa thượng Thích Thanh Kiểm

Có thể nói kinh Duy Ma là cái nôi của Đại thừa Phật giáo, kiến giải giáo lý theo chân tinh thần Đại thừa “Mang đạo vào đời làm sáng đẹp cho đời, mà không bị đời làm ô nhiễm”.

Thật vậy, kinh Duy Ma phát xuất từ cách nhìn khách quan về xã hội. Bằng trí Bát Nhã của hệ Đại thừa rọi vào lòng xã hội sau Phật nhập diệt một trăm năm, tư tưởng Duy Ma đã ra đời tại thành Tỳ Xá Ly và manh nha phát triển trong giới trí thức. Đứng trên lập trường Bát Nhã quán chiếu sự vật đúng như thật, Đại chúng bộ nhận thấy thành Tỳ Xá Ly là trung tâm giao lưu về tư tưởng, văn hoa, thương mại. Nơi đó có năm trăm trưởng giả thuộc thành phần giàu có, trí thức. Họ là những người ưu tú nồng cốt của xã hội không thể chấp nhận tôn giáo mang tính chất lạc hậu; cũng như ngày nay hình thức khất thực không tồn tại được ở các nước văn minh.

Sự quan sát chính xác của Phật giáo Đại thừa về hiện thực xã hội ở thành Tỳ Xá Ly ngày nay được chứng minh rõ rệt. Theo khảo chứng căn cư vào Đại Đường Tây Vực thuật ký của ngài Huyền Trang, các nhà khảo cổ tìm thấy nền nhà của Duy Ma và trưởng giả Bảo Tích, cùng các dấu vết lưu lại của một thành phố trù phú.

Sinh hoạt trong môi trường của nền văn hóa giao lưu, những nhà Phật giáo Đại thừa nhận chân được thực trạng của Phật giáo đang đổ dốc trong một xã hội phát triển với tư tưởng văn minh của Hy Lạp truyền xuống, cộng thêm lý luận sắc bén có sẵn lâu đời của giáo lý Vệ Đà. Vậy mà các vị trưởng lão thuộc Thượng tọa bộ lại còn quá câu nệ hình thức, tự sống khép mình trong vỏ giới luật cứng nhắc. sinh hoạt tôn giáo đối với họ chỉ đóng khuôn vào công việc lập đi lập lại một cách đơn thuần, máy móc, là đi khất thực và truyền bá những giáo điều không còn thích hợp với xã hội văn minh.

Đối trước những tệ trạng đó, những nhà tâm huyết Đại thừa thao thức cho sự sống còn của Phật giáo. Trước trào lưu tiến hóa của xã hội, họ đã vận dụng tôn chỉ của Phật cho phù hợp với thời đại. Văn minh loài người tiến đến đâu, tri thức của Phật giáo mở rộng và chỉ đạo cho sinh hoạt thế gian đến đó. Nếu tri thức của giới Phật giáo thấp hơn xã hội, thì sẽ bị nhận chìm. Tư tưởng Duy Ma được hình thành theo tinh thần này.

Vì vậy, có thể nói kinh Duy Ma khởi đầu cho sự duy tân Phật giáo. Bộ kinh này tổng hợp toàn bộ nhận thức của cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa. Tuy nhiên, chỉ lọc lấy những phần cốt tủy của kinh và loại bỏ phần không cần thiết.

Theo lối kiến giải mới về giáo lý Đại thừa, kinh Duy Ma được xếp vào thời kỳ chỉnh lý giáo lý của Phật. Từ giáo lý khô chết sống đóng khuôn, không ích lợi gì cho xã hội, kinh Duy Ma rút ra những điểm tinh ba đem trang nghiêm cho thân tâm chúng ta để thăng hoa cuộc sống. Và rộng hơn nữa, rọi giáo lý Giác ngộ vào lòng xã hội để kiến tạo xã hội văn minh, hạnh phúc, tức xây dựng một Tịnh Độ ngay trên nhân gian.

Công việc chỉnh lý được thể hiện qua nội dung kinh bằng sự kiện mười đại đệ tử của Phật tiêu biểu cho mười vị Thanh văn xuất gia đều không dám đến thăm bệnh cư sĩ Duy Ma. Họ không dám đến, vì quá nể sợ nhận thức rộng lớn của Duy Ma đã đánh ngã kiến giải thấp kém của họ.

Kinh Duy Ma mượn hình ảnh mười đại đệ tử bị một cư sĩ vấn nạn để diễn tả sự thao thức của Đại chúng bộ, hay nói chung tâm trạng của hàng Tăng lữ sau khi Phật nhập Niết bàn. Họ bước chân vào đời chạm trán với thực tế phũ phàng. Làm thế nào truyền đạo, giữ vững tư cách làm Thầy của thiên hạ, khi họ phải đối đầu với người trí thức thế gian vượt hẳn giới xuất gia về mọi lãnh vực.

Kinh Duy Ma vẽ ra câu chuyện mười đại đệ tử của Phật đã trả lời một cách lúng túng những câu hỏi của cư sĩ Duy Ma, hay phải chịu thua, cúi đầu im lặng. Ý này gợi cho chúng ta hình dung cuộc sống của tu sĩ đóng khuôn trong lớp vỏ tôn giáo, mà không sử dụng được kho tàng giáo lý của Phật quá diệu dụng, trong khi xã hội mỗi ngày một tiến triển nhanh chóng, không ngừng. Nếu cứ tiếp tục lối sống lạc hậu, quay lưng lại với xã hội, đi ngược lại đà phát triển của văn minh nhân loại, chẳng bao lâu Phật giáo sẽ bị tự đào thải ra khỏi cuộc đời.

Trước mối ưu tư đó, giai tầng trí thức chủ trương phải tổ chức lại Phật giáo có một hướng đi rõ rệt, cao thượng và lợi ích thiết thực trên nhân gian. Và kinh Duy Ma xây dựng trên tinh thần này đã hình thành hai mẫu người lý tưởng của đạo Phật: Một mẫu người tiêu biểu cho giới tu sĩ là Văn Thù Sư Lợi Bồ tát và một người gương mẫu đại diện cho giới cư sĩ tại gia tu hành đúng pháp, thể hiện được trí huệ sáng suốt, đời sống đạo đức, làm sáng đẹp cho đạo và đời. Cả hai mẫu người xuất gia và tại gia như vậy đều có giá trị ngang nhau. Tuy hai sắc thái nhưng là một, đưa đến kiến giải cao nhất của giáo lý Đại thừa là Pháp môn Bất Nhị. Theo pháp Bất Nhị, những gì còn chia chẻ, còn phân biệt được, thì còn nằm trong vòng đối đãi của pháp sanh diệt thế gian.

Việc vấn đáp với cư sĩ Duy Ma, tất cả đại đệ tử của Phật đều thất bại, ngoại trừ Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. Văn Thù tiêu biểu cho giới xuất gia có tri thức tuyệt vời đã đối đáp trôi chảy mọi thắc mắc của cư sĩ. Hình ảnh này gợi nhắc hàng tu sĩ chúng ta muốn giáp mặt với đời, giáo hóa chúng sanh, ngoài đời sống phạm hạnh cao quý, còn phải trang bị sự hiểu biết chính xác. Với kiến thức thế gian và siêu thế gian, chúng ta chỉ đạo mọi việc thành công. Thực hiện được điều này, tự động xóa bỏ được sự chỉ trích tu sĩ là lớp người ăn bám.

Hình ảnh kiểu mẫu thứ hai hộ trì Chánh pháp thể hiện qua cư sĩ Duy Ma. Ngài sử dụng trí huệ sáng suốt, tùy theo hoàn cảnh và tùy theo người mà hiện thân tương ưng để mang đến an vui lợi lạc. Việc làm của Duy Ma gợi nhắc hàng cư sĩ rằng tuy lăn lóc trên mọi nẻo đường đời, nhưng tâm phải luôn hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, giống như như hoa sen vẫn tỏa hương thơm ngát trong vũng bùn nhơ. Cư sĩ mang tinh thần Duy Ma lấy trí huệ và tâm từ bi làm hành trang xây dựng cho chính mình và người cùng thăng hoa, tạo dựng một xã hội an lạc giải thoát.

Tóm lại, hai hình ảnh Văn Thù và Duy Ma là hai mẫu người mô phạm lý tưởng duy trì và bảo vệ Chánh pháp còn mãi trên thế gian. Nối gót theo các ngài trên bước đường tu, đi theo lộ trình của kinh Duy Ma, chúng ta không an trú Niết bàn, cũng không trước sanh tử, phải giải thoát ngay trên cuộc đời này. Nghĩa là với trí Bát Nhã quán sát, chúng ta không theo đuổi con đường hoàn toàn thế tục nhiễm ô, nhưng cũng không đi trên thánh đạo xa lánh cuộc đời.

Chúng ta bước theo Trung đạo, tức con đường xây dựng thế giới Giác ngộ, tình thương và hạnh phúc ngay trong lòng thế gian. Thành tựu được như vậy, chúng ta xứng đáng là người kế thừa của Phật hiện hữu trên cuộc đời chỉ nhằm mang ánh sáng trí huệ và phước lạc đến cho mọi người.

III. PHIÊN DỊCH VÀ CHÚ SỚ KINH DUY MA CẬT

Kinh Duy Ma nguyên tên là Vimalakirti Nird­esa được lưu truyền từ Ấn Độ sang Tây Vực, Trung Quốc, Tây Tạng, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Đặc biệt về mặt tư tưởng, giáo lý đã biểu hiện điểm đặc sắc về văn học cho đến nghệ thuật, cũng như xã hội cho đến lịch sử giáo hội, mà ngày nay hãy còn được chú ý.

Tư tưởng Duy Ma là căn bản cho tư tưởng Trung đạo của Long Thụ và cũng là căn bản cho giáo nghĩa của các tông phái như Tịnh Độ tông, Mật tông, Địa Luận tông, Thiên Thai tông, Thiền tông, Pháp Tướng tông. Tuy nhiên, đến nay thông thường người ta vẫn xem kinh này là của Thiền tông. Và thực tế thì về mặt sắc bén của giáo lý, kinh này đã phát huy được tánh đại biểu về Thiền tông của Phật giáo Đại thừa. Do đó, kinh Duy Ma quan hệ chặt chẽ với Thiền tông qua suốt các quá trình truyền bá. Điều đó thấy rõ nhất ở Trung Quốc, Triều Tiên. Sau đây lược qua các điểm chủ yếu:

  • Tư tưởng Trung đạo: Đây là ý nghĩa bao quát toàn bộ kinh, thực hành tư tưởng này là “Hạnh Bồ tát” như được hiển thị trong “Tận, vô tận giải thoát”, “Bất tận hữu vi, bất tận vô vi”. Toàn thể kinh toát ra tính chất của hạnh Bồ tát, đặc biệt được nói rõ trong nửa phẩm Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thăm bệnh và phẩm Bồ tát đạo.
  • Tinh thần giới luật: Các vấn đề “Tọa cụ” tác pháp trong khi ăn, vấn đề nam nữ căn để phát xuất từ bản vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni của Tiểu thừa giới tiến triển đến Đại thừa giới, hoặc Bồ tát học xứ. Vì kinh Duy Ma xuất hiện trong bối cảnh sau Phật nhập diệt một trăm năm. Đó là lúc mà giáo đoàn khởi xướng tư tưởng cải cách, nên kinh Duy Ma mang tinh thần phóng khoáng để triển khai vấn đề giới luật theo nghĩa của Niết bàn và Phật tánh luận.

Kinh Duy Ma được phiên dịch ra Hán văn trước sau sáu lần, hiện còn ba bản dịch sau:

  • Chi Khiêm triều Đông Ngô (229~280) dịch “Phật Thuyết Duy Ma Cật Kinh” hai quyển.
  • Cưu Ma La Thập triều Hậu Tần (384~417) dịch “Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh” ba quyển.
  • Huyền Trang triều Đường (618~907) dịch “Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh” sáu quyển.

Trong đó bản dịch của La Thập được phổ biến và truyền bá sâu rộng hơn cả. Về vấn đề nghiên cứu kinh Duy Ma hiện nay, vì nguyên bản tiếng Phạn không tìm thấy, nên ngoài bản dịch tiếng Tây Tạng, chủ yếu đều lấy Hán dịch làm cơ sở.

Về chú sớ, có thể nói “Chú Duy Ma” của Tăng Triệu (378~414) cho đến nay vẫn được coi là tác phẩm tiêu chuẩn về giải thích kinh Duy Ma.

Ngoài ra, có “Duy Ma Kinh Sớ” gồm quảng sớ và lược sớ của Thiên Thai (538~597), “Duy Ma Kinh Nghĩa Ký” của Tịnh Ảnh (523~592), “Tịnh Danh Huyền Luận” của Gia Tường (549~623), “Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh Sớ” của Từ Ân (632~674) và “Duy Ma Kinh Nghĩa Sớ” của Thánh Đức thái tử (574~622) là những tác phẩm đại biểu. Trong số các tác phẩm chú sớ kể trên chỉ có Từ Ân sử dụng bản tân dịch, còn ngoài ra đều dựa vào bản cựu dịch của La Thập.

Gần đây, kinh Duy Ma đã bốn lần được dịch sang tiếng Âu Mỹ. Lần thứ nhất năm 1897 và 1898, Đại Nguyên Gia Cát đã dịch ra Anh văn, đăng tải liên tục trong The Hansei Zasshi.

Lần thứ hai do Hòa thượng Tuyền Phương Hoàn dịch ra Anh văn, đăng tải liên tục trong Eastern Buddhist hoàn toàn dịch xong mười bốn phẩm.

Lần thứ ba, giáo sư Ja­cob Fischer của Trường phổ thông Trung học Nii­gala, năm Chiêu Hòa thứ 19 với sự cộng tác của Hoàng Điền Vũ Tam đã dịch ra tiếng Đức.

Lần thứ tư, năm Chiêu Hòa thứ 37, giáo sư Etienne La­motte dùng bản dịch tiếng Tây Tạng và tham chiếu bản Hán dịch của Huyền Trang đã dịch ra tiếng pháp. Tên các dịch bản kể trên như sau:

  • Bản dịch của Đại Nguyên: The Vimalakirti Nirdesa Sutra (The discourse of the Wonderous Law of Emancipation).
  • Bản dịch của Tuyền Phương: The Vi­mala-kirti Sutra, Vimalakirti’s Discourse on Eman­ci­pation.
  • Bản tiếng pháp: L’Enseignement du Vi­malakirti (Vimalakirtinirdésa).

Riêng bản sau cùng của Lamotte có sử dụng đối chiếu Tây Tạng và bản Hán của Huyền Trang đã dịch và chú giải (Traduite et Annotée).


66b95280279eec88f2c6c3d3d4af3e58

Hòa thượng Thích Trí Quảng (1938~)