Skip to content

Nội dung kinh Hoa Nghiêm – Dẫn nhập

大方廣佛華嚴經

GIỚI THIỆU & LỊCH SỬ


I. KHÁI NIỆM VỀ LỊCH SỬ KINH HOA NGHIÊM

Về mặt học thuật, chúng ta học lịch sử phần lớn căn cứ vào dữ liệu mà người trước đã ghi lại để đánh giá. Nhưng đứng ở lãnh vực tôn giáo để quan sát, chúng ta lại có nhận thức về lịch sử khác hơn là những điều được các nhà học thuật ghi nhận.

Thật vậy, muốn học lịch sử của kinh Hoa Nghiêm hay lịch sử Phật giáo Đại thừa, chúng ta phải có tinh thần Đại thừa. Tâm hồn Đại thừa mới có thể tiếp thu giáo nghĩa Đại thừa. Phàm phu thì say đắm ngũ dục thế gian, an phận trong sanh tử luân hồi. Chúng ta tự khẳng định là nhà tôn giáo thì phải có tâm hồn thoát tục, tìm lẽ sống cao thượng theo như Phật dạy.

Chúng ta cũng không giống nhà học thuật, vì họ chỉ nghiên cứu Phật học, còn cuộc sống không dính líu gì đến pháp Phật mà họ am tường. Trong đạo thường dùng câu: “Người uống nước, tự biết mùi vị của nó như thế nào”. Cũng vậy, người an trụ trong pháp mầu của Như Lai, tụng niệm, tham thiền, lễ bái với tất cả tấm lòng, mới hiểu được thế giới Phật.

Điều tôi muốn truyền trao, hướng dẫn các anh em trở thành nhà tôn giáo thật trong tương lai, mới hiểu được thế nào là lịch sử Phật giáo Đại thừa. Từ sự hiểu biết theo học thuật thông thường, tiến lên một bước nữa để hiểu lịch sử Đại thừa Phật giáo theo tinh thần của người tu có niềm tin, có trí huệ. Và bước sang lịch sử kinh Hoa Nghiêm, chúng ta phải phát Bồ đề tâm. Có thể nói chúng ta học Đại thừa bằng Bồ đề tâm của chính mình, không học bằng vọng thức. Tôi nói và các anh em tiếp nhận tinh ba của giáo nghĩa bằng tâm hồn thanh tịnh, không phải chỉ dừng lại ở sự phân tích, học hiểu theo văn tự, ngữ ngôn.

Kinh Hoa Nghiêm có ba bộ. Bộ thứ nhất gọi là đại Hoa Nghiêm do Pháp thân Tỳ Lô Giá Na chuyển. Bộ thứ hai là trung Hoa Nghiêm do Báo thân Lô Xá Na chuyển và bộ thứ ba do Ứng thân Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết. Như vậy, kinh Hoa Nghiêm có cái nhìn về Đức Phật khác hơn các hệ tư tưởng khác và đương nhiên cũng khác với lịch sử thông thường mà chúng ta học.

Cả ba bộ kinh này đều ở cung rồng Ta Kiệt La. Nhưng hai bộ đại kinh và trung kinh quá đồ sộ, không thể mang về, nên ngài Long Thụ Bồ tát chỉ thỉnh được bộ tiểu Hoa Nghiêm gồm có một trăm ngàn bài kệ. Và mang về nhân gian, Ngài lọc lại, chỉ còn một nửa là bốn mươi lăm ngàn bài kệ.

Bộ tiểu Hoa Nghiêm mà ngài Long Thụ đem về, rồi truyền sang Trung Quốc, được dịch ra tiếng Trung Quốc và còn lại ngày nay hai bộ. Bộ Hoa Nghiêm sáu mươi quyển do ngài Giác Hiền dịch đời Tấn và bộ tám mươi quyển dịch ở đời Đường, dưới sự bảo trợ của Tắc Thiên hoàng đế, quen gọi là Võ Hậu.

Bộ kinh Hoa Nghiêm chúng ta học chủ yếu nương theo bộ kinh đời Đường. Kinh Hoa Nghiêm do Báo thân viên mãn Lô Xá Na và kinh do Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật chuyển thì chúng ta không thấy được Báo thân và Pháp thân Phật, nên không thể nghe, không thể đọc và không hiểu được. Điều này gợi cho chúng ta khi học Phật pháp, nhất là học Đại thừa, đòi hỏi ta học, hiểu và sống hoàn toàn mang tính chất Đại thừa. Việc này không đơn giản, vì chúng ta phải có quá trình thiết thân thể nghiệm pháp trong cuộc sống.

Chúng ta có thể học văn hóa, lịch sử dễ dàng, nhưng học Phật giáo thì phải học bằng niềm tin của chính mình. Và niềm tin cũng không thể nhồi nhét hay cưỡng bức mà có được. Có thể có bằng cấp Phật học, nhưng thiếu niềm tin, không thể trở thành nhà truyền giáo, chỉ là học giả.

Điều tiên quyết đối với người tu là bước đầu học Phật bằng niềm tin. Học, hiểu và sống được với pháp Phật và niềm tin phát xuất từ việc chúng ta tiếp xúc với bên ngoài, tức phương tiện hay học được pháp của Phật ứng hóa thân thuyết.

Đối với người theo tinh thần Đại thừa Phật giáo, nhất là học kinh Hoa Nghiêm hay Pháp Hoa, Phật là Phật đã thành hiện thân lại làm người ở nhân gian và từ thân người này, Ngài tu thành Phật để hướng dẫn chúng ta đi theo lộ trình của Ngài, đó là Ứng thân Phật.

Nhờ nghe Phật Ứng thân Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, chúng ta lần thâm nhập, thấy được Báo thân Phật, mới phát hiện được con người thật của chính mình, gọi là Báo thân. Bằng Bồ đề tâm của con người thật của chính mình nghe Báo thân Phật thuyết pháp mà tự Giác ngộ; ta trở thành Pháp thân Phật, biết được Pháp thân Phật thuyết cho ta nghe.

Như vậy, chúng ta học Phật trải qua ba giai đoạn. Trước tiên, ta học pháp của Ứng thân Phật thuyết là mười hai bộ kinh Phật đều là phương tiện. Đến đây, chưa đủ, vì chỉ mới thông qua hình thức. Cần bước sang giai đoạn hai quan trọng hơn, đó là phát Bồ đề tâm.

Bồ đề tâm là trí giác, từ trí giác quán sát điểm cuối cùng của mười hai phần giáo theo Đại thừa là Phương Đẳng, hay Phương Quảng. Phương Đẳng chỉ cho Phật Báo thân và Phương Quảng chỉ cho Phật Pháp thân, không thể vói tới bằng vọng thức.

Những điều ta học, suy nghĩ, lãnh hội, nói hay chưa phải là đạo. Đó chỉ là phương tiện ban đầu để ta bước vào hành trình tâm linh, thấy theo Hoa Nghiêm. Theo đó, chúng ta thấy sự đa dạng của phần bên trong mỗi người, mỗi loài, tạo thành lục đạo, tứ sanh, cho đến thế giới của Hiền thánh, Bồ tát, Như Lai. Những điều này chúng ta học được từ Phật Thích Ca Mâu Ni, từ những lời dạy của Ngài còn lưu lại.

Nhưng tiến hơn, những điều chúng ta học từ Báo thân Phật thuyết pháp là những gì Phật đã làm và để lại cho loài người, giữ cho Phật pháp tồn tại lâu dài, lợi lạc cho nhơn thiên. Và cao hơn là Pháp thân Phật chuyển, gồm có vi trần bài kệ. Mọi việc, mọi sự sống, mọi hành động của chúng ta đều thể hiện Pháp thân Phật. Những gì chúng ta làm, tư duy và có kết quả là Pháp thân Phật thuyết. Không phải Pháp thân là cái vô hình nào thuyết.

Hiểu kinh Hoa Nghiêm là từ văn tự đi vào tư duy, vào thiền định, phát sanh được trí huệ và dùng trí huệ quán sát mọi sự, mọi vật. Kinh Hoa Nghiêm dẫn chúng ta vào Pháp giới, hay nhìn thế giới chân thật. Và biết được việc ở dạng chân thật, thì ta không còn lỗi lầm trên sinh hoạt hiện tượng của cuộc đời. Kinh Hoa Nghiêm muốn dạy ta cốt lõi ấy.

Theo phán giáo của ngài Trí Giả, Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm trong hai mươi mốt ngày. Chỉ có hai mươi mốt ngày ngắn ngủi, làm sao Phật nói được vô lượng bài kệ gọi là vi trần; trong khi các bộ kinh khác, Đức Phật nói trong thời gian dài hơn mà lại không nhiều.

Phật nói Hoa Nghiêm hai mươi mốt ngày trong thiền định. Hai mươi mốt ngày của cuộc sống vật chất theo đời thường tất nhiên quá ngắn ngủi; nhưng hai mươi mốt ngày tư duy thiền định thiết nghĩ thật lớn lao không thể tánh được. Ai không hành đạo, không công phu tu tập, không thể nào biết được điều này. Một niệm tâm trong thiền định, Bồ tát cứu độ được vô số chúng sanh. Ngài Thiên Thai chứng được ba ngàn pháp biến dịch trong một niệm tâm. Và ba ngàn pháp này tác động lẫn nhau, tạo thành trùng trùng duyên khởi theo Hoa Nghiêm.

Hai mươi mốt ngày Phật tư duy dưới cội Bồ đề lại càng lớn không thể tưởng, vì hoạt động dưới dạng Pháp thân, trở thành đại tự nhiên. Tư duy bằng vọng niệm chẳng là bao; nhưng tư duy dưới cội Bồ đề nghĩa là ở dạng bản thể của sự vật, ở chơn như tâm thì Phật, chúng sanh và tâm, tuy ba nhưng thông làm một.

Từ Bồ Đề đạo tràng, Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm trong hai mươi mốt ngày, nhưng thuyết được tất cả. Thuyết tất cả, nghĩa là thuyết những gì xảy ra từ khi Ngài phát tâm Bồ đề và giáo hóa chúng sanh cho đến ngày thành Phật. Và hiện giờ, Ngài đang tiếp tục giáo hóa. Tất cả mọi người trên khắp năm châu bốn biển vẫn đang tiếp tục học pháp với Tỳ Lô Giá Na Phật, là ý nghĩa quan trọng nhất của lịch sử kinh Hoa Nghiêm theo tinh thần Đại thừa. Thật vậy, Đức Phật vẫn còn giáo hóa và hộ niệm cho chúng ta, chúng ta mới tu học được. Nếu không có lực gia trì đó, Phật pháp không thể tồn tại đến ngày nay.

Thái độ của người học Phật giáo Đại thừa nói chung và lịch sử kinh Hoa Nghiêm nói riêng, là phải thấy cái bao la vô cùng tận, cái chúng ta hiểu được giống như con muỗi uống nước biển. Tôi thấm thía ý này trong kinh Pháp Hoa dạy rằng khi nào tu tròn hạnh Bồ tát, thành Phật mới hiểu được Phật. Vì vậy, cho rằng học hết giáo lý là xong, quả là sai lầm lớn.

Trên tinh thần bao la vô tận của Phật pháp, chúng ta phải nhận ra sự thọ mạng Phật pháp tồn tại thường hằng miên viễn ở dạng Pháp thân vĩnh hằng bất tử. Đức Phật chỉ phương tiện hiện Niết bàn, nhưng kỳ thật Ngài vẫn hiện hữu ở khắp mọi nơi, ở bên cạnh chúng ta trong từng niệm tâm.

II. LỊCH SỬ TRUYỀN THỪA VÀ PHÁT TRIỂN KINH HOA NGHIÊM

Kinh Hoa Nghiêm phát xuất từ Ấn Độ, nhưng được phát triển mạnh ở Trung Quốc, Nhật Bản. Thật vậy, theo sự nghiên cứu, kinh Hoa Nghiêm chỉ còn tìm thấy rải rác trong vài tác phẩm ở Ấn Độ. Đó là bộ Đại Trí Độ luận của ngài Long Thụ có dẫn dụng kinh Hoa Nghiêm và những tác phẩm chú sớ như Thập Trụ Tỳ Bà Sa luận, hoặc Thập địa Kinh luận giải thích về hai phẩm là “Thập Trụ” và “Thập Địa” của kinh. Như vậy, chỉ có một phần nhỏ của kinh được truyền thừa; còn toàn bộ kinh Hoa Nghiêm không có. Tuy nhiên, về sau, kinh Hoa Nghiêm được truyền sang Trung Quốc có ba bộ, nhưng đều phát xuất từ nước Vu Điền của Trung Á (ngày nay thuộc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc). 

Kinh Hoa Nghiêm mang về Trường An, đến đời Tấn thì ngài Phật Đà Bạt Đà La (Giác Hiền) là người đầu tiên dịch sang tiếng Trung Quốc bộ Lục thập Hoa Nghiêm, gồm có sáu mươi quyển, thường gọi là bộ Cựu dịch.

Cách hai trăm năm sau, đến đời Đường, ngài Thật Xoa Nan Đà dịch, chia thành tám mươi quyển, gọi là Bát thập Hoa Nghiêm hay bộ Tân dịch. Và cũng ở đời Đường, ngài Bát Nhã dịch riêng phẩm “Nhập Pháp Giới”, gọi là Tứ thập Hoa Nghiêm gồm bốn mươi quyển.

Kinh Hoa Nghiêm phát triển mạnh ở Trung Quốc, tiến đến thành lập tông Hoa Nghiêm. Sơ Tổ của tông này là ngài Đỗ Thuận (557~640), nhưng đến ngài Trí Nghiêm (602~668) là nhị Tổ mới chính thức thành lập tông Hoa Nghiêm. Và Tổ thứ ba của tông này rất nổi tiếng, đó là ngài Pháp Tạng tức Hiền Thủ (643~712). Phải nói là đến thời của ngài Pháp Tạng mới luận giải kinh Hoa Nghiêm và giảng kinh này cho Tắc Thiên hoàng hậu.

Ngài Đỗ Thuận và Trí Nghiêm cùng giảng giải kinh theo bộ Lục thập Hoa Nghiêm. Nhưng ngài Đỗ Thuận chịu ảnh hưởng của hệ Bát Nhã, vì lúc ấy Pháp Tánh học thịnh hành. Còn ngài Trí Nghiêm chịu ảnh hưởng của Duy Thức, tức Pháp Tướng học do ngài Huyền Trang xương minh và theo đó mà phát triển Hoa Nghiêm.

Ngài Pháp Tạng lý giải theo bộ Bát thập Hoa Nghiêm. Ngài giảng giải đầy đủ hơn, vì đã tổng hợp được hai hệ tư tưởng Bát Nhã và Duy Thức của sơ Tổ và nhị Tổ, kết hợp thành bộ Hoa Nghiêm sớ. Đây là cốt lõi của tông Hoa Nghiêm, làm cho Phật pháp thịnh hành ở thời này.

Hai vị Tổ Đỗ Thuận và Trí Nghiêm đều là người Hán. Riêng ngài Pháp Tạng sanh ở Trung Quốc mà gốc người Trung Á. Vì vậy, ngài thừa hưởng được tư tưởng triết học Ấn Độ và văn minh Trung Quốc; đồng thời tổng hợp được tinh ba của hai luồng tư tưởng vĩ đại này, tạo thành nét đặc thù nổi bật của tông Hoa Nghiêm, khiến cho giới trí thức đời Đường bấy giờ phải thán phục.

Có thể nói tông Hoa Nghiêm phát triển mạnh ở Trung Quốc vì tư tưởng kinh Hoa Nghiêm thích hợp với người Trung Quốc. Trước khi kinh này được truyền sang, tư tưởng Lão Trang thịnh hành ở Trung Quốc, có cái nhìn về vũ trụ gần giống với tinh thần Hoa Nghiêm, nên người trí thức đương thời dễ tiếp thu được tư tưởng Hoa Nghiêm. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng kinh Hoa Nghiêm phát triển được là nhờ các vị cao đức thông suốt được áo nghĩa Hoa Nghiêm và biết kết hợp với tinh thần Lão Trang để triển khai thành tư tưởng chỉ đạo của tông Hoa Nghiêm.

Tư tưởng Lão Trang quan niệm mọi sinh hoạt của vũ trụ vận hành theo lý “Tự nhiên”, tự nhiên là “Vô”, và tính chất của “Vô” là bản thể của vũ trụ. Và theo Trang Tử thì “Đạo không chỗ nào không có, ở chỗ con kiến, con dế, ở chỗ cỏ Đế cỏ Bại, ở chỗ gạch gói, ở chỗ phân tiểu…”. Người trí thức chịu ảnh hưởng Lão Trang có thể thấy vấn đề nói trên của họ sáng hơn khi tiếp thu tư tưởng Hoa Nghiêm do các vị cao Tăng lý giải; theo đó, mọi sự, mọi vật đều bình đẳng, trong tốt có xấu, trong xấu có tốt. Tất cả sinh hoạt tương quan tương duyên chằng chịt trong Pháp giới.

Người chứng đạo thấy rõ sự tác động của mối tương quan sâu xa ấy, mà thuật ngữ gọi là Lý sự Vô ngại Pháp giới, thì sẽ hóa giải được tất cả. Còn chướng ngại, vướng mắc, không dung thông thì trở thành đối nghịch, đối đầu, từ đó phiền não trùng trùng duyên khởi.

Thực chất của sự hành trì theo yếu nghĩa Hoa Nghiêm là thiện ác đều do chính ta tạo nên, kinh gọi là muôn pháp duy tâm tạo. Liễu ngộ Hoa Nghiêm thì tất cả viên dung vô ngại vì mọi loài trong Pháp giới cho đến con ong, cái kiến, cỏ cây, hoa lá đều là pháp âm của Tỳ Lô Giá Na Phật.

Kinh Hoa Nghiêm chuyên chở một tư tưởng quá lớn lao, người bình thường không tiếp thu nổi, không hiểu thì làm sao ứng dụng được. Vì thế, dù là tư tưởng siêu tuyệt như vậy, vẫn bị mai một. Phải có những bậc danh đức ngộ đạo hiện hữu, như ngài Đỗ Thuận, Trí Nghiêm, Pháp Tạng nắm trọn được tinh yếu của Hoa Nghiêm và lý giải, cũng như thể hiện trong cuộc sống, mới có thể phát triển tư tưởng này sáng chói lên. Nhưng về sau, không có người thừa kế đủ khả năng tiếp nối đạo nghiệp, ngọn đèn Hoa Nghiêm cũng phải tàn lụn.

Tiếp theo, kinh Hoa Nghiêm được một nhà sư Trung Hoa mang sang Nhật Bản, nhưng không thuyết giảng. Đến đời thánh Vũ thiên hoàng, ngài Thẩm Tường là nhà sư Triều Tiên sang Nhật Bản, kinh này mới được ngài giảng giải và tông Hoa Nghiêm ra đời.

Đặc biệt là nhờ công đức thuyết pháp của ngài Thẩm Tường khiến cho thánh Vũ thiên hoàng phát tâm xây dựng ở Nara tượng Tỳ Lô Giá Na bằng đồng lớn nhất thế giới. Có điều kỳ lạ cần nhắc lại, theo truyền thuyết, người ta chỉ đúc được pho tượng này tới cổ, vì phần đầu của tượng quá lớn, đường kính của mặt tượng Tỳ Lô Giá Na rộng đến năm thước, nên rót đồng vô chảy xuống đến cổ là bị rã.

Sau đó, nhà sư Phật Triết, từ Giao Châu, Việt Nam đóng bè tre sang Nhật Bản. Ngài Hạnh Cơ Bồ tát ra đón ngài Phật Triết ở bờ biển về để chỉ dạy phương cách đúc tượng. Pho tượng được hoàn thành một cách hoàn hảo, nên thánh Vũ thiên hoàng thỉnh ngài Phật Triết về chủ lễ điểm nhãn tượng. Và ngài soạn ra nghi thức cúng dường khai quang, còn truyền tụng đến ngày nay.

Như đã nói, tư tưởng Hoa Nghiêm quá trác tuyệt, khó tiếp thu. Vì vậy, công đức hoằng truyềnkinh Hoa Nghiêm mà ngài Thẩm Tường đã tu tạo, không có người tiếp nối đạo mạch. Những gì tiêu biểu còn lưu lại dấu vết như tông Hoa Nghiêm, chùa Đông Đại và tượng Tỳ Lô Giá Na, thì chỉ còn hiện hữu như một kỷ niệm mà thôi.

Tóm lại, kinh Hoa Nghiêm phát xuất từ Ấn Độ, nhưng vì quá cao siêu, hiếm người tiếp thu được và tất nhiên việc phát triển càng khó hơn nữa. Phải đợi đến khi truyền sang Trung Quốc hay Nhật Bản và phải gặp những vị vua chúa có phước báu và quyền thế phát tâm mới đủ điều kiện hỗ trợ cho công việc phiên dịch, truyền bá kinh, cũng như xây dựng chùa chiền, đúc tượng được thành công.

Riêng ở Việt Nam, Phật giáo đương nhiên cũng có phần ảnh hưởng tinh thần Hoa Nghiêm. Một số vị cao Tăng cũng thọ trì kinh này, ứng dụng được phần nào tinh ba của kinh trong cuộc sống. Tuy nhiên, nói chung, bộ kinh này không phát triển mạnh được ở Việt Nam.

III. NỘI DUNG KINH HOA NGHIÊM

Theo phán giáo của Thiên Thai Trí Giả đại sư, sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài thuyết kinh Hoa Nghiêm trong hai mươi mốt ngày và sau đó Ngài đến Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như, bắt đầu lập giáo khai tông. Trên đường hoằng truyền Chánh pháp, Đức Phật giảng kinh Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn.

Cách phán giáo của Trí Giả đại sư được Phật giáo Đại thừa tán đồng. Phật giáo Nguyên thủy cũng ghi nhận giống ở điểm sau khi thành đạo, Phật ngồi tư duy ở Bồ Đề đạo tràng trong hai mươi mốt ngày. Theo kiến giải của Phật giáo Đại thừa, trong hai mươi mốt ngày tư duy ấy, Ngài thuyết kinh Hoa Nghiêm trong thiền định.

Thiết lập Pháp hội Hoa Nghiêm với hội chúng,hội trường có điểm khác lạ. Theo kinh Hoa Nghiêm Lục thập quyển thì có tám hội, nhưng kinh Hoa Nghiêm Bát thập quyển ghi nhận có chín hội. Đến phần kết của hội Hoa Nghiêm vẫn có mặt Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, nhưng các ngài không nghe được. Ý này được kinh diễn tả rằng chúng Thanh văn như người mù, người điếc dự hội.

Vì khó hiểu như vậy, một số người cho kinh Hoa Nghiêm có tánh cách giả tưởng. Ngày nay, chúng ta có thể hiểu ý này qua thực tế như vấn đề trình bày trong cuộc hội thảo dành cho các nhà bác học thì người có trình độ Đại học trở xuống có tham dự cũng không thể nào hiểu được.

Pháp Phật nói cho Bồ tát, hàng Nhị thừa không thể biết, huống chi là phàm phu. Cần hiểu rằng không riêng gì Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên,… mà kể cả chúng ta cũng hiện diện trong hội Hoa Nghiêm, nhưng không thấy, không nghe vì bị Ngũ ấm ngăn che, vướng mắc Sắc ấm. Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm, tức hành đạo trong thiền định, dùng tâm chuyển vật. Chúng ta chưa thấy tâm, làm sao thấy được sự chuyển vật.

Thực tế cho thấy các vị chân tu hành đạo dưới dạng tâm, tâm họ thanh tịnh, an vui, tác động cho người trông thấy họ liền phát tâm Bồ đề và an vui theo. Trái lại, người dùng lời nói ngọt ngào, nhưng phát xuất từ tâm gian ác bên trong, nên chúng ta cảm nhận ghê sợ và không tin được.

Từ đó, hành đạo của Đại thừa đặt nền tảng trên sinh hoạt của tâm là chính. Nếu tâm thực sự tốt sẽ kết thành quả tốt, dù cho hành động bề ngoài không tốt. Sức mạnh phi thường của tâm chi phối, khiến việc thành tựu, không cần phải cử thân động niệm, kinh gọi là vô tác diệu lực. Đó là ý chính mà kinh Hoa Nghiêm muốn đề cập đến.

Khi Đức Phật đắc quả Vô thượng giác ở Bồ Đề đạo tràng, không còn lệ thuộc Ngũ ấm thân, phát hiện ra con người thật bên trong, tức chân linh, thấy được quyến thuộc là Bồ tát vây quanh.

Riêng chúng ta chưa đắc đạo, còn bị Ngũ ấm bao vây, phiền não khống chế, không thể thấy con người chân thật và thế giới thật. Thí dụ khi thức, chúng ta có quyến thuộc là người bằng xương thịt, mang Ngũ ấm thân như ta. Khi ngủ, thế giới ấy khép lại và chúng ta sinh hoạt với thế giới chiêm bao, tức thế giới của thần thức, của nghiệp. Bấy giờ dù phú quý, quyền uy ở trên cuộc đời cao tột đến đâu chăng nữa, nhưng đã tạo ác nghiệp thì trong giấc chiêm bao hay lúc lìa đời, sẽ bị những cảnh ác xấu ấy hiện ra lôi kéo, hành hạ. Như vua Đường, vua Tần Thủy Hoàng đủ quyền sanh sát thiên hạ trong tay, có hàng rào gươm mác, hầu cận che chở an lành; nhưng nhắm mắt ngủ, vòng rào an toàn này chẳng còn tác dụng gì. Trái lại, họ phải gánh chịu những cảnh ác độc, nợ máu hoành hành dữ dội đến mức ngã bệnh, phải nhờ ngài Huyền Trang cầu nguyện. Đó chính là thế giới của nghiệp thức chủ động toàn bộ mọi sinh hoạt sau khi chúng ta chết.

Người tu thanh tịnh, cuộc sống thực tế dù hẩm hiu, nhưng đến khi ngủ hay nhập thiền định, trần gian tạm bợ khép lại, mở ra cho họ thế giới an lành của Phật, Bồ tát, thần tiên. Đây vẫn còn thuộc thế giới của thần thức, chưa phải chơn tâm, chưa thật. Tuy nhiên, vọng thức này thiện cũng tốt hơn là ác, vì còn giúp được ta tiến bước thêm vào cảnh giới thần tiên.

Bước đầu thuộc vòng tương đối, bỏ ác để thiện pháp sanh ra, làm cho ta được an lạc. Trên nền tảng ấy, bước chân vào đạo, trước tiên cần an tâm, chỉ cần bình yên để tu là đủ. Không được an lạc tối thiểu, có tu cùng kiếp cũng đọa. Dù cuộc sống bên ngoài có khó khăn, mà lòng an vui, vẫn tiến tu đạo nghiệp được.

Thế giới của Thức biến thuộc vọng, chúng ta chỉ nhờ nó để thấy cảnh giới Cực Lạc hay dạo chơi lên Đâu Suất, đảnh lễ Bồ tát Di Lặc, cảm nhận sự an lành. Đến khi thức giấc lại chạm trán với cuộc sống khác hẳn, nghĩa là kinh Hoa Nghiêm muốn nhắc nhở chúng ta tu như vậy vẫn còn ở trong quỹ đạo của nghiệp thức.

Bắt đầu Đức Phật nhập định, ma quân đến quấy phá, nhằm chỉ cho tất cả sự liên hệ trong vòng Thọ ấm, tất cả nghiệp chướng trần lao tiêu tan, mới được bình yên. Thế giới thứ nhất có ác ma hiện, dẹp tan được chúng, không còn gì có thể quấy rầy. Trời trong mây tạnh mới tạo thành Bồ Đề đạo tràng. Chơn tâm hay Tỳ Lô Giá Na Pháp thân hiện, mới thấy Bồ tát vi trần. Và Phật Pháp thân ấy nói với các vị Bồ tát trong thiền định, không phải người bằng xương thịt nói và cũng không nói cho người nhân gian. Vì vậy, người nhân gian làm thế nào biết được và tạng kinh Hoa Nghiêm phải đợi đến Long Thụ Bồ tát kiết tập.

Đến Pháp hội thứ hai, đi vào thế giới Quang Minh điện của Phật, nghĩa là ánh quang Phật thuyết pháp. Ánh quang này chiếu đến trời Phạm Thiên, vị Đại Phạm Thiên vương xuống Bồ Đề đạo tràng thỉnh Phật thuyết pháp.

Ở Pháp hội một, thuyết bằng thiền định dành cho người trụ định mới nghe được. Đến Pháp hội thứ hai, Phật thuyết bằng ánh quang, đòi hỏi người có trí huệ, nghe bằng Bồ đề tâm, huệ giải thoát mới thâm nhập được. Lúc ấy, người tu ngộ đạo nhìn sông núi, cá chim đều là Phật thuyết pháp.

Sau đó, Phật thuyết ở trời Đao Lợi, đến Dạ Ma thiên, Đâu Suất thiên, Tha Hóa Tự Tại. Đến đây, Ngài giảng Thập hồi hướng, Thập địa của Bồ tát. Có thể hiểu rằng đạt đến trình độ tu chứng ở Tha Hóa Tự Tại mới có khả năng hành Bồ tát đạo. An trụ cảnh giới Tha Hóa Tự Tại, việc giáo hóa chúng sanh của hành giả hoàn toàn tự tại, không ai ngăn cản, phá rối được, đến nơi nào thì việc đều thành tựu viên mãn.

Trái lại, ta còn bị chướng ngại nhiều, phải tự biết chưa nghe được pháp Bồ tát, chưa làm được việc của Bồ tát. Tốt nhất chúng ta chỉ là quyến thuộc, nương theo Bồ tát làm việc để tu tạo công đức. Thật vậy, chúng ta tu ở nhân gian có đồng nguyện, đồng hạnh với Phật, Bồ tát. Các Ngài muốn thực hiện việc cứu khổ độ sanh, phải mượn chúng ta làm thay, hộ niệm cho việc ta thành công và ta được chia nửa phần công đức.

Phật nói kinh Hoa Nghiêm ở trời Tha Hóa Tự Tại nhằm chỉ cho biết đối tượng của pháp cao sâu này phải là Bồ tát, là người có đầy đủ phương tiện giáo hóa chúng sanh. Trên tinh thần ấy, kinh Hoa Nghiêm thích hợp với các bậc vua chúa. Sang Trung Quốc, bộ kinh này hình thành nhờ Tắc Thiên hoàng hậu bảo trợ công tác phiên dịch và chú sớ kinh.

Đến Nhật Bản, thánh Vũ thiên hoàng chịu ảnh hưởng tinh thần Hoa Nghiêm đã ra lệnh cho toàn dân phải nộp đồng để đúc tượng Tỳ Lô Giá Na lớn nhất thế giới, đến nay vẫn còn ở Nara. Tượng này phải trải qua mấy đời vua mới hoàn thành. Nếu không phải là người có thế lực nhất nước đề xướng thì không thể nào thực hiện được những kỳ tích như vậy. Kinh diễn tả sức mạnh hành đạo ấy dưới dạng trời Tha Hóa Tự Tại, còn đối với người nghèo đói mà khuyên điều đó thì thật khó nghe.

Bồ tát pháp trong kinh Hoa Nghiêm rất cao sâu. Hàng thấp nhất là Bồ tát Sơ địa cũng phải có khả năng làm vua một cõi, tức tiểu vương mới có thể hành đạo tự tại. Bồ tát Nhị địa phải là Chuyển luân thánh vương cai quản bốn phương thiên hạ, ai nghe đến danh cũng phải kính nể. Bồ tát đệ Tam địa phải làm vua trời Đao Lợi, cai quản ba mươi ba tầng trời. Cứ như vậy lần lên cõi trời Dục cao nhất là Tha Hóa Tự Tại.

Đức Phật giảng cho các vị trời, đồng nghĩa với sự nhắc nhở những người có phước báu, quyền uy ở trần gian nên phát tâm làm Phật sự, dễ tu tạo công đức lớn lao. Nếu không, hưởng hết phước rồi đọa, lúc đó không còn điều kiện tạo công đức, như vua Tần Bà Sa La bị A Xà Thế nhốt vô ngục rồi mới phát tâm.

Từ cõi trời Tha Hóa Tự Tại, Đức Phật trở lại Phổ Quang đường thuyết “Thập Nhẫn”, “Thập Định”. Cuối cùng, Ngài trở lại thực tế cuộc sống ở rừng Thệ Đa nói phẩm “Nhập Pháp Giới”.


66b95280279eec88f2c6c3d3d4af3e58

Hòa thượng Thích Trí Quảng (1938~)