Skip to content

Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Giới thiệu & Lịch sử

大佛頂首楞嚴經

GIỚI THIỆU VÀ LỊCH SỬ


I. GIỚI THIỆU

Kinh Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm là tên gọi tắt của kinh Đại Phật Đỉnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm 大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴, do Sa môn Bát Thích Mật Đế dịch vào năm 705 (triều Đường) tại chùa Chế Chỉ ở Quảng Châu, được thu vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 19, số 945 (Mật Giáo Bộ).

Tên kinh này cũng thường được gọi một cách ngắn gọn là kinh Thủ Lăng Nghiêm (hoặc gọn hơn nữa là kinh Lăng Nghiêm); kinh này thường hay bị nhầm lẫn với bản kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội 首楞嚴三昧, do Pháp sư Cưu Ma La Thập (344~413) dịch vào triều Hậu Tần (384~417), được thu vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 15, số 642 (Kinh Tập Bộ).

Theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục của Pháp sư Trí Thăng (triều Đường), kinh này do Sa môn Hoài Địch (người Trung Hoa) dịch; nhưng trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh thì ghi người dịch là Sa môn Bát Thích Mật Đế, mà không có tên Sa môn Hoài Địch. 

Theo Pháp sư Viên Anh (1878~1953) trong tác phẩm Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, Pháp sư Bát Thích Mật Đế là vị “dịch chủ” (người dịch chính thức và là vị đứng đầu của đạo tràng phiên dịch), còn Sa môn Hoài Địch thì phụ trách việc “chứng nghĩa” (thẩm định sự chính xác của văn dịch).

II. LỊCH SỬ KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

Dịch giả của bản kinh này là Sa môn Bát Thích Mật Đế, ngài là người Thiên Trúc (Ấn Độ ngày nay), trên đường viễn du hoằng pháp, đã mang nguyên bản Phạn văn của kinh Thủ Lăng Nghiêm đến chùa Chế Chỉ ở Quảng Châu vào năm 705, và dịch bộ kinh này ra Hán văn cùng năm đó.

Theo truyền thuyết, kinh Thủ Lăng Nghiêm vốn được cất giữ ở cung rồng Ta Kiệt La. Bồ tát Long Thụ (thế kỷ thứ II) nhập định đến Long cung, thấy trong kho có bộ kinh này, nhân đó bèn lấy ra xem; cho đó là bộ kinh hi hữu, Ngài tụng thầm hết bộ kinh, và nhớ thuộc lòng. Trở về lại trú xứ, Ngài chép bộ kinh ấy ra để trình lên quốc vương xin lưu truyền. Nhà vua cũng cho đó là pháp bảo hiếm có, bèn ban lệnh cất vào kho, làm vật quốc bảo, không những bị cấm mang ra khỏi nước mà còn bị cấm dạy cho các du tăng ngoại quốc đến Thiên Trúc tu học.

Kinh này khi chưa truyền đến Trung Hoa, thì tên của nó đã được người Trung Hoa nghe biết và kính ngưỡng rồi. Nguyên do là vì, một hôm nọ, một vị Phạn tăng lên núi Thiên Thai tham kiến Đại sư Trí Khải (538~597), nghe đại sư giảng Pháp môn “Chỉ Quán”, vị Phạn tăng rất bội phục, nói rằng: 

  • Pháp môn Chỉ Quán do ngài phát minh ra rất gần với giáo nghĩa của kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm ở Thiên Trúc!

Đại sư Trí Khải rất xúc động khi nghe vị Phạn tăng nói lên điều đó. Ngài muốn được nhìn tận mắt bộ kinh ấy để xem Pháp môn Chỉ Quán của mình giống với lời dạy của Đức Phật tới mức nào; hoặc có gì khác nhau. Ngài liền xây một cái đài ngay trên núi Thiên Thai, gọi là Bái Kinh đài; mỗi ngày đều hướng về phương Tây lễ lạy, cầu nguyện cho bộ kinh ấy được truyền sang Trung Hoa. Ngài đã lễ lạy như thế cho đến ngày viên tịch, ròng rã 18 năm, không một ngày gián đoạn, mà kinh ấy vẫn chưa đến! Việc này đã được loan truyền đi khắp nước.

Một thuyết khác nói rằng ngài Thiên Thai Trí giả theo học đạo Thiền sư Huệ Tư ở núi Nam Nhạc, đắc Pháp hoa Tam ma địa, thấy được Pháp hội Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan. Từ đó xem Kinh, Luật hoát nhiên thông suốt. Đến khi ngài giải thích ý nghĩa Lục căn trong sạch trong kinh Pháp Hoa thì trầm ngâm rất lâu. Có một vị tăng người Ấn nói với ngài: 

  • Chỉ có kinh Thủ Lăng Nghiêm là nói rõ ràng công đức của Lục căn, đủ để y chứng! 

Từ đó ngài Thiên Thai Trí giả khao khát ngưỡng mộ; suốt 16 năm, mỗi sáng tối hướng về phương Tây lễ bái. Ở phía trái chùa Thiên Thai ở núi Nam Nhạc vẫn còn đài kinh. (Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông, Nhẫn Tế thiền sư dịch)

Mãi cho tới đầu thế kỉ thứ VIII, ngài Bát Thích Mật Đế mới đem kinh Thủ Lăng Nghiêm truyền đến Trung Hoa. Nguyên vì bấy giờ bộ kinh ấy bị cấm truyền ra khỏi Ấn Độ, nên các trạm gác biên giới kiểm soát rất gắt gao, ngài phải đem bộ kinh ấy đi ba lần mới qua lọt biên giới. Hai lần đầu, dù ngài dấu kĩ đến thế nào, các quan viên biên phòng vẫn khám xét ra. Vì là người xuất gia, ngài đã không bị xử phạt, nhưng vẫn bị đuổi về, không cho đi ra khỏi nước. Tuy vậy, ngài vẫn quyết chí đi nữa. Lần này, không còn cách nào khác, ngài bèn chép lại bản kinh ấy với chữ thật nhỏ, trên những miếng da thật mỏng, cuộn lại, rồi xẻ bắp tay của chính mình ra, nhét bộ “kinh da” vào trong đó, và may kín lại. Đợi cho đến khi vết thương hoàn toàn lành lặn, ngài lại ra đi. Lần này thì bộ kinh đã không bị khám phá, cho nên ngài đã được phép rời Ấn Độ.

Ngài theo đường hàng hải, đến Quảng Châu vào năm 705 (đời vua Đường Trung Tông). Khi đến Nam Thuyên, ngài gặp cư sĩ Phòng Dung, trước từng là tể tướng vào thời hoàng đế Võ Tắc Thiên, nhưng do phạm lỗi nên bị chuyển đến làm quan ở đất này. Cư sĩ Phòng Dung là một vị học vấn uyên thâm, có tài văn chương, cũng là người hâm mộ Phật pháp. Khi nghe ngài Bát Thích Mật Đế nói về kinh Thủ Lăng Nghiêm ông rất vui mừng, mới cùng hợp tác để dịch. Bản kinh nhét trong bắp đùi bị máu mủ làm lem luốc, phu nhân của Phòng Dung chế ra một thứ thuốc, khi để bản kinh vào nồi nấu với thuốc thì máu mủ tan hết mà chữ vẫn không mất.

Phần dịch Phạn Hán, ngài Bát Thích Mật Đế đọc tiếng Phạn, ngài Di Già Thích Ca, có thể đã ở Trung Hoa lâu hơn, dịch sang tiếng Hán, gọi là dịch ngữ; ngài Hoài Địch thẩm định sự chính xác của bản dịch, sau cùng Phòng Dung mới bút thọ. Bút thọ là nhuận bút, tức là hoàn chỉnh lại những lời lẽ chưa được trôi chảy, chưa thông suốt, nên kinh Thủ Lăng Nghiêm văn chương rất lưu loát.

Sau khi dịch kinh xong, ngài Bát Thích Mật Đế nghe ở Ấn Độ đang có lệnh truy nã ngài, nên vội vàng mang bản chữ Phạn trở về Thiên Trúc. Vì lý do đó nên kinh Thủ Lăng Nghiêm ở Trung Hoa chỉ có bản chữ Hán, chứ không có bản chữ Phạn để lưu lại và đối chiếu.