Kinh Vô Lượng Nghĩa phẩm 2: Thuyết Pháp
無量義經
- Published: 04 Nov 2021 22:43:42
- Modified: 31 Jul 2022 13:41:29
- Categories: Kinh Vô Lượng Nghĩa
- Tags: Cư sĩ Hạnh Cơ, Đàm Ma Già Đà Da Xá
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh – Tập 9 – Số 276 (Pháp Hoa Bộ)
Amitartha Sutra – 無量義經 – Vô Lượng Nghĩa Kinh
Nước Trung Hoa – triều Nam Tề (479~502) thời kỳ Nam Bắc Triều
Ngài Đàm Ma Già Đà Da Xá (?~?) Hán dịch từ Phạn văn năm 481
Cư sĩ Hạnh Cơ (1940~) Việt dịch từ Hán văn năm 2006
daithua.com biên soạn năm 2020
Phẩm 2:
THUYẾT PHÁP
Khi Đại Bồ tát Đại Trang Nghiêm cùng 80000 vị Đại Bồ tát khác nói bài kệ khen ngợi Phật xong, lại cùng nhau đồng bạch Phật rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn! 80000 Bồ tát chúng con, hôm nay, trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, có điều muốn hỏi, chẳng biết Đức Thế Tôn có rủ lòng thương xót chỉ dạy cho không?
Phật bảo Bồ tát Đại Trang Nghiêm và 80000 vị Bồ tát rằng:
- Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Thật là đúng lúc để các ông nêu câu hỏi. Không bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập Niết bàn. Sau khi Như Lai nhập Niết bàn thì sẽ không còn ai có điều nghi ngờ gì nữa.
- Vậy các ông muốn hỏi gì thì nên hỏi.
Bấy giờ Bồ tát Đại Trang Nghiêm cùng 80000 vị Bồ tát, liền đồng thanh bạch Phật rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn! Hàng Đại Bồ tát muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác một cách nhanh chóng, cần phải tu tập những Pháp môn gì?
- Những Pháp môn gì có thể giúp cho hàng Đại Bồ tát nhanh chóng chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
Phật bảo Bồ tát Đại Trang Nghiêm và 80000 vị Bồ tát rằng:
- Này Thiện nam tử! Có một Pháp môn có thể giúp cho hàng Bồ tát nhanh chóng chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
- Nếu có Bồ tát nào tu tập Pháp môn này thì có thể nhanh chóng chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Chúng Bồ tát bạch Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn!
- Pháp môn đó tên gọi là gì?
- Nghĩa lí ra sao?
- Bồ tát nên tu tập như thế nào?
Phật dạy:
- Này Thiện nam tử! Pháp môn đó được gọi là Vô Lượng Nghĩa. Bồ tát muốn được tu học Pháp môn Vô Lượng Nghĩa, cần phải quán sát tất cả các pháp, từ xưa đến nay, tánh tướng đều rỗng lặng; không lớn không nhỏ, không sanh không diệt, không tiến không lùi, không đứng yên cũng không lay động; giống như hư không, không có hai pháp.
- Nhưng chúng sanh thì hư vọng phân biệt chấp trước, có đây có kia, có được có mất, rồi khởi niệm bất thiện, tạo các nghiệp ác, luân hồi trong sáu nẻo, chịu đủ mọi điều đau khổ, trải vô lượng ức kiếp không thể tự thoát khỏi.
- Hàng Đại Bồ tát quán sát thật kĩ càng như thế, sanh lòng thương xót, phát tâm từ bi rộng lớn, muốn đến cứu độ. Bồ tát lại quán chiếu sâu xa, thâm nhập vào tất cả các pháp để thấy rõ:
- Pháp có pháp tướng như thế thì sanh như thế.
- Pháp có pháp tướng như thế thì trụ như thế.
- Pháp có pháp tướng như thế thì dị như thế.
- Pháp có pháp tướng như thế thì diệt như thế.
- Pháp tướng như thế thì hay sanh pháp ác.
- Pháp tướng như thế thì hay sanh pháp thiện.
- Ba tướng trụ, dị và diệt cũng giống như vậy. Bồ tát cứ như thế mà quán chiếu bốn tướng, từ lúc khởi đầu cho đến lúc cuối cùng, thảy đều biết rõ.
- Thứ đến lại quán chiếu tất cả các pháp, từng niệm từng niệm không đứng yên, lúc nào cũng có cái mới sanh, lúc nào cũng có cái mới diệt; lại quán chiếu để thấy rõ bốn tướng sanh trụ dị diệt đang xảy ra ngay trong giây phút hiện tại.
- Quán chiếu như thế rồi, Bồ tát lại thâm nhập vào căn tánh ham muốn của chúng sanh, để thấy rõ rằng, tánh ham muốn của chúng sanh thật là vô lượng, cho nên nói pháp cũng phải vô lượng; nói pháp vô lượng thì nghĩa lí cũng vô lượng.
- Vô Lượng Nghĩa là do từ một pháp sanh ra; một pháp đó tức là Vô tướng. Vô tướng như thế tức là không có tướng nào mà chẳng có tướng, chẳng có tướng nào là không tướng, đó gọi là Thật tướng.
- Hàng Đại Bồ tát đã an trụ nơi tướng chân thật như thế rồi, thì tâm từ bi phát khởi rõ ràng, chắc chắn, không hư dối; đối với chúng sanh thật có thể cứu khổ. Khổ đã cứu rồi thì lại thuyết pháp, khiến cho chúng sanh được an vui.
- Này Thiện nam tử! Nếu hàng Đại Bồ tát có thể tu tập một Pháp môn Vô Lượng Nghĩa như thế thì chắc chắn nhanh chóng chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
- Này Thiện nam tử! Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, văn lí sâu xa trên hết như thế, chân thật tôn quí không có gì sánh bằng, chư Phật ba đời đều cùng bảo hộ, không một Ma vương ngoại đạo nào xâm nhập được, tất cả tà kiến sanh tử đều không thể phá hoại được.
- Cho nên, này Thiện nam tử! Hàng Đại Bồ tát nếu muốn nhanh chóng chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải nên tu học kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa sâu xa trên hết này.
Bấy giờ Bồ tát Đại Trang Nghiêm lại bạch Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn nói pháp không thể nghĩ bàn, căn tánh chúng sanh cũng không thể nghĩ bàn, Pháp môn giải thoát cũng không thể nghĩ bàn.
- Đối với các giáo pháp Đức Thế Tôn đã nói, chúng con không hề nghi hoặc; nhưng vì chúng sanh vẫn còn sanh tâm mê hoặc, cho nên chúng con lại xin hỏi tiếp: Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày Đức Thế Tôn thành đạo, cho đến nay đã hơn bốn mươi năm, thường vì chúng sanh mà nói ý nghĩa về bốn tướng của các pháp; những ý nghĩa về khổ, không, vô thường, vô ngã, không lớn, không nhỏ, không sanh, không diệt; tất cả đều là vô tướng; pháp tánh pháp tướng xưa nay vốn rỗng lặng, không đến, không đi, không hiện, không ẩn.
- Nếu có người nghe mà chứng được pháp Noãn, pháp Đảnh, pháp Thế đệ nhất; hoặc chứng được các quả vị như Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật; hoặc phát tâm Bồ đề tiến lên các bậc Sơ địa, Nhị địa, Tam địa, cho đến Thập địa. Ý nghĩa của các pháp Đức Thế Tôn đã nói ngày trước, có khác gì với pháp nói ngày hôm nay, mà Đức Thế Tôn nói đây là Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa sâu xa trên hết, hàng Bồ tát tu tập chắc chắn nhanh chóng chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác!
- Việc này thế nào, cúi xin Đức Thế Tôn thương xót tất cả chúng sanh mà phân biệt giảng giải, khiến cho ở đời này và trong đời vị lai, nếu có ai nghe được pháp này thì không còn bị mắc trong lưới nghi nữa!
Bấy giờ Đức Phật dạy Bồ tát Đại Trang Nghiêm rằng:
- Lành thay! Lành thay! Đại Thiện nam tử! Ông đã có thể hỏi Như Lai được nghĩa lí Đại thừa vi diệu sâu xa trên hết như thế, thì phải biết rằng ông là người có khả năng làm nhiều điều lợi ích và an lạc cho trời, người, cứu vớt đau khổ cho chúng sanh, đúng thật là tâm từ bi rộng lớn, đáng tin tưởng, không hư dối; do nhân duyên đó mà ông chắc chắn nhanh chóng chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và cũng giúp cho chúng sanh ở đời này và đời sau nhanh chóng chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
- Này Thiện nam tử! Từ khi ta ngồi sáu năm ở cội cây Bồ đề, chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, dùng Phật nhãn quán sát tất cả các pháp mà không thể tuyên nói, vì sao vậy?
- Vì tánh ham muốn của chúng sanh không giống nhau. Vì tánh ham muốn mỗi mỗi không giống nhau cho nên thuyết pháp phải dùng sức phương tiện, trải qua hơn bốn mươi năm chưa từng nói rõ nghĩa lí chân thật, đạo quả chúng sanh từng chứng được cũng sai khác, không nhanh chóng chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
- Này Thiện nam tử! Giáo pháp ví như nước, có thể rửa sạch các nhơ uế. Dù là nước giếng, nước ao, nước khe, nước suối, nước rạch, nước sông, hay nước biển cả, đều có thể rửa sạch nhơ uế; nước pháp kia cũng như vậy, có thể tẩy trừ mọi cấu uế phiền não cho chúng sanh.
- Này Thiện nam tử! tính chất của nước chỉ có một, nhưng nước giếng, nước ao, nước khe, nước suối, nước rạch, nước sông, nước biển cả thì khác biệt nhau; tánh của pháp kia cũng như vậy, khả năng tẩy trừ phiền não thì không khác nhau, nhưng ba pháp, bốn quả, hai đường thì không đồng nhau.
- Này Thiện nam tử! Nước tuy rửa sạch tất cả, nhưng nước giếng không phải là nước ao, nước ao không phải là nước sông rạch, nước suối khe không phải là nước biển; Như Lai có hùng lực ở thế gian, đối với các pháp đều tự tại, các pháp từng nói ra cũng giống như vậy. Các pháp nói ở lúc đầu, nói ở lúc giữa, hay nói ở lúc sau, đều có thể tẩy trừ phiền não cho chúng sanh, nhưng pháp nói ở lúc đầu không phải là ở lúc giữa, ở lúc giữa không phải ở lúc sau; pháp nói ở lúc đầu, lúc giữa và lúc sau, văn từ tuy một mà nghĩa lí đều khác.
- Này Thiện nam tử! Khi ta từ cội cây Bồ đề đứng dậy, đi đến Lộc viên ở thành Ba La Nại, vì nhóm ông A Nhã Câu Lân năm người mà chuyển bánh xe pháp, cũng nói các pháp xưa nay vốn rỗng lặng, chuyển biến không ngừng, sanh diệt trong từng giây phút. Sau đó vào lúc giữa, ở tại đạo tràng này và nhiều nơi khác, ta vì chúng Tỳ kheo và hàng Bồ tát tuyên nói, biện giải Thập nhị nhân duyên, Lục độ Ba la mật, cũng nói các pháp xưa nay vốn rỗng lặng, chuyển biến không ngừng, sanh diệt trong từng giây phút. Hôm nay lại ở nơi đây diễn nói kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, cũng nói các pháp xưa nay vốn rỗng lặng, chuyển biến không ngừng, sanh diệt trong từng giây phút.
- Vì vậy cho nên, này Thiện nam tử, các pháp nói lúc đầu, nói lúc giữa, hay nói hôm nay, văn từ thì đồng nhất mà nghĩa lí thì sai khác. Vì nghĩa lí sai khác cho nên kiến giải của chúng sanh cũng sai khác. Vì kiến giải sai khác nên sự đắc pháp, đắc quả, đắc đạo cũng sai khác.
- Này Thiện nam tử! Lúc ban đầu ta vì những người cầu các quả vị Thanh văn mà nói pháp Tứ đế, vậy mà tám ức chư thiên đã hạ giáng nghe pháp và phát tâm Bồ đề. Lúc giữa ta vì những người cầu quả vị Bích chi Phật mà nói pháp Thập nhị nhân duyên ở khắp nơi, vậy mà đã có vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ đề, hoặc an trú nơi các quả vị Thanh văn. Tiếp đó ta nói các kinh Phương Đẳng, Thập Nhị Bộ Kinh, các kinh Đại Bát Nhã, Hoa Nghiêm, nhằm nêu lên công hạnh tu hành của hàng Bồ tát trải qua nhiều đời kiếp, vậy mà đã có đến hàng trăm ngàn Tỳ kheo, vạn ức trời người, vô lượng chúng sanh chứng các quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, hoặc an trụ nơi pháp nhân duyên của hàng Bích chi Phật.
- Này Thiện nam tử! Do ý nghĩa này mà biết rằng, pháp nói ra thì đồng nhau mà nghĩa lí thì sai khác; do nghĩa lí sai khác nên chúng sanh liễu ngộ khác nhau; do liễu ngộ khác nhau nên sự đắc pháp, đắc quả, đắc đạo cũng khác nhau. Vì vậy cho nên, này Thiện nam tử, từ khi ta đắc đạo và khởi đầu nói pháp, cho đến hôm nay diễn nói kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, chẳng có lúc nào ta không nói các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, không phải chân, không phải giả, không phải lớn, không phải nhỏ, xưa vốn không sanh, nay cũng không diệt, tất cả là vô tướng, pháp tướng pháp tánh không đến không đi, mà bốn tướng của chúng sanh thì cứ vẫn biến thiên.
- Này Thiện nam tử! Do ý nghĩa đó mà chư Phật không nói hai lời; chỉ dùng một âm mà ứng khắp các thứ tiếng; dùng một thân mà thị hiện trăm ngàn muôn ức na do tha vô lượng vô số hằng hà sa thân, trong mỗi một thân này lại thị hiện bao nhiêu trăm ngàn vạn ức na do tha a tăng kỳ hằng hà sa các thứ hình loại, trong mỗi một hình loại này lại thị hiện bao nhiêu trăm ngàn muôn ức na do tha a tăng kỳ hằng hà sa hình loại khác nữa.
- Này Thiện nam tử! Thế thì cái cảnh giới sâu xa không thể nghĩ bàn của chư Phật, hàng Nhị thừa không thể biết được, ngay cả hàng Bồ tát ở cấp Thập trụ cũng không theo kịp được, chỉ có Phật với Phật mới thấu rõ một cách rốt ráo mà thôi.
- Này Thiện nam tử! Vì vậy cho nên ta nói kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa vi diệu sâu xa trên hết, văn lí chân thật tôn quí không có gì hơn, chư Phật ba đời đều cùng bảo hộ, không một Ma vương ngoại đạo nào xâm nhập được, tất cả tà kiến sanh tử đều không thể phá hoại được, hàng Đại Bồ tát nếu muốn nhanh chóng chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải nên tu học kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa sâu xa trên hết này.
Đức Phật nói như thế rồi, Tam thiên Đại thiên thế giới rung động sáu cách, bỗng nhiên từ không trung mưa xuống rất nhiều thứ hoa trời như Ưu bát la, Bát đàm ma, Câu vật đầu, Phân đà lị; lại rải xuống vô số các thứ hương trời, áo trời, chuỗi anh lạc và các thứ châu báu vô giá khác của cõi trời; tất cả các thứ ấy từ trên không trung xoay vòng rơi xuống, cúng dường Phật, chư vị Bồ tát và đại chúng Thanh văn; các thức ăn cõi trời trăm vị trân quí đựng trong bát trời, tràn đầy sung mãn; cờ trời, phướn trời, lọng trời, nhạc khí vi diệu cõi trời đặt khắp các nơi, cùng hòa tấu để dâng cúng và khen ngợi Phật.
Lại nữa, hằng hà sa thế giới chư Phật ở phương Đông cũng rung động sáu cách, cũng có mưa hoa trời, hương trời, áo trời, chuỗi anh lạc và các thứ châu báu vô giá khác của cõi trời; các thức ăn cõi trời trăm vị trân quí; cờ trời, phướn trời, lọng trời, nhạc khí vi diệu cõi trời cùng hòa tấu để cúng dường và khen ngợi chư Phật, chư vị Bồ tát và đại chúng Thanh văn ở các thế giới ấy. Ở phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương góc, phương trên và phương dưới cũng đều như thế.
Bấy giờ ở trong đại chúng có 32000 vị Đại Bồ tát chứng được chánh định Vô Lượng Nghĩa, 34000 vị Đại Bồ tát đạt được vô lượng vô số môn Đà la ni, có thể chuyển được bánh xe pháp bất thối chuyển của tất cả chư Phật trong ba đời. Các chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la dà; các vua Đại Chuyển luân, Tiểu Chuyển luân, Ngân luân, Thiết luân cùng các Luân vương khác; các vị quốc vương, vương tử, đại thần, quốc dân, nhân sĩ, phu nhân, trưởng giả, cùng hàng trăm ngàn quyến thuộc của họ, khi nghe Phật nói kinh này rồi, đều chứng nhập được hoặc là các pháp Noãn, Đảnh, Thế đệ nhất; hoặc là các quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật; hoặc chứng được Bồ tát Vô sanh Pháp nhẫn; hoặc đạt được một môn Đà la ni, hai môn Đà la ni, ba môn Đà la ni, hay bốn môn Đà la ni, cho đến năm, sáu, bảy, tám, chín, mười Đà la ni; hoặc đạt được đến trăm ngàn vạn ức, cho đến vô lượng vô số hằng hà sa a tăng kỳ Đà la ni; tất cả đều có thể tùy thuận chuyển bánh xe pháp bất thối chuyển, và vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ đề Vô thượng.