Skip to content

Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 6: Nhĩ Căn Viên Thông – Nhiếp Tâm Là Giới

大佛頂首楞嚴經

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh – Tập 19 – Số 945 (Mật Giáo Bộ)
Surangama Sutra – 大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經
Đại Phật Đỉnh
Như Lai Mật Nhân
Tu Chứng Liễu Nghĩa
Chư Bồ tát Vạn Hạnh
Thủ Lăng Nghiêm Kinh
Ngài Bồ tát Long Thụ (thế kỷ II) thỉnh từ cung rồng Ta Kiệt La
Nước Trung Hoa – triều Đại Đường (618~907) – đời Trung Tông (705~710)
Ngài Sa môn Bát Lạt Mật Đế (người Thiên Trúc) dịch chép ra Phạn văn, sau đó truyền kinh sang Trung Hoa và tổng dịch năm 705
Sa môn Di Già Thích Ca (?~?) Hán dịch từ Phạn văn
Sa môn Hoài Địch (?~?) chứng minh bản dịch
Cư sĩ Phòng Dung (tể tướng đời Võ Chu) bình chương, bút thọ, bảo trợ bản dịch
Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897~1969) Việt dịch từ Hán văn năm 1961
daithua.com biên tập năm 2021

Quyển 6:

Nhĩ Căn Viên Thông
Nhiếp Tâm Là Giới


Khi bấy giờ, ngài Quán Thế Âm Bồ tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng:

  • Thưa Thế Tôn, tôi nhớ vô số hằng sa kiếp về trước, có Đức Phật ra đời, hiệu là Quán Thế Âm; từ Đức Phật kia, tôi phát tâm Bồ đề. Đức Phật kia dạy tôi, do nghe, nghĩ và tu, mà vào Tam ma địa.
  • Ban đầu, ở trong tánh nghe, vào được dòng viên thông, không còn tướng sở văn nữa. Trần tướng đã vẳng lặng, hai tướng động, tĩnh rõ thật không sanh. Như vậy thêm lần, các tướng năng văn, sở văn đều hết. Không dừng lại nơi chỗ dứt hết năng văn, sở văn mà tiến lên nữa, thì năng giác, sở giác, đều không. Không giác tột bậc viên mãn, các tướng năng không, sở không đều diệt. Sanh diệt đã diệt, thì bản tánh tịch diệt hiện tiền. 
  • Bỗng nhiên, vượt ngoài thế gian và xuất thế gian, sáng suốt cùng khắp mười phương, được hai cái thù thắng:
    • Một là, trên hợp với bản giác diệu tâm thập phương chư Phật, cùng với chư Phật Như Lai đồng một từ lực.
    • Hai là, dưới hợp với tất cả chúng sanh lục đạo mười phương, cùng với các chúng sanh đồng một bi ngưỡng.

  • Bạch Thế Tôn, do tôi cúng dường đức Quán âm Như Lai, nhờ Ngài truyền thụ cho tôi Như huyễn Văn huân Văn tu Kim cang Tam ma địa, được cùng chư Phật đồng một từ lực, nên làm cho thân tôi thành tựu 32 Ứng thân vào các cõi nước.
    • Bạch Thế Tôn, nếu các vị Bồ tát vào Tam ma địa, tiến tu pháp vô lậu, thắng giải hiện đã viên mãn, tôi hiện ra thân Phật, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được giải thoát.
    • Nếu các hàng Hữu học tu phép Diệu minh vẳng lặng, chỗ thắng diệu đã viên mãn. Tôi ở trước người kia, hiện ra thân Độc giác, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được giải thoát.
    • Nếu các hàng Hữu học đoạn Thập nhị nhân duyên; do các nhân duyên đã đoạn mà phát ra thắng tánh và thắng tánh đó hiện đã viên mãn, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Duyên giác, vì họ mà thuyết pháp khiến cho được giải thoát.
    • Nếu các hàng Hữu học được phép không của Tứ đế, tu đạo đế vào diệt đế, thắng tánh hiện viên mãn, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Thanh văn, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được giải thoát.
    • Nếu chúng sanh muốn tâm được tỏ ngộ, không phạm vào cảnh ngũ dục và muốn cho thân được thanh tịnh, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Phạm vương, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được giải thoát.
    • Nếu các chúng sanh muốn làm Thiên chúa, thống lĩnh chư thiên, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Đế Thích, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu các chúng sanh muốn thân được tự tại, bay đi trên hư không, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Đại Tự Tại thiên, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu các chúng sanh muốn thân được tự tại, đi khắp mười phương, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Tự Tại thiên, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu các chúng sanh muốn thống lĩnh quỷ thần, cứu giúp cõi nước, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Thiên đại tướng quân, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có các chúng sanh muốn thống lãnh thế giớibảo hộ chúng sanh, tôi liền ở trước họ, hiện thân trời Tứ vương mà vì họ nói pháp, khiến được thành tựu như ý.
    • Nếu các chúng sanh muống sanh nơi Thiên cung, sai khiến quỷ thần, tôi ở trước người kia, hiện ra thân thái tử, con của Tứ Thiên vương, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu các chúng sanh muốn làm vua cõi người, tôi ở trước người kia, hiện ra thân vua, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu các chúng sanh muốn làm chủ gia đình danh tiếng, thế gian kính nhường, tôi ở trước người kia, hiện ra thân trưởng giả vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu các chúng sanh thích đàm luận những lời hay, giữ mình trong sạch, tôi ở trước người kia, hiện ra thân cư sĩ, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu các chúng sanh muốn trị cõi nước, chia đoán các bang, các ấp, tôi ở trước người kia, hiện ra thân tể quan, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu các chúng sanh thích các số thuật, tự mình nhiếp tâm giữ thân, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Bà la môn, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có người con trai muốn học phép xuất gia, giữ các giới luật, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Tỳ kheo, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có người con gái muốn học phép xuất gia, giữ các cấm giới, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Tỳ kheo ni, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có người con trai thích giữ ngũ giới, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Ưu bà tắc, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có người con gái tự giữ ngũ giới, tôi ở trước người kia, hiện ra thân Ưu bà di, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có người con gái lập thân trong nội chính, để tu sửa nhà nước, tôi ở trước người kia, hiện ra thân nữ chúa hay thân quốc phu nhân, mệnh phụ, đại gia, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có chúng sanh không phá nam căn, tôi ở trước người kia, hiện ra thân đồng nam, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có người xử nữ, thích thân xử nữ, không cầu sự xâm bạo, tôi ở trước người kia, hiện ra thân đồng nữ, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có chư thiên muốn ra khỏi loài trời, tôi hiện ra thân chư thiên, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có các con rồng muốn ra khỏi loài rồng, tôi hiện ra thân rồng, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có Dạ xoa muốn thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân Dạ xoa, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có Càn thát bà muốn thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân Càn thát bà, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có A tu la, muốn thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân A tu la, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có Khẩn na la muốn thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân Khẩn na la, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có Ma hầu la dà muốn thoát khỏi loài mình; tôi ở trước họ, hiện ra thân Ma hầu la dà, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có chúng sanh thích làm người, tu cho được thân người, tôi hiện ra thân người, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
    • Nếu có loài phi nhân, hoặc có hình, hoặc không hình, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, muốn thoát khỏi loài mình, tôi ở trước họ, hiện ra thân như họ, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.
  • Ấy gọi là 32 Ứng thân diệu tịnh, vào các cõi nước. Những thân ấy đều do vô tác diệu lực của Văn huân Văn tu Tam ma địa, mà tự tại thành tựu.

  • Bạch Thế Tôn, do tôi lại dùng vô tác diệu lực của Văn huân Văn tu Kim cang Tam ma địa ấy, cùng với tất cả lục đạo chúng sanh trong mười phương ba đời, đồng một lòng bi ngưỡng, nên khiến các chúng sanh, nơi thân tâm tôi, được 14 thứ công đức vô úy:
    • Là do tôi không tự quán cái tiếng, mà quán cái tâm năng quán, nên khiến cho chúng sanh khổ não thập phương kia, quán cái âm thanh, thì liền được giải thoát.
    • Là tri kiến đã xoay trở lại, khiến cho các chúng sanh, dầu vào đống lửa, lửa không thể đốt được.
    • Là quán cái nghe đã xoay trở lại, khiến cho các chúng sanh bị nước lớn cuốn đi, mà không chết đuối.
    • Là diệt hết vọng tưởng, tâm không sát hại, khiến các chúng sanh vào những nước quỷ, quỷ không thể hại được.
    • Là huân tập và thành tựu được tánh nghe, cả Lục căn đều tiêu về bản tánh, đồng như cái nghe, cái tiếng, có thể khiến cho chúng sanh, lúc đương bị hại, dao gãy từng đoạn, khiến cho các binh khí chạm vào thân người như cắt dòng nước, như thổi ánh sáng, bản tánh không hề lay động.
    • Là huân tập tánh nghe sáng suốt thấu khắp Pháp giới, thì các tánh tối tăm không thể toàn được, có thể khiến cho chúng sanh, tuy các loài Dạ xoa, La sát, Cưu bàn trà, Tỳ xá già, Phú dan na,… ở gần một bên, con mắt chúng vẫn không thể thấy được.
    • Là các tiếng đều viên tiêu, thấy nghe đã xoay vào tự tánh, rời các trần cảnh hư vọng, có thể khiến cho các chúng sanh, những thứ cùm, dây, gông, xiềng không thể dính vào mình được.
    • diệt tướng âm thanh, viên thông tánh nghe, phát sanh từ lực cùng khắp, có thể khiến cho chúng sanh đi qua đường hiểm, giặc không cướp được.
    • Là huân tập phát ra tánh nghe, rời các trần tướng, sắc dục không lôi kéo được, có thể khiến cho tất cả chúng sanh đa dâm, xa rời lòng tham dục.
    • Là thuần một thật tướng của âm thanh, không còn gì là tiền trần, căn và cảnh điều viên dung, không có năng, sở đối đãi, có thể khiến cho tất cả chúng sanh nóng giận, rời bỏ lòng thù ghét.
    • Là tiêu diệt trần tướng, xoay về tánh bản minh, thì Pháp giới, thân, tâm đều như ngọc lưu ly, sáng suốt không ngăn ngại, có thể khiến cho những kẻ ngu ngốc u mê, xa rời hẳn sự si mê tối tăm.
    • Là viên dung các hình tướng, xoay tánh nghe trở về đạo tràng bất động, hòa vào thế gian mà không hủy hoại thế giới, cúng dường được chư Phật Như Lai như số vi trần, cùng khắp mười phương, ở bên mỗi mỗi Đức Phật, làm vị Pháp vương tử, có thể khiến cho trong Pháp giới, những chúng sanh không con, cầu có con trai, sanh ra đứa con trai có phúc đức trí huệ.
    • Là Lục căn viên thông, soi sáng không hai, trùm khắp thập phương thế giới, thành lập đại viên kính Không Như Lai tạng, vâng lĩnh Pháp môn bí mật của thập phương vi trần Như Lai, không có thiếu sót, có thể khiến cho trong Pháp giới, những chúng sanh không con, cầu có con gái, sanh ra người con gái có tướng tốt, đoan chính, phúc đức, dịu dàng, được mọi người yêu kính.
    • Là trong Tam thiên Đại thiên thế giới này, có trăm ức mặt trờimặt trăng, các Pháp vương tử hiện ở trong thế gian, số lượng có đến 62 số cát sông Hằng, đều tu Phật pháp, nêu gương mẫu, giáo hóa chúng sanh, tùy thuận chúng sanh, phương tiện trí huệ của mỗi mỗi vị không đồng nhau. Do tôi được tánh viên thông, phát ra diệu tánh của Nhĩ căn, cho đến thân tâm nhiệm mầu bao trùm khắp Pháp giới, nên có thể khiến cho chúng sanh chấp trì danh hiệu của tôi, so với những người chấp trì danh hiệu của tất cả các vị Pháp vương tử số lượng bằng 62 số cát sông Hằng kia, phúc đức hai bên thật bằng bậc, không sai khác.
  • Bạch Thế Tôn, một danh hiệu của tôi cùng với rất nhiều danh hiệu kia không khác, là do tôi tu tập được tánh viên thông chân thật. Ấy gọi là 14 sức thí vô úy, đem phúc khắp cho chúng sanh.

  • Bạch Thế Tôn, do tôi đã được Đạo tu chứng viên thông vô thượng đó, nên lại khéo được 4 vô tác diệu đức không nghĩ bàn:
    • Là do tôi chứng được tánh nghe chí diệu, nơi tâm tánh không còn có tướng năng văn, các sự thấy, nghe, hay, biết không còn cách biệt và đều thành một bảo giác viên dung thanh tịnh, nên tôi có thể hiện ra rất nhiều hình dung nhiệm mầu, nói ra vô số thần chú bí mật. Trong đó, hoặc hiện ra một đầu, 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu, 9 đầu, 11 đầu, như thế cho đến 108 đầu, 1000 đầu, 10000 đầu, 84000 cái đầu, đầy đủ các tướng; hoặc hiện ra hai tay, 4 tay, 6 tay, 12 tay, 14, 16, 18, 20, 24, như thế cho đến 108 tay, 1000 tay, 10000 tay, 84000 cái tay bắt ấn; hoặc hiện ra hai mắt, 3 mắt, 4 mắt, 9 mắt, như thế cho đến 108 mắt, 1000 mắt, 10000 mắt, 84000 con mắt báu thanh tịnh; hoặc khi thì từ, hoặc khi thì oai, hoặc khi thì định, hoặc khi thì huệ, cứu giúp chúng sanh được rất tự tại.
    • Là do cái nghe, cái nghĩ của tôi, thoát ra ngoài Lục trần như cái tiếng qua bức tường, không thể bị ngăn ngại, cho nên diệu dụng của tôi có thể hiện mỗi mỗi hình, tụng mỗi mỗi chú, hình đó, chú đó đều có thể đem sức vô úy mà bố thí cho các chúng sanh; vì thế, cõi nước thập phương như vi trần đều gọi tôi là vị Thí vô úy.
    • Là tôi tu tập, phát ra căn tánh bản diệu viên thông thanh tịnh, nên đi qua thế giới nào, đều khiến cho chúng sanh xả thân, xả đồ trân bảo, cầu tôi thương xót.
    • Là do tôi được tâm Phật, chứng đến chỗ rốt ráo, nên có thể đem các thứ quý báu cúng dường thập phương Như Lai, cả đến chúng sanh lục đạo trong Pháp giới, ai cầu vợ thì được vợ, cầu con thì được con, cầu Tam ma địa thì được Tam ma địa, cầu sống lâu thì được sống lâu, như thế, cho đến cầu Đại Niết bàn thì được Đại Niết bàn.

  • Phật hỏi về viên thông, tôi do văn chiếu Tam ma địa nơi Nhĩ căn mà duyên tâm được tự tại; nhân tướng nhập lưu, được Tam ma địa, thành tựu quả Bồ đề, đó là thứ nhất. 
  • Bạch Thế Tôn, Đức Phật Như Lai kia, khen tôi khéo được Pháp môn viên thông, ở trong đại hội, thọ ký cho tôi cái hiệu là Quán Thế Âm; do tôi thấy nghe thấu suốt mười phương, nên danh tiếng Quan Âm cùng khắp thập phương thế giới.

Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn nơi sư tử tọa, năm vóc đồng phóng ra hào quang báu, rọi xa trên đỉnh thập phương Như Lai số như vi trần và trên đỉnh các vị Pháp vương tử, các vị Bồ tát. 

Các đức Như Lai kia, năm vóc cũng đồng phóng ra hào quang báu, từ các thế giới số như vi trần đến rọi trên đỉnh Phật và trên đỉnh các vị Đại Bồ tát và A la hán trong hội; rừng cây, ao hồ đều diễn ra pháp âm; hào quang giao xen cùng nhau như lưới tơ báu. Cả trong đại chúng được cái chưa từng có; tất cả đều được Kim cang Tam ma địa. 

Liền khi ấy, trời mưa hoa sen bách bảo màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng xen lộn lẫn nhau, thập phương hư không hóa thành sắc thất bảo. Đất liền, núi sông của cõi Ta Bà nầy cùng một lúc không hiện ra, chỉ thấy vi trần quốc độ thập phương hợp thành một giới, tiếng hát ca ngợi tự nhiên nổi lên.


Khi bấy giờ, đức Như Lai bảo ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử rằng: Ông hãy xét trong 25 vị Vô học Đại Bồ tát và A la hán, mỗi mỗi đều trình bày phương tiện hành đạo lúc đầu, đều nói tu tập tánh viên thông chân thật; chỗ tu hành của các vị kia, thật không có hơn, kém, trước, sau gì khác nhau. 

Nay tôi muốn khiến cho ông A Nan khai ngộ, thì trong 25 phép tu, phép nào hợp với căn cơ của ông ấy; lại, sau khi tôi diệt độ rồi, chúng sanh trong cõi nầy vào thừa Bồ tát, cầu đạo vô thượng, thì do Pháp môn phương tiện gì, được dễ thành tựu hơn?


Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử, vâng từ chỉ của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ nơi chân Phậtdựa vào uy thần của Phật, nói bài kệ đáp lại:

Bản tánh biển Giác khắp đứng lặng,
Tánh khắp đứng lặng vốn nhiệm mầu,
Bản minh chiếu ra hình như sở,
Lập tướng sở, bỏ mất bản minh.
Do mê vọng, mà có hư không,
Nương hư không, lập thành thế giới;
Tư tưởng chăm chú thành cõi nước,
Hay biết mọi việc, là chúng sanh.
Hư không sanh ra trong đại giác,
Như một bọt nước sanh trong bể;
Các nước hữu lậu, như vi trần
Đều nương hư không, mà phát sanh;
Bọt nước diệt, vốn không hư không,
Huống nữa là, hình tướng ba cõi.


Bản tánh xoay về, vốn không hai,
Phương tiện tu chứng có nhiều cách,
Cách nào cũng thông vào bản tánh,
Nói thuận, nghịch, chỉ là phương tiện;
Do hàng sơ tâm vào Tam ma địa,
Bên mau, bên chậm không đồng nhau.


Vọng tưởng kết lại thành Sắc trần,
Hay biết không thể thông suốt được;
Làm sao, chính chỗ không thông suốt,
Tu hành, lại được tánh viên thông?
Âm thanh xen lộn với lời nói,
Chỉ nương theo ý vị danh từ;
Nếu một, không trùm được tất cả,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Hương, chỉ lúc hợp, mới rõ biết,
Lúc rời cách, thì vốn không có;
Nếu sở giác, không được thường xuyên,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Vị, không phải bản nhiên tự có,
Cần phải nếm, mới biết có vị;
Nếu giác quan, không thường duy nhất,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Xúc, do các vật chạm mà biết,
Không vật chạm, thì không thành xúc;
Khi hợp, khi ly, không nhất định,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Pháp, cũng có tên là nội trần,
Nương theo trần, tất phải có sở;
Năng sở, không viên dung nhập một,
Thì làm sao, được tánh viên thông?


Cái thấy, tuy rỗng suốt rất xa,
Nhưng thấy trước, mà không thấy sau;
Bốn bề, còn thiếu mất một nửa,
Thì làm sao, được tánh viên thông!
Mũi, có thở ra và thở vào,
Chặng giữa, hiện không có hơi thở,
Nếu không viên dung sự cách bức,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Ngoài sở nhập, tánh nếm không thành,
Nhân các vị, mới có hay biết;
Không có vị, rốt ráo không có,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Thân biết xúc với cảnh sở xúc,
Đều có hạn, không phải cùng khắp;
Nếu không nhận tánh không bờ bến,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Ý căn xen với các loạn tưởng,
Đứng lặng, rốt cuộc không thấy gì;
Nếu không thoát được các tưởng niệm,
Thì làm sao, được tánh viên thông?


Nhãn thức, phát khởi nhờ căn trần,
Gạn cùng, vốn không có tự tướng;
Cả tự thể, còn không nhất định,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Tâm nghe rỗng thấu cả mười phương,
Là do sức hoằng thệ rộng lớn;
Sơ tâm, không thể đến chỗ ấy
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Quán đầu mũi, vốn là duyên cơ,
Chỉ để nhiếp tâm được an trụ;
Nếu cảnh quán, lại thành sở trụ,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Thuyết pháp, diệu dụng các danh từ;
Cốt phải đã được khai ngộ trước;
Nếu lời nói, không phải vô lậu,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Giữ giới, chỉ câu thúc cái thân,
Ngoài cái thân, lấy gì câu thúc;
Vốn không phải cùng khắp tất cả,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Thần thông, do túc tập từ trước,
Nào dính gì Ý thức phân biệt;
Tưởng niệm, không thoát ly sự vật,
Thì làm sao, được tánh viên thông?


Nếu quán cái tánh của địa đại,
Thì nó ngăn ngại, không thông suốt;
Pháp hữu vi, không phải chân tánh,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Nếu quán cái tánh của thủy đại,
Quán tưởng, đâu phải là chân thật,
Nếu không đi đến Diệu chân như,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Nếu quán hỏa đại, trừ dâm dục,
Chán cái có, không phải thật ly;
Phương tiện, không hợp với sơ tâm,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Nếu quán cái tánh của phong đại,
Động, tĩnh, đâu phải không đối đãi;
Đối đãi, trái với vô thượng giác,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Nếu quán cái tánh của không đại,
Hư không vô tri, không hay biết;
Không biết, khác hẳn với Bồ đề,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Nếu quán cái tánh của thức đại,
Thức sanh diệt, đâu phải thường trụ,
Để tâm trong phân biệt hư vọng,
Thì làm sao, được tánh viên thông?
Tất cả các hành đều vô thường,
Tưởng niệm, vốn trong vòng sanh diệt,
Nhân và quả, khác nhau như thế,
Thì làm sao, được tánh viên thông?


Tôi nay xin bạch Đức Thế Tôn,
Phật ra đời trong cõi Ta Bà,
Trong cõi nầy, lối dạy chân thật,
Thanh tịnh, do chỗ nói và nghe;
Nay muốn tu chứng Tam ma địa,
Thật nên do cái nghe mà vào.


Rời cái khổ và được giải thoát,
Hay thay cho ngài Quán Thế Âm;
Trong kiếp số như cát sông Hằng,
Vào cõi Phật như số vi trần,
Được sức tự tại rất to lớn,
Bố thí vô úy cho chúng sanh.
Ngài Quán Thế Âm, tiếng nhiệm mầu,
Tiếng trong sạch và tiếng hải trào,
Cứu đời, mọi việc được yên lành,
Xuất thế gian, được quả thường trụ.


Tôi nay kính bạch đức Như Lai,
Như lời ngài Quan Âm vừa nói:
Ví như, có người trong yên lặng,
Chung quanh mười phương đều đánh trống,
Thì đồng thời nghe khắp mười nơi,
Như thế, mới là viên chân thật.
Mắt bị ngăn che, không thấy được,
Thiệt căn, Tỷ căn cũng như vậy,
Thân căn, lúc hợp mới biết xúc,
Ý căn, phân vân không manh mối;
Cách tường, Nhĩ căn vẫn nghe tiếng,
Dầu xa, dầu gần, đều nghe được;
Năm căn so sánh thật không bằng,
Như thế, mới là thông chân thật.
Tánh Thanh trần, có động, có tĩnh,
Trong tánh nghe thành có, thành không;
Khi không tiếng, gọi là không nghe,
Đâu phải thật không còn tánh nghe;
Không tiếng, tánh nghe đã không diệt,
Có tiếng, tánh nghe đâu phải sanh;
Trọn rời cả hai thứ sanh diệt,
Như thế, mới là thường chân thật.
Dầu cho, trong lúc đương ngủ mê,
Không vì không nghĩ, mà không nghe;
Tánh nghe ra ngoài sự suy nghĩ,
Thân, ý không thể so bằng được.


Hiện nay, trong cõi Ta Bà nầy,
Các thứ thanh luận được truyền bá,
Do chúng sanh bỏ mất tánh nghe,
Theo Thanh trần, nên bị lưu chuyển;
A Nan, tuy có tánh nhớ dai,
Vẫn không khỏi mắc các tà niệm;
Há không phải tùy chỗ chìm đắm,
Xoay ngược dòng, thoát khỏi hư vọng.
A Nan, ông hãy nghe cho chín,
Nay tôi nương uy lực của Phật,
Tuyên nói phép Tam ma địa chân thật,
Chắc như Kim cang vương, như huyễn,
Không nghĩ bàn, xuất sanh chư Phật.
Ông nghe tất cả pháp bí mật
Của chư Phật, số như vi trần,
Nếu trước hết, không trừ dục lậu,
Nghe nhiều, chứa chấp thành lầm lỗi;
Dùng cái nghe thụ trì Phật pháp,
Sao lại không tự nghe cái nghe?
Tánh nghe không phải tự nhiên sanh,
Nhân Thanh trần mà có danh hiệu,
Xoay cái nghe, thoát ly Thanh trần,
Cái thoát ly ấy, gọi là gì?
Một căn, đã trở về bản tánh,
Thì cả Lục căn, được giải thoát,
Thấy, nghe như bệnh lòa huyễn hóa,
Ba cõi như hoa đốm hư không;
Xoay tánh nghe, gốc lòa tiêu trừ,
Trần tướng tiêu, giác tánh viên tịnh.
Tột thanh tịnh, trí quang thông suốt,
Thể tịch chiếu trùm khắp hư không,
Trở lại xem các việc thế gian
Thật giống như chiêm bao không khác.
Nàng Ma Đăng Già là chiêm bao
Thì còn ai bắt ông được nữa?
Như các huyễn sư khéo trong đời,
Làm trò, thành ra các trai, gái;
Tuy thấy các căn đều cử động,
Cốt yếu, do cái máy dật dây;
Nghỉ máy, tất cả đều yên lặng,
Các trò, trở thành không có tánh.
Cả Lục căn cũng giống như thế,
Vốn đều nương một tánh tinh minh
Chia ra thành sáu thứ hòa hợp;
Một nơi, đã rời bỏ quay về,
Thì cả sáu, đều không thành lập;
Trong một niệm, trần cấu đều tiêu,
Chuyển thành tánh Viên minh tịnh diệu,
Còn sót trần cấu là học vị,
Sáng suốt cùng tột, tức Như Lai.
Hỡi đại chúng và ông A Nan,
Hãy xoay lại cái nghe điên đảo,
Xoay cái nghe về, nghe tự tánh,
Nhận tự tánh, thành đạo vô thượng;
Thật tánh viên thông là như thế.


Đây thật là một đường thẳng tiến
Vào Niết bàn của vi trần Phật;
Các đức Như Lai trong quá khứ
Đều đã thành tựu Pháp môn nầy;
Các vị Bồ tát trong hiện tại
Điều viên minh vào Pháp môn ấy;
Những người tu học đời vị lai
Đều nên nương theo Pháp môn đó;
Tôi cũng do pháp ấy mà chứng,
Không phải chỉ ngài Quán Thế Âm.
Thật như lời Đức Phật Thế Tôn
Đã hỏi tôi về các phương tiện
Để cứu giúp, trong đời mạt pháp,
Những người cầu pháp xuất thế gian
Thành tựu được tâm tánh Niết bàn
Thì ngài Quan Âm là hơn cả.
Còn tất cả các phương tiện khác
Đều là nhờ uy thần của Phật,
Tức nơi sự, rời bỏ trần lao,
Không phải phép tu học thường xuyên,
Nông hay sâu cũng đồng nghe được.


Xin đỉnh lễ tánh Như Lai tạng,
Vô lậu, không còn sự nghĩ bàn,
Nguyện gia bị cho đời vị lai,
Nơi Pháp môn nầy, không lầm lẫn.
Đây là phương tiện dễ thành tựu,
Nên đem dạy cho ông A Nan
Cùng những kẻ trầm luân mạt kiếp,
Chỉ dùng Nhĩ căn mà tu tập,
Thì viên thông chóng hơn pháp khác;
Tâm tánh chân thật là như thế.


Lúc ấy, ông A Nan cùng cả đại chúng, thân tâm tỏ rõ, nhận được sự khai thị to lớn, xem quả Bồ đề và Đại Niết bàn của Phật, cũng như có người nhân có việc phải đi xa, chưa trở về được, song đã biết rõ con đường về nhà. 

Trong Pháp hội, cả đại chúng, Thiên Long Bát Bộ, hàng Nhị thừa Hữu học và tất cả các Bồ tát mới phát tâm, số lượng bằng mười số cát sông Hằng, đều được bản tâm xa trần tướng, rời cấu nhiễm, được pháp nhãn thanh tịnh. 

Bà Tánh Tỳ kheo ni nghe nói bài kệ xong, thành quả A la hán; vô lượng chúng sanh đều phát tâm Vô đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.


Ông A Nan sửa áo chỉnh tề, ở trong đại chúng, chấp tay đỉnh lễ; tâm tích trọn sáng, vừa mừng vừa tủi; vì muốn lợi ích cho các chúng sanh vị lai, cúi đầu bạch Phật:

  • Thưa Đức Thế Tôn đại bi, tôi nay đã ngộ được Pháp môn thành Phật, tu hành trong đó, được không nghi hoặc. Tôi thường nghe đức Như Lai dạy như thế nầy: Tự mình chưa được độ, trước đã độ người, đó là chỗ phát tâm của các vị Bồ tát; tự mình Giác ngộ viên mãn, có thể Giác ngộ kẻ khác, đó là sự ứng thế của các đức Như Lai. Tôi tuy chưa được độ, song nguyện độ tất cả chúng sanh trong đời mạt pháp. 
  • Bạch Thế Tôn, các chúng sanh đó cách Phật ngày càng xa, những tà sư thuyết pháp; số như cát sông Hằng; nếu muốn họ nhiếp tâm vào Tam ma địa, thì nên khiến họ dựng lập đạo tràng thế nào để rời các ma sự, được không thoái khuất nơi tâm Bồ đề.

Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn, ở trong đại chúng, khen ngợi ông A Nan:

  • Hay lắm, hay lắm, như chỗ ông hỏi về dựng lập đạo tràng, cứu giúp chúng sanh chìm đắm trong đời mạt pháp, ông hãy nghe cho chín, tôi sẽ vì ông mà nói.

Ông A Nan và cả đại chúng kính vâng lời dạy của Phật.

Phật bảo ông A Nan:

  • Ông thường nghe tôi, trong Tỳ Nại Gia, tuyên nói ba nghĩa quyết định của sự tu hành, đó là thu nhiếp cái tâm là giới, nhân giới mà sanh định, nhân định mà phát huệ, thế gọi là 3 pháp Vô lậu học.

  • A Nan, thế nào thu nhiếp cái tâm thì gọi là giới?
  • Nếu chúng sanh lục đạo các thế giới, cái tâm không dâm, thì không đi theo dòng sanh tử tiếp tục. Ông tu phép Tam ma địa cốt để ra khỏi trần lao, nếu không trừ lòng dâm, thì không thể ra khỏi trần lao được. Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn lòng dâm, cũng chắc lạc vào ma đạo, hạng trên thành Ma vương, hạng giữa thành ma dân, hạng dưới thành ma nữ; các bọn ma kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô thượng. 
  • Sau khi tôi diệt độ rồi, trong đời mạt pháp, có nhiều bọn ma nầy sôi nổi trong thế gian, gây nhiều việc tham dâm, lại giả làm người thiện tri thức, khiến cho các chúng sanh sa vào hầm ái kiến; bỏ mất con đường Bồ đề. Ông dạy người đời tu pháp Tam ma địa, trước hết phải đoạn cái dâm trong tự tâm. Ấy gọi là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ nhất của các Đức Như Lai Tiên Phật Thế Tôn. 
  • Vậy nên ông A Nan, nếu không đoạn lòng dâm mà tu thiền định, thì cũng như nấu cát, nấu đá muốn cho thành cơm, dầu trải qua trăm nghìn kiếp cũng chỉ gọi là cát nóng, đá nóng, vì cớ sao? 
  • Vì đó là giống cát, giống đá, không phải là bản nhân của cơm vậy. Ông đem thân dâm cầu diệu quả của Phật, dầu được diệu ngộ, cũng chỉ là gốc dâm, cỗi gốc đã thành dâm, thì phải trôi lăn trong tam đồ, chắc không ra khỏi, còn đường nào tu chứng Niết bàn Như Lai. Chắc phải khiến cho thân tâm đều đoạn hết giống dâm, cho đến tánh đoạn cũng không còn nữa, thì mới trông mong chứng quả Bồ đề của Phật. 
  • Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba Tuần.

  • A Nan, lại các chúng sanh lục đạo trong các thế giới, nếu cái tâm không sát, thì không theo dòng sanh tử tiếp tục. Ông tu phép Tam ma địa, cốt ra khỏi trần lao, nếu không trừ lòng sát, thì không thể ra khỏi trần lao được. Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn lòng sát, thì chắc phải lạc vào thần đạo; người bậc trên thì thành đại lực quỷ, người bậc giữa thì thành phi hành Dạ xoa và các loài quỷ soái, người bậc dưới thì thành địa hành La sát, các loài quỷ thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô thượng. Sau khi tôi diệt độ rồi, trong đời mạt pháp, có nhiều quỷ thần nầy sôi nổi trong thế gian, tự nói rằng ăn thịt, được đạo Bồ đề. 
  • A Nan, tôi khiến hàng Tỳ kheo ăn năm thứ tịnh nhục, thịt kia đều do thần lực tôi hóa sanh ra, vốn không có mạng căn. Xứ Bà la môn các ông, đất đai phần nhiều nóng ướt, lại thêm cát đá, rau cỏ không sanh được; tôi dùng sức đại bi gia bị, nhân sức đại từ bi, giả gọi là thịt và các ông cũng nhận được cái vị như thịt; làm sao, sau khi Như Lai diệt độ, người ăn thịt chúng sanh, lại gọi là Phật tử! 
  • Các ông nên biết những người ăn thịt đó, dầu cho tâm được khai ngộ, giống như Tam ma địa, đều là loài La sát, quả báo hết rồi, phải chìm đắm trong bể khổ, không phải đệ tử Phật. Những người như vậy, giết nhau, nuốt nhau, ăn nhau chưa thôi, làm sao, lại được ra khỏi ba cõi. Ông dạy người đời tu phép Tam ma địa, thứ nữa, phải đoạn lòng sát. Ấy gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ hai của các đức Như Lai Tiên Phật Thế Tôn.
  • Vậy nên A Nan, nếu không đoạn lòng sát mà tu thiền định, thì cũng ví như có người tự bịt lỗ tai, cất tiếng kêu to mà trông mong người khác không nghe; bọn này gọi là muốn giấu thì càng lộ. Hàng Tỳ kheo thanh tịnh và các vị Bồ tát đi trong đường rẽ, không dẫm cỏ non, huống nữa là lấy tay nhổ cỏ; làm sao đức đại bi, lại lấy máu thịt của các chúng sanh, mà làm đồ ăn?
  • Nếu các hàng Tỳ kheo không mặc những đồ tơ lụa, là lượt phương Đông và không dùng những giày dép, áo cừu, áo len hay các thứ sữa, phó mát, đề hồ, thì những Tỳ kheo như thế, đối với thế gian, thật là giải thoát, trả hết nợ cũ xong, thì không vào trong ba cõi nữa, vì cớ sao? 
  • Dùng những bộ phận thân thể chúng sanh, thì đều bị ảnh hưởng chúng sanh, cũng như con người ăn giống bách cốc trong đất, thì chân không rời khỏi đất. Quyết phải khiến cho thân tâm, đối với thân thể hay bộ phận thân thể của chúng sanh, đều không mặc, không ăn, thì những người như thế, tôi mới gọi thật là giải thoát. 
  • Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba Tuần.

  • A Nan, lại như chúng sanh lục đạo trong thế giới, tâm không thâu đạo, thì không theo dòng sanh tử tiếp tục. Ông tu phép Tam ma địa, cốt ra khỏi trần lao, nếu lòng thâu đạo không trừ, thì không thể ra khỏi trần lao được; dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn được lòng thâu đạo, thì chắc phải lạc vào tà đạo, hạng trên thì thành tinh linh, hạng giữa thì thành yêu mị, hạng dưới thì thành người tà đạo bị các loài quỷ mị nhập vào; các bọn tà đạo kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô thượng. 
  • Sau khi tôi diệt độ rồi, trong đời mạt pháp, có nhiều những hạng yêu mị tà đạo ấy sôi nổi trong thế gian, chúng lén núp gian dối, tự xưng là thiện tri thức, mỗi người tự xưng đã được đạo pháp thượng nhân, lừa gạt kẻ không biết, doạ dẫm khiến cho mất lòng chính tín; chúng đi qua đến đâu, cửa nhà người ta đều bị hao tổn tan nát. Tôi dạy hàng Tỳ kheo theo thứ lớp khất thực để bỏ lòng tham, thành đạo Bồ đề. 
  • Các hàng Tỳ kheo không tự nấu ăn, gửi cái sống thừa tạm bợ trong ba cõi, thị hiện chỉ đi về một phen, đi rồi không trở lại nữa. Làm sao, bọn giặc mượn y phục đạo Phật, buôn bán Như Lai, gây các thứ nghiệp mà đều gọi là Phật pháp, lại còn chê bai các vị Tỳ kheo đầy đủ giới luật xuất gia là đạo Tiểu thừa; do chúng làm cho vô lượng chúng sanh mắc phải nghi lầm, nên sẽ bị đọa vào ngục Vô Gián. 
  • Sau khi tôi diệt độ rồi, nếu có Tỳ kheo phát tâm quyết định tu phép Tam ma địa, biết ở trước hình tượng Như Lai, chính mình thắp một cây đèn, đốt một đốt ngón tay hay ở trên thân, đốt một mồi hương, tôi nói người ấy, túc trái vô thủy, trong một thời trả hết, cáo từ thế gian, thoát hẳn các lậu. Người ấy, tuy chưa hiểu rõ đạo vô thượng giác, nhưng đối với Phật pháp, tâm đã quyết định; nếu không làm được cái nhân nhỏ mọn xả thân ấy, thì dầu thành đạo vô vi, cùng phải lại sanh làm người, trả các nợ củ, như quả báo mã mạch của tôi, thật không sai khác. 
  • Ông dạy người đời tu phép Tam ma địa, sau nữa, phải đoạn lòng thâu đạo. Ấy gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ ba của các đức Như Lai Tiên Phật Thế Tôn. 
  • Vậy nên ông A Nan, nếu không đoạn lòng thâu đạo mà tu thiền định, thì cũng như người lấy nước rót vào chén thủng, mong cho đầy chén, dầu trải qua kiếp số như vi trần, rốt cuộc không thể đầy được. 
  • Nếu các hàng Tỳ kheo, ngoài y bát ra, mảy may không tích trữ, xin ăn có dư, thì bố thí cho chúng sanh đói, nơi nhóm hội lớn, chấp tay vái chào đại chúng, có người đánh mắng cũng đồng như khen ngợi, quyết định rời bỏ cả thân và tâm, thân thịt xương máu thành sở hữu chung của chúng sanh, không đem những lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ hiểu của mình, khiến cho kẻ sơ học phải lầm lạc, thì Phật ấn chứng người ấy, thật được Tam ma địa. 
  • Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba Tuần.

  • A Nan, chúng sanh lục đạo trong thế giới như thế, tuy nơi thân tâm không còn sát, đạo, dâm, cả ba hạnh đã được viên mãn, nếu mắc phải đại vọng ngữ, thì Tam ma địa không được thanh tịnh, thành giống ma ái kiến và mất giống Như Lai; tức như chưa được gọi rằng được, chưa chứng gọi rằng chứng, hoặc để cầu thế gian tôn trọng tột bậc, bảo người khác rằng: Nay tôi đã được quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, đạo A la hán, thừa Bích chi Phật hay các quả vị Bồ tát trong Thập địa hay trước Thập địa, trông mong người kia lễ sám, tham sự cúng dường. 
  • Những tên nhất điên ca ấy, tự tiêu diệt giống Phật, như người lấy dao chặt cây đa la; Phật ấn ký người ấy, mất hẳn thiện căn, không còn chính tri kiến, chìm đắm trong ba bể khổ, không thành tựu pháp Tam ma địa. 
  • Tôi bảo các hàng Bồ tát và A la hán, sau khi tôi diệt độ rồi, hiện ra Ứng thân, sanh trong đời mạt pháp kia, hiện ra nhiều hình tướng khác nhau, đề độ những người còn trong vòng luân hồi, hoặc làm Sa môn, bạch y cư sĩ, vua chúa, quan lại, đồng nam, đồng nữ, như thế cho đến người dâm nữ, người quả phụ, người gian dối, trộm cắp, người hàng thịt, buôn bán, để khen ngợi Phật thừa với những người đồng sự, khiến cho thân tâm của họ vào được Tam ma địa; nhưng rốt ráo không tự bảo rằng tôi thật là Bồ tát, thật là A la hán, khinh xuất nói với những người chưa học, làm tiết lậu mật nhân của Phật, chỉ trừ đến lâm chung, hoặc chăng, thầm có những lời di chúc; làm sao, lại còn có lừa gạt chúng sanh, thành tội đại vọng ngữ. 
  • Ông dạy người đời tu phép Tam ma địa, sau rốt phải đoạn trừ các đại vọng ngữ. Ấy gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ tư của các đức Như Lai Tiên Phật Thế Tôn.
  • Vậy nên ông A Nan, nếu không đoạn trừ lòng đại vọng ngữ, thì cũng như khắc phân người làm thành hình cây chiên đàn, mà muốn được hương thơm, thật không có lẽ nào như vậy. 
  • Tôi dạy hàng Tỳ kheo lấy trực tâm làm đạo tràng, trong hết thảy hành động, nơi bốn uy nghi, còn không có giả dối, làm sao, lại có kẻ tự xưng đã được đạo pháp thượng nhân! 
  • Ví như người dân cùng xưng càn là đế vương để tự chuốc lấy sự tru diệt, huống nữa, là vị pháp vương, làm sao, lại dám xưng càn! Nhân đã không thật, quả ắt quanh co, như thế, mà cầu đạo Bồ đề của Phật, thì cũng như người muốn cắn rốn, làm sao, mà thành tựu được. 
  • Nếu như các hàng Tỳ kheo, tâm như dây đàn thẳng, tất cả đều chân thật mà vào Tam ma địa, thì hẳn không có các ma sự, tôi ấn chứng người đó, thành tựu được vô thượng tri giác của các hàng Bồ tát. 
  • Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba Tuần.

NAM MÔ LĂNG NGHIÊM HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT MA HA TÁT