Skip to content

Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 8: Các Địa Vị Tu Chứng – Nguyên Nhân & Quả Báo Của Chúng Sanh

大佛頂首楞嚴經

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh – Tập 19 – Số 945 (Mật Giáo Bộ)
Surangama Sutra – 大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經
Đại Phật Đỉnh
Như Lai Mật Nhân
Tu Chứng Liễu Nghĩa
Chư Bồ Tát Vạn Hạnh
Thủ Lăng Nghiêm Kinh
Ngài Bồ tát Long Thụ (thế kỷ II) thỉnh từ cung rồng Ta Kiệt La
Nước Trung Hoa –  triều Đại Đường (618~907) –  đời Trung Tông (705~710)
Ngài Sa môn Bát Lạt Mật Đế (người Thiên Trúc) dịch chép ra Phạn văn, sau đó truyền kinh sang Trung Hoa và tổng dịch năm 705
Sa môn Di Già Thích Ca (?~?) Hán dịch từ Phạn văn
Sa môn Hoài Địch (?~?) chứng minh bản dịch
Cư sĩ Phòng Dung (tể tướng đời Võ Chu) bình chương, bút thọ, bảo trợ bản dịch
Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897~1969) Việt dịch từ Hán văn năm 1961
daithua.com biên tập năm 2021

Quyển 8:

Các Địa Vị Tu Chứng
Nguyên Nhân & Quả Báo Của Chúng Sanh


  • A Nan, như thế, chúng sanh trong mỗi mỗi loài, cũng đều đủ hết 12 thứ điên đảo. Cũng như dụi con mắt, thì hoa đốm đủ thứ phát sanh ra, chân tâm diệu viên trong sạch sáng suốt mà điên đảo, thì đầy đủ những tư tưởng càn loạn giả dối như vậy. 
  • Nay, ông tu chứng Tam ma địa của Phật, thì đối với những tư tưởng càn loạn, làm nguyên nhân cỗi gốc của các điên đảo, nên lập ra ba tiệm thứ mới trừ diệt được, cũng như, trong khí mãnh trong sạch, trừ bỏ mật độc, dùng nước nóng và các thứ chất tro, chất thơm rửa sạch khí mãnh rồi, về sau, mới đựng nước cam lộ.

  • Thế nào gọi là ba tiệm thứ?
    • Một là tu tập, trừ các trợ nhân.
    • Hai là chân tu, nạo sạch chánh tánh.
    • Ba là tăng tiến, trái lại hiện nghiệp.
  • Thế nào là trợ nhân?
    • A Nan, 12 loài chúng sanh đó trong thế giới, không thể tự toàn, phải nương theo bốn cách ăn mà an trụ, nghĩa là, nương theo đoạn thực, xúc thực, tư thực và thức thực; vậy nên Phật bảo tất cả chúng sanh, đều nương với cái ăn mà an trụ. 
    • A Nan, tất cả chúng sanh, ăn thức lành thì sống, ăn thức độc thì chết; vậy, các chúng sanh, cầu Tam ma địa, nên dứt bỏ năm thứ rau cay trong thế gian. Năm thứ rau cay nầy, ăn chín thì phát lòng dâm, ăn sống thì thêm lòng giận. 
    • Những người ăn rau cay đó, trên thế giới, dù biết giảng nói 12 bộ kinh, thiên tiên 10 phương, hiềm vì nó hôi nhớp, đều tránh xa cả; các loài ngạ quỷ,… nhân trong lúc người kia ăn rau cay, liếm môi mép của người đó; người ấy thường ở với quỷ một chổ, phúc đức ngày càng tiêu, hằng lâu không được lợi ích. 
    • Người ăn rau cay đó, tu phép Tam ma địa, Bồ tát, Thiên tiên, Thiện thần thập phương không đến giữ gìn ủng hộ; Đại lực Ma vương được phương tiện đó, hiện ra thân Phật, đến thuyết pháp cho người kia, chê phá cấm giới, tán thán dâm dục, nóng giận, si mê; đến khi mệnh chung, tự mình người ấy làm quyến thuộc của Ma vương; khi hưởng thụ phúc ma hết rồi, thì đọa vào ngục Vô Gián. 
    • A Nan, người tu đạo Bồ đề, phải đoạn hẳn năm thứ rau cay; ấy gọi là tiệm thứ tu hành tăng tiến thứ nhất.
  • Thế nào là chánh tánh?
    • A Nan, chúng sanh như vậy vào Tam ma địa, cốt yếu trước hết, phải nghiêm chỉnh giữ giới thanh tịnh, đoạn hẳn lòng dâm, không dùng rượu thịt, chỉ ăn đồ ăn trong sạch nấu chín, không ăn đồ sống. 
    • A Nan, người tu hành đó, nếu không đoạn dâm dục và sát sanh, mà ra khỏi được ba cõi, thì thật không có lẽ như vậy. Nên xem sự dâm dục như là rắn độc, như thấy giặc thù. 
    • Trước hết, phải giữ tứ khí, bát khí của giới luật Thanh văn, nắm giữ cái thân không lay động; về sau, hành trì luật nghi thanh tịnh Bồ tát, nắm giữ cái tâm không móng lên. 
    • Cấm giới đã thành tựu, thì ở trong thế gian, hẳn không còn những nghiệp sanh nhau, giết nhau; đã không làm việc trộm cướp, thì không còn mắc nợ nhau và cũng khỏi phải trả các nợ kiếp trước trong thế gian. 
    • Con người thanh tịnh ấy, tu phép Tam ma địa, chính nơi nhục thân cha mẹ sanh ra, không cần thiên nhãn, tự nhiên thấy được thập phương thế giới, thấy Phật nghe pháp, chính mình vâng lĩnh thánh chỉ của Phật, được phép đại thần thông, đi khắp thập phương thế giới; túc mạng được thanh tịnh, không còn những điều khó khăn nguy hiểm; ấy gọi là tiệm thứ tu hành tăng tiến thứ hai.
  • Thế nào là hiện nghiệp?
    • A Nan, người giữ gìn cấm giới thanh tịnh như vậy, tâm không tham dâm, không hay giong ruổi theo Lục trần ở ngoài; nhân không giong ruổi, tự xoay lại về tánh bản nguyên; trần đã không duyên, thì căn không ngẫu hợp với đâu nữa; trở ngược dòng về chỗ toàn nhất, sáu cái dụng không hiện hành, cõi nước mười phương sáng suốt thanh tịnh, ví như ngọc lưu ly, có mặt trăng sáng treo ở trong ấy. 
    • Thân tâm khoan khoái, tánh diệu viên bình đẳng, được đại an ẩn, tất cả mật viên tịnh diệu các đức Như Lai đều hiện trong đó; người ấy liền được Vô sanh Pháp nhẫn. 
    • Từ đó, lần lượt tu tập, tùy cái hạnh phát ra mà an tập các thánh vị, đó gọi là tiệm thứ tu hành tăng tiến thứ ba.

  • A Nan, Thiện nam tử ấy, lòng dục ái khô cạn, căn và cảnh không ngẫu hợp, thân tàn hiện tiền, không còn tiếp tục sanh nữa, nắm cái tâm rỗng sáng, thuần là trí huệ; tánh trí huệ sáng suốt cùng khắp, soi thấu thập phương thế giới; chỉ có cái huệ khô khan ấy, nên gọi là Càn huệ địa, tập khí ngũ dục mới khô cạn, chưa tiếp giáp với dòng nước pháp của các đức Như Lai.

  • Tức lấy cái tâm ấy, chính giữa chính giữa lần vào, tánh viên diệu mở mang, từ chỗ chân diệu viên lại phát ra chân diệu. Tánh diệu tín thường trụ, tất cả vọng tưởng diệt hết không còn, trung đạo được thuần chân, gọi là Tín tâm trụ.
  • Chân tín tỏ rõ, tất cả đều viên thông, ba thứ ấm, giới, nhập không thể làm ngăn ngại; như thế, cho đến trong vô số kiếp quá khứ, vị lai, tất cả tập khí xả thân, thụ thân đều hiện ra trước mặt, Thiện nam tử ấy đều có thể nhớ nghĩ được, không quên mất gì; gọi là Niệm tâm trụ.
  • Tánh diệu viên thuần chân, chân tinh phát hóa ra, các tập khí vô thủy đều thông vào một tánh tinh minh, chỉ dùng tinh minh ấy, tiến đến chỗ chân tịnh; gọi là Tinh tấn tâm.
  • Tâm tinh hiện tiền, thuần dùng trí huệ; gọi là Huệ tâm trụ.
  • Nắm giữ trí huệ sáng suốt, lặng đứng cùng khắp, tánh tịch diệu thường đứng lại; gọi là Định tâm trụ.
  • Định quang phát minh, đi sâu vào tánh sáng suốt, chỉ có tới, chứ không lui; gọi là Bất thối tâm.
  • Tâm an nhiên đi tới, giữ gìn không mất, giao tiếp với khí phần thập phương Như Lai; gọi là Hộ pháp tâm.
  • Giữ gìn tánh giác minh, có thể dùng diệu lực xoay từ quang của Phật về nơi mình và hướng về Phật mà an trụ, cũng như hai gương sáng đối nhau, trong đó các bóng nhiệm mầu lớp lớp lồng nhau; gọi là Hồi hướng tâm.
  • Tự tâm thầm xoay Phật quang trở về, được vô thượng diệu tịnh thường trụ của Phật, an trụ nơi vô vi, được không bỏ mất; gọi là Giới tâm trụ.
  • Tự tại an trụ nơi giới, có thể đi khắp mười phương, tùy nguyện mà đi; gọi là Nguyện tâm trụ.

  • A Nan, Thiện nam tử đó, dùng phương tiện chân chính phát được mười cái tâm ấy, tâm tinh đã phát huy, mười cái dụng ấy xen lẫn với nhau, viên thành một tâm; gọi là Phát tâm trụ.
  • Trong tâm phát ra sáng suốt, như ngọc lưu ly trong sạch, ở trong hiện ra vàng ròng; dùng cái diệu tâm trước kia, sửa sang thành chỗ nương đứng; gọi là Trị địa trụ.
  • Tâm địa biết khắp, đều được rõ ràng, đi cùng mười phương, được không ngăn ngại; gọi là Tu hành trụ.
  • Hạnh đồng với Phật, nhận khí phần của Phật như thân trung ấm tự cầu cha mẹ, âm tín thầm thông vào giống Như Lai; gọi là Sanh quý trụ.
  • Đã vào đạo thai, chính mình nhờ được sự nuối nấng của tánh giác, như cái thai đã thành, tướng người không thiếu; gọi là Phương tiện cụ túc trụ.
  • Hình dáng như Phật, tâm tướng cũng vậy; gọi là Chánh tâm trụ.
  • Thân tâm hợp thành, ngày càng tăng trưởng; gọi là Bất thối trụ.
  • Linh tướng mười thân, một thời đầy đủ; gọi là Đồng chân trụ.
  • Hình đã thành, ra khỏi thai, chính mình làm Phật tử; gọi là Pháp vương tử trụ.
  • Nghi biểu đã thành người lớn, như khi một quốc vương, phân công ủy nhiệm cho thái tử các việc nước, thì quốc vương kia, lúc thái tử trưởng thành, bày ra lễ quán đỉnh; gọi là Quán đỉnh trụ.

  • A Nan, Thiện nam tử đã thành Phật tử rồi, đầy đủ diệu đức vô lượng của Như Lai và tùy thuận mười phương; gọi là Hoan hỉ hạnh.
  • Khéo biết làm lợi ích cho tất cả chúng sanh; gọi là Nhiêu ích hạnh.
  • Tự giác và giác tha, được không chống trái; gọi là Vô sân hận hạnh.
  • Theo các chủng loại mà hiện ra sắc thân cùng tột vị lai, ba đời đều bình đẳng, mười phương được thông suốt; gọi là Vô hận hạnh.
  • Tất cả đều hợp về đồng, nơi các thứ Pháp môn, được không sai lầm; gọi là Ly si loạn hạnh.
  • Rồi ở trong đồng, hiện ra các cái khác, nơi mỗi mỗi tướng khác, mỗi mỗi đều thấy là đồng; gọi là Thiện hiện hạnh.
  • Như vậy, cho đến mười phương hư không, đầy khắp vi trần và trong mỗi mỗi vi trẩn hiện ra thập phương thế giới; hiện vi trần, hiện thế giới, không ngăn ngại nhau; gọi là Vô trước hạnh.
  • Các thứ hiện tiền, đều là đệ nhất Ba la mật đa; gọi là Tôn trọng hạnh.
  • Viên dung như vậy, có thể thành tựu quy tắc của chư Phật mười phương; gọi là Thiện pháp hạnh.
  • Mỗi mỗi đều là Nhất chân vô vi Thanh tịnh vô lậu, vì tánh bản nhiên là như vậy; gọi là Chân thật hạnh.

  • A Nan, Thiện nam tử đó đầy đủ thần thông, thành tựu Phật sự rồi, toàn là một tinh chân thuần khiết, xa các lỗi lầm, chính khi hóa độ chúng sanh mà diệt tướng năng độ, sở độ, xoay tâm vô vi hướng về đường Niết bàn; gọi là Cứu hộ nhất thiết chúng sanh, Ly chúng sanh tướng hồi hướng.
  • Diệt hoại tất cả cái gì có thể diệt hoại, viễn ly các sự ly; gọi là Bất hoại hồi hướng.
  • Tánh bản giác đứng lặng, Giác ngộ bằng Phật; gọi là Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng.
  • Tinh chân phát ra sáng suốt, tâm địa như Phật địa, gọi là Chí nhất thiết xứ hồi hướng.
  • Thế giới và Như Lai, dung hợp vào nhau, được không ngăn ngại; gọi là Vô tận công đức tạng hồi hướng.
  • Nơi đồng với Phật địa, trong ấy phát sanh ra các nhân thanh tịnh, nương nhân ấy mà phát huy, đi đến đạo Niết bàn; gọi là Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng.
  • Chân căn đã thành tựu, thập phương chúng sanh đều là bản tánh của mình, bản tánh viên mãn thành tựu, không bỏ mất chúng sanh; gọi là Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng.
  • Tức tất cả pháp, ly tất cả tướng, cả tức và ly, hai cái đều không dính; gọi là Chân như tướng hồi hướng.
  • Thật được như như, mười phương không ngăn ngại; gọi là Vô phược giải thoát hồi hướng.
  • Tánh đức viên mãn thành tựu, lượng của Pháp giới diệt; gọi là Pháp giới vô lượng hồi hướng.

  • A Nan, Thiện nam tử đó, tu hết 41 tâm thanh tịnh ấy rồi, thì lại thành tựu bốn thứ gia hạnh diệu viên:
    • Tức lấy Phật giác, dùng làm tâm mình, như ra nhưng chưa ra, ví như dùi cây để cho ra lửa mà đốt cái cây; gọi là Noãn địa.
    • Lại lấy tâm mình, thành chỗ đứng của Phật, hình như nương, nhưng không phải nương, ví như người lên chóp núi cao, thân đã vào hư không, nhưng ở dưới còn chút ngăn ngại; gọi là Đỉnh địa.
    • Tâm và Phật là đồng, khéo được trung đạo, ví như người biết nhịn, không phải ôm vào, nhưng cũng không phải phát ra; gọi là Nhẫn địa.
    • Số lượng đều tiêu diệt, mê, giác và trung đạo, cả hai đều không có gì; gọi là Thế đệ nhất địa.

  • A Nan, Thiện nam tử đó thông suốt đúng đắn đạo Đại Bồ đề, chỗ Giác ngộ thông với Như Lai, cùng tột cảnh giới của Phật; gọi là Hoan hỉ địa.
  • Tánh khác nhập với đồng, tánh đồng cũng diệt; gọi là Ly cấu địa.
  • Thanh tịnh cùng tột, sáng suốt sanh ra; gọi là Phát quang địa.
  • Sáng suốt tột, giác viên mãn; gọi là Diệm huệ địa.
  • Tất cả cái đồng, cái khác, không thể đến được; gọi là Nan thắng địa.
  • Bản tánh thanh tịnh vô vi, chân như tỏ lộ; gọi là Hiện tiền địa.
  • Tột bờ bến chân như; gọi là Viễn hành địa.
  • Một tâm chân như; gọi là Bất động địa.
  • Phát cái dụng chân như; gọi là Thiện huệ địa.
  • A Nan, các Bồ tát đó, từ đây về trước, công hạnh tu tập đã xong, công đức được viên mãn, cũng gọi địa nầy là Tu tập vị; bóng từ, mây diệu, trùm bể Niết bàn; gọi là pháp vân địa.

  • Như Lai ngược dòng trở lại, vị Bồ tát đó thuận dòng đi tới, Giác ngộ vào chỗ giao tiếp với nhau; gọi là Đẳng giác.
  • A Nan, từ tâm Càn huệ đến Đẳng giác rồi, giác đó mới bắt đầu được Sơ càn huệ địa trong tâm Kim Cang; như vậy lớp lớp tu đơn, tu kép 12 vị mới cùng tột Diệu giác, thành đạo Vô thượng.
  • Các thứ địa ấy, đều lấy trí Kim Cang quán sát mười thứ ví dụ như huyễn sâu xa, trong Xa ma tha, dùng phép Tỳ bà xá na của các Đức Như Lai mà thanh tịnh tu chứng, lần lượt đi sâu vào.
  • A Nan, như thế, đều dùng ba tiệm thứ tăng tiến, nên khéo thành tựu 55 vị trong đường Bồ đề chân thật. Làm cái quán như vậy, gọi là chánh quán; nếu quán cách khác, gọi là tà quán.

Khi bấy giờ, ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử, ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng:

  • Nên gọi kinh nầy là gì?
  • Tôi và chúng sanh phải phụng trì thế nào?

Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi:

  • Kinh nầy tên là Đại Phật Đỉnh Tất Đát Đa Bát Đát Ra Vô Thượng Bảo Ấn Thập Phương Như Lai Thanh Tịnh Hải Nhãn
  • Cũng gọi tên là Cứu Hộ Thân Nhân Độ Thoát A Nan Cập Thử Hội Trung Tánh Tỳ kheo Ni Đắc Bồ Đề Tâm Nhập Biến Tri Hải
  • Cũng gọi tên là Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa
  • Cũng gọi tên là Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni Chú.
  • Cũng gọi tên là Quán Đỉnh Chương Cú Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm.
  • Các ông nên phụng trì.

Phật nói lời ấy rồi, liền khi đó, ông A Nan và cả đại chúng được nhờ đức Như Lai khai thị ý nghĩa mật ấn Bát Đát Ra, lại nghe được những tên gọi liễu nghĩa của kinh nầy, liền ngộ được Diệu lý tăng thượng để tu tiến vào các thánh vị trong Thiền na; tâm niệm rỗng trống đứng lặng, ông đoạn trừ 6 phẩm phiền não vi tế trong tư hoặc tam giới.


Ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ nơi chân Phậtchấp tay cung kính mà bạch Phật rằng:

  • Thưa Đức Thế Tôn, có uy đức lớn, phát ra từ âm không ngăn ngại, khéo khai ngộ những lỗi lầm sâu kín nhỏ nhiệm của chúng sanh, khiến cho chúng tôi ngày nay, thân tâm khoan khoái, được lợi ích lớn.
  • Bạch Thế Tôn, nếu cái chân tâm diệu minh trong sạch nhiệm mầu, bản lai cùng khắp viên mãn, như thế, cho đến bản tánh chân như của đất liền, cỏ cây, các loài máy động, tức là chân thể thành Phật của Như Lai. Thể tánh của Phật đã là chân thật, làm sao, lại có các đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tu la, loài người và trời.
  • Bạch Thế Tôn, những đạo đó lại là bản lai tự có, hay là do tập khí giả dối của chúng sanh sanh khởi ra?

  • Bạch Thế Tôn, như Tỳ kheo ni Bảo Liên Hương giữ Bồ tát giới, lén lút làm việc dâm dục, lại nói càn rằng làm việc dâm dục không phải giết người, không phải trộm cắp, không có nghiệp báo; phát ra lời nói ấy rồi, trước hết nơi nữ căn sanh ra ngọn lửa hồng lớn, về sau từng đốt, từng đốt, bị lửa đốt cháy, sa vào địa ngục Vô Gián.
  • Như đại vương Lưu Ly; Tỳ kheo Thiện Tinh; Lưu Ly vì giết họ hàng Cù Đàm, Thiện Tinh vì nói càn tất cả các pháp đều rỗng không mà thân sống sa vào địa ngục A Tỳ.
  • Các địa ngục ấy, lại là có chỗ nhất định, hay là tự nhiên khi các người kia gây nghiệp, thì mỗi người, mỗi người chịu riêng? 
  • Xin Phật rủ lòng đại từ, khai ngộ cho kẻ ngây thơ, khiến cho tất cả chúng sanh trì giới, nghe nghĩa quyết định, vui mừng tôn trọng kính cẩn giữ gìn không phạm.

Phật bảo ông A Nan:

  • Hay thay lời hỏi đó, khiến cho các chúng sanh không mắc tà kiến. Nay ông hãy nghe cho chín, tôi sẽ vì ông mà nói.
  • A Nan, tất cả chúng sanh, thật vốn chân tánh thanh tịnh, nhân những vọng kiến, mà có tập khí hư vọng sanh ra; vì thế, chia ra có phận trong và phận ngoài.

  • A Nan, phận trong, tức là ở trong phận của chúng sanh. 
  • Nhân các lòng ái nhiễm phát khởi ra vọng tình, tình chứa mãi không thôi, có thể sanh ra ái thủy; vậy nên chúng sanh, tâm nhớ thức ăn ngon, thì trong miệng nước chảy ra; tâm nhớ người trước, hoặc thương, hoặc giận, thì trong con mắt lệ tràn; tham cầu của báu, thì trong tâm phát ra ái diên, cả mình đều trơn sáng; tâm dính vào việc dâm dục, thì hai căn nam nữ tự nhiên dịch khí chảy ra. 
  • A Nan, các cái ái đó, tuy khác nhau, nhưng kết quả chảy nước là đồng; thấm ướt không lên được, tự nhiên theo đó mà sa đọa, ấy gọi là phận trong.

  • A Nan, phận ngoài, tức là ngoài phận của chúng sanh. 
  • Nhân các lòng phát ngưỡng, phát minh ra những lý tưởng; tưởng chứa mãi không thôi, có thể sanh ra những thắng khí; vậy nên chúng sanh, tâm giữ cấm giới, cả mình nhẹ nhàng trong sạch; tâm trì chú ấn, con mắt ngó hùng dũng nghiêm nghị; tâm muốn sanh lên cõi trời, chiêm bao thấy bay lên; để tâm nơi cõi Phật, thánh cảnh thầm hiện ra; thờ vị thiện tri thức, tự khinh rẻ thân mệnh mình. 
  • A Nan, các tưởng đó tuy khác, nhưng nhẹ nhàng cất lên thì đồng nhau; cất bay không chìm xuống, tự nhiên vượt lên, đó là phận ngoài.

  • A Nan, tất cả thế gian, sống chết nối nhau, sống thuận theo tập quán, chết thì đổi sang dòng khác, khi gần mệnh chung, chưa hết hơi nóng, thiện ác một đời đồng thời liền hiện ra; cái nghịch của chết, cái thuận của sống, hai tập khí giao xen lẫn nhau.
  • Thuần là tưởng, thì liền bay lên, chắc sanh trên các cõi trời; nếu trong tâm bay lên, gồm có phúc đức trí huệ cùng với tịnh nguyện, thì tự nhiên tâm được khai ngộ, thấy tất cả Tịnh Độ thập phương chư Phật, theo nguyện mà vãng sanh.
  • Tình ít, tưởng nhiều, cất lên không xa, thì làm phi Tiên, Đại lực Quỷ vương, phi hành Dạ xoa, địa hành La sát, đi khắp bốn cõi trời, không bị ngăn ngại. Nếu có nguyện tốt, tâm tốt, hộ trì Phật pháp, hoặc hộ trì cấm giới, theo người trì giới, hoặc hộ trì thần chú, theo người trì chú, hoặc hộ trì thiền định, giữ yên pháp nhẫn, thì những hạng đó, chính mình được ở dưới pháp tọa Như Lai.
  • Tình và tưởng cân nhau, không bay lên, không đọa xuống, thì sanh nơi nhân gian; tưởng sáng suốt nên thông minh, tình u ám nên ngu độn.
  • Tình nhiều, tưởng ít, đi vào các loại hoành sanh, nặng làm giống có lông, nhẹ làm giống có cánh.
  • Bảy phần tình, ba phần tưởng, chìm xuống dưới thủy luân, sanh nơi mé hỏa luân chịu khí phần của lửa hồng, thân làm ngạ quỷ, thường bị đốt cháy, vì nước có thể hại mình, nên trải trăm nghìn kiếp, không ăn không uống.
  • Chín phần tình, một phần tưởng, xuống thấu qua hỏa luân, và giữa giao giới phong luân và hỏa luân, nhẹ thì sanh vào Hữu Gián, nặng thì mình vào Vô Gián, hai thứ địa ngục.
  • Thuần là tình, thì chìm sâu vào ngục A Tỳ; nếu trong tâm chìm sâu đó, lại có hủy báng Đại thừa, phá cấm giới của Phật, lừa dối nói pháp để tham cầu tín thí, lạm nhận cung kính hoặc phạm ngũ nghịch, thập trọng thì lại còn sanh vào địa ngục A Tỳ thập phương.
  • Theo ác nghiệp gây ra, tuy tự chuốc lấy quả báo, nhưng trong đồng phận chung, vẫn có chỗ sẵn.

  • A Nan, những điều như thế, đều do nghiệp báo các chúng sanh kia, tự chiêu cảm lấy, như gây mười Tập nhân, thì chịu sáu Giao báo.

  • Thế nào là mười Tập nhân?
  • A Nan, một là, tập quán dâm dục, giao tiếp cùng nhau, phát sanh cọ xát lẫn nhau; cọ xát mãi không thôi, như thế, nên trong ấy có ngọn lửa hồng lớn nổi lên; ví như, có người lấy hai bàn tay cọ xát lẫn nhau, thì cảm giác nóng hiện ra. Hai cái tập khí đốt nhau, nên có những việc giường sắt, trụ đồng.
    • Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét việc dâm dục, đồng gọi là lửa dục; Bồ tát đối với dâm dục, tránh như hầm lửa.
  • Hai, là tập quán tham lam, so đo hơn thiệt, phát sanh hấp thụ lẫn nhau; hấp thụ ôm ấp mãi không thôi, như thế, nên chứa hơi lạnh bên trong thành giá cứng, làm cho nẻ nứt; ví như, có người hút hơi gió vào, thì có cảm xúc lạnh. Hai tập khí lấn nhau, nên có những sự tra tra, ba ba, la la, thanh liên, xích liên, bạch liên, hàn băng,…
    • Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét việc tham cầu quá nhiều, đồng gọi là nước tham; Bồ tát đối với lòng tham, tránh như biển độc.
  • Ba, là tập quán ngã mạn, lấn lướt lẫn nhau, phát sanh ỷ thế với nhau. Giong ruổi không thôi, như thế, nên có sự bôn ba, sôi nổi, chứa lại thành nước; ví như, có người miệng lưỡi tự chép, làm cho nước bọt chảy ra. Hai tập khí chọi nhau, nên có các việc sông huyết, sông tro, cát nóng, biển độc, bắt uống nước đồng chảy…
    • Vậy nên, tất cả các đức Như Lai mười phương nhận xét lòng ngã mạn, đồng gọi là uống nước si mê; Bồ tát đối với ngã mạn, tránh như vực thẳm lớn.
  • Bốn, là tập quán nóng giận, xung đột cùng nhau, phát sanh chống đối lẫn nhau; chống đối mãi không thôi, tâm nổi nóng, phát ra lửa, nấu cái khí thành kim thuộc, vì thế, nên có núi dao, đòn sắt, cây gươm, bánh xe gươm, những búa, những vớt, những thương, những cưa; ví như, có người bị hàm oan, thì sát khí nổi lên. Hai tập khí đập nhau, nên có các sự thiến, cắt, chém, chặt, dùi, đâm, đập, đánh.
    • Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét sự nóng giận, đồng gọi là dao gươm bén; Bồ tát đối với lòng nóng giận, tránh như tránh chém giết.
  • Năm, là tập quán giả dối, dụ dỗ theo nhau, phát sanh lôi kéo lẫn nhau; dẫn dắt mãi không thôi, như thế, nên có giây, cây, thòng lọng, căng nọc; ví như, nước thấm ruộng thì cỏ cây lớn lên. Hai tập khí kéo nhau, nên có các sự gông, cùm, xiềng, xích, roi, gậy, qua, bổng.
    • Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét sự giả dối, đồng gọi là sàm tặc; Bồ tát đối với sự gian dối, sợ như beo sói.
  • Sáu, là tập quán lừa gạt, lừa dối với nhau, phát sanh phỉnh gạt lẫn nhau; phỉnh gạt mãi không thôi, phát tâm gây điều gian dối; như thế, nên có bụi, đất, đại tiện, tiểu tiện, các đồ nhơ nhớp không sạch; như bụi theo gió, không thấy lẫn nhau. Hai tập khí dìm nhau, nên có những sự chìm đắm, nhảy, ném, bay, rơi, trôi lăn.
    • Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét sự lừa gạt, đồng gọi là cướp giết; Bồ tát đối với sự lừa gạt, như giẫm rắn độc.
  • Bảy, là tập quán thù oán, hiềm khích lẫn nhau, phát sanh ôm ấp lòng giận, như thế, nên có quăng đá, ném gạch, hộp nhốt, xe cũi, bình đựng, đãy bọc, như người hiểm độc ôm ấp điều dữ. Hai tập khí nuốt nhau, nên có những sự ném, quăng, nắm, bắt, đánh, bắn, gieo, ôm.
    • Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét sự thù oán, gọi là quỷ Vi hại; Bồ tát đối với sự thù oán, như uống ruợu độc.
  • Tám, là tập quán ác kiến, tranh cãi với nhau, như ngã kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và các nghiệp tà ngộ, phát sanh chống trái lẫn nhau; như thế, nên có quan lại chứng thực, nắm giữ giấy tờ, đông như người đi đường, qua lại gặp nhau. Hai tập khí giao nhau, nên có các sự khám hỏi, mưu mẹo, khảo tấn, đòi hỏi, gạn xét, cứu tra cho rõ và những đồng tử thiện ác, tay cầm sổ sách, biện bạch cãi vã.
    • Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét ác kiến, đồng gọi là kiến khanh; Bồ tát đối với những thiên chấp hư vọng, như đứng bên hố độc.
  • Chín, là tập quán vu vạ, làm hại cho nhau, phát sanh sự vu báng, như thế, nên có hợp sơn, hợp thạch, cối nghiền, cối xay; ví như, kẻ sàm tặc, áp bức vu oan người lương thiện. Hai tập khí bài xích lẫn nhau, nên có các sự áp giải, đè đập, ép huyết, tuốt mình.
    • Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương, nhận xét sự vu vạ, đồng gọi là sàm hổ; Bồ tát đối với sự vu vạ, như bị sấm sét.
  • Mười, là tập quán kiện thưa, cãi vã lẫn nhau, phát sanh sự che đậy; như thế, nên có gương soi, đuốc chiếu, như giữa ban ngày, không giấu bóng được. Hai tập khí phô bày lẫn nhau, nên có ác hữu, nghiệp kính, hỏa châu phơi bày nghiệp xưa đối nghiệm các việc.
    • Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét sự che đậy, gọi là giặc ngầm; Bồ tát đối với sự che đậy, như đội núi cao, lội trong biển lớn.

  • Thế nào là sáu Giao báo? A Nan, tất cả chúng sanh, Lục thức gây nghiệp, nên ác báo chuốc lấy, đều từ Lục căn mà ra.

  • Các ác báo từ Lục căn ra như thế nào?
  • Một, là giao báo về thấy, chiêu cảm ác quả. Khi nghiệp thấy ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết thấy lửa hồng đầy khắp 10 phương; thần thức người chết bay rơi theo khói vào ngục Vô Gián, phát ra hai tướng: Một là thấy sáng, thì khắp thấy nhiều thứ vật dữ, sanh ra khiếp sợ vô cùng; hai là thấy tối, lặng vậy không thấy gì sanh ra hoảng hốt vô hạn.
    • Lửa thấy như thế, đốt cái nghe, thì có thể làm vạc dầu sôi, làm nước đồng chảy; đốt hơi thở, thì có thể làm khói đen, lửa đỏ; đốt cái nếm, thì có thể làm viên tròn nung đỏ, làm cơm sắt; đốt cảm xúc, thì có thể làm tro nóng, lò than; đốt tâm ý, thì có thể sanh ra sao lửa rưới khắp, làm rung động cả cõi hư không.
  • Hai, là giao báo về nghe, chiêu cảm ác quả. Khi nghiệp nghe ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết, thấy sóng cuộn chìm ngập trời đất; thần thức người chết, sa xuống theo dòng vào ngục Vô Gián, phát ra hai tướng: Một là nghe tỏ, nghe các thứ ồn ào, tinh thần rối loạn; hai là điếc hẳn, lặng lẽ, không nghe gì, thức thần chìm lịm.
    • Sóng nghe như thế, rót vào cái nghe, thì có thể làm trách, làm hỏi; rót vào cái thấy, thì có thể làm sấm, làm thét, làm hơi độc dữ; rót vào hơi thở, thì có thể làm mưa, làm mù, rưới các sâu độc đầy khắp thân thể; rót vào các vị, thì có thể làm mủ, làm huyết, các thứ nhơ nhớp; rót vào cảm xúc, thì có thể làm con súc, làm con quỷ, làm phân, làm nước tiểu; rót vào ý nghĩ, thì có thể làm chớp, làm mưa đá, đập nát tâm thức.
  • Ba, là giao báo về ngửi, chiêu cảm ác quả. Khi nghiệp ngửi ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết, thấy hơi độc đầy nhẩy xa gần; thần thức người chết, từ dưới đất trổi lên, vào ngục Vô Gián, phát hiện ra hai tướng: Một là ngửi thông, bị các hơi dữ xông tột bực, làm cho tâm rối loạn; hai là ngạt mũi, hơi thở ngạt không thông, nằm chết giấc dưới đất.
    • Hơi ngửi như thế, xông vào hơi thở, thì có thể làm thông, làm ngạt; xông vào cái thấy, thì có thể làm lửa, làm đuốc; xông vào cái nghe, thì có thể làm chìm ngập, làm chết đuối, làm nước lớn, làm nước sôi; xông vào cái vị, thì có thể làm đói, làm ngấy; xông vào cái cảm xúc, thì có thể làm xấu, làm nát, làm núi thịt lớn có trăm ngàn con mắt, hút ăn không cùng; xông vào ý nghĩ, thì có thể làm tro, làm chướng khí, làm gạch đá bay lên đánh nát thân thể.
  • Bốn, là giao báo về vị, chiêu cảm ác quả. Khi nghiệp vị ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết, thấy lưới sắt nung đỏ che khắp thế giới; thần thức người chết từ dưới tung lên, mắc lưới treo ngược đầu xuống, vào ngục Vô Gián, phát ra hai tướng: Một là nuốt vào, thì kết thành giá lạnh, làm nứt nẻ thân thể; hai là mửa ra, thì bay lên thành lửa hồng, đốt rụi xương tủy.
    • Vị báo như thế, qua cái nếm, thì có thể làm nhận, làm chịu; qua cái thấy, thì có thể làm các thứ kim thạch đốt cháy; qua cái nghe, thì có thể làm binh khí sắc bén; qua hơi thở, thì có thể làm lồng sắt lớn che khắp cõi nước; qua cảm xúc, thì có thể làm cung, làm tên, làm mỏ, làm bắn; qua ý nghĩ, thì có thể làm sắt nóng bay, từ trên không rưới xuống.
  • Năm, là giao báo về xúc, chiêu cảm ác quả. Khi nghiệp xúc ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết, thấy núi lớn bốn mặt hợp lại, không còn đường ra; thần thức người chết thấy thành sắt lớn, rắn lửa, chó lửa, hùm sói, sư tử, ngục tốt đầu trâu, la sát đầu ngựa, tay cầm thương, xóc, lùa vào cửa thành, hướng về ngục Vô Gián, phát ra hai tướng: Một là hợp xúc, thì núi kẹp ép mình, xương thịt nát ra máu; hai là ly xúc, thì dao gươm chạm vào mình, tim gan cắt xẻ.
    • Xúc báo như vậy, qua cái xúc, thì có thể làm đạo, làm quán, làm sảnh, làm án; qua cái thấy, thì có thể làm đốt, làm nung; qua cái nghe, thì có thể làm đập, làm đánh, làm đâm, làm bắn; qua hơi thở, thì có thể làm trùm, làm đẫy, làm tra, làm trói; qua cái nếm, thì có thể làm cày, làm kiềm, làm chém, làm chặt; qua ý nghĩ, thì có thể làm rơi, làm bay làm nấu, làm nướng.
  • Sáu, là giao báo về ý nghĩ, chiêu cảm ác quả. Khi nghiệp ý ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết thấy gió dữ thổi nát cõi nước, thần thức người chết bị thổi lên trên không xoay rơi theo gió, sa vào ngục Vô Gián, phát ra hai tướng: Một là không biết, tột mê, thì hoang mang, ruổi chạy không thôi; hai là không mê, hay biết, thì khổ, bị đốt cháy không cùng, đau buốt không chịu nổi.
    • Ý báo như thế, kết vào ý nghĩ, thì có thể làm phương, làm sở; kết vào cái thấy, có thể làm gương soi, làm chứng cứ; kết vào cái nghe, thì có thể làm đại hợp thạch, làm giá, làm sương, làm đất, làm mù; kết vào hơi thở, thì có thể làm xe lửa lớn, làm thuyền lửa, cũi lửa; kết vào cái nếm, thì có thể làm kêu la to, làm ăn năn, làm khóc lóc; kết vào cái cảm xúc, thì có thể làm lớn, làm nhỏ, làm cho một ngày muôn lần sống, muôn lần chết, làm nghiêng, làm ngửa.

  • A Nan, thế gọi là 10 nhân và 6 quả của địa ngục, nhân quả ấy đều do mê vọng của chúng sanh tạo ra.
  • Nếu các chúng sanh, Lục căn đồng tạo nghiệp dữ, thì vào ngục A Tỳ, chịu khổ vô cùng trong vô lượng kiếp; nếu từng mỗi căn tạo ra và nghiệp dữ đã làm gồm cả cảnh và căn thì người ấy vào 8 đại địa ngục. 
  • Nếu cả thân, khẩu, ý làm việc sát, đạo, dâm, thì người ấy vào 18 địa ngục; không đủ cả ba nghiệp thân, khẩu, ý, làm việc sát, đạo, dâm, thì người ấy vào 36 địa ngục; không đủ cả ba nghiệp thân, khẩu, ý, hoặc trong ấy chỉ làm một việc sát, hoặc một việc đạo,… thì người ấy cũng vào trong 36 điạ ngục; chỉ có một căn, riêng làm một việc, thì người ấy vào 108 địa ngục.
  • Do những chúng sanh ấy riêng gây ra nghiệp, nên vào chỗ đồng phận trong giới ấy; đó đều do vọng tưởng phát sanh ra, không phải bản lai tự có.

  • Lại nữa, A Nan, các chúng sanh đó, nếu không phải gây tội chê phá luật nghi, phạm Bồ tát giới, hủy báng Niết bàn của Phật, mà chỉ phạm những nghiệp phức tạp khác nhau, thì sau khi bị đốt cháy nhiều kiếp, đền tội hết rồi, thì chịu những hình quỷ.
    • Nếu nơi bản nhân, do tham vật mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp vật thành hình gọi là Quái quỷ.
    • Do tham sắc mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp gió thành hình, gọi là Bạt quỷ.
    • Do tham dối trá mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp giống súc thành hình, gọi là Mỵ quỷ.
    • Do tham nóng giận mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con sâu thành hình, gọi là Cổ độc quỷ.
    • Do tham thù oán mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp vận suy kẻ thù mà thành hình, gọi là Lệ quỷ.
    • Do tham ngã mạn mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp khí thành hình, gọi là Ngạ quỷ.
    • Do tham lừa gạt mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp u ẩn thành hình, gọi là Áp quỷ.
    • Do tham ác kiến mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp tinh hoa thành hình, gọi là Vọng lượng quỷ.
    • Do tham vu vạ mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp linh hiển thành hình, gọi là Dịch sử quỷ.
    • Do tham bè phái che giấu mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con người thành hình, gọi là Truyền tống quỷ.
  • A Nan, những người đó đều vì thuần tình phải đọa lạc, khi lửa nghiệp đốt sạch rồi, thì lên làm quỷ; như thế đều do cái nghiệp vọng tưởng tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tánh Bồ đề, thì nơi tánh Diệu viên minh, vốn không có gì.
  • Lại nữa, A Nan, khi nghiệp quỷ đã hết, tình và tưởng cả hai đều thành không, thì mới ở nơi thế gian, cùng với người mắc nợ cũ, oán đối gặp nhau; thân làm súc sanh để trả nợ cũ.
    • Quái quỷ theo vật, vật tiêu báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài chim kiêu.
    • Bạt quỷ theo gió, gió tiêu báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm tất cả những loài cữu trưng kỳ dị.
    • Mỵ quỷ theo súc, súc chết báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài hồ.
    • Cổ quỷ theo sâu, sâu diệt báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài có độc.
    • Lệ quỷ theo vận suy, suy tột báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài giun.
    • Ngạ quỷ theo khí, khí tiêu báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài cung cấp thịt ăn.
    • Áp quỷ theo u ẩn, u ẩn tiêu báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài cung cấp đồ mặc.
    • Vọng lượng quỷ theo tinh hoa, tinh hoa tiêu báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm các loài chim mùa.
    • Dịch sử quỷ theo sự linh hiển, linh hiển diệt báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm tất cả các loài hưu trưng.
    • Truyền tống quỷ theo người, người chết báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm các loài quấn quít bên người.
  • A Nan, bọn ấy đều do lửa nghiệp đốt xong, sanh ra loài súc, trả hết nợ cũ; như thế, đều do những nghiệp hư vọng của tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tánh Bồ đề, thì các vọng duyên đó vốn không có gì.
  • Như lời ông nói, bọn Bảo Liên Hương, Lưu Ly Vương, Thiện Tinh Tỳ kheo đều vốn tự mình gây ra nghiệp dữ; nghiệp ấy không phải từ trên trời sa xuống, từ dưới đất phát ra và cũng không phải do người khác đưa tới, mà chính do vọng tưởng của tự mình gây ra, rồi tự mình phải chịu quả báo; nơi tâm Bồ đề, đó chỉ là sự kết đông của vọng tưởng giả dối.
  • Lại nửa, A Nan, các súc sanh ấy đền trả nợ trước, nếu trong lúc trả nợ, trả quá nợ cũ, thì những chúng sanh ấy, trở lại làm người, đòi lại chỗ thừa. Nếu bên kia có sức, lại có cả phúc đức, thì ở trong loài người, không rời bỏ thân người, mà hoàn lại chỗ thừa đó; còn nếu không phúc đức, thì phải làm súc sanh đền lại chỗ thừa.
  • A Nan, nên biết, nếu dùng tiền của hoặc sức người ta, thì đền đủ là xong; còn như trong ấy, có giết thân mạng, hoặc ăn thịt kẻ khác, như thế, thì đi đến ăn nhau, giết nhau, trải qua nhiều kiếp, số như vi trần, cũng như bánh xe xoay vần, thay đổi bên cao, bên thấp, không có dừng nghĩ; trừ khi được phép Xa ma tha, hoặc gặp Phật ra đời, thì không thể thôi được.
    • Nay ông nên biết loài chim kiêu kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng ngoan cố.
    • Giống cữu trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng quái dị. 
    • Những loài hồ kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng ngu dại. 
    • Những loài có độc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng nham hiểm. 
    • Những loài giun kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng hèn nhát. 
    • Những loài cung cấp thịt ăn kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng nhu nhược. 
    • Những loài cung cấp đồ mặc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng lao lụy.
    • Những loài chim mùa kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng văn hoa. 
    • Những loài hưu trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng thông minh. 
    • Những loài quấn quít theo người kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, tham hợp hạng thông đạt.
  • A Nan, bọn ấy trả hết nợ cũ, trở lại hình người, đều do từ vô thủy đến nay, điên đảo gây nghiệp, vay trả thừa thiếu, sanh nhau, giết nhau; nếu không gặp Như Lai, không nghe Chánh pháp, thì ở trong trần lao, máy móc xoay vần mãi mãi; bọn ấy gọi là thật đáng thương xót.

  • A Nan, lại có chúng sanh từ loài người, không nương theo Chánh giác tu phép Tam ma địa, lại riêng tu theo vọng niệm, để tâm củng cố hình hài, vào trong rừng núi, những chỗ người ta không đến được, thành mười thứ Tiên.

  • A Nan, các chúng sanh kia, kiên cố dùng đồ bổ mà không dừng nghỉ, khi đạo ăn được thành tựu, thì gọi là Địa hành tiên.
  • Kiên cố dùng cỏ cây mà không dừng nghỉ, khi đạo thuốc được thành tựu, thì gọi là Phi hành tiên.
  • Kiên cố dùng kim thạch mà không dừng nghỉ, khi đạo hóa chất được thành tựu, thì gọi là Du hành tiên.
  • Kiên cố làm những động tác mà không dừng nghỉ, khi khí tinh được thành tựu, thì gọi là Không hành tiên.
  • Kiên cố luyện nước bọt mà không dừng nghỉ, khi nhuận đức được thành tựu, thì gọi là Thiên hành tiên.
  • Kiên cố hấp thụ tinh hoa mà không dừng nghỉ, khi hấp thụ được thành tựu, thì gọi là Thông hành tiên.
  • Kiên cố làm thuật phù chú mà không ngừng nghỉ, khi thuật pháp được thành tựu, thì gọi là Đạo hành tiên.
  • Kiên cố chuyên chú tâm niệm mà không dừng nghỉ, khi chuyên niệm được thành tựu, thì gọi là Chiếu hành tiên.
  • Kiên cố về thủy hỏa giao cấu mà không dừng nghỉ, khi cảm ứng được thành tựu, thì gọi là Tinh hành tiên.
  • Kiên cố tập luyện biến hóa mà không dừng nghỉ, khi Giác ngộ được thành tựu, thì gọi là Tuyệt hành tiên.

  • A Nan, bọn ấy đều ở trong loài người mà luyện tâm, tuy không tu Chánh giác, nhưng riêng được lẽ sống, thọ ngàn vạn tuổi, nghỉ ở trong núi sâu hoặc trên đảo giữa bể cả, cách tuyệt chỗ người ở; đó cũng là vọng tưởng luân hồi lưu chuyển. Nếu không tu phép Tam ma địa, thì khi quả báo hết rồi, trở lại tản vào trong lục đạo. 

  • A Nan, các người thế gian, không cầu đạo thường trụ, chưa có thể rời bỏ được sự ân ái với vợ mình, nhưng tâm không buông lung trong việc tà dâm, do tâm đứng lặng sanh ra sáng suốt, sau khi mệnh chung ở gần với mặt trờimặt trăng; một loài như thế, gọi là Tứ Thiên Vương thiên.
  • Đối với vợ mình, dâm ái ít ỏi, trong lúc tịnh cư, không được toàn vị, thì sau khi mệnh chung, vượt ánh sáng mặt trờimặt trăng, ở trên chóp nhân gian; một loài như thế, gọi là Đao Lợi thiên.
  • Gặp cảnh dục tạm theo, bỏ đi không nhớ nghĩ, ở trong nhân gian, động ít, tĩnh nhiều, thì sau khi mệnh chung, sáng rỡ ở yên trong cõi hư không, ánh sáng mặt trờimặt trăng không soi đến được; và những người ấy tự mình có ánh sáng; một loài như thế, gọi là Tu Diệm Ma thiên.
  • Lúc nào cũng tĩnh, nhưng khi có cảm xúc đến bên mình, chưa chống đối được, thì sau khi mệnh chung, lên trên chỗ tinh vi, không tiếp với những cảnh nhân thiên cõi dưới, cho đến gặp hoại kiếp, tam tai cũng không đến nơi; một loài như thế, gọi là Đâu Suất Đà thiên.
  • Chính mình không có tâm dâm dục, chỉ đáp ứng với người khác mà làm, trong lúc phô bày, vô vị như ăn sáp, thì sau khi mệnh chung, vượt lên sanh vào cảnh biến hóa; một loài như thế, gọi là Lạc Biến Hóa thiên.
  • Không có tâm thế gian, chỉ đồng với thế gian mà làm việc ngũ dục; trong lúc làm việc ấy, rõ ràng là siêu thoát, thì sau khi mệnh chung, vượt trên tất cả những cảnh biến hóa và không biến hóa; một loài như thế, gọi là Tha Hóa Tự Tại thiên.
  • A Nan, sáu cõi trời như thế, hình thức tuy khỏi động, nhưng tâm tánh còn dính dấp; từ các cõi ấy trở xuống, gọi là Dục Giới.

NAM MÔ LĂNG NGHIÊM HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT MA HA TÁT