Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Phẩm 19: Pháp Sư Công Đức
妙法蓮華經
- Published: 05 Nov 2021 20:37:39
- Modified: 31 Jul 2022 14:01:36
- Categories: Kinh Pháp Hoa, Lược giải kinh Pháp Hoa
- Tags: Thích Trí Quảng
Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Phẩm 19:
Pháp Sư Công Đức
Ba phẩm liên tiếp 17, 18, 19 nói về công đức của kinh Pháp Hoa, có thể thu gọn thành ba vấn đề chính yếu là công đức của người nhứt niệm tín giải kinh Pháp Hoa, công đức của người tùy hỷ với kinh và công đức của Pháp sư Pháp Hoa.
Công đức của hành giả Pháp Hoa trong ba phẩm này thật vô lượng vô biên vượt ngoài ngôn ngữ, suy luận, hiểu biết của phàm phu; vì kinh Pháp Hoa diễn nói về Phật thừa, nằm trên Tam thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát.
Chúng ta tự xét lại xem mình đang ở chặng đường của Tam thừa hay Phật thừa. Trong kinh Phật dạy có những việc Phật làm, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát đều không hiểu được, chưa nói đến làm được. Huống chi là phàm phu chúng ta, chắc chắn còn cách xa Phật thừa hay chân lý.
Chân lý do Phật thành Vô thượng Đẳng giác mới thuyết được. Và những người trực tiếp nghe Phật dạy, phiền não tự rơi rụng, trở thành A la hán, dù ở hoàn cảnh nào, thành phần nào. Nay chúng ta chưa đắc đạo, lại thêm cách Phật quá xa. Việc hiểu kinh của chúng ta dễ rơi vào cục bộ sai lầm, đưa đến đủ thứ khổ não phiền lụy hơn là công đức. Chúng ta lại sanh tâm nghi ngờ về những công Đức Phật dạy, cho rằng nó ảo tưởng, không có thực. Có thực hay không còn tùy ở trình độ từng người khác nhau. Thí dụ như những công trình nghiên cứu và thí nghiệm thành tựu trên không gian của các nhà bác học không thể diễn tả cho những người ở trình độ lạc hậu hiểu được. Họ tự lo ngày hai buổi ăn còn không nổi thì đối với họ, thành quả của các nhà bác học tất nhiên chỉ là hoang đường.
Mở đầu, Phật bảo ngài Thường Tinh Tấn Đại Bồ tát rằng nếu có người nào thọ trì kinh Pháp Hoa, hoặc đọc, tụng, giải nói, biên chép, người đó sẽ được sáu ngàn công đức nơi Lục căn.
Có người hiểu lầm thọ trì là tụng cả bộ kinh Pháp Hoa từ năm này sang năm khác. Chỉ tụng suông như vậy, công đức nếu có, cũng rất giới hạn. Thọ nghĩa là nhận, Phật trao và ta nhận. Trì là giữ, ta giữ dùm cho Phật. Nhận giữ trọn vẹn bốn điều là nhân, hạnh, quả, đức của Phật, chúng ta sẽ thành tựu kinh Pháp Hoa.
Hạt nhân của Đức Phật là nhân Bồ đề, nghĩa là tri giác, nhìn thấy sự vật chính xác đúng như thật, không sai lầm. Đức Phật Toàn giác, còn hành giả chỉ có một phần Giác ngộ về giáo lý của Ngài. Người tin tưởng rằng sự hiểu biết của hành giả tương đối chính xác vượt hơn người bình thường, khả dĩ nghe theo được công đức. Đây là khởi điểm của Bồ tát sơ phát tâm đã thọ trì được nhân lành của Phật.
Tiến lên một nấc, hành giả trì hạnh của Phật, tức việc làm của hành giả thay cho Phật, khiến cho người hình dung, liên tưởng đến Phật. Sự nhận thức và việc làm của hành giả đều lợi lạc cho đời. Thành tựu hai pháp này, hành giả hiện hữu như một đóa sen tinh khiết tỏa hương thơm ngát trong vũng bùn nhơ, thể hiện một hành giả kiểu mẫu thọ trì nhân hạnh kinh Pháp Hoa.
Hành giả thọ trì được nhân hạnh Pháp Hoa, chuyển đổi cuộc sống tầm thường thành cuộc sống Pháp Hoa, đổi tâm niệm tầm thường thành tâm niệm Bồ tát. Nếu không có sự chuyển đổi như vậy, dù thuyết Pháp Hoa cũng chỉ là Pháp Hoa văn tự của thế gian, không phải là pháp bí yếu của Như Lai.
Phật nói với ngài Thường Tinh Tấn Bồ tát rằng tất cả thiện nam thiện nữ đều có khả năng trở thành Pháp sư Pháp Hoa, không nhứt thiết phải mang hình thức xuất gia. Pháp sư Pháp Hoa ở bất cứ chỗ nào, tùy theo nhu cầu của người, mà khoác vào mình chiếc áo xuất gia hay cư sĩ. Vấn đề chính yếu trong việc giữ gìn kinh là phải chuyển được tâm vô lượng và việc làm sáng suốt thánh thiện.
Sau khi thọ trì nhân hạnh, cao hơn một nấc thọ trì quả đức của kinh Pháp Hoa, tức làm một vị Phật sống trên cuộc đời. Người nhìn thấy liền hết phiền não, phát tâm Bồ đề. Ở giai đoạn này, hành giả thành tựu quả rồi, mới giáo hóa, mà người được giáo hóa cũng không biết. Ngài Thế Thân gọi giáo hóa trên Quả môn là giáo hóa chúng vô thượng. Đây là trường hợp Đức Phật Thích Ca giáo hóa các Bồ tát Tùng Địa Dũng Xuất. Hàng Thanh văn, kể cả các Bồ tát du hóa mười phương không biết các Bồ tát này, liền khởi tâm nghi tại sao Ngài vừa thành Phật trong bốn mươi năm lại được công đức như vậy.
Hành giả thọ trì trọn vẹn bốn pháp nhân hạnh quả đức, thấy được Như Lai thọ lượng, bản tâm thanh tịnh hoàn toàn, mới thực sự là Pháp sư thọ trì kinh Pháp Hoa. Hay nói theo phẩm 10, muốn là Pháp sư phải hội đủ tam pháp ấn: Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai.
Hàng Thanh Văn trải qua mười năm trau giồi tam pháp ấn, nghĩa là cố gắng thọ trì nhân hạnh quả đức, để nhận được pháp bí yếu của Như Lai và thẳng tiến trên lộ trình Phật đạo. Từ đó, các ngài thấy, hiểu và nhận được vô lượng vô biên công đức bất khả tư nghì. Vì các ngài tu dưới dạng thể tánh, không thấy bằng mắt bình thường; nhưng bên trong tròn đủ hạnh Bồ tát, nên đem so với Thanh văn, công đức thù thắng hơn nhiều.
Tuy nhiên, việc thọ trì nhân hạnh quả đức của kinh Pháp Hoa không đơn giản. Vì khó làm, nên Phật triển khai thành bốn việc làm của Pháp sư là đọc tụng, biên chép, suy tư, giảng dạy. Bốn công việc này là phương tiện, hành giả phải thực hành để đạt đến cứu cánh quả vị Phật.
Trước hết, thọ trì phải phát xuất từ đọc tụng, vì nếu không, ta biết gì để thọ trì và căn cứ vào đâu để thọ trì. Hành giả đọc tụng lời Phật dạy trong kinh, biên chép, trầm mình trong giáo lý Phật, suy tư tìm nghĩa sâu xa bên trong. Rồi đem giảng nói, rọi giáo pháp Phật vào cuộc sống, để xem phản ứng của chúng sanh đối với ta thế nào và để chứng nghiệm xem ta nhận thức đúng hay sai.
Đọc tụng, biên chép, suy nghĩ, giảng nói, kiểm chứng lại, thấy chúng ta đã giữ gìn thành tựu pháp này trong cuộc sống một cách đúng đắn. Như vậy, hành giả đã trở lại ý nghĩa lúc ban đầu về thọ trì nhân hạnh quả đức của kinh Pháp Hoa.
Sau Phật Niết bàn, mỗi vị Pháp sư giảng dạy, hiểu về Phật một cách khác nhau, vì đối tượng quần chúng nghe pháp không giống nhau, thời đại không giống nhau. Tất cả những kiến giải, giảng dạy này không phải của bậc Toàn giác, nên tương đối đúng, giống Phật một phần nào thôi. Tuy nhiên, việc làm của các Pháp sư Pháp Hoa là những vị thánh Tăng như Long Thụ, Thế Thân, Đạo Sanh, Trí Giả, Nhật Liên, Tối Trừng,… đều có tác dụng hữu ích cho cuộc sống đương thời và còn ảnh hưởng đến trăm ngàn năm sau cho chúng ta.
Như vậy Pháp sư thọ trì kinh Pháp Hoa đúng Chánh pháp, trải qua những chặng đường triển khai kinh là đọc tụng, biên chép, suy tư, diễn nói, đem ứng dụng vào cuộc sống của bản thân và chỉ đạo mọi người lợi lạc an vui giải thoát. Tùy mức độ hiểu kinh, áp dụng kinh, thọ trì kinh đến đâu, công đức theo đó sanh ra và tầm ảnh hưởng truyền bá sâu rộng đến đó.
Theo Phật, Pháp sư trì kinh Pháp Hoa có 800 công đức nơi mắt, một ngàn hai trăm công đức nơi tai, 800 công đức nơi mũi, một ngàn hai trăm công đức nơi lưỡi, 800 công đức nơi thân, một ngàn hai trăm công đức nơi ý.
Trên bước đường tu hành, chúng ta thường gặp chướng duyên, vì trang bị sáu giác quan bằng phiền não nhiễm ô, tội lỗi. Vì thế, người thấy ta, nghe ta nói, không chấp nhận được. Ngược lại, Pháp sư như pháp tu hành, Lục căn trang nghiêm bằng công đức, người nhìn vào không có điểm nào không ưa thích.
Trong phẩm này, Phật chia ra các vị Bồ tát thấy được, nghe được, nhận được công đức đến mức nào. Nghĩa là Ngài xác định vị trí của các Bồ tát trên lộ trình tiến đến Phật quả.
1. Tám trăm công đức nơi mắt
Mắt hành giả trang bị bằng 800 công đức khiến người nhìn vào ánh mắt hành giả liền phát tâm. Thành tựu 800 công đức nơi mắt, hành giả thấy khắp Tam thiên Đại thiên thế giới từ địa ngục A Tỳ đến Trời Sắc Cứu Kính. Đây là cái thấy nương vào ánh quang Phật, được diễn tả trong phẩm “Tựa” rằng thấy sáu đường chúng sanh trong ba đời như thấy việc trước mắt. A la hán, Bồ tát không thấy như vậy, mà người trì kinh Pháp Hoa lại thấy, cho nên Phật nói pháp này khó tin, khó hiểu, khó vào.
Hành giả thực sự không biết được căn tánh hành nghiệp của chúng sanh, chỉ làm dưới sự điều động của Như Lai. Cái thấy của hành giả Pháp Hoa bằng với Như Lai, mà thực sự hành giả không phải là Như Lai. Trí Giả gọi đó là tương tợ vị, nghĩa là địa vị tương tợ Như Lai, không phải Như Lai. Mượn trí huệ Như Lai làm trí huệ của mình, mượn công đức kinh làm công đức của mình, nên thấy được bao la dường ấy.
Chúng sanh đến với hành giả, bằng linh giác hành giả biết được họ nghĩ gì, tu gì và chỉ dạy cho họ đều đúng. Tuy còn là phàm phu với Ngũ ấm thân nhưng nhờ trì kinh, có được nhãn lực hết sức linh hoạt. Điều này cũng dễ hiểu, ví như nhìn qua viễn vọng kính, chúng ta thấy được vũ trụ bao la hay nhìn vào kính hiển vi, ta thấy rõ ràng những vi trùng cực nhỏ. Bỏ hai kính quan sát này ra, mắt chúng ta trở lại phạm vi bình thường, không thấy quá đường chân trời.
Tầm nhìn của người trì kinh Pháp Hoa được 800 công đức nơi mắt, thấy được tất cả vũ trụ chính xác đồng với Như Lai. Nhưng trở lại con người bình thường, hành giả không hư Nhãn căn, mới hành Bồ tát đạo được. Trái lại, A la hán, tập luyện đến độ thấy tất cả vật đều Không hoàn toàn. Thấy dưới dạng thể, nên các ngài không cần quan tâm gì đến chúng sanh và khi trở về địa vị con người, Nhãn căn bị hư hoại. Giống như ngài A Na Luật chứng được Thiên nhãn xong, lại trở thành người mù trên thực tế.
Hành giả trì kinh Pháp Hoa, quan sát bằng Phật nhãn, thấy căn tánh hành nghiệp chúng sanh, chỉ dạy họ tu hành thành Vô thượng Bồ đề, nhưng không bị hư Nhãn căn. Điều này thể hiện rõ trong việc làm của ngài Ca Diếp được nói trong phẩm Tín Giải. Ca Diếp bày tỏ với Phật rằng ông mang giáo lý của Phật dạy cho người, họ tu hành trở thành Bồ tát. Trong khi thực tế Ca Diếp vẫn là Thanh văn. Ca Diếp đã mượn trí huệ đồng với Như Lai, mới giáo hóa được Bồ tát. Nếu ngài vẫn giữ nguyên địa vị Thanh văn, làm thế nào giáo hóa được Bồ tát. Ngài vẫn khất thực bình thường, nhưng lúc đó nương trí huệ Như Lai, được tương tợ vị Như Lai, thì ngài có khả năng giảng pháp bí yếu và thành tựu điều bất khả tư nghì.
Hành giả dùng công đức vô lậu của Như Lai trang bị cho mình, thì chỉ tu một niệm, sanh được công đức so với công đức thế gian hoàn toàn cách nhau một trời một vực. Đứng dưới dạng thật tướng các pháp, hành giả chuyển vật đồng với Như Lai và đem kết quả này mà dùng để hưởng phước theo phàm phu, tất nhiên không bao giờ hết được.
Tùy theo công đức, mắt hành giả thấy rõ phần nghiệp thiện hay ác của chúng sanh khác nhau. Trọn được 800 công đức, nghĩa là thấy 800 cách khác nhau, hành giả luôn luôn thấy chính xác không bao giờ sai lầm.
2. Một ngàn hai trăm công đức nơi tai
Tai linh hoạt hơn mắt nên có một ngàn hai trăm công đức, vì tai vẫn nghe được khi đối tượng bị ngăn cách và khi không có ánh sáng. Công đức của hành giả trang bị trên tai thanh tịnh, nên có khả năng nghe và hiểu biết khác hẳn bình thường. Tai thanh tịnh nghe không sót tiếng nói của tất cả loài hữu tình bằng bất cứ ngôn ngữ nào trong Pháp giới. Thường Bất Khinh Bồ tát thành tựu pháp này, nghe được hai mươi ngàn muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương.
Tai thanh tịnh nghe được ngôn ngữ muôn loài, trở về thực tế hành giả không bị hư hoại Nhĩ căn. Đây là pháp tu Đốn giáo, quả vị của hành giả đồng với Như Lai, nhưng thực sự nghiệp lực bên trong chưa diệt sạch. Vì vậy, rời công đức lực Như Lai, hành giả cũng trở thành xác xơ như bướm rụng cánh.
Mượn công đức Như Lai biến thành công đức của mình, phước báo sẽ vô cùng tận. Bấy giờ, có mọi phương tiện vật chất thuận lợi đầy đủ, tâm hành giả vẫn không sanh nhiễm trước. Tròn đủ một ngàn hai trăm công đức, hành giả mới có khả năng giáo hóa tất cả loài chúng sanh trong sáu đường.
3. Tám trăm công đức nơi mũi
Hành giả phân biệt tất cả mùi vị dù xa hay gần. Biết được mùi hương của Phật, Bồ tát, A la hán, trời Phạm Thiên, cho đến tất cả loài súc sanh, ngạ quỷ, A tu la tới với hành giả. Hành giả nghe mùi đều biết được những chúng sanh này từ đâu tới và dùng pháp tương ưng để dạy chúng tu hành có kết quả.
Sức nghe mùi của hành giả chẳng những không sai lầm, lại hết sức linh hoạt, biết rõ cả phục tàng của báu trong lòng đất. Tất cả sự nhận biết này đều thuộc huệ Như Lai, do trì kinh Pháp Hoa, mượn lực Như Lai có được. Và trở về thực tế, hành giả cũng không bị hư Tỷ căn.
4. Một ngàn hai trăm công đức nơi lưỡi
Thành tựu một ngàn hai trăm công đức của lưỡi, bất cứ vị nào ở trên lưỡi của hành giả đều biến thành cam lồ. Ngoài ra, hành giả nói pháp bí tàng của Như Lai, khiến mọi người nghe đều phát tâm. Dù chúng sanh có nhiều trăm ngàn muôn ức, mỗi người nghe đều cảm nhận ý của Pháp sư như nói riêng cho chính họ. Hành giả nói bất cứ lời gì đều không chống trái thật tướng các pháp, cũng không chống trái hành nghiệp của chúng sanh. Công đức đặc biệt này hàng Nhị thừa không có được. Hàng Nhị thừa khuyên người xa rời năm món dục, bỏ tục xuất gia, tu hành được giải thoát. Nhưng nếu khuyên người làm việc thế sự sẽ bị nhiễm ô.
Trái lại, tướng lưỡi của Như Lai, dù nói việc thế gian cũng không trái đạo Vô thượng đẳng giác. Phù Vân Quốc sư được công đức lưỡi, ngài khuyên vua Trần Thái Tông trở về làm vua cứu dân cứu nước để thực hiện đạo Vô thượng đẳng giác. Quả thực vua Trần Thái Tông cảm đức của ngài, lãnh đạo nước, thắng được giặc Mông Cổ. Tuy làm vua trị nước an dân giỏi, nhưng tư chất giải thoát sáng suốt của hành gia Pháp Hoa vẫn sáng rỡ nơi nhà vua, thể hiện qua nhiều tác phẩm để lại cho chúng ta.
Trang bị bằng huệ Như Lai, hành giả có được Thiệt căn công đức, nói ra những lời khó tin, khó hiểu, khó làm, mà người vẫn tin, hiểu và làm theo, được thành công.
5. Tám trăm công đức nơi thân
Khi mới có một phần thân công đức, dùng thân thanh tịnh để lễ bái, tụng niệm, người nhìn thấy thân hành giả, họ hết khổ. Căn tánh hành nghiệp của người hiện vào thân hành giả, nên hành giả biết rõ và tùy theo đó giải quyết. Bấy giờ hành giả không ở lập trường riêng của mình đem dạy họ, vì dễ mang đến phiền não. Hành giả đứng ở lập trường chúng sanh cứu độ chúng sanh, mới có kết quả, không chống trái với nghiệp của họ và cũng không đi ngược lại đạo Vô thượng đẳng giác. Pháp này khó hiểu đối với Thanh văn chuyên phân biệt dứt khoát, đứng một trong hai lập trường hoặc Chân đế hoặc Tục đế, hoặc phải hoặc trái.
Thành tựu đầy đủ 800 công đức, thân hành giả như lưu ly, khắp Pháp giới đều hiện vào thân, hành giả đồng với Như Lai. Không một loài nào, việc nào, tánh nào mà hành giả không quan sát thấu suốt.
6. Một ngàn hai trăm công đức nơi ý
Đầy đủ một ngàn hai trăm công đức của ý, tất cả việc hành giả nghĩ ra đều có lợi cho muôn loài, vẫn không trái đạo Vô thượng đẳng giác. Pháp tu này khác với pháp của Thanh văn. Thanh văn tu phải gạn lọc từng điều một, luôn luôn gạn tâm xem thanh tịnh chỗ nào, nhiễm ô phần nào. Thanh văn thường xuyên gạn lọc tội lỗi, đem pháp lành vào tâm để không nhiễm ô.
Ngược lại, hành giả trì kinh Pháp Hoa, làm mọi việc bình thường, nhưng tất cả các loài xung quanh đều nương nhờ giải thoát, giống như sự xuất hiện lợi lạc của Phật Thích Ca trên thế gian vậy.
Điểm này chúng ta cần lưu ý, nếu thành tựu sáu công đức trên, Lục căn sẽ được thanh tịnh bằng Như Lai, nhưng chính ta cũng không biết. Nếu hành giả thấy thực mình bằng với Như Lai trong khi giáo hóa chúng sanh, hành giả đã rơi vào tăng thượng mạn.
Do Ý căn thanh tịnh, biết được sự tương quan tương duyên giữa các loài và vận dụng nghĩa lý sâu xa của kinh để thuyết giảng, hành giả thành tựu được sự thuyết pháp vô cùng tận. Chỉ một câu kệ, hành giả triển khai nghĩa lý từ một tháng đến một năm. Người nghe thâm nhập ý đạo, vấn đề thế gian của họ cũng tự động được giải quyết dễ dàng.
Ngày nay, chúng ta thọ trì kinh Pháp Hoa không thành tựu công đức, vì tu sai pháp. Thí dụ ta vừa làm được một việc nhỏ, liền khởi lên niệm sai trái, tức thì công đức cũng biến mất ngay. Được Ý căn thanh tịnh, hành giả tu hành không cần dụng tâm. Chỉ duy nhất có một niệm luôn luôn nhớ nghĩ Như Lai và giữ gìn tạng pháp Như Lai mà thành tựu công đức không nghĩ bàn.
Trong phẩm “Dược Thảo Dụ”, Phật nói rõ tất cả những người tu hành nương theo huệ Như Lai, đều được lợi lạc giải thoát, giống như một trận mưa tuôn xuống thì tất cả cỏ cây tùy sức hấp thụ được. Chúng sanh học pháp Như Lai cũng vậy, không tự biết căn tánh thượng trung hạ của mình, không biết dùng pháp gì để tu và được pháp gì. Duy chỉ có Như Lai biết rõ chúng sanh. Ta nương theo huệ Như Lai làm lợi ích muôn loài mà không hay biết. Nếu có dụng ý, chúng ta đã rớt qua Tục đế, chưa đạt tới Nhị thừa, làm gì đến Phật huệ của Như Lai được.
Việc tu hành của chúng ta không có kết quả, chỉ vì chẳng hiểu đúng, làm đúng điều Như Lai dạy. Đức Như Lai không bao giờ hư dối.
Hòa thượng Thích Trí Quảng (1938~)
- Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa
- Dẫn nhập lược giải
- Lược giải phẩm 01
- Lược giải phẩm 02
- Lược giải phẩm 03
- Lược giải phẩm 04
- Lược giải phẩm 05
- Lược giải phẩm 06
- Lược giải phẩm 07
- Lược giải phẩm 08
- Lược giải phẩm 09
- Lược giải phẩm 10
- Lược giải phẩm 11
- Lược giải phẩm 12
- Lược giải phẩm 13
- Lược giải phẩm 14
- Lược giải phẩm 15
- Lược giải phẩm 16
- Lược giải phẩm 17
- Lược giải phẩm 18
- Lược giải phẩm 19
- Lược giải phẩm 20
- Lược giải phẩm 21
- Lược giải phẩm 22
- Lược giải phẩm 23
- Lược giải phẩm 24
- Lược giải phẩm 25
- Lược giải phẩm 26
- Lược giải phẩm 27
- Lược giải phẩm 28
- Nội dung kinh Diệu Pháp Liên Hoa
- Dẫn nhập nội dung
- Thay lời tựa
- 01. Tựa
- 02. Phương Tiện
- 03. Thí Dụ
- 04. Tín Giải
- 05. Dược Thảo Dụ
- 06. Thọ Ký
- 07. Hóa Thành Dụ
- 08. Ngũ Bách Đệ Tử Thọ Ký
- 09. Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- 10. Pháp Sư
- 11. Hiện Bửu Tháp
- 12. Đề Bà Đạt Đa
- 13. Trì
- 14. An Lạc Hạnh
- 15. Tùng Địa Dũng Xuất
- 16. Như Lai Thọ Lượng
- 17. Phân Biệt Công Đức
- 18. Tùy Hỷ Công Đức
- 19. Pháp Sư Công Đức
- 20. Thường Bất Khinh Bồ Tát
- 21. Như Lai Thần Lực
- 22. Đà La Ni
- 23. Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- 24. Diệu Âm Bồ Tát
- 25. Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- 26. Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- 27. Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- 28. Chúc Lụy