Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Phẩm 25: Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
妙法蓮華經
- Published: 05 Nov 2021 20:43:10
- Modified: 31 Jul 2022 14:02:18
- Categories: Kinh Pháp Hoa, Lược giải kinh Pháp Hoa
- Tags: Thích Trí Quảng
Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Phẩm 25:
Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
Đức Phật dạy người khởi tu ở Nhơn môn không thể phán đoán những việc làm bất tư nghì của hành giả tu ở Quả môn được. Hành giả Pháp Hoa trên Quả môn nhìn xuống chúng sanh tu ở Nhơn môn thực đáng thương hại. Ý này nhằm chỉ Phật Thích Ca quan sát pháp tu của ngoại đạo mà khởi tâm thương hại họ. Trong kinh diễn tả kết quả của ngoại đạo thu lượm được chẳng đi đến đâu gọi là “Cái giá một ngày”.
Từ phẩm “Như Lai Thọ Lượng” trở về sau thuộc phần tu của hành giả từ quả hướng ngược lại về nhơn để hành đạo. Trong phẩm “Như Lai Thần Lực”, Phật cho Bồ tát thấy thế giới mười phương chấn động để hình thành một quốc độ thanh tịnh.
Sau Như Lai thần lực đến phần hiển thị thần lực của các Bồ tát. Trước nhất, Phật giới thiệu Bồ tát Dược Vương hoàn toàn vô hình, kế tiếp là hình ảnh Diệu Âm Bồ tát đến Ta Bà, lại trở về thế giới bản thể trong một niệm tâm. Một niệm tâm đến và một niệm tâm về, nghĩa là Ta Bà cần thì ngài tới, xong việc trở về. Cách hành đạo đến và đi đúng lúc của Bồ tát như vậy, chúng ta dễ hiểu.
Tuy nhiên Bồ tát Quan Âm ở luôn Ta Bà, không phải đến rồi đi như Diệu Âm. Ngài ở lại Ta Bà mãi mãi mà chúng sanh không chán. Nói cách khác, từ một Bồ tát Diệu Âm ở trong tâm tư được cụ thể hóa bằng sự hiện hữu của Bồ tát Quan Âm trong cuộc sống ở Ta Bà. Quan Âm sống như thế nào mà chúng sanh Ta Bà chẳng những không chán, lại còn luôn luôn kính trọng tôn thờ ngài.
Với quá trình từ Như Lai lực đến Bồ tát lực và trở thành hiện thực cuộc sống của Phổ môn, mở ra cho chúng ta thấy tầm hoạt động rộng lớn khắp mọi hướng của Phật. Phổ môn tiêu biểu cho trí con người không thể nghĩ bàn, phổ cập khắp nơi. Ở đây mượn hình ảnh Bồ tát Quan Âm để chỉ cho con người và khả năng biến hóa là lực hay trí. Trí huệ là vốn quan trọng nhất của người tu. Nhưng chúng ta tu hành lại thường quên hạt nhân quý báu này, để vô minh nghiệp chướng ngăn che bóp chết trí huệ.
Mở đầu phẩm này, hình ảnh Vô Tận Ý Bồ tát tiêu biểu cho những sự thắc mắc, suy nghĩ của con người. Một con người mà ý không bao giờ cùng tận, trí huệ phát triển không bao giờ chấm dứt, gọi là Vô Tận Ý. Khác với hình ảnh Thanh văn thủ phận, sợ thắc mắc khổ, nhưng không thắc mắc, huệ không sanh.
Từ trên Phật quả xuống hành đạo mới có Bồ tát Vô Tận Ý và Quan Âm. Còn Thanh văn chỉ có diệt tận định. Bằng chính sự thắc mắc đó, Bồ tát quán chiếu lại trần thế để thấy nghe. Và từ thấy nghe, vấn đề mới đặt ra cho Bồ tát dấn thân ở Ta Bà hành đạo, hoàn toàn khác với Thanh văn tu hạnh ly trần, không thấy, không nghe, không biết.
Các kinh ghi công hạnh của Bồ tát Quan Âm khác nhau. Tùy pháp tu, trình độ hiểu biết sai biệt và nghiệp lực mà cảm nhận về ngài khác nhau. Đứng trên lập trường Nhứt Phật thừa hay trên Phật quả quan sát Quan Thế Âm, hữu tình và vô tình đều thành Phật đạo. Cho đến tứ sanh lục đạo và hẹp hơn nữa, đối tượng hành đạo của ngài là loài người chúng ta. Rõ ràng quả đức của Quan Âm là ở cõi Ta Bà.
Vì vậy, Quan Âm liên hệ mật thiết với chúng ta không nghĩ bàn được. Từ Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ đến Việt Nam, ở đâu cũng thờ ngài trong tự viện hoặc lộ thiên. Thấy tôn tượng ngài, chúng ta cảm được công hạnh của Bồ tát Quan Âm đối với loài người chúng ta như thế nào.
Ở Trung Hoa thường thờ ngài dưới hình thức Quan Âm Nam Hải hay Từ Hàng Đại sĩ. Vì người ta thường thấy ngài hiện ra người chèo thuyền cứu vớt kẻ bị tai nạn. Ở Triều Tiên thờ ngài dưới hình tượng ba đầu sáu tay. Ở Nhật Bản thờ 10000 tượng Quan Âm trong tam thập tam gian đường. Ba mươi ba gian nhà thờ này tiêu biểu cho ba mươi ba loại thân hình của Quan Âm giáo hóa chúng sanh. Tuy nhiên, các kiểu thờ Quan Âm dưới đây thông dụng hơn cả:
- Thiên thủ thiên nhãn tiêu biểu cho quyền năng và sự quan sát của Quan Âm, việc nào ngài cũng làm được. Ngài quán một ngàn trường hợp và làm việc dưới một ngàn dạng thức khác nhau. Con số một ngàn chỉ là số tượng trưng, vì thực sự Bồ tát Quan Âm ở trong tư thế thiên biến vạn hóa.
- Mã Đầu Quan Âm hay Đại Lực Trì Minh Vương tiêu biểu cho lòng từ bi của Quan Âm nâng lên độ cao và ngài sử dụng lòng Từ dưới dạng sân hận, tức nghịch duyên hóa độ.
Ở Việt Nam thường thờ Quan Âm dưới hình tượng Tiêu Diện đại sĩ là Bồ tát thị hiện sân hận để hàng phục kẻ ác, không phải sân hận thực sự. Vì phát xuất từ chánh định hay Pháp hoa Tam ma địa, dù hành động của Bồ tát ác, cũng biến thành thiện hoặc vô lậu.
Bồ tát mang nghiệp ác phát xuất từ căn bản đại từ bi mà Huệ Tư Thiền sư gọi là vô duyên đại từ bi tâm. Nghĩa là hạnh Bồ tát khiến người ác phải sợ và kính trọng, không dám phản ứng ác, không làm cho họ sân hận. Ngược lại, thiện phát xuất từ căn bản vọng tâm là ngụy thiện vẫn thọ quả báo.
- Thập nhất diện Quan Thế Âm Bồ tát. Thập nhất diện là mười một phía, mười một bình diện khác nhau tiêu biểu cho Quan Âm dưới dạng thể đại từ bi, mọi mặt nhìn về ngài đều thấy dễ thương. Ta nghĩ thế nào sẽ thấy ngài như vậy.
- Chuẩn Đề Quan Âm phát xuất từ Ấn Độ. Quan Âm hiện dưới dạng bảy trăm vị nữ thần đặt dưới sự thống lãnh của Long Nữ.
- Như Ý Luân Quan Âm: Quan Âm đeo chuỗi anh lạc được thờ nhiều nhất. Vòng chuỗi như ý tiêu biểu cho Như ý luân Tam ma địa, nghĩa là tất cả mọi việc mong cầu của chúng sanh đều được Bồ tát Quan Âm thỏa mãn theo ý muốn.
Trên lập trường Phổ môn, tức trên Phật quả nhìn về chúng sanh qua hình bóng của Quan Âm với các hạnh khác nhau của ngài ghi trong các kinh, tập họp được một Quan Âm thực sự trong lòng người. Mỗi người cảm nhận về ngài không giống nhau.
Dù thân trụ thế giới Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, nhưng Bồ tát Quan Âm lại nghiêng tai về cõi Ta Bà, lóng nghe ngôn ngữ âm thanh của các loài chúng sanh ở đây. Vì để tâm nghe âm Thanh trần thế, giữa ngài và trần thế có sự liên hệ mật thiết với nhau không rời được. Đó chính là nguyên nhân Bồ tát Quan Âm thường hiện hữu nơi Ta Bà.
Ở tình huống nào, hành giả cảm được Quan Âm, ngài liền hiện tới cứu. Chẳng những Quan Âm nghe được tất cả âm thanh trong loài người, tánh nghe này đặc biệt thấu suốt mười phương Phật. Cho đến tất cả những ức niệm nhỏ nhất của chúng sanh khởi từ Phật tánh, ngài đều nghe được. Vì vậy, kinh Lăng Nghiêm gọi ngài là Viên thông giáo chủ. Quan Âm trong Lăng Nghiêm thuộc phần tu nhân, nhưng ở Pháp Hoa là quả của ngài. Ngài đã thành Phật và từ Phật cảnh giới, ngài đi xuống chúng sanh giới.
Nếu chúng ta chưa đủ tư cách Bồ tát, mọi việc làm cũng chỉ là hữu lậu, vẫn kẹt trong lục đạo tứ sanh. Tuy nhiên, nương vào hạnh Bồ tát để hành đạo có thể nhứt thời thông được Phật giới.
Long Nữ thị tùng Bồ tát Quan Âm tiêu biểu cho hành giả nương được hạnh Quan Âm, thông được từ súc sanh giới lên Phật giới. Chúng ta thờ Quan Âm, một bên là Thiện Tài, một bên là Long Nữ. Hai hiệp sĩ này trợ hóa Bồ tát Quan Âm. Long Nữ trong phẩm “Đề Bà Đạt Đa” là Long Nữ của Quan Âm ứng hiện và Thiện Tài ứng hiện trong Hoa Nghiêm. Vì tùy thuộc Quan Âm, nên các vị này hoạt động dưới dạng thức của Quan Âm. Thiện Tài tuy nhỏ, nhờ nương lực Bồ tát Quan Âm, thông được mọi cảnh giới. Và tầm hoạt động của Long Nữ là hoạt động của Quan Âm dưới dạng Bát bộ chúng. Theo kiến giải của Mật giáo, những hoạt động này thể hiện ở trạng thái siêu hình.
Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Bồ tát Quan Âm thị hiện vô số hóa Phật. Trong Tâm kinh, ngài có tên là Quán Tự Tại thông cả hữu hình và vô hình, hữu tình và vô tình. Ngài hoàn toàn tự tại với tất cả pháp, với mọi hiện tượng trên cuộc đời thì việc ban vui cứu khổ mới không chướng ngại. Với tư chất Quán Tự Tại, ngài quán sát, phá vỡ được vỏ Ngũ ấm thành Không, không còn chướng ngại trong việc làm đạo và khổ ách đều dứt.
Vì đáp ứng nhu cầu của mọi người hoàn toàn tự tại, đối với Quan Âm, Sắc mới là Sắc, Không là Không, mà Sắc cũng không phải là Sắc, Không cũng không phải là Không,… Giáo hóa của Quan Âm rõ ràng là vô quái ngại. Thật vậy, kẹt vào sắc thì bị hạn cuộc, mà rơi vào Không thì tâm Từ sẽ bị chết, không hành đạo Bồ tát được.
Quan Âm sử dụng đại bi và đại trí như hai cánh tay. Tác dụng của Quan Âm dưới dạng tâm. Đại bi tâm của ngài sanh ra tất cả pháp hóa độ chúng sanh. Vì thế, tuy không hiểu Đà la ni của ngài, ta vẫn cảm nhận được. Tình thương của Bồ tát Quan Âm hay của Phật được nâng đến độ cao nhất, thấy tình thương không còn mới chính là tình thương chân thật. Giống như mặt trời tỏa chiếu sự sống khắp nhân gian, không phân biệt tốt xấu. Dù ta quý mến Phật hay không, Ngài vẫn thương ta. Thành tựu tư cách này, Bồ tát Quan Âm hành đạo không chướng ngại, thân giáo hóa thế gian mà tâm vẫn an trụ thế giới Phật.
Phẩm “Phổ Môn” cho thấy Quan Âm là một vị Phật hành đạo dưới dạng Bồ tát. “Ưng dĩ Phật thân đắc độ giả, Quan Thế Âm Bồ tát tức hiện Phật thân nhi vị thuyết pháp”. Hay nói cách khác, ta thờ Đức Phật Thích Ca mà cảm Đức Quan Âm thì đó chính là Quan Âm vậy.
“Ưng dĩ Bích chi Phật thân đắc độ giả, tức hiện Bích chi Phật thân nhi vị thuyết pháp”. Nếu là Duyên giác thực sẽ không độ được người và chỉ trụ ở điểm đó thôi. Tuy nhiên, vị Duyên giác này là hiện thân của Quan Âm Bồ tát thì theo họ tu, hành giả được khai mở, phát tâm Bồ đề và tu hạnh Quan Âm lúc nào mà hành giả không biết.
Vì hiện thân tam thánh không đủ để hóa độ chúng sanh, Bồ tát Quan Âm còn hiện thân trời Phạm vương hay trời Đại Phạm Thiên vương của Ấn Độ giáo để đáp ứng nhu cầu nhân gian. Tất cả các vị trời này là biểu tượng tín ngưỡng của các tôn giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Nếu thực sự các vị này là hiện thân của Bồ tát Quan Âm để hóa độ chúng ta, thờ các ngài ít lâu, chúng ta sẽ hướng tâm về Phật. Thể hiện tinh thần này, chúng ta thấy các vị thần Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản lần quy về Phật đạo, nhờ Quan Âm Bồ tát hiện dưới dạng vị thần hóa độ.
Ngay trong cuộc sống hiện tại, Bồ tát Quan Âm thường hiện ra dưới biểu tượng gợi cho hành giả phát tâm; nhưng hành giả không biết được và hạ xuống thấp nhất, ngài giải quyết cho nhân gian hai điều mà họ cầu xin và giúp họ thoát khỏi bảy tai nạn (thất nạn nhị cầu).
Trường hợp hành giả rơi vào tuyệt mạng tuyệt thể, phá vỡ được màn Ngũ ấm, từ Phật tánh khởi tâm đại bi, mới nhận được đồng thể đại bi với Quan Âm. Hành giả không ở trạng thái tuyệt mạng tuyệt thể, nhưng trụ được tâm trong Đà la ni, vẫn có độ cảm như trên.
Vì vậy, niệm Quan Âm phải niệm dưới dạng niệm tâm mới giao cảm được với ngài. Chánh niệm đến độ hành giả đồng hạnh với Quan Âm, thân hành giả hiện thành thân Quan Âm. Dùng được thân Quan Âm trang nghiêm cho thân mình, việc ác không thể đến với hành giả. Thế giới an lành của Bồ tát lần lần mở ra cho hành giả, hoặc hành giả chuyển đổi được hoàn cảnh xấu thành tốt. Thí dụ bị lửa đốt cháy, hành giả chánh niệm Quan Âm, lửa không đốt được; nhưng hành giả phải niệm bằng tâm niệm. Còn niệm ngoài miệng để khỏi cháy thì thế nào cũng cháy. Niệm đến vô niệm, niệm ngoài Thức, không còn biết nóng. Dù cho xác thân cháy, cũng chỉ cháy Ngũ ấm thân và hành giả chứng được Pháp thân.
Từ nạn lửa, cho đến bị nước cuốn trôi, gông cùm xiềng xích, oán tặc bao vây,… hành giả trụ tâm chánh niệm Bồ tát Quan Âm, ngài đều gia hộ cho thoát khỏi tai nạn. Nhưng hành giả phải cầu đúng, nghĩa là đồng hạnh đồng nguyện với Quan Âm Bồ tát, ngài mới gia bị. Cầu nguyện dưới dạng vô Ý thức của con người hay xứng tánh gọi là chuyên niệm mới bắt gặp lực hộ niệm của Bồ tát Quan Âm, một sự hộ niệm hay trợ lực nằm ngoài sự hiểu biết diễn tả thông thường. Nếu gặp hiểm nguy, chúng ta có chuẩn bị và tìm lối thoát được, thì đó không phải là thần lực của Bồ tát Quan Âm.
Quan Âm xuất hiện với ba mươi hai ứng hiện thân, tức ở trong ba mươi hai hoàn cảnh tiêu biểu cho mọi tình huống, ngài đều thị hiện tương ưng để giải quyết bảy tai nạn cho người thế gian. Như vậy, ngài đương nhiên trở thành người che chở cần thiết, mang an lành cho chúng sanh Ta Bà, làm thế nào họ chán ngài được. Nhất là yêu cầu thoát khỏi mọi tai nạn khổ ách là yêu cầu bức bách muôn đời của chúng sanh Ta Bà. Từ gợi ý này, Phật khuyên chúng ta niệm Quan Âm, tức học hạnh Quan Âm, đến đâu đáp ứng yêu cầu lợi lạc nơi đó. Được như vậy, công việc hoằng hóa độ sanh của chúng ta nhất định tốt đẹp.
Việc làm của Quan Âm không chỉ giới hạn ở thất nạn nhị cầu, Ngài còn dắt hành giả qua năm trăm do tuần đường hiểm về Bảo sở. Trên năm trăm do tuần, hành giả thấy năm trăm Quan Âm khác nhau. Mỗi do tuần, hành giả có một Quan Âm và sau cùng ở Bảo sở, Bồ tát Quan Âm của hành giả là Đức Phật.
Từ trên Phật quả xuống, ngài đưa hành giả về thế giới Phật bằng thuyền Từ, tiêu biểu bằng cánh sen mang ý nghĩa nương theo hạnh Bồ tát để tu Pháp Hoa. Quan Âm Bồ tát không chỉ làm những việc lặt vặt như thất nạn nhị cầu, hay cầu gì cho nấy. Hiểu như vậy, Bồ tát Quan Âm sẽ không còn linh nghiệm, vì có người cầu được, có người cầu không được. Chẳng những Bồ tát Quan Âm hành đạo ở Ta Bà, ngài còn trợ hóa Phật A Di Đà ở Tịnh Độ phương Tây.
Việc làm của Ngài ở hai trụ xứ tịnh uế trái ngược này khiến chúng ta cảm nhận được vào thời quá khứ, ngài là vị cổ Phật Chánh pháp Minh Như Lai. Vì thương nhân gian, ngài hiện thân sống với chúng sanh Ta Bà dưới dạng Bồ tát Quan Âm.
Hiện hữu bằng con người đắc đạo hoàn toàn, ngài rất tự tại trong khi giáo hóa chúng sanh, cần ứng hiện thân nào, ngài mang thân đó. Nói rộng hơn, Bồ tát Quan Âm nhằm diễn tả Pháp thân Phật hay phẩm “Phổ Môn” nói lên sự giáo hóa của Phật bằng lực vô hình. Từ lực vô hình ở bản thể hiện thành hiện thực theo yêu cầu của loài người.
Xuất hiện trên cuộc đời mang tất cả loại hình để hành đạo và đạt mục tiêu xong, Phật diệt độ. Trên lập trường Pháp Hoa, Phật hiện hữu miên viễn ở bản thể giới. Trên mặt sanh diệt của hiện tượng, tuy không có ngài, nhưng ai thỏa mãn được yêu cầu tri thức và đạo đức của con người, hướng dẫn con người đến toàn thiện toàn mỹ, người đó chính là Phật, là sứ giả của Như Lai.
Vì vậy, theo tinh thần của Đại thừa, hình ảnh Phật năm trăm năm sau khi Ngài diệt độ, thể hiện nơi Long Thụ Bồ tát. Ngài nương giáo lý Đức Thích Ca, triển khai thành sức sống mãnh liệt của Phật giáo Đại thừa. Và Phật giáo truyền sang Trung Hoa, theo yêu cầu của thời đại đó, sản sanh ra một Đức Phật dưới dạng hình Cưu Ma La Thập. Đến Nhật Bản, Đức Phật lại xuất hiện dưới hình bóng thánh Đức thái tử. Vì bấy giờ, nước Nhật tôn sùng Thần đạo và huyết thống, thánh Đức không thể xuất thân trong giai cấp bình dân. Thánh Đức thái tử muốn thuyết kinh Pháp Hoa phải nói dưới dạng Thái Dương Thần nữ.
Đến thế kỷ thứ VIII, xã hội Nhật bắt đầu phát triển văn hóa, thì xuất hiện một Kobo Daishi là con của lãnh chúa. Ngài hành đạo bằng cách đi tiên phong trong việc phát triển văn hóa, như sáng chế ra chữ quốc ngữ cho dân Nhật, thảo sớ văn cho Đằng Nguyên sang Trung Quốc. Trường tư thục đầu tiên cũng do ngài sáng lập, cùng những danh họa và những áng văn sớm nhất là do ngài sáng tác.
Sang thế kỷ XII, giới võ sĩ phát triển mạnh. Sức mạnh đóng vai trò quan trọng, người nào mạnh mới tổng hợp được quần chúng. Lúc ấy, lại có Sư Bình Thanh Thạnh làm Tể quan. Đến thời kỳ thành phần nông dân vượt lên, lại thấy ngài Nhật Liên, con của người chài lưới, biểu tượng cho thành phần lao động. Dân Nhật tôn sùng ngài là Bồ tát Thượng Hạnh, là thượng thủ của các Bồ tát Tùng Địa Dũng Xuất trong kinh Pháp Hoa.
Riêng người Việt Nam, hiểu và tin Đức Quan Âm một cách sâu sắc, thể hiện qua hành động của các vua quan đời Lý Trần. Thật vậy, Phật giáo Việt Nam khi hội nhập vào xã hội đã có thái độ dứt khoát; cần hiện Thiên tướng hiện Thiên tướng, cần phụ nữ thân hiện phụ nữ thân, như Ỷ Lan thứ phi. Đối với kẻ nghịch, bà dứt khoát trừng trị; nhưng hàng phục được chúng rồi, bà lại rất hiền, nên được dân chúng tặng cho danh hiệu là Quan Âm nữ.
Thẳng thắn và khoan dung là tinh thần Quan Âm của Việt Nam. Vì vậy, học hạnh Quan Âm phải tùy thời, tùy chỗ, tùy đối tượng mà có thái độ ứng xử khác nhau. Theo tinh thần này, vua quan và Thiền sư thời Lý Trần không do dự trước giới sát khi các ngài phải đối phó với giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, chận đứng được khả năng sát hại của giặc rồi, các ngài lại thể hiện tinh thần từ bi, không hận thù, xem họ như bạn. Tiêu biểu như việc làm của vua Lý thánh Tông không khoan nhượng trước thế lực của kẻ hiếu chiến; nhưng thắng giặc Chiêm Thành xong, ngài thể hiện tấm lòng nhân đạo, tha cho vua Chiêm là Chế Củ. Hoặc vua Trần Nhân Tông thắng quân Nguyên xâm lược, ngài trở thành Thiền sư, làm Tổ của phái Trúc Lâm.
Có thể nói thái độ của Phật giáo Việt Nam ứng xử theo tinh thần ba mươi hai hiện thân của Bồ tát Quan Âm. Việc làm nào cần nói lên chân lý thì sử dụng ngay. Thí dụ Lý Thường Kiệt đánh để nói lên chân lý “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”. Ông đã thể hiện chân lý trong mọi tình huống, thể hiện với tư cách hiền hòa hay bằng hành động dứt khoát thẳng tay trừng trị. Để trấn át loài hung dữ cô hồn, Bồ tát Quan Âm phải hiện thân Tiêu Diện đại sĩ. Đối với người hiền lương, Bồ tát Quan Âm là bà mẹ hiền ban vui cứu khổ.
Trên bước đường hành Bồ tát đạo, muốn thành tựu công đức, phải hiện được càng nhiều sắc thân càng tốt, tức phải có trí huệ nhìn đúng sự thật, ứng xử cho hợp tình hợp lý. Vì vậy, các vị danh Tăng hiện hữu khắp nơi, mang những hình thái khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều đáp ứng được việc lợi ích quần sanh và đưa người về Phật đạo giải thoát. Ý này nói lên tinh thần vì thương tưởng cho đời, Đức Phật hiện thân ở Ta Bà làm đủ các việc, hay tinh thần Phổ Môn thị hiện dưới tất cả loại hình theo yêu cầu chúng sanh.
Với mục tiêu này, Bồ tát Quan Âm hiện hóa trên cuộc đời bằng mọi dạng thức. Từ Phật cảnh giới, ngài bước vào trần gian, sống bên cạnh chúng ta để đưa tất cả đến bờ giải thoát. Nếu chỉ thấy ngài dưới dạng thức ban vui cứu khổ để van vái cầu xin, thì ngài là một vị thần linh đã chết. Nhưng nếu chúng ta cảm hạnh ngài qua tri thức và suy luận của nhân gian thì ngài trở thành tà kiến. Hạnh Quan Âm không thể hiểu ở trạng thái cục bộ này.
Quan Âm phải ở dạng thức từ trên Phật quả nhìn xuống chúng sanh giới để làm đạo và từ nơi này hướng về Phật cảnh giới trong tư thế khai ngộ. Theo ngài Huệ Tư, Phật giới và chúng sanh giới không khác. Phật là Diệu pháp, chúng sanh là Liên Hoa. Bồ tát hành đạo không thể hủy diệt môi trường chúng sanh. Đức Phật tu hạnh Bồ tát mới dung hóa được hai cõi tịnh uế và lấy chúng sanh giới làm Niết bàn. Có thể ví Bồ tát là hoa, Phật là quả, chúng sanh là gốc rễ, pháp là nước và phân đất là phiền não. Hiểu được như vậy, hạnh Quan Âm mới là cửa ngõ cho Bồ tát sơ phát tâm vào đạo; vì ngoài hạnh Quan Âm, không có hạnh nào khác để hành đạo.
Khi Phật giải thích xong công hạnh của Bồ tát Quan Âm, ngài Vô Tận Ý cúng dường Quan Âm chuỗi ngọc như ý. Quan Âm không nhận. Phật liền bảo Quan Âm nên thương Vô Tận Ý và chúng Tăng mà nhận chuỗi ngọc. Lời Phật dạy gợi cho chúng ta suy nghĩ bố thí cúng dường phải đúng như pháp. Người cúng và người nhận đều lợi lạc, hợp thời thanh tịnh mới thành tựu pháp. Ngài Vô Tận Ý cúng dường Đức Quan Âm, vì nhận rõ Quan Âm sử dụng chuỗi ngọc lợi ích hơn ngài. Bồ tát Quan Âm cũng thấy rõ như vậy. Ý thức của người cúng và người nhận là Bồ tát Vô Tận Ý và Quan Âm đều hợp thời thanh tịnh, nhằm làm lợi ích chúng sanh, mới thành tựu trọn vẹn pháp cúng dường.
Quan Âm nghe lời Phật dạy nhận chuỗi ngọc cúng dường. Theo tôi, điều này gợi nhắc chúng ta trên bước đường tu, ta nghe lời Phật hay nói cách khác, Phật tiêu biểu cho trí giác. Vì vậy, ai cúng vật gì, chúng ta phải suy nghĩ kỹ có nên nhận hay không, vì mọi việc xảy đến đều có yêu cầu, có lý do riêng. Chúng ta không biết cứ nhận, càng dễ thọ quả báo. Nhận mà không đáp ứng được yêu cầu của người, sau này họ sẽ gây khó khăn cho chúng ta không ít. Từ thuở nhỏ tôi đã sớm Ý thức ý nghĩa câu chuyện Quan Âm vâng lời Phật dạy mà nhận chuỗi ngọc. Tôi rất sợ phiền lụy của việc thọ nhận. Ai cho hoặc giúp đỡ, tôi suy nghĩ nếu không giải quyết được sự mong cầu của họ, tôi dứt khoát không nhận.
Bồ tát Quan Âm nhận xâu chuỗi của Vô Tận Ý làm Phật sự lợi ích trời người. Ý thức như vậy, ngài mới nhận, kinh diễn tả là Phật bảo Quan Âm nhận. Nhận xong, Bồ tát Quan Âm phân chia chuỗi ngọc thành hai phần, một phần cúng cho Đức Đa Bảo và một phần cúng cho Thích Ca ở Ta Bà. Có thể hiểu trên bước đường tu, chúng ta hoàn toàn hướng tâm về Tây phương hay hướng đến Ta Bà, đều không đúng.
Bước theo lộ trình thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh mà Quan Âm vẽ ra, chúng ta tùy duyên, tùy yêu cầu chúng sanh đáp ứng lợi lạc cho họ; nhưng tâm hồn ta lúc nào cũng phải hoàn toàn trong sạch thanh tịnh. Giống như hình ảnh của Quan Âm trợ hóa cho Phật A Di Đà ở Tây phương thuần tịnh, ngài vẫn hiện hữu mãi mãi bên cạnh chúng sanh Ta Bà đau khổ.
Hòa thượng Thích Trí Quảng (1938~)
- Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa
- Dẫn nhập lược giải
- Lược giải phẩm 01
- Lược giải phẩm 02
- Lược giải phẩm 03
- Lược giải phẩm 04
- Lược giải phẩm 05
- Lược giải phẩm 06
- Lược giải phẩm 07
- Lược giải phẩm 08
- Lược giải phẩm 09
- Lược giải phẩm 10
- Lược giải phẩm 11
- Lược giải phẩm 12
- Lược giải phẩm 13
- Lược giải phẩm 14
- Lược giải phẩm 15
- Lược giải phẩm 16
- Lược giải phẩm 17
- Lược giải phẩm 18
- Lược giải phẩm 19
- Lược giải phẩm 20
- Lược giải phẩm 21
- Lược giải phẩm 22
- Lược giải phẩm 23
- Lược giải phẩm 24
- Lược giải phẩm 25
- Lược giải phẩm 26
- Lược giải phẩm 27
- Lược giải phẩm 28
- Nội dung kinh Diệu Pháp Liên Hoa
- Dẫn nhập nội dung
- Thay lời tựa
- 01. Tựa
- 02. Phương Tiện
- 03. Thí Dụ
- 04. Tín Giải
- 05. Dược Thảo Dụ
- 06. Thọ Ký
- 07. Hóa Thành Dụ
- 08. Ngũ Bách Đệ Tử Thọ Ký
- 09. Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- 10. Pháp Sư
- 11. Hiện Bửu Tháp
- 12. Đề Bà Đạt Đa
- 13. Trì
- 14. An Lạc Hạnh
- 15. Tùng Địa Dũng Xuất
- 16. Như Lai Thọ Lượng
- 17. Phân Biệt Công Đức
- 18. Tùy Hỷ Công Đức
- 19. Pháp Sư Công Đức
- 20. Thường Bất Khinh Bồ Tát
- 21. Như Lai Thần Lực
- 22. Đà La Ni
- 23. Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- 24. Diệu Âm Bồ Tát
- 25. Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- 26. Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- 27. Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- 28. Chúc Lụy