Skip to content

Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Phẩm 7: Hóa Thành Dụ

妙法蓮華經

Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Phẩm 7:

Hóa Thành Dụ


Trong phần kết thúc kinh Pháp Hoa có nói: “Pháp Hoa hải hội Đức Phật thân tuyên, ba châu chín dụ nghĩa kín mầu…”.

Ba châu gồm thuyết pháp châu, thí dụ châu và nhân duyên châu. Phần pháp thuyết châu thọ ký cho hàng thượng căn, chỉ có Xá Lợi Phất thâm nhập được chân lý, tiếp nhận được quy luật sanh tồn diễn tiến từ bản thể khởi ra hiện tượng và từ hiện tượng trở về bản thể. Điều này khác với trước kia Thanh văn tu hành là từ bỏ thế giới hiện tượng và xa rời cuộc đời để tìm Niết bàn.

Công việc đi tìm cái không sanh tử trong sanh tử quá khó, chỉ duy nhất có Xá Lợi Phất thực chứng. Thật vậy, nếu đứng trên mặt hiện tượng quan sát hiện tượng thì đời đời vẫn là phàm phu và cuộc sống của chúng ta thực khổ. Đức Phật cũng sống như vậy mà Ngài không bao giờ xa rời Niết bàn. Đức Phật từ bản thể quan sát thế giới hiện tượng, nên hiện tượng của Ngài thấy chính xác đúng như thật, không phải là hiện tượng của chúng sanh trong tam giới thấy tam giới. Từ đó việc làm và đời sống của Phật bên ngoài trông đơn giản, nhưng lại có tác dụng thực mãnh liệt. Vì vậy, cho đến ngày nay hơn hai mươi lăm thế kỷ, lời dạy và việc làm của Ngài vẫn là lý tưởng cho hàng tỷ người tôn thờ noi theo.

Phát xuất từ bản thể hiện lên sanh diệt, mọi việc làm của Phật đều cao quý như hoa sen tỏa hương thơm ngát trong vũng bùn nhơ, thể hiện bên ngoài một đóa sen và tiềm ẩn sâu kín bên trong Diệu Pháp. Từ Diệu Pháp thấy được Liên Hoa, hay từ con người ở hiện tượng chỉ cho chúng ta thấy con người trên bản thể.

Xá Lợi Phất nhờ lặn sâu vào Diệu Pháp, nắm bắt được chân lý, mới được Phật thọ ký. Hành giả muốn phát tâm Bồ đề cũng phải lặn sâu vào bản thể, tức từ tâm chơn như mà phát tâm Bồ đề. Phát tâm Bồ đề từ trạng thái đắc đạo ở thiền định là cả một vấn đề không đơn giản trên bước đường tu chứng. Vì thế vòng thứ nhất là pháp thuyết châu dành riêng cho hạng thượng căn thượng trí trực ngộ bản tâm như ngài Xá Lợi Phất, nên rất hiếm người đạt được.

Đức Phật phải dùng phương tiện nói pháp thí dụ tiếp độ hàng trung căn, tiêu biểu bằng bốn vị Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề nhờ nghe pháp, tâm thanh tịnh. Nghĩa là đi theo con đường phương tiện dễ hơn vào cửa thứ nhất là cửa Thiền. Nghe pháp Phật, hiểu tâm Phật, bấy giờ vận dụng tâm Phật vào tâm mình, hành giả cũng thanh tịnh theo và phát tâm đại bi. Bấy giờ, từ Niết bàn đi ngược dòng về sanh tử, hiện hữu trên cuộc đời vì lợi ích cho chúng sanh. Đó là vòng thứ hai gọi là thí dụ châu, Đức Phật thọ ký cho hàng trung căn.

Đến vòng thứ ba nhân duyên châu gồm những người đến với Phật do cảm tâm, không bằng lý luận như hai châu trước. Họ thấy Phật, tự nhiên phát tâm thương ngay. Giữa Phật và họ có một sự gắn bó vô hình sâu xa, vượt ngoài sự hiểu biết giải thích. Đó chính là nhân duyên.

Đức Phật nhắc lại nhân duyên xa xưa, những đệ tử của Phật đều có mối liên hệ với Ngài từ thời Phật Đại Thông Trí Thắng. Do nhiều đời những người này cùng sanh chung với Ngài, hết lòng với Ngài nên tạo thành nhân duyên. Đời này gặp lại, họ hy sinh cả tài sản và thân mạng để xuất gia theo Phật. Đặc biệt là một ngàn hai trăm năm mươi vị La hán, tuy theo ngoại đạo, nhưng thực sự các ngài đã kết duyên với Phật Thích Ca từ thời Phật Đại Thông Trí Thắng. Sở dĩ Phật thành tựu được nhiều việc trên thế gian, vì những người xung quanh quá thương Ngài. Hay nói đúng hơn, nhờ thương Phật mà đệ tử của Ngài vơi đi phiền não, gần nhất là Phú Lâu Na và năm trăm La hán, A Nan, La Hầu La và hai ngàn vị chưa đắc La hán. Các ngài đã nương theo sợi chỉ vàng tình thương xuyên suốt từ tâm Phật đến tâm các ngài, trở thành thanh tịnh. Các ngài không tự thanh tịnh được, mà chỉ tìm thấy niềm an lạc trong sự thanh tịnh của Đức Phật. Vì thế trước khi Đức Phật thành Phật, các ngài không thanh tịnh và Phật Niết bàn, các ngài cũng không thanh tịnh.

Nhận chân được như vậy, ngày nay chúng ta tu hành cần có độ cảm tâm hướng về Phật. Nhân duyên ấy giúp chúng ta dễ tiến tu và chúng ta cần cố gắng giữ gìn, nuôi dưỡng căn lành này cho lớn mạnh thêm.

Đức Phật thuyết minh nhân duyên qua câu chuyện của Phật Đại Thông Trí Thắng để xác định với chúng hội rằng nếu không tu Bồ tát hạnh, không dìu dắt chúng sanh thì không thành Phật được, chỉ thành Độc giác mà thôi.

Nhờ nhân duyên hành Bồ tát đạo từ thời Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, khi Phật Thích Ca tái sanh, Bồ tát và chư Phật mười phương mang tâm niệm trả ơn, cùng sanh lại với Phật. Lắng lòng theo dõi cuộc đời hành đạo của Đức Phật, chúng ta cảm nhận cả một sự sắp xếp và bố trí quá tinh mật theo nhân duyên. Các Bồ tát và chư Phật sanh lại theo Phật Thích Ca, làm tất cả ngành nghề, đóng đủ thứ vai thuận nghịch, nhưng tựu trung chỉ nhằm làm nổi bật vai trò của Đức Phật. Như trường hợp năm ông vua ở miền ngũ hà Ấn Độ nghe Phật giảng dạy pháp trái ngược với quyền lợi của họ mà vẫn cúi đầu chấp nhận. Các vua ác hay vua thiện hoặc Đề Bà xô đá đè Phật, A Xà Thế thả voi say giết Phật, sát nhân Vô Não hại Phật, hay người đàn bà mang bụng chửa vu oan Phật, người hốt phân, người hớt tóc, một dâm nữ,… Tất cả đều là những người đóng kịch trên sân khấu cuộc đời, vì dù tệ ác đến đâu, sau cùng họ đều đắc quả La hán. Và rõ ràng cũng chỉ có một sát nhân Vô Não đắc La hán, một dâm nữ thành thánh, một người hốt phân đắc quả,… Vì thế, dưới nhãn quan của Phật giáo Đại thừa, tất cả những người này là diễn viên xuất sắc trên sân khấu cuộc đời, nhằm làm sáng danh hình ảnh đạo đức thánh thiện của Phật.

Và đến thời Pháp Hoa, Đức Phật mới cho biết sự thật những gì Ngài nói và làm trước kia thuộc về phương tiện để giáo pháp phổ cập truyền thông đến mọi tầng lớp. Ngay cả trường hợp Đề Bà Đạt Đa, theo tôi, có thể là một vị cổ Phật đến biểu diễn vai xấu ác cho Đức Phật lý giải Pháp môn thiện ác Bất Nhị, chứng minh nghịch duyên là thắng duyên giúp hành giả mau đắc quả Vô thượng Bồ đề. Bồ tát hiện vào đời dưới dạng sát nhân, hạ tiện và vượt lên quả vị Hiền thánh nhằm khích lệ, khơi dậy tâm Bồ đề cho những người ở giai cấp thấp.

Phẩm “Hóa Thành Dụ” mở đầu cho phần nhân duyên châu trong bộ kinh Pháp Hoa, nói lên sự liên hệ giữa Phật và chúng đương cơ. Ngài giới thiệu Đức Phật Đại Thông Trí Thắng nhập diệt cách nay rất xa, không thể tánh đếm được, nhưng dùng Phật nhãn quan sát thấy rõ như sự kiện đang xảy ra trước mắt.

Nhân cách và hoàn cảnh đắc đạo của Đức Phật Đại Thông Trí Thắng thực là đặc thù. Trước khi xuất gia, Ngài cai trị dân bằng đức hạnh. Cha của Ngài là Chuyển luân thánh vương và mười sáu vương tử con của Ngài lãnh đạo bốn phương đều được thái bình. Với địa vị cao sang tột đỉnh và quyến thuộc tài giỏi như vậy, Ngài không an hưởng cuộc sống đầy đủ năm món dục. Trái lại, Ngài luôn khao khát một đời sống chân thật, vĩnh cửu bất diệt.

Ngài rời cung điện đến thiền định tại Bồ Đề đạo tràng trải qua mười tiểu kiếp, được chư thiên liên tục rải hoa cúng dường và vua trời Đế Thích trải tòa cho Ngài ngồi. Trong khi Đức Phật Thích Ca ngồi tư duy dưới gốc cây Bồ đề chỉ trong bốn mươi chín ngày. Vì tu nhân như vậy nên thọ mạng giữa Ngài và Phật Thích Ca có sự sai biệt. Đức Phật Đại Thông Trí Thắng thọ mạng đến năm trăm bốn mươi vạn ức na do tha kiếp. Đời sống này quá dài so với cuộc sống chúng ta, cho nên có người dùng trí phàm quan sát cho rằng không có thật, mà chỉ là nhân cách hóa tâm.

Riêng đối với chúng ta, bằng niềm tin và suy tư mà cảm nhận được sự thọ mạng dài ngắn khác nhau của muôn loài trong lục đạo. Ở trên cõi Trời, thọ mạng không tánh bằng năm tháng mà dựa vào phước đức. Khi hết phước, ngũ suy tướng hiện là điềm báo sắp đọa xuống nhân gian. Còn ở địa ngục thọ mạng rất ngắn, một ngày ở nhân gian bằng một trăm ngàn kiếp ở đây. Riêng súc sanh, thọ mạng khác nhau tùy loại, như loài phù du không sống quá một ngày. Nếu chúng ta không chấp nhận được sự thọ mạng đến năm trăm bốn mươi vạn ức na do tha kiếp của Đức Phật Đại Thông Trí Thắng thì cũng giống như chúng sanh ở địa ngục không chấp nhận ở Ta Bà có Đức Phật Thích Ca sống đến 292,000,000 kiếp (80 năm x 365 ngày x 10000 kiếp).

Ngồi đạo tràng phá ma quân mười tiểu kiếp, Phật Đại Thông Trí Thắng không hề nói pháp, vì nhân duyên chưa đầy đủ. Điều này khiến chúng ta cảm nhận được dù có Phật hay không, pháp vẫn thường trú. Pháp là chân lý nên luôn luôn hiện hữu. Khi Ngài thành Phật thể nhập chân lý, ánh sáng chân lý kết hợp với Phật huệ của Ngài phóng đi khắp mười phương, làm mờ hẳn ánh sáng của các vị Đại Phạm Thiên vương là vị được Ấn Độ giáo xem như đấng tạo hóa vạn năng.

Khi mười sáu vị Sa di Bồ tát thỉnh Phật nói kinh Đại thừa, Ngài nhận lời. Nhưng đến hai muôn kiếp sau, Ngài mới nói kinh Pháp Hoa. Thời gian này tương ứng với thời gian Đức Thích Ca nói Bát Nhã. Pháp Không của Phật Đại Thông Trí Thắng thuộc về vô ngôn thuyết, vô danh tự, vô tâm duyên, nên không dùng Ý thức suy lường được. Đó là pháp tâm ấn tâm trong hai muôn kiếp để tâm thánh chúng thuần thục, trống không mà lãnh nhận Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Trái lại, đối tượng của Đức Thích Ca Mâu Ni là phàm phu, nên Ngài phải dùng trí phương tiện để diễn đạt trí Bát Nhã.

Đức Phật Thích Ca nói kinh Pháp Hoa tám năm, trong khi Đức Phật Đại Thông Trí Thắng trải qua 8000 kiếp nói kinh Pháp Hoa, dùng kệ nhiều như số cát sông Hằng.

Từ trước phẩm “Hóa Thành Dụ”, chúng ta chỉ thấy một Đức Phật Thích Ca cùng các đệ tử Thanh văn theo tu học. Nhưng đến đây, Đức Phật chỉ cho đại chúng thấy Ứng thân của Ngài ở phía Đông Bắc là một trong số mười sáu vị vương tử ở thời Phật Đại Thông Trí Thắng. Ngài dẫn sự tích Phật Đại Thông Trí Thắng nhằm nói lên nhân duyên liên hệ giữa Ngài và thánh chúng đã có từ thời xa xưa. Lúc Ngài còn là một trong mười sáu vương tử của Phật Đại Thông Trí Thắng đã độ được sáu trăm muôn ức na do tha quyến thuộc. Và thánh chúng hiện đang ngồi trong đạo tràng ở núi Linh Thứu là những người đã ở trong số sáu trăm muôn ức quyến thuộc nói trên.

Nói nhân duyên liên hệ này cũng nhằm phá tan sự nghi ngờ của các Thanh văn, để chuyển các vị này từ Tiểu thừa sang Đại thừa; vì khi chuyển tâm từ an định qua tu pháp Bồ tát dấn thân vào đời là điều khó. Các ngài nghi ngờ sẽ đi lạc, không tu được, nếu đời sau không gặp Phật.

Đức Phật mới xác định rằng các vị Thanh văn đã theo Ngài từ thời Đức Đại Thông Trí Thắng và mãi đến hội Pháp Hoa còn theo Phật nghe pháp được, chứng tỏ tâm Bồ đề không bao giờ mất. Một khi đã phát tâm kết duyên với Phật, hạt giống Bồ đề chỉ mạnh hay yếu chứ không mất. Hành giả sanh chỗ nào, có Bồ tát thị hiện theo hướng dẫn tu hành, vì đó là hạnh nguyện của các ngài. Ngay như ở thế gian, chúng ta nói Phật nhập diệt, nhưng sự thật Ngài thành Phật ở cõi khác. Bao nhiêu ứng hóa thân trong bốn loài khắp Pháp giới, Ngài đều hiện hữu. Ai có căn lành đều gặp Phật.

Điều này khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng chúng ta hiện còn thọ trì đọc tụng Pháp Hoa một cách bình ổn trong đời ngũ trược ác thế, là nhờ sự hộ niệm của chư Phật và Bồ tát mười phương. Chúng ta đã kết duyên Pháp Hoa với Phật Thích Ca ở thời Phật Đại Thông Trí Thắng trong số sáu trăm muôn ức na do tha quyến thuộc của Ngài.

Đoạn kết của phẩm này nói về Hóa thành để chỉ hai Niết bàn mà Phật đã nói trong suốt bốn mươi năm. Và nêu lên thí dụ Đức Phật tiêu biểu cho vị Đạo sư và các Tỳ kheo là người đi tìm của báu. Đức Phật khẳng định rằng Ngài chỉ là một Đạo sư, một người chỉ đường cho loài người. Đức Phật và ta đồng nhau không khác, cũng như người dẫn đường đối với người đồng hành giống như nhau. Ngài khai phương tiện môn, giảng nói nhiều, để lần dẫn mọi người về Nhất Phật thừa, làm cho tất cả thành Phật.

Giai đoạn trước, Phật nói đủ cách, phần lớn nhấn mạnh đến tha lực; vì chúng sanh tham lam, ích kỷ, hèn mọn, không dám nghĩ tự mình vươn lên, chỉ thích cậy nhờ. Đức Phật phải hiện thân làm người cho chúng ta nương tựa. Đến giai đoạn này Phật muốn ta phát khởi ý chí dũng mãnh, tự tu hành đắc đạo thành Phật, bằng với Phật. Vì vậy, Ngài xác định lại vai trò của Ngài trên cuộc đời là Đạo sư, không thể là trận mưa, hay ông trưởng giả nữa.

Vị Đạo sư trong phẩm này là Đại Thông Trí Thắng Như Lai, một Đạo sư mà bao người ước mơ gặp gỡ. Từ trời người đến Đại Phạm Thiên vương mười phương đều mong mỏi Ngài chỉ cho họ một cuộc sống đúng đắn để cuối cùng bỏ xác thân chứng Niết bàn.

Vị Đại Phạm Thiên vương thốt lên rằng lâu lắm mới có một Đạo sư ra đời. Vị này biết rõ những việc quá khứ, hiện tại và tương lai, thấy rõ trước khi đến đây ta ở đâu, làm gì và nay phải sống như thế nào cho có ý nghĩa và sau cuộc đời này, ta đi về đâu. Sự thắc mắc này của Đại Phạm Thiên vương cũng chính là sự thắc mắc của mọi người chúng ta, hay là niềm băn khoăn của Phật Thích Ca trên bước đường tìm chân lý. Khi mang thân Ngũ ấm, Ngài cũng bị bốn phần tinh thần là thọ, tưởng, hành và thức che lấp chân tâm như bao nhiêu người khác. Nhưng nhờ nhân duyên căn lành bên trong thôi thúc mãnh liệt, Ngài bỏ nhà thế tục đi xuất gia. Khi bỏ sự nghiệp rồi, Phật mới khám phá được những sự ràng buộc bên ngoài không quan trọng. Trái lại, giặc ở bên trong chúng ta hay ngục tù Ngũ ấm mới thực nguy hiểm. Vì mang vào thân Ngũ ấm, nó trang bị cho ta những thứ chướng ngại là thọ, tưởng, hành, thức. Nó hành hạ, trói buộc chặt chẽ trí huệ siêu việt của chúng ta, không cho trí huệ phát triển. Vì vậy, Phật không những bỏ nhà bên ngoài mà còn bỏ cả nhà Ngũ ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là thân vật chất tứ đại, nó đòi hỏi ta phải chìu theo nó, đáp ứng cho nó ăn uống, ngủ nghỉ…

Trên bước đường tu, khởi đầu Ngài chế ngự được phần sắc chất dễ dàng đến độ mỗi ngày chỉ cho nó ăn một hột mè, giảm thiểu việc ngủ nghỉ của tứ đại bằng phương pháp tham Thiền. Chẳng những phần sắc chất của thân, cả phần vật chất bên ngoài không thể làm hoen ố tâm hồn Phật. Tiến đến phần tinh thần do Lục căn tiếp xúc với Lục trần khởi lên phân biệt đẹp xấu, hay dở, khen chê, thương ghét,… Nó bao phủ quay cuồng trong tâm, ngăn che làm mờ chơn tâm, khiến chúng ta không thấy chân lý. Nhận rõ nguyên nhân hoành hành của anh giặc cảm thọ này, Phật phá thọ uẩn bằng cách dùng xả thọ, nghĩa là không quan tâm đến nó. Sự vật dù có hay không, hành giả tạm thời không khởi tâm để ý phân biệt. Vì còn lưu tâm đến Lục trần bên ngoài, chắc chắn hành giả phải rớt vô một trong hai thứ, hoặc khổ thọ hoặc lạc thọ. Và cả hai cảm giác khổ vui đều chi phối tâm, làm hành giả không yên tĩnh được. Đạt được xả thọ, phần tưởng uẩn tự động mất. Vì hiện thực còn không quan tâm, huống chi là suy tư, tưởng tượng. Tưởng uẩn không bao giờ đúng thật, chắc chắn đưa đến sự hiểu biết sai trái, tức là thức uẩn hoàn toàn ở trong vô minh. Cuối cùng Phật phá vỡ phần vô minh, chứng được chân lý, thấy được người thợ xây ngôi nhà Ngũ ấm.

Đức Phật từ trên chân lý hay từ bản thể trở lại cuộc đời, vẽ ra cho chúng ta con đường Ngài đã đi từ thế giới phàm phu đến thế giới Phật qua hình ảnh năm trăm do tuần đường hiểm. Năm trăm do tuần dẫn đến Bảo sở lấy của báu, tiêu biểu cho năm tầng của Ngũ ấm mà Phật dạy phải gạn lọc sạch hoàn toàn mới đạt đến Phật quả.

Tâm thức chúng sanh phiền não và tâm lượng giải thoát của Phật cách nhau thực xa, giống như năm trăm do tuần đường hiểm, hay hai thế giới Ta Bà và Tịnh Độ cách biệt muôn trùng vạn dặm. Nhưng vị Đạo sư biết rõ, vì Ngài thường qua lại, nghĩa là Ngài đã tự chứng nghiệm thông suốt pháp tu từ cảnh giới con người chứng được Niết bàn và từ Niết bàn Ngài hiện thân trở lại đây. Nếu nói rõ sự hiểm nguy trên một lộ trình dài xa như vậy, những người tâm trí hạ liệt không dám tiến bước. Thật vậy, trên bước đường tu, vượt năm trăm do tuần đường hiểm là cả một vấn đề không đơn giản. Các đệ tử Phật dù thương Phật đến đâu, nhưng gặp khó khăn dồn dập liên tục, lòng họ cũng phải nao núng. Thực tế chúng ta thấy lòng hy sinh của con người đương nhiên có mức độ, ép quá chẳng những không được, đôi khi còn phản tác dụng.

Đức Phật là vị Đạo sư sáng suốt Giác ngộ hoàn toàn, biết rõ khả năng, trình độ và tầm mức hy sinh của chúng nhân như thế nào. Ngài tùy theo đó đưa ra pháp tu tương ứng và thời điểm nghỉ ngơi thích hợp. Các đệ tử từ hàng phàm phu bạt địa vượt lên chứng A la hán, phá luôn một loạt Sắc ấm, Thọ ấm, Tưởng ấm là những bộc phá quá lớn lao đối với họ. Đức Phật phải cho họ tạm nghỉ ngơi ở Niết bàn.

Giai đoạn đầu vượt qua bức tường sắc chất cũng không dễ. Vì mang thân người, đứng trên vật chất mà quan sát sự vật, an trú pháp Không, đạt được một giải thoát trong tám giải thoát của Phật. Nói cách khác, không bị mọi vật xung quanh chi phối, không bị cuộc đời làm ô nhiễm. Thoát ly phần sắc chất, hành giả đã đi qua một trăm do tuần đường hiểm, chứng Sơ quả.

Phật lại bảo tiếp tục đi vào thế giới tâm linh. Ở trong pháp Không, quán Không để giải thoát. Giai đoạn trước là từ Có quán Không. Các ngài tu tập phá bỏ phần thọ uẩn, tiêu hủy hoàn toàn mười hai xứ (Lục căn + Lục trần) chứng được Tam quả, vượt qua hai trăm do tuần đường hiểm. Qua được hai trăm do tuần đường hiểm này đã xứng đáng được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, Phật thấu suốt khả năng chúng hội, nên Ngài bảo đi tiếp đoạn đường ba trăm do tuần còn lại. Từ Niết bàn, không quan tâm, không tiếp xúc với cuộc đời và diệt luôn suy tư mà các Thanh văn thường tâm sự với Phật rằng ngày đêm các ngài chỉ nghĩ đến Không, Vô tác, Vô nguyện. Ở giai đoạn này, các ngài tu tập phá được tưởng uẩn, vượt qua ba trăm do tuần đường hiểm, bước vào thế giới Không của A la hán. Đến đây Phật tạo ra Hóa thành cho họ an trú.

Sau đó ở hội Pháp Hoa, Phật cho biết những điều mà các đệ tử an hưởng là do công đức tu hành đạo Bồ tát của Ngài đem chan hòa cho, là Hóa thành do Đạo sư chuyển hóa ra, không phải họ tự tạo được. Điều này cho thấy Đạo sư phải có khả năng chuyển hóa, tức gặp khó khăn nguy hiểm phải đủ sức che chở.

Đức Phật biểu hiện đầy đủ tư cách của một vị Đạo sư. Ngài hiện thân trên cuộc đời có đầy đủ phước báo, trí huệ và đức hạnh siêu tuyệt, làm Thầy của trời người, giải quyết cho họ mọi khó khăn. Nếu Ngài nói với họ lộ trình tu hành phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp dài xa, thì sẽ không ai dám theo. Ngài mới chỉ con đường đi đến Bảo sở rất dễ, nhưng khi bắt đầu tu hành gặp ma chướng khó khăn, ví như trên cuộc hành trình tìm châu báu, hành giả gặp đủ loại thú dữ hiểm nguy. Tuy đầy chông gai hung dữ nhưng từng bước theo Đạo sư, hành giả vẫn cảm thấy an lành; vì Đạo sư đã từng qua lại đường hiểm sanh tử rồi và biết rõ cách đối phó.

Ngày nay, Phật đã vào Niết bàn, trên bước đường tu hành tìm cầu vị Đạo sư, hành giả phải nương tựa với người biết rõ đường hiểm sanh tử, mới ngăn chặn phiền não nghiệp chướng cho hành giả được. Vị này chỉ đạo cho hành giả làm việc gì đều mang lại kết quả tốt đẹp. Nếu không đạt được sự lợi ích ngay trên cuộc đời, hành giả không nên tiếp tục theo vị đó, vì pháp còn trong sanh tử mà không giải quyết được, huống chi là pháp ngoài sanh tử.

Theo Đạo sư, hành giả có một cuộc sống bình ổn, điều này chưa đủ; vì sự bình ổn mai kia sẽ chấm dứt khi xác thân tan hoại. Tiến đến giai đoạn hai, Đạo sư triển khai cuộc sống tâm linh, mang lại niềm an lạc giải thoát cho hành giả an trú, bỏ lại phía sau những nhu cầu tầm thường của thế gian, từng bước xa rời sanh tử và tiến đến Niết bàn. Tâm chứng của hành giả nương vào Đạo sư mà có, thân tâm đều an lành. Năm món dục trên đời tuy đầy đủ mà chúng không còn chi phối hành giả nữa, vẫn sống tự tại giải thoát. Như vậy, hành giả đã đi theo Đạo sư qua một chặng đường sanh tử, ví như đã phá được một ấm và cuối cuộc đời, hành giả phá được Ngũ ấm. Sự liên hệ với thế gian không còn, nên không tái sanh và thoát khỏi sanh tử luân hồi. Ngược lại, nếu thực hành pháp tu giải thoát của Phật mà vẫn chất chứa buồn phiền, tham giận, đố kỵ, ghét ganh thì đã lọt vào quỹ đạo của ma và đang áp dụng tà pháp vậy.

Trên lộ trình tu tập, vị Đạo sư thông suốt đường hiểm và biết rõ căn tánh hành nghiệp của chúng sanh. Ngài đã tháo gỡ cho hành giả những gút mắc, nên khi tụng kinh hay quán tưởng Ngài, phiền não tự rơi rụng. Đến phẩm thứ 7 này, Ngài mới nói điều đó do Ngài bố trí, không phải hành giả tự nhiên được.

Đối với chúng nhân đang sống trong thế giới đầy khổ đau, cần hướng tâm về chỗ an lành tu tập, Phật đưa ra hai quả vị Niết bàn, một Niết bàn của A la hán an trụ. Tâm của các vị này được tự tại giải thoát, vào Định và chứng Niết bàn là nhờ nương lực của Phật. Niết bàn thứ hai là Niết bàn Tịnh Độ ở mười phương, bỏ cõi Ta Bà về cõi khác thánh thiện hơn. Đó là pháp dụ dẫn chúng ta tiến lên. Nhưng trở lại thực tế, pháp sau cùng Phật dạy hành giả tìm chỗ an trú trong khi xung quanh còn đầy bất trắc, thì chỉ là sự an lành giả tạm. Hành giả bỏ chạy tới đâu, phiền não nghiệp chướng theo tới đó, ví như cái đuôi của con trâu dính liền với con trâu.

Đến đây Phật phá bỏ hai Niết bàn trước. Điểm này không nên hiểu lầm là hai quả vị Niết bàn kia không có. Hóa thành rất cần thiết cho người sơ tâm như chúng ta còn đầy phiền não nhiễm ô. Nhưng đạt đến giai đoạn Bát Nhã, Phật mới phá bỏ Hóa thành, nghĩa là bỏ pháp tu phương tiện trước, cũng như qua bờ giải thoát, chứng được Niết bàn, thuyền phương tiện mới không cần nữa. Ý này ở phẩm “Thí Dụ” diễn tả chúng nhân chạy ra khỏi Nhà lửa, đến khoảng đất trống, mới lên đại bạch ngưu xa.

Suốt bốn mươi năm vì không đưa thẳng về thế giới Phật được, Phật mới dìu dắt chúng nhân vào nghỉ ngơi ở Niết bàn của Ngài. Sau một khoảng thời gian dài, mọi người hết mỏi mệt, chứng được quả vị rồi, Phật mới diệt Hóa thành, để họ tiếp tục hành trình đến Bảo sở.

Những người đi được ba trăm do tuần dụ cho chúng Thanh văn, Duyên giác đã đi hơn nửa đường, ra khỏi sanh tử luân hồi, có trí huệ. Khác hơn những người ở khởi điểm, các ngài không còn gặp hiểm trở bao nhiêu so với ba trăm do tuần đã qua. Từ chỗ nghỉ ngơi của Niết bàn Hóa thành, hay từ thế giới Không của A la hán, tuy hơn thế gian, hơn các bậc Tiên nhân; nhưng sự thật chưa bằng Đạo sư, nên Phật dẫn những đệ tử có tinh thần cầu tiến trở lại thế giới hiện tượng, tiếp tục đoạn đường hai trăm do tuần còn lại để hành Bồ tát đạo.

Hành Bồ tát đạo, phá trừ phần tồn đọng trong Ngũ ấm của chính hành giả, cũng như để giải quyết những tồn tại xung quanh. Hành giả không thể sống an lành, nếu cả thế giới này đều sụp đổ. Đối với Bồ tát, giáo hóa chúng sanh là trang nghiêm Phật quốc của mình vậy. Với hành trang tình thương và trí huệ, hành giả xây dựng mọi người, nâng họ lên Niết bàn thực sự. Được như vậy, Nhà lửa này vụt biến ra hóa thành, ở ngay trong tam giới mà kiến tạo Tịnh Độ an vui. Đó chính là chỗ trú ẩn hoàn hảo của hành giả.

Thí dụ Hóa thành áp dụng cho chúng đương cơ, không phải cho chúng ta. Trí huệ của các ngài đã đầy đủ, chỉ cần tu tạo thêm công hạnh của Bồ tát. Chỉ có lộ trình duy nhất dẫn về Phật đạo là con đường Bồ tát, không có con đường nào khác.

Đối với chúng ta chưa đắc quả A la hán, chưa ra khỏi sanh tử luân hồi, chỉ có một pháp tu đặc biệt của Pháp Hoa mà không phải trải qua ba trăm do tuần như các vị A la hán. Tuy còn đầy phiền não, nhưng chúng ta làm được việc như Bồ tát là nhờ nương sức hộ niệm của chư Phật và công đức của kinh Pháp Hoa; từ đó, chúng ta hành đạo một cách bình ổn, phiền não không xâm hại được.

Những vị A la hán, tâm điền của họ hoàn toàn thanh tịnh, gieo hạt giống Pháp Hoa dễ tốt hơn. Còn chúng ta không có phương tiện phá rừng thành đồng trống tức thời; nhưng chúng ta may mắn bắt được kinh Pháp Hoa sớm hơn, chỉ phá một khoảng đất nhỏ thôi, rồi đặt mầm Bồ đề xuống, lần lần Bồ đề lớn lên. Phiền não còn lại được coi như dư nghiệp để chúng ta nuôi chí vượt khó, thăng hoa.

Nếu căn lành và nhân duyên đã có từ thời Phật Đại Thông Trí Thắng, hạt giống đã gieo rồi, chỉ cần giữ gìn và phát tâm tu tinh tấn lên, chúng ta sẽ được thọ ký thành Phật. Đó chính là tâm ấn mà Đức Đạo sư muốn truyền trao cho tất cả mọi người, muốn cho tất cả mọi người thành Phật, bằng với Ngài, không khác.


66b95280279eec88f2c6c3d3d4af3e58

Hòa thượng Thích Trí Quảng (1938~)