Skip to content

Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Phẩm 26: Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự

妙法蓮華經

Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Phẩm 26:

Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự


Diệu Trang Nghiêm vương bổn sự nói về tiền thân của Hoa Đức Bồ tát, trong kiếp quá khứ ngài làm vua tên Diệu Trang Nghiêm. Phẩm “Diệu Trang Nghiêm” cụ thể hóa việc khó tin, khó hiểu, khó làm của các Bồ tát và thiện thần phát nguyện ủng hộ người trì kinh Pháp Hoa dưới dạng Đà la ni, bằng cách kể lại việc tu hành trong mẫu gia đình đặc biệt của Diệu Trang Nghiêm vương.

Tên vua Diệu Trang Nghiêm mang ý nghĩa ông đã khéo léo trang nghiêm giới đức một cách mầu nhiệm. Ông trải qua quá trình khéo tu đạo Bồ tát, nở hoa trên cuộc sống, nay mới kết thành quả Hoa Đức Bồ tát. Với thành quả đó, ông thấy được công hạnh của Bồ tát Diệu Âm và thể hiện đầy đủ ý nghĩa Diệu Pháp Liên Hoa.

Đức Phật kể lại bổn sự của vua Diệu Trang Nghiêm tu, ngầm khuyến khích chúng ta khéo tu Bồ tát đạo, lấy giới đức trang nghiêm thân tâm, thì tương lai, chúng ta cũng sẽ kết thành quả Hoa Đức Bồ tát như Diệu Trang Nghiêm. Ngược lại, chúng ta tu hành vụng dại, phủ lên thân tâm mình toàn tham sân phiền não; chắc chắn không đạt được công đức gì, còn thọ quả báo.

Mở đầu phẩm, Phật giới thiệu thế giới xa xưa tên Quang Minh Trang Nghiêm. Thế giới này không hoàn toàn thuần tịnh như thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm của Bồ tát Diệu Âm. Trong thế giới Quang Minh Trang Nghiêm có vua Diệu Trang Nghiêm tà kiến, nghĩa là một thế giới có đầy đủ tịnh và nhiễm. Nói cách khác, trong cuộc sống tu hành của chúng ta, trong tịnh có nhiễm, trong tốt có xấu.

Diệu Trang Nghiêm tiêu biểu cho khả năng con người. Ở thế giới thuần tịnh, chưa có việc gì tội lỗi; nhưng bắt đầu sống và tu bằng thân Tứ đại Ngũ ấm, vấn đề mới được đặt ra. Và điều nguy hiểm mà hành giả cần lưu tâm là càng giỏi, tà kiến càng dễ sanh ra, càng cách xa chơn tâm.

Từ bản thể thanh tịnh, bất giác sanh vọng động thì xuất hiện trên cuộc đời. Hành giả làm được nhiều việc, tạo được địa vị quan trọng,giống như từ Diệu Trang Nghiêm biến thành vua. Với khả năng, ông tạo nên sự nghiệp, mà sự nghiệp này vẫn nằm trong thế giới của Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí. Nói cách khác, tất cả những hiện tượng sinh hoạt của hành giả dù tốt xấu, phải trái vẫn luân chuyển diễn biến trong thế giới thanh tịnh của chư Phật, chúng sanh vẫn đau khổ trong thế giới giải thoát của chư Phật.

Vua Diệu Trang Nghiêm sanh tà kiến, sống trong tà kiến do việc làm hướng ngoại quá nhiều, mà không biết. Thật vậy, khởi điểm của vua từ thế giới thanh tịnh Quang Minh Trang Nghiêm xuất hiện lại cuộc đời làm vua, thiết lập triều đình, có đầy đủ kế hoạch. Ông sống với nó và ưa thích nó. Điểm này ví cho người tu đang sống giải thoát, nhưng hành đạo giáo hóa chúng sanh, lấy chúng sanh làm quyến thuộc và lấy tâm chúng sanh làm tâm mình, xem đó là phương tiện giáo hóa. Tuy nhiên, tâm chúng sanh là tâm phiền não, nên sau một thời gian giáo hóa, họ không xả bỏ được phương tiện này. Ngược lại, họ biến tâm chúng sanh thành tâm họ, là đã biến phương tiện thành cứu cánh.

Ở đây diễn tả việc sử dụng phương tiện và bị phương tiện lôi cuốn đi, biến phương tiện thành cứu cánh, bằng hình ảnh vua Diệu Trang Nghiêm ưa thích sống với Bà la môn, mất bản tâm rớt vào tà kiến. Khi vua rơi vào tà kiến, Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai vì ông vua này, hay vì muốn cải hóa tà kiến mà thuyết kinh Pháp Hoa. Tuy nhiên, Ngài không thuyết kinh Pháp Hoa bằng cách gọi trời người đến. Ngài thuyết dưới dạng ba thiện tri thức là Tịnh Đức, Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn.

Trong phẩm này, Phật cho biết người tu theo kinh Pháp Hoa sẽ được tất cả Bồ tát thủ hộ dưới dạng thiện tri thức gợi cho chúng ta suy nghĩ. Thiện tri thức là những người bạn giúp chúng ta có nhận thức tốt để tu hành. Ý này nhằm chuyển mạch từ Thần lực Đà la ni khó thấy, khó hiểu đổi sang thiện tri thức có thực trong cuộc sống thực tế.

Trên bước đường tu học, chúng ta phát triển tu hành được, chắc chắn nhờ nương với vị Thầy sáng suốt, đức hạnh và các bạn lành. Yếu tố này thực vô cùng quan trọng, vì không gặp minh sư bạn lành, chúng ta khó đắc đạo. Từ gia đình ra đến xã hội, những người tiến thân được đều nhờ thiện tri thức giúp đỡ. Thiện tri thức kiểu mẫu như Bồ tát Dược Vương, Dược Thượng, cho đến thiện tri thức là con, anh em, pháp lữ hỗ trợ việc tu hành cho chúng ta. Quan sát thực tế, có những gia đình cha mẹ không biết đạo, nhưng nhờ những người con có niềm tin, có đạo đức biết tu hành, khiến cha mẹ họ phát tâm tu theo.

Dưới nhãn quan của hành giả Pháp Hoa, người nào có nhân duyên căn lành chẳng những được Bồ tát mười phương gián tiếp hộ niệm, mà còn sanh lại trong gia đình họ để trợ hóa, giữ gìn tâm Bồ đề của họ không bị mất. Cốt lõi của các ngài là Bồ tát sanh lại nên thành tựu các việc nhân gian xuất sắc. Nhưng các ngài khác nhân gian ở điểm không bị danh lợi cám dỗ, không muốn bất cứ gì trên cuộc đời. Điển hình như vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông rất sùng mộ đạo Phật. Hoàn thành trách nhiệm của vị nguyên thủ quốc gia xong, các ngài an nhiên từ bỏ ngai vàng như bỏ chiếc giày rách, xem địa vị danh lợi như cỏ rác. Quan sát người ở điểm này để phân biệt, biết được họ là Bồ tát tái sanh hay là phàm phu sanh lại hưởng phước báo nhân thiên. Nếu là phàm phu, họ cố tận hưởng cho hết phước báo rồi lại bị đạp xuống. Trái lại, Bồ tát tái sanh, dấn thân vì lợi lạc cho mọi người, không vì lợi riêng mình. Thành tựu xong hạnh nguyện, các ngài từ bỏ nhẹ nhàng.

Theo bước chân của hành giả Pháp Hoa, từ gia đình cho đến xã hội, đến đâu cũng gặp người mở đường chỉ lối cho họ phát huy đạo đức và tri thức. Lắng lòng sẽ thấy các thiện tri thức trong kinh Pháp Hoa mà Phật dạy chẳng ai xa lạ hơn là cha mẹ, vợ con, anh em, thân bằng quyến thuộc, bạn lữ trợ giúp chúng ta tu hành đắc đạo.

Ở đây đưa ra mẫu gia đình vua Diệu Trang Nghiêm. Thiện tri thức đầu tiên là Tịnh Đức phu nhân, bà đã khai ngộ cho vua. Tư thế của bà khai ngộ thực đặc biệt. Trong kinh ghi bà đã chứng được Tam ma địa, hiểu được tạng bí yếu của Như Lai. Điều này chứng tỏ bà là Bồ tát lớn muốn trưởng dưỡng Bồ đề tâm của Diệu Trang Nghiêm, nên hiện thân lại đóng vai hoàng hậu và dùng ngay tư thế của vua để hoằng truyền Chánh pháp.

Bà Tịnh Đức mang danh hiệu như vậy vì đức hạnh toàn vẹn, thích cúng dường, thường tụng kinh cầu nguyện để chuyển tâm tà của vua Diệu Trang Nghiêm. Tịnh Đức tụng dưới dạng tâm, tạo được sự cảm thông với các Bồ tát và được các ngài thọ sanh lại làm quyến thuộc. Nguyện của bà tương ưng với hạnh chuyển tà thành chánh đạo của Bồ tát, nên được sự trợ lực của Bồ tát Dược Vương, Dược Thượng. Hai Bồ tát này sanh vào làm con dưới dạng thân là Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn, để hỗ trợ cho bà Tịnh Đức trong một Phật sự hết sức quan trọng. Vì vậy, hai người con có pháp Đà la ni, dù chưa được ai dạy và khai ngộ.

Biết vua ưa thích thần biến của Bà la môn và đợi đến đúng lúc, bà Tịnh Đức mới bảo hai con nên dùng thần biến cao hơn Bà La môn để chuyển đổi tâm tà của vua cha. Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn liền phô diễn thần lực bằng cách nhảy lên hư không cũng như trụ trên mặt đất. Họ chứng minh cho hàng trí thức ngoại đạo thấy sắc là Không, mà Không cũng khác sắc, tiêu biểu cho lực vô ngại tự tại đối với các pháp, hay Ta Bà và Cực Lạc cũng như nhau. Họ đứng trên chơn đế cũng như tục đế mà xiển dương giáo lý Trung đạo đệ nhất nghĩa.

Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn còn phô diễn thần lực làm cho trên thân họ ra nước, dưới thân ra lửa và ngược lại trên thân ra lửa, dưới thân ra nước. Nước và lửa đối với chúng ta hoàn toàn đối lập, không bao giờ gặp nhau; nhưng đối với Bồ tát, lửa và nước giao nhau. Cả hai đều cùng phát xuất trong thân Bồ tát và các ngài sử dụng nó hoàn toàn không chướng ngại. Đây cũng là một biểu hiện của Trung đạo đệ nhất nghĩa, tiêu biểu cho hành giả Pháp Hoa làm đạo ở thế tục, tâm vẫn an nhiên giải thoát.

Thần lực thứ ba của Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn là thoạt nhiên hiện thân lớn đầy trong hư không, rồi lại hiện nhỏ, nhỏ lại hiện lớn. Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn sử dụng được pháp lấy hư không làm thân, giống như Bồ tát Hư Không Tạng. Pháp này khó diễn tả bằng ngôn ngữ. Chúng ta có thể tạm hiểu bằng cách so với khoa học ngày nay chứng minh nhiều dải ngân hà đang hiện hữu, thoạt biến mất và trở về trạng thái nguyên tử, chúng ta không thấy được. Hoặc những dải ngân hà trước đó chưa có, nhưng nay lại hiện ra, khi các nguyên tử được kết hợp lại.

Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn thi thố tài năng chứng tỏ cho vua thấy sự hiểu biết và tài năng của họ vượt hơn tu sĩ Bà la môn, khiến vua Diệu Trang Nghiêm phát tâm tu Bồ tát đạo, sau trở thành Hoa Đức Bồ tát. Trước đó, Diệu Trang Nghiêm ưa thích và tin đạo Bà la môn, kết thân với giai cấp Bà la môn, rất ghét Sa môn. Vì Sa môn bấy giờ phần lớn tiêu cực, không chịu học, không ưng làm, chỉ giới hạn sinh hoạt của họ trong việc khất thực, ăn ngủ. Trong khi Bà la môn là giới trí thức của xã hội có khả năng nắm quần chúng, có sức hiểu biết giúp ích nhiều cho vua. Nói chung, các nhà cai trị đều thích quyền lực và trí khôn. Người nào hội đủ hai điều kiện này ủng hộ họ, tất nhiên đều được quý trọng. Sự kiện này ứng vào thời kỳ sau Phật diệt độ năm trăm năm. Lúc ấy đạo Bà la môn đang phát triển mạnh. Tất cả phương tiện thiện xảo của Bà la môn giúp vua Diệu Trang Nghiêm xây dựng đế chế của ông, chắc chắn ông phải nghe và ưa thích họ. Vì vậy, Phật không độ ông bằng lời giảng suông. Ngài thuyết kinh bằng phương tiện là Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn.

Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn tiêu biểu cho phước đức và trí huệ phát sanh từ Tịnh Đức phu nhân. Và cả ba, Tịnh Đức, Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn cũng từ bản chất tịnh mà lưu xuất. Có thể hiểu tà kiến hay phước đức trí huệ đều chung một điểm khởi nguồn từ thanh tịnh. Hay nói cách khác,điều động cả hai pháp tà và chánh tương ưng với nhau mới hiển bày được chân thật tướng của kinh Pháp Hoa.

Thần thông của Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn do phước đức và trí huệ kết thành, tất nhiên vượt xa thần thông của ngoại đạo tà kiến; vì nó vô cùng tận, do thực sự hiểu biết, vận dụng được quy luật, nên dễ dàng phá được thần thông của tà kiến chỉ là khôn vặt do tam độc tham sân si bày ra để chinh phục con người. Dù có tạo được thần thông này, họ cũng lại bị chính nó làm khổ.

Muốn thuyết kinh Pháp Hoa, Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí phải để cho Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn phô diễn thần lực bất tư nghì giải thoát. Thần lực của Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn không có nghĩa gì khác hơn là đạo đức ở mức độ siêu tuyệt mới chuyển hóa được tâm tà của vua.

Hình ảnh ba vị Đại Bồ tát là Tịnh Đức, Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn sanh lại trong cung làm quyến thuộc trợ hóa cho vua Diệu Trang Nghiêm tương đồng với sự kiện thái tử Sĩ Đạt Ta bỏ cung điện xuất gia thành Phật mới có khả năng chuyển hóa vua Tịnh Phạn và Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng các hoàng tử khác phát tâm tu.

Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí yên lặng, nhưng Pháp Hoa vẫn được thuyết dưới dạng Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn, Tịnh Đức. Ý này thể hiện sâu sắc tinh thần vô tác diệu lực của Phật, cải hóa tâm tà ác của bao nhiêu người mà Ngài vẫn không rời bản vị giải thoát. Pháp Hoa của Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí không phải là kinh Pháp Hoa chúng ta tụng hoài, mà không lợi ích cho ai. Pháp Hoa của Ngài hình thành bằng cuộc sống thực của ba vị Bồ tát Tịnh Đức, Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn thi thố tài năng, đức hạnh vượt hơn ngoại đạo và làm lợi ích cho cuộc đời, khiến vua và mọi người phải hướng tâm đến Phật đạo. Đó là bộ kinh Pháp Hoa nằm ngoài ngôn ngữ phàm phu của chúng ta.

Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn dưới kiến giải của Thiền, tiêu biểu cho hai khả năng siêu việt thấy và làm có đủ ở ngay trong con người hành giả, nếu biết vận dụng.

Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn thưa với mẹ xin xuất gia theo Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, vì Phật khó gặp được như hoa Linh Thoại, như rùa một mắt ở trong biển gặp khúc cây nổi chỉ có một lỗ để chui vô. Trong biển mênh mông ví cho sự hiện hữu của Đức Phật trên cuộc đời thực hiếm có. Trong kiếp trầm luân sanh tử vô cùng tận của chúng ta ở thế giới Ta Bà, gặp được Phật quả thực rất khó. Rùa ở biển nổi lên tiêu biểu trong tứ sanh lục đạo được làm người không phải dễ. Và khúc cây có một lỗ ví cho việc chúng ta vào được cửa Phật pháp, vượt qua biển khổ sanh tử lại càng khó hơn.

Chúng sanh trong sanh tử mà gặp nhân duyên để phát tâm tu, rất khó. Vì chúng ta sanh trên cuộc đời mang thân hữu hạn, cách chân lý, cách Phật pháp rất xa. Mọi sự thấy biết của chúng ta đều bị lệ thuộc trong Lục căn. Tùy màu sắc của cặp kính nghiệp mình mang mà thấy muôn vàn sai khác và thường dẫn đến chỗ mọi người tự coi hữu hạn của mình là nhất.

Tịnh Tạng tiêu biểu cho phước đức và Tịnh Nhãn tiêu biểu cho trí huệ. Có phước đức và trí huệ mới nhận chân được những gì vượt ra ngoài hữu hạn tầm thường, phát tâm tu và đắc đạo. Riêng tôi, vững bước trên đường tu hành nhờ xây dựng thế giới nội tâm kiên cố, nhận rõ được trạng thái chân thân và huyễn thân, trạng thái nghiệp và giải thoát. Nhờ đó, không để tâm chuyện áo cơm, quyền lợi hơn thua lặt vặt, ngũ dục không lôi cuốn được. Trong khi những người khác tuy muốn tu, nhưng ở trong chùa mà tâm cứ mãi ngóng trông, dõi mắt chạy theo thế giới bên ngoài, một lúc rồi cũng hoàn tục.

Theo tôi, phải say mê cuộc sống tu hành, bên trong tâm hành giả có một thế giới lý tưởng để an trú. Và từ thế giới thanh tịnh này, chúng ta bước chân vào cuộc đời. Nhìn đời qua trạng thái Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn, từng bước một thấy được sự vật bên ngoài một cách rõ ràng tỉnh táo, một cái thấy khác với người thường. Trong Đại Trí Độ luận có dẫn thí dụ một họa sĩ thấy cô gái đẹp khác với cái thấy của người tham dục hay Sa môn thấy. Sa môn hay người tu thấy qua Tịnh Tạng, không phải thấy bằng tác phẩm, hay say đắm. Có một nhãn quan khác và sống khác hơn tầm thường là hai điều kiện tiên quyết để phát tâm tu. Và sau đó tạo thành những huyền bí hay quyền năng của thế giới tâm linh.

Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn biểu diễn cho vua thấy đệ tử Phật phải đạt một cái gì mà người bình thường không làm nổi, vua mới chấp nhận và ông phát tâm tu, sanh chánh kiến. Tất cả quyền năng của Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn tạm ví như hiểu biết và việc làm của khoa học, dùng chất này biến sang chất khác. Công việc của khoa học gia so với việc làm bằng tay chân phải đạt năng suất cao hơn.

Gặp Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí và thiện tri thức Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn nhiều quyền năng, vua dễ dàng hạ quyết tâm tu, chánh tín xuất gia, từ bỏ những lạc thú thế gian say đắm. Vua Diệu Trang Nghiêm, Tịnh Đức, TịnhTạng, Tịnh Nhãn và cả quần thần đều là pháp khí, mới có thể thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Điều này thể hiện cho chúng ta thấy rõ những người thọ trì được và những người không thể thọ trì.

Người thọ trì kinh Pháp Hoa tuy có đầy đủ thú vui cuộc đời, nhưng nó không có khả năng hấp dẫn họ, khác với hạng người có đủ thú vui và luôn bị nó lôi cuốn, hay những người không có mà luôn thèm khát. Hai hạng người sau không bao giờ thọ trì được Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tuyệt đối không nên khuyên họ tu.

Vua được Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn khai ngộ và gặp Đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai. Gặp Phật có nghĩa là gặp một Đức Phật xuất hiện trên thế gian thực sự. Theo lịch sử chỉ có một Đức Phật Thích Ca hiện hữu chúng ta thấy biết được mà thôi. Ngoài nghĩa này, theo kiến giải của Thiền tông, gặp Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí mang ý nghĩa trải qua quá trình tu chứng, chúng ta thấy Phật hay thấy Như Lai tâm của chính mình, không phải thấy một Đức Phật bên ngoài.

Tuy nhiên, nếu không có người khai ngộ, không có kinh điển, chúng ta không thể Giác ngộ được. Nhờ Phật bên ngoài, hay nói khác, nhờ kinh điển, nhờ Thầy hiền bạn tốt là những yếu tố gợi cho hành giả phát tâm, là đối tượng cho hành giả quan sát tiến tu. Ngài Nhật Liên dùng thí dụ chim trong lồng nghe chim bên ngoài hót, biết được bên ngoài vạn hữu bao la. Cũng như có Phật thực bên ngoài đánh thức Phật tâm bên trong của chúng ta.

Hành giả tu theo lộ trình Pháp Hoa mỗi ngày tụng kinh, tâm tự sáng ra và tự phát huy, thành Phật. Chúng ta tưởng rằng tự mình làm được việc này, nhưng theo ngài Nhật Liên, thực sự ta tu được là nhờ nương với Phật bên ngoài, nương kinh điển, nương thiện tri thức mà phát huy Phật tâm của chúng ta.

Dưới kiến giải của hành giả Pháp Hoa, nếu có căn lành sẽ được Bồ tát lớn hay thiện tri thức đến trợ lực. Một đời hành giả phá một phần phiền não và cứ như vậy thẳng tiến lên Phật quả, không thể đi xuống. Điển hình như Diệu Trang Nghiêm sanh lại làm vua đầy đủ năm món dục lôi cuốn, thọ Ngũ ấm, liên hệ nhiều với cuộc sống hiện tại làm ông quên mất căn lành đời trước. Trong tư thế như vậy, ông dễ sanh tà kiến cao mạn, khó sửa, khó nghe theo ai. Tuy nhiên, dù khó phát tâm Bồ đề, nhưng nhờ trồng căn lành đời trước nên được Đại Bồ tát Dược Vương, Dược Thượng sanh làm con, làm thiện tri thức nhắc nhở, hướng dẫn ông về Phật đạo.

Vua nghe Đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai thuyết kinh Pháp Hoa, ông hết sức vui mừng, mở chuỗi trân châu vô giá cúng dường Phật và được Phật thọ ký. Ông mới xuất gia tiếp tục tu trong 84000 kiếp. Về điểm này, bản kinh Pháp Hoa đời Tần của ngài Cưu Ma La Thập dịch có sự khác biệt so với bản kinh Pháp Hoa Phạn ngữ Népal. Bản Pháp Hoa Népal ghi rằng vua nghe Phật thuyết pháp xong, phát tâm xuất gia tu trải qua 84000 kiếp mới cúng dường Phật và được Phật thọ ký.

Theo bản Pháp Hoa của Cưu Ma La Thập, vua cúng dường trước khi xuất gia, thì hợp lý hơn bản Pháp Hoa Népal. Vì bấy giờ ông còn làm vua nên còn đeo chuỗi trân châu. Nếu xuất gia rồi, làm Sa môn có chuỗi đâu mà cúng. Hơn nữa, bản Pháp Hoa Cưu Ma La Thập dựa trên tinh thần từ Tiểu thừa chuyển sang Đại thừa, cúng dường trước khi xuất gia để nhờ công đức này làm hạt nhân cho hành giả xuất gia.

Chuỗi trân châu của vua cúng dường Phật tự nhiên bay lên hư không, tiêu biểu cho lòng tôn kính của ông đối với Phật vô cùng tận. Đức Phật của ông thờ không phải chỉ là Đức Phật hữu hạn bằng xương thịt, mà là một Đức Phật ngồi trên tòa hư không, phẩm vật bay lên hư không vượt lên thực tế. Nói cách khác, lý tưởng của vua bay lên hiện thành đài bảy báu và có Đức Như Lai ngồi. Đây là tinh thần lý tưởng hóa thực tế của người tu Đại thừa.

Xâu chuỗi vô giá của vua tương ưng với thánh thiện của Phật, là hai lý tưởng. Nhưng hai lý tưởng này phù hợp thực tế, không phải là ảo tưởng vì ông làm vua nên xâu chuỗi ông cúng quả thực quý báu vô giá. Và ông cúng dường Phật, vì nhìn thấy rõ đôi mắt Ngài sáng, thấy vô kiến đảnh tướng của Thế Tôn phóng ánh sáng, tức thấy trí huệ và đức hạnh của Phật, ông mới phát khởi niềm tin.

Vua là người có đầy uy lực ở thế gian, có khả năng lãnh đạo quần chúng, tiêu biểu cho sự cùng tột của thế gian mới thấy được sự cùng tột của Phật là xuất thế gian. Dưới mắt người bình thường, ngôi vị đế vương cao quý và Phật chỉ là một Tỳ kheo tầm thường. Ngược lại, vua thấy Phật siêu tuyệt hơn ông, làm những việc ông không thực hiện nổi. Vua chỉ điều khiển được một nhóm người, cai quản trong phạm vi lãnh thổ của mình; còn những người khác hay lãnh thổ khác trở thành đối nghịch. Trái lại, Đức Phật từ bỏ tất cả, nhưng đức hạnh Ngài chan hòa thống nhiếp muôn người, luôn cả những người đối nghịch cuối cùng cũng phải quy thuận.

Chỉ có lý tưởng của vua Diệu Trang Nghiêm mới bắt gặp được lý tưởng của Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí. Thấy rõ được trí sáng suốt và tâm thành kính của ông, Phật mới thọ ký cho ông.

Bản Pháp Hoa của ngài Cưu Ma La Thập ghi Phật thọ ký cho vua Diệu Trang Nghiêm ngay khi ông vừa phát tâm. Điều này tương ứng với tinh thần sơ phát tâm thủy thành Chánh giác của kinh Hoa Nghiêm. Thọ ký trước để vua Diệu Trang Nghiêm lấy đó làm phương hướng thực hiện lý tưởng của ông, đó là một Đức Phật ở trên hư không bằng bảy báu. Khi vua xuất gia ông mang theo 84000 quyến thuộc tượng trưng cho 84000 phiền não trần lao. Và trải qua 84000 năm, ông khắc phục điều ngự được tất cả 84000 phiền não trần lao hoàn toàn thuần thục và đạt được Nhứt thiết tịnh công đức trang nghiêm Tam ma địa.

Công việc thuận phục tất cả phiền não không phải ông mới làm trong đời này. Vô số đời trước ông đã từng thuận phục nhiều người, nên sanh lại làm vua, mới có vô số quyến thuộc. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ những sự liên hệ hiện hữu ngày nay của chúng ta luôn có hai mặt là đối nghịch và thuận phục.

Sau khi hoàn toàn thanh tịnh, ngài mới bay lên hư không cao bảy cây Sa La. Trong kinh Tiểu thừa và Đại thừa thường dùng con số bảy mang ý nghĩa trụ trong Phật pháp tu, vượt qua tất cả những gì ràng buộc con người. Toàn bộ thế gian không còn chi phối được mới thực sự là người giải thoát, vượt sanh tử nói pháp không sanh tử cho chúng nhân nghe.

Khi đắc đạo có khả năng bay cao bảy cây Sa La, trụ trong hư không, nhìn lại quá trình tu hành của mình, ngài mới thấy trọn vẹn giáo lý Phật thực toàn bích và thốt lên lời ca ngợi Tam Bảo. Ngài ca ngợi Phật là đấng sáng suốt, đức hạnh, đã vẽ ra lộ trình của ngài tu thực tuyệt diệu, dứt trừ tất cả phiền não ra khỏi sanh tử. Ngoài ra, giáo pháp Phật không thể nghĩ bàn. Trí huệ sanh bao nhiêu, pháp theo đó tương ứng bấy nhiêu. Và Tăng đoàn hòa hợp, thanh tịnh là môi trường trong sạch hóa thân tâm ngài.

Dưới mắt ngài, Đức Phật quá cao cả và thánh thiện, sự sắp xếp của Phật quá tuyệt vời. Trong khi việc sắp xếp triều đình của ngài trước kia chỉ là tà kiến tội lỗi. Cảm nhận sâu sắc sự quý báu vô giá của Phật như vậy, ngài thốt lên những lời chân tình rằng từ nay con không dám làm theo trí của con nữa, không dám sanh lòng tà kiến mà phải nương theo Phật làm, phải có Phật chỉ đạo.

Ý nghĩa kinh Pháp Hoa được rút ra từ câu chuyện vua Diệu Trang Nghiêm nhằm nói lên Phật huệ mà mỗi hành giả Pháp Hoa đều phải dùng làm hành trang xây dựng cuộc sống lợi lạc cho mình và người. Chúng hội nghe lời tán dương chí thành của một người đầy quyền uy đối trước Phật như vậy, lòng họ tự thanh tịnh, xa trần lụy, rời cấu nhiễm.


66b95280279eec88f2c6c3d3d4af3e58

Hòa thượng Thích Trí Quảng (1938~)