Skip to content

Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Phẩm 24: Diệu Âm Bồ Tát

妙法蓮華經

Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Phẩm 24:

Diệu Âm Bồ Tát


Mở đầu phẩm, không có Bồ tát nào hỏi về lai lịch của Diệu Âm Bồ tát, chứng tỏ chưa ai biết mặt biết tên ngài, vì ngài chưa từng xuất hiện trên cuộc đời. Có thể nói Diệu Âm là nhịp cầu nối tiếp tư thế tự tại của Bồ tát Dược Vương ở bản thể, chuyển sang tư thế hiện hữu của Bồ tát Quan Âm ở Ta Bà. Nói cách khác, việc làm hết sức quan trọng của Phật Thích Ca chúng ta ít thấy, ít hiểu, vì Phật sống một cuộc đời rất bình dị, nhưng lực tác động của Ngài đối với loài người không thể nghĩ bàn. Từ sự quan trọng không thấy, không biết được, Phật nói phẩm Dược Vương xong, Ngài vào Định, phóng luồng ánh sáng từ bạch hào tướng và luồng ánh sáng màu vàng từ vô kiến đảnh tướng rọi thẳng về phương Đông.

Đến đây chúng ta nhớ lại khi khai hội Pháp Hoa, Phật chỉ phóng ánh sáng bạch hào tướng cho thấy tất cả loài chúng sanh đang sinh hoạt trong mười 8000 thế giới. Và ở hội Hoa Nghiêm, Phật cũng chỉ phóng một luồng ánh sáng vô kiến đảnh tướng. Nhưng lần này, Ngài chiếu một lượt hai luồng hào quang rọi thẳng về phương Đông, đến thân của Diệu Âm Bồ tát ở thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm, một quốc độ của Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai.

Hai luồng hào quang của Phật chiếu đến một người và không có các thế giới hiện ra, là điều chúng ta phải suy nghĩ. Để hiểu rõ ý nghĩa và công dụng của luồng hào quang này, chúng ta cần tìm hiểu ba tướng đặc biệt của Phật mà người thường không có.

  • Tướng cao quý thứ nhất là vô kiến đảnh tướng nằm ở đỉnh đầu Phật phóng hào quang màu vàng.
  • Tướng thứ hai là bạch hào tướng nằm ở giữa hai chân mày của Phật phóng ra tia hào quang màu trắng.
  • Tướng kiết tường hình chữ Vạn (卍) ở giữa ngực Phật luôn phóng ra hào quang màu hồng.

Chúng ta thiếu tướng kiết tường, nên việc làm thường bị chống trái và sống không an lành. Phật trang nghiêm bằng tướng kiết tường, nghĩa là tâm Từ của Ngài mở rộng. Ngài bước chân đến đâu, hung tàn bạo ngược cũng tự tiêu mất. Như Vô Não gặp Phật, phải buông dao; chẳng những bỏ ý định giết Phật, mà ông còn trở thành đệ tử thuần thành, hoặc voi say của A Xà Thế cũng quỳ dưới chân Phật.

Ánh sáng màu hồng từ trái tim Phật chiếu ra, làm cho người tiếp nhận tình thương vô bờ bến, không còn muốn đánh nhau. Sự thật lịch sử đã chứng minh khi Phật đến chiến trường, hai nước đang dàn binh chuẩn bị sát phạt nhau, đều buông vũ khí.

Tình thương của Phật lộ ra bên ngoài thành tướng hình chữ Vạn. Còn tình thương của chúng ta thật nhỏ bé, chỉ ở trong trái tim và bên ngoài bị nghiệp ác che kín. Tình thương của Phật chẳng những nằm trong tim, mà phổ biến tất cả muôn loài làm lắng đọng tâm ác, việc ác của người.

Tướng bạch hào ở giữa hai chân mày có lông trắng kéo ra dài một tầm, thả xuống hình xoắn ốc là trí tướng. Do công đức tu hành trải vô số kiếp, Phật thành tựu tướng trí huệ này. Ánh sáng của trí huệ chiếu thấu muôn sự muôn vật, nên Phật thấy đúng như thật. Ngài biết rõ chúng sanh nghĩ gì, có khả năng gì, nghiệp gì mà tạo thành con người đau khổ hay an vui trên thế gian. Vì vậy, khi nói kinh Pháp Hoa, Ngài sử dụng trí tướng hay sự hiểu biết rọi xuống tứ sanh lục đạo mười phương, chứng tỏ những gì Ngài nói là chân thật.

Vô kiến đảnh tướng ở đỉnh đầu là đức tướng hay tướng đại nhân. Phật được tôn xưng là bậc đại nhân vì Ngài cảm hóa người bằng đức hạnh, bằng tình thương bao la, bằng lòng kính trọng bình đẳng. Phật hiện hữu trên cuộc đời, thuyết pháp, giáo hóa chỉ vì chúng sanh, tất cả cho chúng sanh. Tấm lòng Phật bao dung muôn loài, có sức thu hút mọi loài đến với Ngài.

Từ khi mới phát tâm tu cho đến khi thành Vô thượng Chánh đẳng giác, người ta tôn trọng Phật trên hết; nhưng không bao giờ Phật tự xem Ngài là người bề trên. Từ vị trí cao nhất phải hạ mình thấp nhất mới trở thành cao nhất, hay ở chỗ thấp nhất mà tính chất cao quý không mất. Là một người giàu sang, quyền uy tột đỉnh, Phật hạ thấp mình, đi khất thực, sống hài hòa với tất cả giai cấp trong xã hội và được mọi người kính trọng quý mến.

Trên bước đường tu theo Phật, chúng ta từ tiểu nhân tiến lên trung nhân và thành đại nhân. Tiểu nhân chỉ biết mình và lo cho mình. Trung nhân vừa lo cho mình và lo cho người. Hàng đại nhân không bao giờ nghĩ đến mình, chỉ vì mọi người.

Đức tướng của Phật do sự cung kính cúng dường mà có, tương ưng với hạnh của Diệu Âm Bồ tát. Vì đồng hạnh nên Diệu Âm mới cảm ứng, tiếp nhận ánh quang này và muốn qua Ta Bà để lễ lạy cúng dường Đức Thích Ca. Điểm này cho thấy vấn đề đạo đức đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống tu hành, gợi nhắc chúng ta muốn điều động người, đừng bao giờ sử dụng khôn ngoan thủ đoạn, vì nó chỉ điều động được nhứt thời. Chỉ có đức hạnh mới cảm hóa được người muôn đời.

Để điều động Diệu Âm Bồ tát, Phật sử dụng cả trí tướng và đức tướng, phóng thẳng vào Diệu Âm. Nghĩa là với tài năng siêu việt, Phật hiểu rõ quá trình hành đạo và khả năng của Bồ tát Diệu Âm cũng như đức hạnh toàn thiện của Phật đã thúc đẩy Diệu Âm tự nhiên phải đến với Phật.

Diệu Âm Bồ tát được Đức Thích Ca Mâu Ni điều động, ngài biết phải qua thế giới Ta Bà. Trước khi đi, ngài xin phép Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí. Điều này tiêu biểu cho hạnh kính tín cúng dường của Bồ tát đối với Phật và cũng nhằm gợi cho hành giả pháp tu kính tín. Diệu Âm Bồ tát chứng được các Tam ma địa với Báo thân trang nghiêm; nhưng đến Ta Bà, ngài dùng thần thông để hiện ra Ứng thân tầm thường, hỏi thăm Đức Thích Ca bằng những câu hết sức đơn giản như “Thế Tôn có ít bệnh, ít khổ, an vui chăng, việc đời nhẫn được chăng, chúng sanh dễ độ chăng,…”. Đến đây chúng ta cảm nhận được Bồ tát dù tạo vô số công đức ở khắp mười phương, trở về với Phật cũng trở thành bé bỏng dưới bóng mát từ bi trí huệ của Ngài.

Vì lòng từ bao la đối với chúng sanh đời sau mà Diệu Âm hỏi Phật, nhằm nhắc nhở hành giả Pháp Hoa trên bước đường hành Bồ tát đạo ở Ta Bà, dù là Bồ tát thị hiện cũng phải chấp nhận mọi hiểm nguy ác độc do loài người bủa vây. Tuy nhiên, dưới áo giáp nhẫn lực và an trú trong nhà Như Lai, không một lằn tên mũi đạn nào có thể xuyên thủng được hạnh nguyện kiên cố của các ngài.

Đây chỉ là một cảm nhận của tôi về câu hỏi thăm của Bồ tát đối với Phật. Chắc chắn câu hỏi không thể hiểu giản dị như vậy. Và câu chuyện giữa Phật với Bồ tát vượt ngoài sự diễn tả bằng ngôn ngữ phàm phu. Ngày nào chúng ta chưa đắc đạo thì Phật ngữ còn ở ngoài tầm tri thức của chúng ta.

Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai dặn Diệu Âm Bồ tát đến Ta Bà không nên xem thường những gì hiện hữu ở Ta Bà. Từ ý này, hành giả rút ra được ý nghĩa trên bước đường tu hành, tuy thành tựu được nhiều việc, tạo được nhiều công đức, nhưng đối với tất cả mọi người, ta phải luôn kính trọng dù họ ở giai cấp nào.

Phẩm “Thường Bất Khinh” cũng nhắc nhở hành giả không được xem thường người, nếu không sẽ thọ quả báo không lường. Các Bồ tát luôn luôn cân nhắc, không cho khởi tâm này; vì đối với các ngài, công đức tu hành tích tụ quá lớn, cần tinh tấn giữ gìn từng niệm không cho phát khởi, sợ phá hư thiện căn công đức của mình. Ví như người mặc áo trắng dính một đốm dơ nhỏ cũng dễ thấy. Chúng sanh mặc áo đen, nên chẳng còn biết dơ sạch xấu ác nào.

Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai nhắc nhở Bồ tát Diệu Âm chính là nhắc nhở chúng ta, hay nói cách khác, chúng ta lấy điều Phật dạy Bồ tát mà tự răn sửa mình.

Bồ tát Diệu Âm khởi ý niệm qua Ta Bà làm Phật sự thì tại Ta Bà liền có 84000 hoa sen báu mà cọng làm bằng vàng, cánh sen bằng bạc, nhụy bằng kim cang, đài bằng chân thúc ca bảo. Tám mươi bốn ngàn sen báu hiện ra tiêu biểu cho 84000 phiền não trần lao của chúng sanh ở Ta Bà. Hiện tượng hoa sen nổi lên trong Pháp hội gợi cho đại chúng thắc mắc. Bồ tát Văn Thù đại diện hỏi Phật làm sao thấy được Bồ tát Diệu Âm.

Phật cho biết phải nhờ Phật Đa Bảo gọi Diệu Âm đến. Đức Phật Đa Bảo, hiểu theo nghĩa pháp tu tiêu biểu cho mẫu người có khả năng tập hợp các báu vật gồm bảy báu thế gian, cho đến ba báu xuất thế gian, hay vô số báu. Làm được như vậy, mới hiển bày được lực vô hình, liên hệ được với Bồ tát Diệu Âm siêu hình.

Bồ tát Diệu Âm ngồi hoa sen, chúng ta không thấy được, phải nhờ Phật Đa Bảo. Điều này mang ý nghĩa, trên bước đường tu, chúng ta phát huy ba báu xuất thế gian là trí huệ, chân lý và sức hòa hợp, dần dần tạo thành cảnh giới bảy báu chung quanh ta và phát triển lần lên vô số báu. Cho đến khi tích lũy đầy đủ công đức, thành tựu hạnh Bồ tát, trở thành Đa Bảo Như Lai, mới đủ điều kiện hiểu rõ Bồ tát Diệu Âm và giao tiếp được với ngài.

Chúng ta biết Bồ tát Diệu Âm qua sự thể nghiệm thực chứng của chính ta, hay đó là pháp tu phải tất yếu như vậy, không phải biết qua con người vật chất có thực ngồi sờ sờ trước mặt. Tu hành đắc đạo, chúng ta cũng là Bồ tát ngự trên hoa sen như Diệu Âm, thì dễ dàng cảm nhận tâm trạng của ngài, thấy ngài và nghe được âm thanh của ngài ở mức độ mà trí thông thường không thể nắm bắt.

Bồ tát Diệu Âm vào Định, hiện Nhứt thiết sắc thân Tam ma địa, thân còn ở thế giới của Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, nhưng đã giáo hóa chúng sanh và tác dụng cho các Bồ tát ở Ta Bà. Trong kinh ghi nhận Bồ tát Diệu Âm có mười sáu Tam ma địa tiêu biểu cho vô số Tam ma địa khác. Nếu có một pháp nào mà ngoại đạo đắc được, ngài liền có Tam ma địa tương ưng để phá trừ. Mười sáu Tam ma địa thu hẹp lại còn một Tam ma địa là Pháp Hoa Tam ma địa, thông được Pháp giới và chúng sanh giới. Tất cả Tam ma địa khác đều từ đây lưu xuất.

Với Hiện nhứt thiết sắc thân Tam ma địa, Diệu Âm hiện ra theo sở cầu của chúng sanh để họ phát tâm Bồ đề, không phải để tác hại người hay đi vào con đường tội lỗi. Vì vậy, khi chúng ta gặp nghịch duyên phát khởi được tâm Bồ đề, phải biết đó là ứng hiện của Diệu Âm Bồ tát. Thật vậy, có những phiền não mà nghiệp thức chúng ta không bằng lòng, nhưng tâm nguyện của con người thứ hai ở trong ta, hoàn toàn ưng ý. Bằng tâm thanh tịnh cảm nhận được như vậy, những điều bất như ý được đổi lại và phiền não biến thành Bồ đề. Diệu Âm Bồ tát chỉ hoạt động dưới dạng chơn tâm này. Thoáng một phút giây thanh tịnh, Lục căn không duyên với Lục trần, hành giả nhận được sự giáo hóa của Bồ tát Diệu Âm dưới dạng Hiện nhứt thiết sắc thân. Bất giác vô minh nổi lên biết được sự tương ưng này, hành giả liền rơi về thân phận đau khổ của con người. Từ đó, nếu hành giả chỉ cầu nguyện trên căn bản nghiệp lực thì không sở cầu nào thành tựu; nhưng với dạng con người tâm linh cầu nguyện, sẽ thấy được Bồ tát Diệu Âm. Cũng như người phàm phu không thể nào thấy tháp Đa Bảo, nhưng tháp vẫn hiện hữu lộng lẫy chói sáng đối với con người thực sự phát tâm Bồ đề.

Ngoài ra, Diệu Âm Bồ tát còn sử dụng Tú vương hý Tam ma địa. Tam ma địa này cũng từ Pháp hoa Tam ma địa biến ra. Khi đắc Pháp hoa Tam ma địa, thông được cả Pháp giới, mọi thứ sẽ hiện ra theo sự khởi niệm, có thể hiện ra thế giới vi trần hay vô số thế giới. Tâm khởi rộng bao nhiêu, thế giới chúng sanh hiện ra bấy nhiêu. Các ngài mở ra và thâu vào trong tư thế tự tại.

Bồ tát Diệu Âm còn ẩn thân ở thế giới Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, nhưng ở núi Kỳ Xà Quật đã hiện lên 84000 hoa sen báu, gợi cho chúng ta cảm nhận chư Phật đồng một lúc có thể hiện thân khắp mười phương hành đạo. Nương vào đây, chúng ta hiểu được người trì kinh Pháp Hoa đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác vì thương chúng sanh, thọ thân lại. Họ vẫn chịu sự chi phối ràng buộc của Ngũ ấm thân và định luật thời gian, không gian. Tuy nhiên, họ vẫn nhận được sự tương ưng với chư Phật và Bồ tát.

Tóm lại, tất cả những kiến giải nói trên chỉ nhằm gợi ý giúp hành giả cảm nhận về Tam ma địa. Tam ma địa là chánh định thuộc về chân tâm, vượt ngoài khả năng kiến giải bằng vọng thức, bằng ngôn ngữ loài người.

Bồ tát Diệu Âm trang nghiêm đầy đủ các Tam ma địa gợi cho hành giả Pháp Hoa muốn hành đạo Bồ tát ở Ta Bà, điều kiện tiên quyết phải có Tam ma địa. Nói theo ngày nay, phải hội đủ tài năng và đạo đức vượt trội hơn người.

Sau khi hỏi thăm Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo, Bồ tát Diệu Âm thưa với Đức Thích Ca rằng ngài muốn ra mắt và đảnh lễ tháp Đa Bảo. Đây là pháp bất cộng của Phật. Thí dụ chúng ta đang hành Bồ tát đạo, đang chịu sự điều động của chư Phật, mà không biết sự điều động này. Khi nào Phật muốn cho ta biết và hiểu điều gì, chúng ta chỉ biết và hiểu điều đó. Phật sử dụng thần lực thông cả thập giới và trấn át được thập giới. Từ Bồ tát trở xuống bị pháp bất cộng của Phật chi phối.

Cảnh giới Phật và cảnh giới chúng ta không khác, chỉ khác nhau trên tâm lượng và công đức tu hành. Tháp Đa Bảo đã trở về bổn độ, nhưng Phật cần cho Bồ tát Diệu Âm diện kiến thì tháp vẫn hiện hữu trước mắt Diệu Âm. Cũng vậy, khi hạnh nguyện của hành giả tương ưng với Phật, sẽ thấy Ngài trong sát na. Bồ tát không cách ấm thông được với Phật Đa Bảo, thông được với Bồ tát Diệu Âm hay chư Phật và Bồ tát mười phương.

Riêng chúng ta, tuy chưa thông với các Ngài, vẫn cảm nhận được sự trợ lực của các Ngài nhiều hay ít tùy tâm nguyện, hạnh nguyện. Điều này có thể khẳng định như vậy vì nếu không, chúng ta không thể tồn tại bình ổn và trì kinh Pháp Hoa trong đời ngũ trược ác thế.

Cảnh giới chư Phật trang nghiêm tốt đẹp vì thông được hữu hình và vô hình, còn thế giới hành đạo của Bồ tát thì muôn sai vạn biệt. Từ trên Phật quả thu hẹp xuống chúng sanh giới, đối tượng của Diệu Âm Bồ tát là loài hữu tình và việc làm của ngài tiêu biểu trong kinh Pháp Hoa là kính tín cúng dường.

Trong thời quá khứ, Diệu Âm Bồ tát đã từng dùng mười muôn thứ kỹ nhạc cúng dường Vân Lôi Âm Vương Như Lai. Bồ tát Diệu Âm trỗi nhạc trong mười hai kiếp cúng dường Phật nhằm chỉ cho Thập nhị xứ. Hay đó là những gì Phật Vân Lôi Âm Vương đã dạy cho Diệu Âm Bồ tát sử dụng Lục căn Lục trần như thế nào để chuyển được mười hai xứ, phổ thành nhạc cúng dường chư Phật. Trong khi chúng sanh cũng dùng Lục căn Lục trần mà tạo thành vô số tội lỗi.

Tất cả Phật ngữ được Diệu Âm biến thành nhạc giáo hóa chúng sanh, gợi cho người nghe phát tâm và nương theo âm thanh kỳ diệu này, họ được giải thoát. Hay nói đúng hơn, ngài ca ngợi Phật đức, đưa vào lòng người, làm hạt nhân nuôi dưỡng Bồ đề tâm của họ.

Đức Phật Thích Ca muốn điều động âm thanh kỳ diệu của Bồ tát Diệu Âm đến thế giới Ta Bà. Điều này cũng nhằm chỉ rằng chính Phật Thích Ca là người sử dụng được ngôn ngữ và âm thanh kỳ diệu. Thật vậy, Phật có ngôn ngữ mà các loài nghe đều ưa thích, kinh thường diễn tả là tiếng Phạm âm thâm diệu.

Ngoài ra, Bồ tát Diệu Âm còn cúng dường Đức Vân Lôi Âm Vương 84000 tháp báu. Con số 84000 đối với loài hữu tình rất quan trọng. Trong các kinh thường nói Phật có 84000 Pháp môn tu đối trị 84000 phiền não trần lao của chúng sanh. Tám mươi bốn ngàn đối với chúng sanh là chướng ngại, nên biến thành 84000 phiền não trần lao; nhưng đối với Bồ tát là công đức, nên trở thành phương tiện. Như vậy cùng một vật, đối với người trí thì trở thành hữu dụng, nhưng là chướng ngại cho kẻ thấp kém.

Con số 84000 tiêu biểu cho tất cả cửa ngõ, hay phương thức hành đạo của Bồ tát Diệu Âm được diễn tả bằng bát báu. Tám mươi bốn ngàn phiền não trần lao đã biến thành 84000 công đức được ngài Diệu Âm dâng cúng chư Phật. Thành tựu pháp cúng dường, Diệu Âm Bồ tát đã chứng được Đà la ni. Riêng chúng ta còn mang thân Ngũ ấm, việc cúng dường chư Phật cũng chỉ nằm trong phần giới hạn của con người đầy nghiệp lực.

Tám mươi bốn ngàn bát báu và âm thanh kỳ diệu thể hiện công đức tu hành của Bồ tát Diệu Âm dâng lên cúng dường, kết thành Pháp thân ngài. Và từ Pháp thân Bồ tát này phổ xuất thành ba mươi bốn ứng hiện thân; cho nên ta ở hoàn cảnh nào, ngài cũng đến với ta được.

Ngài hiện ra các loại hình, nghĩa là tất cả thành phần đều hướng tâm về Bồ tát Diệu Âm, đều thanh tịnh. Chính họ là Diệu Âm Bồ tát dưới các loại hình. Nhờ vậy, thần thông lực và trí lực của Bồ tát Diệu Âm không giảm. Ngài qua Ta Bà làm tất cả Phật sự xong, vẫn bước lên đài báu trở về quốc độ, không bị tổn hại, không mất phần ở thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm, mới thực sự tiêu biểu cho Bồ tát Nhất thừa.

Tuy nhiên, thị hiện ba mươi bốn Ứng thân của Bồ tát Diệu Âm và Bồ tát Quan Âm, mới nghe qua giống nhau, nhưng thực ra không đồng. Bồ tát Diệu Âm không phải là Bồ tát dạo chơi ở Ta Bà như Quan Âm Bồ tát. Dù Diệu Âm tác động vào chúng sanh Ta Bà, sự tác động của ngài là tác động dưới dạng thể tánh.

Bồ tát Diệu Âm ở thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm đến Ta Bà, tiêu biểu cho thể tác động qua dụng và cũng tiêu biểu cho việc làm quá khứ đánh thức hiện tại. Trong kinh diễn tả bằng hình ảnh Diệu Âm thân cận cúng dường Đức Phật quá khứ Vân Lôi Âm Vương Như Lai, mà hiện tại đạt được Hiện nhứt thiết sắc thân.

Nhờ có Bồ tát Diệu Âm đánh thức “Thức”, hành giả phát tâm Bồ đề. Tuy nhiên, Diệu Âm chỉ hiện lên trong lòng hành giả, rồi ngài cũng biến mất trong lòng người. Kinh diễn tả Diệu Âm Bồ tát qua Ta Bà liền trở về thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm ngay. Vì vậy, nhịp cầu tiếp nối công việc của Diệu Âm Bồ tát đánh thức con người bên trong hành giả là Bồ tát Quan Âm. Ngài thường xuyên hiện hữu bên cạnh chúng ta, trợ giúp chúng ta vượt qua mọi chướng ngại một cách an lành trên bước đường hành đạo.


66b95280279eec88f2c6c3d3d4af3e58

Hòa thượng Thích Trí Quảng (1938~)