Kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm 20: Thường Bất Khinh Bồ Tát
妙法蓮華經
- Published: 05 Nov 2021 16:02:05
- Modified: 31 Jul 2022 13:58:23
- Categories: Kinh Pháp Hoa, Nội dung kinh Pháp Hoa
- Tags: Cưu Ma La Thập, Thích Trí Tịnh
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh – Tập 9 – Số 262 (Pháp Hoa Bộ)
Saddharma Pundarika Sutra – 妙法蓮華經 – Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
Nước Trung Hoa – triều Hậu Tần (384~417) thời kỳ Ngũ Hồ Thập Lục Quốc
Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập (344~413) Hán dịch từ Phạn văn năm 406
Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917~2014) Việt dịch từ Hán văn
Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản năm 1988
daithua.com biên tập năm 2018
Phẩm 20:
THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT
Lúc bấy giờ, Phật bảo Ngài Đại Bồ tát Đắc Đại Thế rằng:
- Ông nay nên biết! Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu ba tắc, Ưu bà di nào thọ trì kinh Pháp Hoa này được công đức như trước đã nói, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cùng ý thanh tịnh, như có người nói thô ác mắng nhiếc chê bai, mắc tội báo lớn cũng như trước đã nói.
- Đắc Đại Thế! Về thuở xưa quá vô lượng vô biên bất khả tư nghì, vô số kiếp, có Phật hiệu là Oai Âm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
- Kiếp đó tên là Ly Suy, nước đó tên là Đại Thành. Đức Oai Âm Vương Phật trong đời đó vì hàng trời, người, A tu la mà nói pháp, vì người cầu Thanh văn mà nói pháp Tứ đế, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, rốt ráo Niết bàn; vì người cầu Bích chi Phật mà nói pháp Thập nhị nhân duyên; vì các Bồ tát nhân Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà nói Lục độ Ba la mật, rốt ráo trí huệ của Phật.
- Đắc Đại Thế! Đức Oai Âm Vương Phật đó sống lâu bốn mươi vạn ức na do tha hằng ha sa kiếp; Chánh pháp trụ ở đời kiếp số như vi trần trong một Diêm Phù Đề; tượng pháp trụ ở đời kiếp số như số vi trần trong bốn châu thiên hạ.
- Đức Phật đó lợi ích chúng sanh, vậy sau mới diệt độ. sau khi Chánh pháp tượng pháp diệt hết, trong cõi nước đó lại có Phật ra đời, cũng hiệu là Oai Âm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, cứ thứ lớp như thế có hai muôn ức Đức Phật đều đồng một hiệu.
- Đức Oai Âm Vương Như Lai, đầu hết diệt độ rồi, sau lúc Chánh pháp đã diệt trong đời tượng pháp những Tỳ kheo tăng thượng mạn có thế lực lớn.
- Bấy giờ, có vị Bồ tát Tỳ kheo tên là Thường Bất Khinh.
- Đắc Đại Thế! Vì cớ gì tên là Thường Bất Khinh? Vì vị Tỳ kheo đó phàm khi ngó thấy hoặc Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, hoặc Ưu ba tắc, Ưu bà di, thảy đều lễ lạy khen ngợi mà nói rằng:
- Tôi rất kính quí Ngài chẳng dám khinh mạn.
- Vì sao? Vì quý Ngài đều tu hành đạo Bồ tát sẽ được làm Phật.
- Mà vị Tỳ kheo đó chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ đi lễ lạy, nhẫn đến xa thấy hàng tứ chúng, cũng cố qua lễ lạy khen ngợi mà nói rằng:
- Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ làm Phật.
- Trong hàng tứ chúng có người lòng bất tịnh sanh giận hờn, buông lời ác mắng nhiếc rằng:
- Ông vô trí Tỳ kheo này từ đâu đến đây tự nói ta chẳng khinh Ngài, mà thọ ký cho chúng ta sẽ được làm Phật, chúng ta chẳng dùng lời thọ ký hư dối như thế.
- Trải qua nhiều năm như vậy, thường bị mắng nhiếc chẳng sanh lòng giận hờn, thường nói:
- Ngài sẽ làm Phật.
- Lúc nói lời đó, chúng nhân hoặc lấy gậy cây ngói đá để đánh ném. Ông liền chạy tránh đứng xa mà vẫn to tiếng xướng rằng:
- Ta chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật.
- Bởi ông thường nói lời đó, nên hàng tăng thượng mạn Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di gọi ông là Thường Bất Khinh.
- Vị Tỳ kheo đó lúc sắp chết, nơi giữa hư không nghe trọn hai mươi nghìn muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa của Đức Oai Âm Vương Phật đã nói thuở trước, nghe xong đều có thể thọ trì, liền được Nhãn căn thanh tịnh, nhĩ, tỹ, thiệt, thân cùng Ý căn thanh tịnh như trên. Được Lục căn thanh tịnh đó rồi lại sống thêm hai trăm muôn ức na do tha tuổi, rộng vì người nói kinh Pháp Hoa đó.
- Lúc đó hàng tăng thượng mạn Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di khinh tiện vị đó đặt cho tên Bất Khinh nay, thấy vị đó được sức thần thông lớn, đức nhạo thuyết biện, sức đại thiện tịch nghe vị đó nói pháp đều tin phục tùy tùng.
- Vị Bồ tát đó giáo hoá nghìn muôn chúng khiến trụ trong Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi mạng chung được hai nghìn ức Phật đều hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh ở trong Pháp hội đó nói kinh Pháp Hoa này.
- Do nhân duyên đó lại gặp hai nghìn ức Phật đồng hiệu là Vân Tự Tại Đăng Vương, ở trong Pháp hội của các Đức Phật đó thọ trì, đọc tụng, vì hàng tứ chúng nói kinh điển này, cho nên được mắt thanh tịnh thường trên đó, tai mũi lưỡi thân cùng ý các căn thanh tịnh, ở bốn chúng nói pháp lòng không sợ sệt.
- Đắc Đại Thế! Vị Thường Bất Khinh Đại Bồ tát đó cúng dường, bao nhiêu Đức Phật như thế, cung kính tôn trọng ngợi khen, trồng các gốc lành. Lúc sau lại gặp nghìn muôn ức Phật cũng ở trong Pháp hội các Đức Phật nói kinh điển này, công đức thành tựu sẽ được làm Phật.
- Đắc Đại Thế! Ý ông nghĩ sao? Thường Bất Khinh Bồ tát thuở đó đâu phải người nào lạ, chính thân ta đó. Nếu ta ở đời trước chẳng thọ trì đọc tụng kinh này, vì người khác giải nói đó, thời chẳng có thể mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
- Do ta ở chổ các Đức Phật thuở trước thọ trì đọc tụng kinh này vì người khác nói, nên mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
- Đắc Đại Thế! Thuở đó bốn chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu ba tắc, Ưu bà di, do lòng giận hờn khinh tiện ta, nên trong hai trăm ức kiếp thường chẳng gặp Phật, chẳng nghe pháp, chẳng thấy Tăng, nghìn kiếp ở địa ngục A Tỳ chịu khổ não lớn. Hết tội đó rồi lại gặp Thường Bất Khinh Bồ tát giáo hoá đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
- Đắc Đại Thế! Ý ông nghĩ sao? Bốn chúng thường khinh vị Bồ tát thuở đó đâu phải người nào lạ chính là nay trong hội này bọn ông Bạt Bà Bà La năm trăm vị Bồ tát, bọn ông Sư Tử Nguyệt năm trăm vị Tỳ kheo, bọn ông Ni Tư Phật năm trăm Ưu bà tắc, đều bất thối chuyển ở nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
- Đắc Đại Thế! Phải biết kinh Pháp Hoa này rất có lợi ích cho các vị Đại Bồ tát, có thể làm cho đến nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên các vị Đại Bồ tát sau khi Phật diệt độ phải thường thọ trì đọc tụng, giải nói, biên chép kinh này.
Khi đó, Đức Phật muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Thuở quá khứ có Phật
Hiệu là Oai Âm Vương
Sức trí thần vô lượng
Dìu dắt tất cả chúng
Hàng, trời, người, rồng, thần
Đều chung nhau cúng dường.
Sau khi Phật diệt độ
Lúc pháp muốn dứt hết
Có một vị Bồ tát
Tên là Thường Bất Khinh
Bấy giờ hàng tứ chúng
Chấp mê nơi các pháp
Thường Bất Khinh Bồ tát
Qua đến chỗ của họ
Mà nói với đó rằng:
Ta chẳng dám khinh Ngài
Quý Ngài tu đạo nghiệp
Đều được làm Phật
Những người đó nghe rồi
Khinh chê thêm mắng nhiếc
Thường Bất Khinh Bồ tát
Đều hay nhẫn thọ đó.
Tội Bồ tát hết rồi
Đến lúc gần mạng chung
Được nghe kinh pháp này
Sáu căn đều thanh tịnh
Vì sức thần thông vậy
Sống lâu thêm nhiều tuổi
Lại vì các hạng người
Rộng nói kinh pháp này.
Các chúng chấp nói pháp
Đều nhờ Bồ tát đó
Giáo hóa được thành tựu
Khiến trụ nơi Phật đạo.
Thường Bất Khinh mạng chung
Gặp vô số Đức Phật
Vì nói kinh này vậy
Được vô lượng phước đức
Lần lần đủ công đức
Mau chứng thành Phật đạo.
Thuở đó Thường Bất Khinh
Thời chính là thân ta
Bốn bộ chúng khi ấy
Những người chấp nơi pháp
Nghe Thường Bất Khinh nói:
Ngài sẽ được làm Phật
Do nhờ nhân duyên đó
Mà gặp vô số Phật,
Chính trong Pháp hội này
Năm trăm chúng Bồ tát
Và cùng bốn bộ chúng
Thanh tín nam nữ thảy
Nay ở nơi trước ta
Nghe nói kinh Pháp Hoa đó.
Ta ở trong đời trước
Khuyên những hạng người đó
Nghe thọ kinh Pháp Hoa
Là pháp bực thứ nhất
Mở bày dạy cho người
Khiến trụ nơi Niết bàn
Đời đời thọ trì luôn
Những kinh điển như thế.
Trải ức ức muôn kiếp
Cho đến bất khả nghì
Lâu lắm mới nghe được
Kinh Diệu Pháp Hoa này.
Trải ức ức muôn kiếp
Cho đến bất khả nghì
Các Đức Phật Thế Tôn
Lâu mới nói kinh này
Cho nên người tu hành
Sau khi Phật diệt độ
Nghe kinh pháp như thế
Chớ sanh lòng nghi hoặc.
Nên phải chuyên một lòng
Rộng nói kinh điển này
Đời đời gặp được Phật
Mau chứng thành Phật đạo.
NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT MA HA TÁT
- Nội dung kinh Diệu Pháp Liên Hoa
- Dẫn nhập nội dung
- Thay lời tựa
- 01. Tựa
- 02. Phương Tiện
- 03. Thí Dụ
- 04. Tín Giải
- 05. Dược Thảo Dụ
- 06. Thọ Ký
- 07. Hóa Thành Dụ
- 08. Ngũ Bách Đệ Tử Thọ Ký
- 09. Thọ Học Vô Học Nhơn Ký
- 10. Pháp Sư
- 11. Hiện Bửu Tháp
- 12. Đề Bà Đạt Đa
- 13. Trì
- 14. An Lạc Hạnh
- 15. Tùng Địa Dũng Xuất
- 16. Như Lai Thọ Lượng
- 17. Phân Biệt Công Đức
- 18. Tùy Hỷ Công Đức
- 19. Pháp Sư Công Đức
- 20. Thường Bất Khinh Bồ Tát
- 21. Như Lai Thần Lực
- 22. Đà La Ni
- 23. Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- 24. Diệu Âm Bồ Tát
- 25. Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- 26. Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- 27. Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
- 28. Chúc Lụy
- Lược giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa
- Dẫn nhập lược giải
- Lược giải phẩm 01
- Lược giải phẩm 02
- Lược giải phẩm 03
- Lược giải phẩm 04
- Lược giải phẩm 05
- Lược giải phẩm 06
- Lược giải phẩm 07
- Lược giải phẩm 08
- Lược giải phẩm 09
- Lược giải phẩm 10
- Lược giải phẩm 11
- Lược giải phẩm 12
- Lược giải phẩm 13
- Lược giải phẩm 14
- Lược giải phẩm 15
- Lược giải phẩm 16
- Lược giải phẩm 17
- Lược giải phẩm 18
- Lược giải phẩm 19
- Lược giải phẩm 20
- Lược giải phẩm 21
- Lược giải phẩm 22
- Lược giải phẩm 23
- Lược giải phẩm 24
- Lược giải phẩm 25
- Lược giải phẩm 26
- Lược giải phẩm 27
- Lược giải phẩm 28