Skip to content

Lược giải kinh Duy Ma Cật – Chương 7: Quán Chúng Sanh

維摩詰所說經

Lược giải kinh Duy Ma Cật

Chương 7:

Quán Chúng Sanh


Sau khi Văn Thù và chúng hội xem Duy Ma phô diễn khả năng siêu việt hay lực bất tư nghì giải thoát của Đại Bồ tát, Văn Thù hỏi Duy Ma đứng ở lập trường siêu việt nghĩ gì về chúng sanh. Nghĩa là từ những điều Văn Thù thấy được trong thế giới Bồ tát gợi cho ngài nảy sanh nhận thức rằng thế giới quan Bồ tát là bất tư nghì. So với thế giới quan phàm phu, thế giới này hoàn toàn khác. Ở đây, mở ra hai loại hình thế giới, thế giới lý tưởng và thế giới thực tế.

Bồ tát đầy đủ thần thông, nhưng trở về thực tế sống với chúng sanh phải giải quyết thế nào, thấy chúng sanh ra sao. Đó là vấn đề chuyển biến đặt ra mở đầu cho phẩm này.

Theo quan niệm từ trước đến nay, trên căn bản ta tu hành, thường xem chúng sanh chướng ngăn chánh đạo. Chúng sanh thuộc sanh tử môn và Niết bàn thuộc giải thoát môn, là hai thái cực, hai thế giới hoàn toàn riêng biệt. Chúng sanh là cái gì đáng ghê sợ. Một người, ta còn sợ, huống chi nhiều người. Hay nhìn thấy loài người còn ngán, kể gì đến loài khác. Tất cả hàm linh đủ kiểu. Hóa độ thế nào cho xuể.

Vì vậy, chúng ta thường nghĩ muốn giải thoát phải từ bỏ chúng sanh, từ bỏ sanh tử. Thuở mới tu, tôi vẫn mang tâm niệm này. Phật tại thế, tâm niệm của Thanh văn cũng giống như vậy, mà Ca Diếp là người tiêu biểu như chúng ta vừa thấy trong phẩm 6.

Thanh văn nhìn chúng sanh là đối tượng đáng sợ, thì Duy Ma khai ngộ khác. Duy Ma trả lời Văn Thù rằng ngài quán thấy tất cả chúng sanh như nhà ảo thuật nhìn những vật do mình biến hóa ra. Nghĩa là chúng sanh được coi như một cái gì lệ thuộc Bồ tát.

Từ chúng sanh là một cái đáng sợ, Duy Ma nâng lên một nấc, coi nó như là vật mình tự biến tạo; vì ngài đứng trên lập trường quả môn hay bản thể môn nhìn xuống hiện tượng giới. Tất cả hiện tượng đều phát xuất từ bản thể, hay nói cách khác, do mình tạo ra; vì mình là bản thể và chúng sanh là hiện tượng.

Ở lập trường tu chứng, Bồ tát thấy chúng sanh do Bồ tát bất tư nghì giải thoát biến hóa, hay tất cả hiện tượng đều do bản thể sanh ra. Ví như người làm ảo thuật nhìn vật do họ biến hóa, chắc chắn họ không ưa thích hay sợ vật giả đó. Nói cách khác, phàm phu ham mê vật thế gian. Thanh văn thì sợ vật thế gian, trong khi Bồ tát bất tư nghì giải thoát thấy vật do mình tạo ra, nên không sợ, không ham mê. Tuy nhiên, khi ta còn là phàm phu mà tự cho rằng chúng sanh do ta biến hóa, là rớt vào tăng thượng mạn.

Chúng sanh trên dạng bản thể bất sanh, bất diệt, bất biến. Nếu đứng ở lập trường này, ta là người bất tử, thì ta thấy chúng sanh là những hiện tượng xảy ra nhứt thời. Quá khứ, hiện tại, vị lai tiếp nối nhau sanh và chết, không có gì vĩnh cửu. Tuy nó sanh diệt, nhưng không rời bản thể.

Chúng sanh từ nghiệp hay vô minh sanh nên cái thấy đổi khác. Hiện tượng vốn sanh diệt, luôn luôn thay đổi. Ta lại mang thêm cặp kính nghiệp để thấy khác nữa, là tạo thêm một tầng sai biệt. Thiền sư diễn tả cái thấy biết lệch lạc của chúng sanh bằng câu “Đừng tìm tri thức trong mộng”.

Con người trong một thời gian nhất định của mạng sống hạn hẹp nằm trong thời gian vô tận, giống như một giấc mơ nằm trong một khoảng ngắn của cuộc đời. Ta lạc vào một cơn mộng xa rời bản thể để có hiện tượng giới. Con người trên hiện tượng so với con người bản thể chẳng khác nào con người nằm mộng trong giấc mộng của con người. Nếu so với mạng sống bất tử của Bồ tát, thì mạng của ta trên sanh diệt, quả là cách nhau quá xa.

Cái thấy của chúng sanh sai khác, thay đổi liên tục tùy theo hành nghiệp. Và hành nghiệp phát xuất từ vô minh. Duy Ma ví cái thấy này như người lữ hành thấy nước trong sa mạc có thật. Theo Phật, nhân duyên hòa hợp tạo thành tất cả. Từ sa mạc biến thành nước, từ nước biến thành hư không,… Nếu ta biết phát huy và vận dụng năng lực, thì sẽ có nước. Trên mặt bản thể, nước và sa mạc không khác. Còn trên hiện tượng, tùy theo nghiệp thấy hoàn toàn khác.

Duy Ma bảo ngài thấy chúng sanh như cái lõi của cây chuối, nghĩa là do tu chứng thấy cái thật trên cuộc đời. Bồ tát thấy chúng sanh khác hơn chúng sanh thấy chúng sanh. Một chúng sanh nhìn chúng sanh dưới mọi dạng thức khác nhau, rồi khởi niệm vui buồn giận khổ. Cuối cùng các pháp tương đối này ràng buộc họ, không còn lối thoát, rơi vào cùng tột khổ đau. Rõ ràng đối với chúng sanh, thương hay ghét đều làm họ khổ. Nói chung, mọi sự suy nghĩ dẫn đến quả khổ là phương cách chúng sanh quán sát chúng sanh qua lăng kính thiện nghiệp và ác nghiệp, thấy có người dễ thương và không dễ thương.

Hàng Nhị thừa trụ pháp Không, không thương không ghét, tâm dửng dưng trước sự vật, chỉ lo tu, nên thấy chúng sanh không có. Hai cái thấy của phàm phu và Thanh văn là hai thái cực của Chân đế và Tục đế. Thanh văn đứng ở lập trường Chân đế, ly trần nên trần ai không dính vô. Chúng sanh ở Tục đế hiệp trần, nên bị trần làm ô nhiễm.

Bồ tát tu hành phát xuất từ Tục đế, tiến đến Chân đế và từ Chân đế trở về Trung đế của Bồ tát, đạt được Đệ nhất nghĩa đế. Bồ tát khởi đầu tu, thấy chúng sanh y như chúng sanh thấy. Giai đoạn hai, Bồ tát thấy chúng sanh như Thanh văn thấy không có gì. Sau đó, nảy sanh cái thấy thứ ba, thấy chúng sanh theo Bồ tát. Bỏ hai cái thấy trước cũng không có Trung đế. Bồ tát thấy chúng sanh như khong có, vì an trụ pháp Không.

Tại sao chúng sanh không thật có. Dưới kiến giải của Bồ tát, trước khi sanh, chúng ta không có, gọi là Không. Nhưng hiện hữu ở cuộc đời, chúng ta cũng không tồn tại vĩnh viễn mà thay đổi từng giờ từng phút. Cuối cùng trả hơi thở cho gió, ta không con gì. Như vậy, trước Không, sau Không, niệm giữa không dừng, nên toàn bộ đều Không.

Trước mắt Bồ tát, tuy vô số chúng sanh, nhưng không có; vì các chúng sanh này đều nằm dưới dạng sanh diệt, có mà không có, hay giả có. Nói cách khác, Bồ tát thấy sự vật theo nhân duyên, thay tướng chân thật từ Không hiện có, từ có trả lại Không.

Chúng sanh không có tánh hằng hữu, nên không thể nói một người tốt hay xấu. Họ có thể vừa tốt vừa xấu, xấu với người này nhưng tốt với người khác. Vì tánh không hằng hữu nên tùy người, tùy nghiệp, nghĩa là tùy đối tượng mà tướng chúng sanh sanh diệt hiện ra sai khác. Ý thức được điều này, khi ta bị người đối xử tệ, nếu biết đổi tánh xấu, người sẽ tốt với ta. Đức Phật dạy chúng sanh không có tánh cố định, nếu cố định không thể tu thành Phật. Bồ tát quán sát như vậy, không sanh tâm tham đắm. Chúng sanh hiện hữu từ đâu và mất về đâu là cách nhìn của Bồ tát.

Bồ tát nhìn chúng sanh trên hiện tượng hoàn toàn giả, do mình biến hóa, tức từ bản thể khởi hiện tượng. Bồ tát truy nguyên chỗ phát xuất và chỗ trở về, nghĩa là giải quyết tận gốc. Vì thế, việc giáo hóa chúng sanh của Duy Ma không giống Bồ tát sơ phát tâm.

Chúng ta thấy người khổ, phát tâm giúp. Ngày mai lại thấy nó khổ, giúp nữa. Giúp hoài vẫn thấy chúng sanh khổ y nguyên. Giáo hóa chúng sanh như vậy, chẳng mấy chốc Bồ tát sẽ thoái chuyển. Đó là Bồ tát đứng trên hiện tượng giáo hóa chúng sanh ở hiện tượng. Đối với Duy Ma, làm vậy không ích lợi gì.

Chúng ta mới phát tâm nhiệt tình lắm. Nhưng trải qua một thời gian hành đạo, cảm thấy ngán, không muốn làm gì. Chúng ta ngồi yên suy tư lời Phật dạy, bỗng giáo lý bừng sáng trong tâm. Theo cái thấy mới phát hiện từ bản tâm thanh tịnh này mà tu hành, chúng ta nhận được những kết quả ngoài sự suy luận bình thường. Nhận ra nhữngviệc làm tánh toán trước kia của chúng ta hoàn toàn vô ích, khổ công nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu. Thiết nghĩ chúng ta học nhiều, tu đủ thứ, nhưng dùng được pháp nào là việc quan trọng. Và nhất là phải quán sát thấy được chỗ khởi tu của mình, mới đi lần vào thế giới Phật được.

Từ giả có của hiện tượng, Bồ tát thấy chúng sanh bên ngoài là Không. Tiến lên một nấc, Bồ tát quán sát bên trong thấy sự tồn tại của con người mang tánh di truyền tiếp nối từ đời này sang đời khác, gọi là sinh mệnh tương tục. Than con người chết xác này sanh thân khác, nhưng vẫn tồn tai cái hằng hữu bên trong. Sự tồn tại của hằng hữu này ở đâu? Chỉ có mắt huệ nhìn thấy được, như Thiền sư Nhật Bản diễn tả:

Bốn mùa hoa đều nở

Chẻ cây hoa ở đâu

Bồ tát chứng được cái hằng hữu là chơn tánh nằm ngoài khả năng vói tới của ngoại đạo, Thiên ma. Phật dạy chơn tánh này khi chúng ta còn là phàm phu, nó không nhỏ và lúc chúng ta thành Phật nó cũng không lớn. Bồ tát thấy được chơn tánh bất sanh bất diệt và sống với chơn tánh, hình thành thế giới Cực lạc.

Dưới dạng thật tánh, Bồ tát thấy Phật, chúng sanh và ngài, cả ba không hề khác nhau, nên ngài không giáo hóa mà thực là giáo hóa.

Trên dòng sanh diệt từ quá khứ dẫn đến hiện tại và lũy kiếp trong tương lai, tâm chúng sanh và Bồ tát luôn tương ưng để tồn tại dưới dạng quyến thuộc. Ở lập trường Tứ đại Ngũ ấm, thì có muôn ngàn sai khác, chúng muốn làm gì cũng được. Ngược lại, ở lập trường thật tánh thì Phật, chúng sanh và Bồ tát không có một niệm xa rời. Chính vì vậy, Bồ tát thấy chúng sanh không có, nhưng vẫn không từ bỏ tâm đại bi.

Theo Duy Ma, chúng ta không nắm bắt được chân lý, mà cứ phân biệt trên sanh diệt là cái không có, thì chẳng ích lợi gì. Vì vậy, Duy Ma nói với Văn Thù rằng Bồ tát quán chúng sanh như lõi cây chuối. Cây chuối làm gì có lõi. Lột hết bẹ là hết. Chúng sanh sanh diệt nằm trong Ngũ ấm thân cũng vậy, mất thân Ngũ ấm là hết.

Từ lập trường Bồ tát của Duy Ma nhìn về chúng sanh, hay cao hơn từ lập trường Phật của Thiên nữ nhìn về chúng sanh, thì xuất gia hay tại gia đều là chúng sanh sanh diệt, không có gì đáng quan tâm. Điều đáng quan tâm là người tạo ra hình chúng sanh, tức là nghiệp. Biết được nghiệp tạo hình, chúng ta chuyển từ gốc nghiệp này. Không nặn hình chúng sanh, thì làm gì có chúng sanh.

Chúng ta thường rớt vào sai lầm, tu cực khổ, nhưng không diệt được nghiệp, cũng kể như vô ích. Bồ tát quán chúng sanh như cây chuối lột hết bẹ không còn, nghĩa là không thực hữu. Bồ tát cũng quán chúng sanh như giấc mơ, tức thay đổi, không có thật. Thân này có được do ý thức sanh ra, do phân biệt hiểu biết của con người tạo ra Ngũ ấm. Ý thức có, thì vật hiện hữu. Ý thức không, thì vật cũng không. Bồ tát quán chúng sanh như nước trong sa mạc không thật, chúng sanh do khát ái và vô minh sanh ra. Tuy quan sát chúng sanh không thực có, do nghiệp mà thành, Bồ tát vẫn giáo hóa chúng sanh bằng cách tự hóa giải nghiệp của mình cho sạch. Khi nào nghiệp của Bồ tát hoàn toàn tiêu, thì chúng sanh trong sa mạc sanh tử cũng không còn.

Ngoài ra, Duy Ma xác định rằng ngài thấy chúng sanh như Đại thứ năm, như Thức thứ bảy, như Nhập thứ mười ba, như Giới thứ mười chín,… Trong khi Phật dạy chúng ta tu chỉ có bốn Đại, sáu Thức, mười hai Nhập, mười tám Giới. Chỗ này không khéo, ta dễ hiểu lầm là không có.

Đại thứ năm, Thức thứ bảy, Nhập thứ mười ba, Giới thứ mười chín, là ý muốn chỉ những cái nằm ngoài phương tiện của chúng ta, nằm ngoài sự nhận thức của con người nên gọi là bất tư nghì. Sự thật của nó chúng ta không thấy, hay không diễn tả được mà kinh Pháp Hoa nói tất cả các pháp tướng thường tự vắng lặng. Cái vắng lặng này được Duy Ma diễn tả bằng những gì nằm ngoài pháp Phật đã dạy là Đại thứ năm, Thức thứ bảy,… Những cái không có trên cuộc đời, nhưng là sự thật.

Những pháp vắng lặng này được Duy Ma gợi lên, để chúng ta có khái niệm về sự tu hành của Bồ tát. Cái chúng ta thấy không có là cái thấy có của Bồ tát, một việc làm vượt qua sự hiểu biết của phàm phu. Vì vậy, Bồ tát hành đạo không giống chúng sanh hành đạo. Kinh Pháp Hoa diễn tả sự sai biệt này bằng câu “Bất như tam giới kiến ư tam giới”.

Thanh văn an trú pháp Không, nghe pháp bất tư nghì giải thoát của Bồ tát là Không, dễ hiểu lầm giống pháp Không của họ. Văn Thù hỏi Duy Ma về pháp Không của Bồ tát. Hai thượng thủ này vấn đáp với nhau nhằm mục tiêu khai ngộ cho mọi người tu hành.

Pháp Không của Thanh văn tu, không làm và không để tâm đến việc làm của thế gian, không dính líu cuộc đời, xem cuộc đời là không có. Duy Ma nâng pháp Không của Thanh văn lên một nấc, là Không nằm ngoài Có, không phải Có và Không đối lập nhau. Tuy nằm ngoài mà bao bọc vạn vật, nên vận dụng được vạn vật theo ý của Bồ tát.

Văn Thù đọc được tâm niệm của Thanh văn liền hỏi Duy Ma rằng nếu thấy tất cả vật trên cuộc đời hoàn Không thì các ngài hành Bồ tát đạo làm gì. Tu rồi cũng chết, sao lại tu. Và việc làm của Bồ tát có giống công tác của dã tràng xe cát cho sóng lên cuốn trôi hết hay không.

Thanh văn nhìn việc hành đạo của Bồ tát là công dã tràng, là người trong sanh tử độ người sanh tử. Trên bước đường tu, ta không hiểu lý này dễ rớt thành công dã tràng, tu nhiều không có công đức, rồi sanh ra chán nản.

Bồ tát ở lập trường bất tư nghì hành đạo, nhìn chúng sanh khác, nên việc làm cũng khác. Vấn đề có lợi ích và không lợi ích được đặt ra. Nếu thấy cứu chúng sanh rồi chúng sanh cũng chết, thì đừng cứu. Từ sự gợi ý này, Duy Ma giảng dạy cho chúng ta thấy vấn đề cứu vớt chúng sanh của Bồ tát, của Phật, để chúng ta tùy hỷ với việc làm của các Ngài.

Cùng một việc giúp đỡ, nhưng người được trả ơn, còn ta bị trả oán. Theo Duy Ma muốn thấy vấn đề, phải đứng ở lập trường giải thoát hay Quả môn mới thấy. Còn ở lập trường chúng sanh mà tu pháp Bồ tát, chỉ là nhà từ thiện xã hội, không phải Bồ tát thật.

Bồ tát đứng trên lập trường Không mà giáo hóa, không phải ở lập trường Hữu giáo hóa. Vì ở lập trường Hữu, chúng sanh giáo hóa chúng sanh, không thể giải thoát. Ta là người, họ cũng là người. Ta giúp họ, cuối cùng họ chết và ta cũng chết. Nghĩa là tu hành giáo hóa trong sanh tử thì không khác gì tu trong mộng, chẳng đắc đạo bao giờ. Trên cuộc đời, chúng ta làm gì cũng rớt qua chỗ mộng. Vì chúng ta không nằm trong quỹ đạo của Bồ tát, nên việc làm của chúng ta hoàn toàn khác.

Chúng sanh ở dạng không sanh diệt mới thật là đối tượng của Bồ tát giáo hóa. Duy Ma gợi ý này cho Thanh văn phát tâm. Thông thường, phải có vật thì ta mới điều chỉnh vật theo ý muốn. Hay phải có đối tượng mới vận dụng đối tượng này để giáo hóa. Ta nhìn thấy chúng sanh là thật, ta mới giáo hóa được. Nhưng Phật lại dạy mọi vật trên thế gian đều Không. Nếu chúng sanh không thật, mà ta phải giáo hóa, thì việc làm này đi về đâu. Đó là vấn đề Thanh văn không giải quyết được.

Giáo hóa thì phải thấy thật và nếu thấy thật thì lại rớt qua thật hưu của chúng sanh phàm phu và lâu ngày bị tham sân phiền não chi phối, chắc chắn lọt vào trần ai. Đó là điều mà Thanh văn ghê sợ.

Còn nói Không thì cần gì làm. Ở điểm này, Duy Ma dạy đạt đến quả vị A la hán phát tâm Bồ đề, mới thấy được thật hữu. Kinh Pháp Hoa gọi là ra khỏi Nhà lửa, đến khoảng đất trống, tức Chơn Không, Không này là thực tướng các pháp. Nếu Không suông, không có gì là Ngoan Không, hay giả danh A la hán. Đạt đến Chơn Không, chúng sanh sẽ hiện ra khác với chúng sanh lúc ta mới tu.

Cái thấy của người đắc đạo được diễn tả bằng hình ảnh trước khi tu thấy núi là núi, sông là sông. Đắc đạo rồi, thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông. Cái thấy sau cùng núi vẫn là núi, sông vẫn là sông nằm bên kia tri thức của phàm phu. Vì vậy, đắc A la hán nhìn thấy chúng sanh ở dạng khác, không thể thấy theo mắt thường. Lúc ấy, chúng sanh không có cảm giác bị giáo hóa hay bị chi phối, mới thực là giáo hóa. Như khi còn là thái tử Sĩ Đạt Ta, chưa thành đạo, Phật sống chung với năm anh em Kiều Trần Như cũng không hòa được với họ. Nhưng khi thành đạo nghĩa là đứng trên lập trường bất tư nghì giải thoát, Ngài đến với họ, tự nhiên họ kính phục, đảnh lễ Phật dù Ngài chưa nói một lời nào và thỉnh Phật thuyết pháp. Sau đó, Ngài độ Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, v.v… Và sự giáo hóa của Phật lan rộng nhẹ nhàng cả xứ Ấn Độ.

Qua hiện tượng lịch sử này, tu sĩ Phật giáo phát triển nhận chân được lực giáo hóa của Phật ở dạng bản thể. Họ đã vận dụng ý này để phê phán sự tranh chấp hơn thua giữa Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ là sai lầm.

Đắc đạo và chưa đắc đạo cũng là một con người, không phải người khác. Nhưng Thanh văn nghĩ rằng Phật đắc đạo thành con người khác là sai. Chúng ta ở trong sanh tử nghĩ Phật là con người, cũng sai. Ở đây muốn diễn tả người sanh tử không giáo hóa được người sanh tử. Hay nói cách khác, muốn giáo hóa chúng sanh sanh tử phải đứng trên bản thể, nhìn sự vật đúng hoàn toàn. Từ đó trở lại thực tế mượn nhân vật Duy Ma là người sống đã đạt đến trạng thái giải thoát của người không sanh tử giáo hóa được mọi người ở thành Tỳ Xá Ly, để diễn tả ý này.

Và xa hơn nữa, Duy Ma không cần mặc áo Sa môn cho người theo. Vì khoác chiếc áo tu để người nghe theo, chẳng khác gì lừa dối người và tự lừa dối mình. Duy Ma dưới lớp áo cư sĩ, nhưng chứng ngộ giải thoát, được mọi người quy phục kính ngưỡng. Ngài là nhân vật mà Phật giáo phát triển đưa ra nhằm phá bỏ ý tưởng chấp chặt hình thức. Tư tưởng mới đưa ra hình ảnh cư sĩ nói pháp giáo hóa hơn chư Tăng còn được đẩy mạnh xa hơn nữa bằng cách mượn hình ảnh Thiên nữ hiện thân trong nhà Duy Ma rải hoa trời trên mình các vị Bồ tát và Thanh văn.

Theo quan niệm của Ấn Độ thời bấy giờ, người nữ không làm được gì. Trong kinh Pháp Hoa, Xá Lợi Phất nói rõ người nữ có năm điều chướng không thể thành Phật. Nhưng dưới kiến giải của Phật giáo phát triển, chẳng những cư sĩ mà cả người nữ đều có những điều phi thường, nếu họ chứng được bản thể, nắm được quy luật, điều động được sự vật. Trên hiện tượng sanh diệt, thì thân tướng có muôn ngàn sai khác; nhưng ở dạng bản thể, tất cả các pháp đồng nhau không khác. Ai nắm được quy luật, người đó trở thành chủ tể.

Ý niệm Thiên nữ có thần thông biến hóa không lường, bằng với Phật, qua câu nói của Thiên nữ “Phật sanh sao, tôi sanh vậy”, nhằm phá hủy tâm phân biệt giữa xuất gia và tại gia, Chơn đế và Tục đế, tướng nam và tướng nữ. Ý niệm Thiên nữ bằng với Phật trong kinh Duy Ma, được triển khai thành Long nữ trong kinh Pháp Hoa. Long nữ thành Phật trong chớp mắt, hay hình ảnh Đức Quan Âm thể hiện lòng từ bi đối với chúng sanh dưới ba mươi ba thị hiện thân, trong đó có thị hiện thân người nữ.

Văn Thù hỏi Duy Ma sanh tử đáng sợ, Bồ tát nương vào đâu để hành Bồ tát đạo, nương gì để tu hành. Đó chính là vấn đề quan trọng đối với chúng ta.

Trên bước đường tu, có những lúc tôi cảm thấy chới với, rơi vào hố thẳm của nhận thức, cố tìm Phật, nhưng không thấy Phật ở đâu. Thiệt là khổ! Người thực tu thường gặp tâm trạng này. Tu bằng tất cả tâm huyết, nhưng khó thấy đạo. Đến đâu cũng thấy toàn sanh tử, không thấy Phật. Phật Thích Ca cũng sanh tử. Các vị danh Tăng tiền bối hiện diện rồi cũng tịch. Và chính bản thân ta cũng đang đi lần đến cái chết. Không biết tìm cái bất tử ở đâu. Tuổi đời càng lớn, chúng ta càng bước gần đến nấm mồ, mà vẫn chưa tìm thấy được chỗ nương bền chắc. Đó là nỗi khổ tâm lớn, là niềm lo sợ kinh khủng của người tu. Người không tu mặc cho dòng đời trôi, thì có gì để nói.

Riêng tôi, có lúc muốn tìm hóc đá nào tu để ra khỏi sanh tử; vì Phật cứ chập chờn trước mắt, khi hiện có, khi biến mất, như ảo giác. Tâm trạng này của chúng ta được Duy Ma giải tỏa bằng câu nương công đức lực Như Lai thì thoát ly sanh tử. Tuy nhiên, nó lại đưa ra cho chúng ta thêm một vấn đề khó; đó là Như Lai lực là gì, tìm Như Lai lực ở đâu để nương.

Duy Ma cho biết tìm Như Lai lực trong chúng sanh, hay lấy độ thoát chúng sanh làm chỗ nương. Nương Như Lai lực là trở về sự hiện hữu của ta và của tất cả mọi người trên cuộc đời. Sự hiện hữu của ta trên cuộc đời là Như Lai, bỏ cái này tìm cái khác không có.

Câu trả lời của Duy Ma “Hiện hữu của ta trên cuộc đời là Như Lai” là câu nói của tư cách Bồ tát đã thành Vô thượng Đẳng giác thương nhân gian mà sanh lại, nói chuyện với người trí huệ tuyệt luân. Riêng chúng ta chưa vượt ra khỏi Nhà lửa Tam giới, thì sự hiện hữu này vẫn là sanh tử đáng sợ.

Duy Ma cho biết có độ thoát chúng sanh mới thấy được Như Lai lực, vì Như Lai là độ thoát chúng sanh. Tuy nhiên, thực tế vào đời độ chúng sanh không đơn giản. Làm sao độ được chúng sanh để thấy Như Lai lực.

Kinh Kim Cang dạy người thấy Như Lai qua ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp là người tà đạo, không bao giờ thấy Như Lai. Cái khó ở chỗ Như Lai không nằm trong ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nhưng lìa tướng tốt này cũng không có Như Lai. Bỏ một để tìm một, không được. Con người đầy đủ phước đức và trí huệ bên trong mới hiện thân tướng giải thoát trang nghiêm bên ngoài. Nhưng chấp bên ngoài là thật thì Phật không cho. Vì bên ngoài Chuyển luân thánh vương cũng có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp.

Như vậy bên ngoài đồng nhau, nhưng bên trong còn hàm chứa sự khác biệt. Thân và tâm của chúng ta không phải là một, nhưng cũng không phải là hai cái khác nhau. Thân tâm kết hợp với nhau để thành một hữu tình.

Thanh văn nghĩ làm sao để độ thoát chúng sanh. Duy Ma trả lời muốn độ thoát chúng sanh, phải độ mình. Nghĩa là phải trở lại pháp tu ban đầu của Tiểu thừa. Chưa độ mình, mà nghĩ độ người là hư vọng. Pháp căn bản chưa xong, mà đòi pháp Vô thượng, làm sao có.

Duy Ma dạy hành giả không có cách nào khác hơn là phải trở lại sự khởi đầu, diệt tận gốc tham sân phiền não. Nhờ đoạn sạch tham sân phiền não, hành giả hiện tướng giải thoát hay tướng tịch diệt. Tướng tịch diệt này vô hình trung đã giáo hóa chúng sanh. Tinh thần kinh Duy Ma nêu lên quá trình tu hành tất yếu phải như vậy. Duy Ma tiêu biểu cho tịch diệt tướng. Khi hành giả muốn độ chúng sanh, tức khởi niệm tham, nên không độ được. Dẹp tận gốc tâm tham, cho đến ý thức độ chúng sanh cũng không có. Đạt được tâm chứng này, ý thức sai lầm không còn khả năng làm phiền hành giả. Hành giả trở về bản tâm thanh tịnh, bình ổn thực sự.

Bản tâm thanh tịnh là Như Lai, khởi tâm sanh diệt là chúng sanh. Trở về bản tâm thanh tịnh mới tiếp nhận được lực Như Lai và giáo hóa chúng sanh dưới dạng Như Lai giáo hóa. Những người sắp giải thoát, nghe được ý này, liền giải thoát. Còn vướng mắc ngữ ngôn văn tự, cứ tiếp tục sống trong sanh diệt. Từ ý này cổ nhân có nói: “Chúng ta sanh diệt trong pháp Như Lai và Như Lai xuất hiện trong sanh diệt của chúng ta”.

Như Lai xuất hiện trong thân chúng sanh dưới dạng sanh diệt. Nếu quan sát bằng lăng kính Như Lai tạng tâm, hay bản thể sự vật thấy chúng ta đang sanh sanh hóa hóa gọi là sanh diệt trong pháp Như Lai. Cảm nhận được ý này, nương được Như Lai lực, tôi hết sợ.

Tuy chúng sanh ở trong sanh tử, Bồ tát phải đứng trên lập trường không sanh tử, tức bản thể của sự vật, để giáo hóa họ. Vì vậy, ta thấy Bồ tát không làm gì, nhưng thực vẫn hành động trên bản thể. Nếu đạt đến pháp Không, Vô tác, Vô nguyện và từ bản thể phát tâm Bồ đề, thấy chúng sanh dưới dạng bản thể, không phải thấy trên dạng hiện tượng. Đó là giáo hóa dưới dạng bản thể.

Chúng sanh nhờ có bản thể hay Phật tánh, thấy Bồ tát trụ ở bản thể, thì Phật tánh họ bừng lên được, phá phiền não nhiễm ô bên trong, tự giải thoát. Ví như ánh sáng bừng len, bóng tối tự mất. Hoặc ngài Nhật Liên thí dụ ý này rằng con chim trong lồng, nghe chim ngoài trời kêu, nó phá lồng bay ra. Vì vậy, sự giáo hóa của Bồ tát, hay Phật dưới dạng bất tư nghì giải thoát là không giáo hóa mà giáo hóa.

Hai vị Bồ tát thượng thủ luận bàn rốt ráo các pháp, tác động cho chúng hội xa rời trần cấu, chứng Vô sanh nhẫn. Nghĩa là từ thế giới sanh diệt trở về thể tánh bất sanh, thuộc Bất Nhị môn, vượt ngoài sự hiểu biết của con người. Ở đây, tạo ra hiện tượng kỳ diệu là nhà Duy Ma nhỏ mà chứa được vô số Thanh văn và Bồ tát. Phần này nói về thuyết Bất Nhị Pháp môn.

Chuyển tiếp phần hai, đột nhiên xuất hiện một Thiên nữ thể nghiệm thuyết Bất Nhị. Bấy giờ, Thiên nữ xuất hiện rải hoa cúng dường Phật và thánh chúng. Trước kia Thiên nữ ở đâu. Chúng ta đã biết kinh Duy Ma là cốt lõi của Thiền, diễn tả sự tu chứng hoàn toàn trong nội tâm, khó thể hiện bằng lời. Kinh mượn hoạt cảnh Thiên nữ xuất hiện để chỉ tâm Như Lai, nhắc nhở hành giả phải dùng tâm Như Lai mà tu. Hoạt cảnh Thiên nữ tán hoa tiêu biểu cho sự an lành, hồn nhiên, vui tươi của người tu, tất cả sự vật muôn màu muôn vẻ đẹp tuyệt vời. Ý này được Thiền sư Nhật Bản cảm nhận rằng khi tâm yên tĩnh, thì bầu trời hoàn toàn tươi đẹp, không có gì đẹp trên thế gian mà hành giả không thấy, thiên đường là đây. Nói cách khác, từ trạng thái tâm hồn thanh tịnh thực sự, không còn chút mảy may tham sân phiền não, mới xuất hiện cái đẹp cùng tột, chân thiện mỹ.

Kế đến, hoạt cảnh vẽ thêm hoa rải xuống mình các Bồ tát đều rơi xuống đất. Hoa trúng vào Thanh văn thì dính luôn. Hoa dính vào Thanh văn, vì Thanh văn còn tâm chấp trước. Tâm chấp trước hay tâm phân biệt tốt xấu phải trái làm ta khổ, nó tồn tại trong ta gọi là Nhị biên. Người tu thánh đạo cầu giải thoát, nhưng tâm còn vướng mắc, không giải thoát.

Văn Thù nhắc muốn giải thoát phải độ chúng sanh. Tách rời chúng sanh, đối lập chúng sanh, vĩnh viễn không giải thoát. Còn có chúng sanh trước mặt phá hoại, được diễn tả bằng hình ảnh hoa không rớt. Hoa này là hoa lòng ở trong tâm, tức những gì còn tồn tại trong lòng chúng ta, không phải hoa bên ngoài.

Bồ tát không còn vấn đề tồn tại, vì đã giáo hóa chúng sanh hội nhập cuộc đời, chuyển chúng sanh thành Bồ tát thật.

Thanh văn tu hành, từ bỏ cuộc đời, không giận, ai làm gì mặc ai, họ sống theo họ. Nghĩa là chúng ta còn tồn tại “Cái mặc ai” và tồn tại “Cái của ta” hay tồn tại “Cái ta giải thoát” và “Chúng sanh đau khổ”. Tuy bỏ hết phiền não cuộc đời, nhưng còn giữ lại tâm chấp trước là tâm từ bỏ cuộc đời. Sự chấp trước này vướng mắc dữ dội trong tâm, muốn bỏ thì nó càng dính chặt hơn nữa. Kinh diễn tả bằng hình ảnh Thanh văn dùng thần lực phủi hoa cũng không được.

Thiên nữ hỏi Xá Lợi Phất không lo tu, gỡ hoa làm chi. Xá Lợi Phất trả lời: “Tôi sợ nó”. Lúc trước nó ở ngoài, nhưng sợ riết nó dính vô áo, toàn là hoa cuộc đời bám chặt vào. Sợ đến thâm nhập vào lòng. Trên bước đường tu, chúng ta thường vấp phải sự sai lầm này, nên không đắc đạo. Ta tu giải thoát, nhưng không được giải thoát. Người khác không tu giải thoát sao lại giải thoát. Đó là cánh cửa mở ra cho chúng ta thấy hai cách tu của Bồ tát và Nhị thừa khác nhau.

Bồ tát lo thanh tịnh hóa tâm, hình thức bên ngoài thì tùy duyên mà thay đổi. Thanh văn giữ thân tướng thanh tịnh, nhưng còn nhiều vấn đề tồn tại trong tâm không giải quyết được. Tùy duyên hay tùy theo hoàn cảnh sống, Bồ tát hành đạo đều được lợi lạc giải thoát. Nhưng cố định mô hình nào là cố chấp, đều không giải thoát tiêu biểu bằng hoa dính. Cố công gỡ, nó càng dính khắn vào lòng. Chúng ta buông bỏ, nó tự mất.

Quy Sơn cảnh sách dạy: “Đản tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân”, nghĩa là khi tâm chúng ta không để ý đến vật, thì nó không có tác dụng đối với ta. Ngược lại, chúng ta sống cách ly, nhưng tâm để vào trần tục, tức thì trần tục ô nhiễm hóa chúng ta:

Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá

Thây bụi đời bám đã rồi rơi

Xem trò thế sự đầy vơi

Dửng dưng như một nụ cười vô duyên.

Hoa dính hay không, không quan trọng, quan trọng là chúng ta có vướng bận không. Dính bên ngoài chẳng ăn thua gì, sợ nhất dính trong tâm hồn. Bồ tát tiêu biểu cho tâm hồn thanh tịnh. Thanh văn tiêu biểu cho hình tướng thanh tịnh.

Bồ tát tùy duyên giáo hóa, giải thoát ngay trong cuộc đời. Bồ tát không dính hoa, vì các ngài không hề có quan niệm về nó. Các ngài thấy rõ pháp ở hai mặt, sanh diệt và bất sanh diệt. Ở trong sanh diệt, tất yếu phải theo định luật sanh diệt. Ở trạng thái Niết bàn phải tịch tĩnh. Đó là hai thế giới giữa thể và dụng.

Bồ tát đạt Vô sanh, không để tâm. Để tâm sẽ vướng mắc. Hoa không dính Bồ tát, tiêu biểu cho tâm các ngài không kẹt việc tốt xấu trên cuộc đời.

Khởi đầu tu, ta tránh xấu tìm tốt thì phải kẹt tốt. Hoa tiêu biểu cho tốt. A la hán bỏ sanh tử về Niết bàn, nên kẹt Niết bàn. Các ngài phải gỡ thêm một lần nữa là bỏ Niết bàn. Tuy nhiên, bỏ Niết bàn lại rớt qua sanh tử.

Đối với Bồ tát, Niết bàn và sanh tử là một. Tâm sanh thì sanh tử, tâm diệt đương nhiên an trú Niết bàn. Vì vậy A la hán còn trụ sanh diệt không phải là A la hán thật. Kinh Pháp Hoa cho biết Niết bàn của A la hán là Niết bàn giả. Họ không tự tạo Niết bàn được. Tuy nhiên, nhờ nương theo sự thanh tịnh giải thoát của Phật, họ cũng được giải thoát. Rời Phật, họ sẽ điên đảo vọng tưởng. Ở Kỳ Viên tịnh xá gần Phật được giải thoát. Đến nhà Duy Ma chạm trán với mưa gió của cuộc đời, liền rớt.

Thanh văn sống trong pháp là Niết bàn giải thoát, nhưng rời pháp Như Lai trở thành sanh tử liền. Từ ý này, kinh Pháp Hoa nhắc hành giả an trú pháp Như Lai sẽ được an lành, là Niết bàn giả, không phải Niết bàn của ta thực chứng.

Đạt đến quả vị Thanh văn, Phật nâng lên, tập cho ta sống xa Phật, xem có thanh tịnh hay không. Sống xa Phật, dùng trí quan sát các pháp xem các pháp có còn chi phối ta hay không. Đó là phương cách tu của Bích chi Phật.

Khi Thanh văn sống xa Phật để khám phá thế giới, mới thấy khác hơn bình thường và quay ngược về giai đoạn ba, bước theo Bồ tát làm lợi ích chúng sanh. Tuy nhiên, cần lưu ý là phải làm theo mô hình của Phật, không phải tự làm theo ý ta. Bồ tát này phát xuất từ Thanh văn, Duyên giác, đến Bồ tát là Bồ tát của Tam thừa.

Thiên nữ hỏi Xá Lợi Phất tại sao ngài phủi hoa. Xá Lợi Phất trả lời rằng gỡ hoa vì nó không hợp pháp. Xá Lợi Phất đứng ở tâm niệm Thanh văn mà nói hoa không hợp pháp, vì không thích hợp với tâm niệm tu hành của Thanh văn. Đối với hàng Thanh văn, tất cả đồ trang sức đều phải bỏ, chỉ sống cuộc đời khổ hạnh.

Thiên nữ trả lời Xá Lợi Phất: “Hoa vô tri, vô giác, hợp pháp hay không là do con người. Tôi nhớ các ngài tu hành đã xa lìa trần cấu, thành A la hán, lìa tham sân si, rời xa thực tế, thì sao còn thấy thực tế để gỡ bỏ. Tôi nghi ngờ trạng thái chứng đắc của các ngài quá! Phật dạy lẽ sống của người tu là xa rời sanh tử để trở về Niết bàn, hay từ thực tại cuộc sống mà đi sâu vào nội giới tu chứng. Nếu quả thực các ngài đã đạt đến phần tâm chứng giải thoát, thì mối liên hệ với bên ngoài không còn. Nay tôi thấy sự liên hệ bên ngoài còn, là các ngài chưa thực chứng nội giới”.

Câu chuyện xảy ra giữa Xá Lợi Phất và Thiên nữ không có thật. Vì lúc kiết tập kinh Duy Ma, làm gì có Xá Lợi Phất. Theo tôi, việc này để diễn tả sự phát huy trí huệ tiêu biểu bằng hình ảnh Xá Lợi Phất. Trên quá trình tu hành tìm chân lý, người tu sĩ tiến bộ có những nhận thức, suy tư, hiểu được hiện tượng thật. Và bằng trí huệ chứng đắc, họ lý giải lời Phật dạy, thấy được chân tinh thần bình đẳng mà Phật đề ra.

Từ giáo lý căn bản về sự bình đẳng qua lời Phật dạy “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”, Phật giáo Đại thừa phân tích, ứng dụng và triển khai thành tinh thần Tăng tục bình đẳng. Ý này nói lên trí huệ không hạn cuộc riêng cho giới xuất gia. Và xa hơn, mạnh hơn nữa là tinh thần nam nữ bình đẳng, quyền năng không dành riêng cho đàn ông.

Chúng ta có thể nhận thấy rõ vào thời kỳ kiết tập kinh Duy Ma, xã hội đang phát triển mạnh cùng với tân Bà la môn giáo. Với bối cảnh như vậy, hàng tu sĩ trí thức muốn bảo vệ đạo pháp phải phá vỡ lớp vỏ cố chấp của tu sĩ bảo thủ sống đóng khuôn. Họ đưa ra hai nhân vật Duy Ma và Thiên nữ nằm ngoài Phật pháp. Hai người này lại hiểu và vận dụng Phật pháp tuyệt luân hơn so với đệ tử Phật. Chính vì vậy, trong thời kỳ này, Đại chúng bộ kiết tập kinh điển, thành lập Tăng đoàn mới gồm có cả cư sĩ cũng được tham dự việc kiết tập.

Đệ tử của Phật có ba hạng là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Hàng Thanh văn ở vị trí thấp nhất, lo tự sửa mình nhiều hơn. Chúng sanh thì tội ngập đầu, nhưng lại luôn thấy lỗi nhỏ của người. Ngài Huệ Năng dạy nếu là bậc chân tu, thì không thấy lỗi người. Nếu còn thấy lỗi người, biết mình còn kém dở.

Đối với hạng người này, Phật dạy đừng nhìn ra chúng sanh, vì chúng sanh đa dạng có nhiều nghiệp và phiền não. Nếu không có nghiệp và phiền não, họ đã là Phật, không là chúng sanh. Phật biết những người mới phát tâm nhìn thấy nghiệp và phiền não, sẽ dễ phiền não theo. Những điều mà người làm, ta cảm thấy không bằng lòng và đem cái không bằng lòng đặt vào lòng ta lâu ngày, nó biến thành nghiệp của ta.

Đối với chúng sanh có chút ít căn lành đời trước, Phật sợ họ mất căn lành, Ngài mới nói pháp Thanh văn cho họ. Thanh văn là đệ tử nhỏ trực tiếp nghe Phật thuyết pháp, suy nghĩ và áp dụng lời Phật dạy. Sống theo mẫu Phật sống là sống theo pháp. Nhờ làm theo Phật lâu ngày, tất cả phiền não trần lao, chúng sanh, chúng sanh nghiệp xa lần. Chuyện thế gian quên càng nhiều, họ càng tiến gần đến Niết bàn. Gần không phải là sống kế bên, nhưng sống giống Phật.

Sống theo bên ngoài, bị phiền não chi phối. Ta còn nhiều nghiệp mà giáo hóa người, thì chỉ giáo hóa bằng nghiệp mà thôi. Vì vậy, Phật khuyên ta nên nghe pháp và sống với pháp. Sống theo Phật nghe pháp, tâm trở nên bình ổn, ta bắt đầu sống với nội tâm, không còn hướng ra ngoại cảnh gọi là hồi quang phản chiếu. Thanh văn tu trên lộ trình này, đạt đến pháp Không, việc đời không còn dính líu đến họ. Sống trong chùa lâu ngày, không nghe chuyện phiền não thế tục, thoát ly trần cảnh. Ngày đêm sống với pháp, với nội tâm hay Niết bàn. Niết Bàn, sanh tử, nội tâm và ngoại cảnh, bốn trạng thái này là một.

Thiên nữ nhắc Xá Lợi Phất hay chúng Thanh văn rằng các ngài ở Niết bàn, hoa ở thế gian, làm sao gỡ nó. Còn phải gỡ hoa chứng tỏ các ngài còn ở sanh tử.

Câu chuyện Thiên nữ có rải hoa và Thanh văn có dính hoa hay không, chúng ta xem là hiện tượng thật cũng được, hay giả dụ cũng tốt. Điều chính là chúng ta cần suy nghĩ đến mục tiêu câu chuyện ngầm chỉ một pháp gì mà Phật muốn truyền trao, không phải nói cho vui.

Khi tu, Thanh văn và Bồ tát ở hai thái cực khác nhau. Thiên nữ ngầm nhắc nhiều khi trên bước đường hành đạo, chúng ta tưởng rằng mình giải thoát; nhưng lúc va chạm thực tế, mới thấy rõ tâm ta còn đầy phiền não tội lỗi. Thanh văn được Phật ấn chứng là A la hán cứ đinh ninh họ đã ở quả vị này. Tu hành chúng ta dễ rớt vào tâm trạng này, rất nguy hiểm. A la hán nghĩ mình là A la hán, thì không còn là A la hán nữa, tức khởi niệm thì trở thành vọng động, là đã rời vị trí A la hán. A la hán thuộc về Vô sanh, nhưng phát khởi vọng niệm nghĩa là rời Vô sanh, rớt qua sanh tử.

Khi ngồi yên, không nghĩ gì, trạng thái tâm của chúng ta bất sanh. Tâm bất sanh, nên vật cũng bất sanh. Đây là trạng thái nội giới, một trạng thái nhiếp tâm cao độ mà năm trăm cỗ xe chạy ngang cũng không biết. Khi lặn sâu vào thiền định, đạt Vô sanh thật. Nhưng xả Thiền, không trụ trạng thái Vô sanh được nữa. Sanh này do từ tâm sanh khởi.

Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ tu hành theo thừa nào. Thiên nữ trả lời trong ba thừa của Như Lai, Ngài không tu thừa nào. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ Như Lai chỉ có Tam thừa giáo, mà Thiên nữ không tu thừa nào. Vậy Bồ tát có phải là đệ tử của Như Lai hay không.

Thiên nữ trả lời nếu đi vào rừng có gỗ chiên đàn, thì ta chỉ nghe mùi chiên đàn thôi, không có mùi khác. Đây là Thiên nữ tu ở Nhất thừa, không tu ở Tam thừa. Tu ở Nhất thừa nghĩa là đã lìa quan niệm của Tam thừa trước, nhưng nó dung hội được cả ba thừa. Nếu cần Thanh văn, Thiên nữ là Thanh văn. Cần Bích chi Phật, ngài là Bích chi Phật. Cần Bồ tát, ngài là Bồ tát. Không cần gì, Thiên nữ không là gì. Chính đó là quả vị giải thoát.

Vì vậy, khi đạt quả vị Như Lai, không con gì vướng bận ngài; nhưng không có gì chúng sanh cần, mà Như Lai không đáp ứng. Bồ tát Viên thừa an trụ trạng thái chứng đắc này. Tùy theo yêu cầu của chúng sanh, các ngài thành tựu nhiều việc lợi ích dưới mọi dạng thức, không phải bị kẹt trong mô hình nào.

Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ thần lực của ngài thật bất tư nghì, sao ngài không biến thành đàn ông. Thiên nữ trả lời rằng ngài ở đây đã mười hai năm, đã cố gắng tìm xem tướng nữ là gì và tác dụng của nó ra sao, mà vẫn không biết. Xá Lợi Phất mới đến, sao phân biệt thấy được rõ vậy.

Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ tại sao không chuyển thành thân nam để tu hành cho dễ. Thiên nữ giải thích rằng không kẹt trong tướng nữ và nam, đạt được Trung đạo đệ nhất nghĩa, thì Bồ tát tùy hoàn cảnh mà hiện thân tương ưng để hành đạo. Ở môi trường này, trong Pháp hội này, Thiên nữ đóng vai nữ để thể hiện Bất Nhị Pháp môn một cách tuyệt diệu, cần gì phải chuyển thành thân nam. Vừa nói xong, ngài biến Xá Lơi Phất thành Thiên nữ và ngài tự hóa mình thành Xá Lợi Phất mà hỏi rằng tại sao ngài không chuyển thân nữ.

Xá Lợi Phất trả lời không biết tại sao ông lại biến thành thân đàn bà. Điều này nhắc hành giả trên bước đường tu thường đứng trên chân như nhìn về sanh diệt, coi chừng lần rớt về tục đế mà không hay biết. Ở đây diễn tả bằng hình ảnh Xá Lợi Phất biến thành Thiên nữ và ngược lại Thiên nữ biến thành Xá Lợi Phất.

Muốn đoạn thân tướng trên mặt hiện tượng, hành giả phải đoạn nghiệp. Xá Lợi Phất thành người nữ là vì Xá Lợi Phất có nhiều phân biệt. Từ phân biệt tạo thành nhiều nghiệp, sau cùng nghiệp của mình biến mình thành ra thân xấu tệ. Không phải một nhân vật nào bên ngoài có khả năng biến đổi ta.

Qua câu chuyện của Xá Lợi Phất, chúng ta thấy sanh trên cuộc đời, mỗi người đã có thân hình cố định. Hiện ra thân nữ hay thân nam không quan trọng. Vấn đề chính yếu là người nào tao nên thân này. Thiên nữ thí dụ như một người thợ nặn tượng đàn bà. Ta lại bảo họ sao không biến thành đàn ông; hỏi như vậy quả thực là ngớ ngẩn.

Thiên nữ giải thích rằng nếu bây giờ Xá Lợi Phất tự chuyển thân đàn bà thành đàn ông được, thì các người nữ khác cũng sẽ chuyển thành đàn ông được. Phải biết khi ta thành người nào hay loài nào, là do động cơ thúc đẩy mà thành.

Xá Lợi Phất chưa làm chủ được tâm, nên còn bị tâm chi phối. Đây là sự khác biệt giữa Thanh văn và Bồ tát. Bồ tát trên nhân gian đóng vai chủ động, nên mang đủ các loại hình là tùy theo bổn nguyện mà hiện thân, hoặc tùy chúng sanh cần tư cách nào, Bồ tát mang thân đó. Trong khi chúng sanh tùy nghiệp mà hiện thân hình không giống nhau, nên ghét thân nữ nhưng không đổi được. Chúng sanh không chủ động được mà thọ thân tùy theo nghiệp quyết định. Nghiệp đổi thì thân đổi. Nghiệp của chúng ta thế nào tạo hình chúng ta tương ưng như vậy. Đã tạo ra hình rồi, khôngcó cách nào thay đổi được. Đổi hay không do ông thợ nắn hình là nghiệp, chứ hình không tự đổi được. Trên bước đường tu hành, lặn sâu vào thế giới tâm thức, vượt qua bức tường tri thức của con người, sẽ thấy nguyên nhân tạo hình ở nhân gian. Và bấy giờ đã nắm rõ quy luật, muốn tạo hình gì thì tùy ý.

Cuối cùng, Xá Lơi Phất hỏi Thiên nữ rằng ngài hiểu biết quá rộng, công đức không thể nghĩ bàn. Dù sao mang thân hữu hạn trên trần thế tức có sanh diệt, sau khi chết rồi sanh về đâu, có lên Niết bàn hay không. Thiên nữ trả lời chư Phật sanh thế nào, ngài cũng sanh như vậy. Ở đây, thân người nữ được Thiên nữ so sánh bằng với Phật. Điểm này thể hiện trong kinh Pháp Hoa phẩm 12, Long nữ thành Phật, rằng sanh tử và Niết bàn là một. Chúng sanh và Phật không khác. Chúng sanh và Phật cũng đầy đủ ba thân, nhưng sử dụng được hay không mới quan trọng.

Chết đây sanh kia là phần đoạn sanh tử chỉ cho chúng sanh. Phật theo quan niệm cố hữu của mọi người, tiêu biểu là Xá Lợi Phất, Phật thành Phật rồi vào Niết bàn, không hiện hữu ở đây nữa. Nhưng hiểu theo tinh thần Như Lai thọ lượng của kinh Pháp Hoa, Như Lai ở Niết bàn thì không phải là Phật nữa. Phật hiện có diệt hay không diệt là tùy trường hợp giáo hóa. Khi vô minh, nghiệp chướng, phiền não nổi lên, Phật biến mất; chúng ta không thấy Ngài, mặc dù Ngài vẫn có. Đến khi tâm hồn chúng ta hoàn toàn lắng yên, Phật lại hiện hữu êm đềm bên cạnh chúng ta.

Từ trạng thái tâm hồn yên tĩnh hay bản tâm thanh tịnh của Duy Ma, nhìn lại cuộc đời sẽ thấy rõ mọi hiện tượng bày ra ngoạn mục, trong đó có đầy đủ Thiên nữ và Xá Lợi Phất. Thật vậy, khi tâm hành giả bao la, tất cả hiện tượng giới sẽ phơi bày muôn màu muôn vẻ để chúng ta hiểu và điều động nó. Điều động như vậy là điều động từ gốc, nên không giáo hóa chúng sanh mới thực là giáo hóa.

Thiên nữ và Xá Lợi Phất ở trong lòng chúng ta. Chúng ta nắm tận gốc, giải quyết trên căn bản tâm, thì cùng một ý với phần đầu đã nói là muốn độ chúng sanh phải độ mình. Bản tâm hành giả thanh tịnh, mới thấy chúng sanh ở trong tâm và giáo dưỡng họ ngay trong tâm hành giả. Nhờ vậy, chúng sanh bên ngoài cũng được giải thoát theo. Đó là giáo hóa dưới dạng bản thể. Còn mang ý niệm giáo hóa, hành giả còn đứng ở lập trường chúng sanh giáo hóa chúng sanh, chắc chắn thất bại.

Tôi có kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề này. Khi tôi muốn người nào đến, họ lại đi. Tôi muốn họ đi cho khuất mắt, họ cứ lù lù hiện đến. Cái muốn này của chúng ta phát xuất từ ý thức. Nằm trong ý thức giới mà độ chúng sanh, chỉ toàn bực bội khó chịu. Phải trở về bản tâm thanh tịnh, hành giả giáo hóa chúng sanh ở trong tâm mình thuần thục xong, thì chúng sanh bên ngoài cũng ngoan ngoãn theo. Nói cách khác, bên trong hành giả hoàn toàn thuần tịnh, bên ngoài tự tốt theo, hoặc muốn độ chúng sanh, trước nhất phải độ mình.

Từ đây phải quay ngược lại tìm hiểu xem mình là gì. Văn Thù cho biết chúng ta là hiện hữu của thiện ác sanh diệt. Chúng ta tồn tại ở hai mặt tương đối phải trái, tốt xấu.

Theo Phật, phân tích con người từng thứ riêng rẽ sẽ thấy cái ngã không có. Giả ngã này là sự tổng hợp mà Duy Ma gọi là tương đối pháp hợp lại thành. Theo ngài Thế Thân phân tích có một trăm pháp trong thân. Hành giả điều chỉnh một trăm pháp này bằng cách thủ tiêu lần cái ác, để tâm thiện sanh ra. Nhưng thiện hay ác đều ở trong sanh diệt, nó bám víu chúng ta để tồn tại, nó không phải thật của ta.

Duy Ma cho biết thiện ác tồn tại trên thân sanh diệt là tổ hợp vật chất. Tổ hợp siêu vật chất là tinh thần. Phần tinh thần tuy không thấy bằng mắt, nhưng tồn tại thật như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, thân kiến,… Bình thường chúng ta không thấy nó, nhưng gặp môi trường tác động, nó xuất hiện nhanh lắm. Người xưa thường nói mắt sáng như thấy vàng. Phật cho biết phần độc hại tinh thần này, nếu chúng có hình tướng, thì không có chỗ chứa cho hết. Quan sát bằng lăng kính thật tướng các pháp thấy chúng ta tồn tại là tồn tại trên tâm tham, tâm sân, tâm si,… Hành giả tu Thiền phát hiện những độc tố tinh thần để điều chỉnh. Chỉnh trong lòng xong, vật bên ngoài đương nhiên thay đổi. Trên bước đường tu, chúng ta trắc nghiệm pháp này sẽ thấy kết quả đúng như Phật dạy. Mọi việc đều do ta tạo tác, không ai có khả năng làm khổ chúng ta.

Trên lộ trình bước theo dấu chân Phật, khởi đầu từ phát tâm tu Bồ tát đạo, hành giả phát triển tri thức và đạo đức. Tu như vậy liên tục từ đời này sang đời khác, tiến đến Phật quả. Và từ quả vị viên mãn này, hành giả mang theo bản nguyện ban đầu là chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Thệ nguyện này dẫn hành giả đi thọ sanh, nhưng không sanh, ví như anh thợ làm đồ giả. Hay nói cách khác, hành giả thành Chánh giác, được Báo thân viên mãn; nhưng không an trú Niết bàn, mà theo bản nguyện, hành giả vẫn hằng hữu trong mười phương giáo hóa chúng sanh. Đó là đại Niết bàn của chư Phật, chư Đại Bồ tát bất tư nghì giải thoát.


66b95280279eec88f2c6c3d3d4af3e58

Hòa thượng Thích Trí Quảng (1938~)