Skip to content

Kinh Duy Ma Cật chương 4: Bồ Tát

維摩詰所說經

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh – Tập 14 – Số 475 (Kinh Tập Bộ)
Vimalakirti Nirdesa Sutra – 維摩詰所說經 – Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh
Nước Trung Hoa – triều Hậu Tần (384~417) thời kỳ Ngũ Hồ Thập Lục Quốc
Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập (344~413) Hán dịch từ Phạn văn năm 406
Tham chiếu Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh của ngài Huyền Trang (602~664)
Tỳ kheo Thích Tuệ Sỹ (1943~2023) Việt dịch từ Hán văn
Nhà xuất bản Phương Đông xuất bản năm 2008
daithua.com biên tập năm 2020

Chương 4:

BỒ TÁT


Rồi thì, Phật nói với Bồ tát Di Lặc:

  • Ông hãy thay Ta đến thăm bệnh Duy Ma Cật.

Di Lặc đáp:

  • Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực đến thăm bịnh ông ấy. Vì sao? 
  • Nhớ lại xưa kia, có lần con đang giảng cho Thiên vương Đâu Suất và quyến thuộc về sự thực hành ở địa vị bất thối chuyển, Duy Ma Cật bỗng đến và nói với con:
    • Thưa Di Lặc, khi Đức Thế Tôn thọ ký Nhân giả còn một đời nữa sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sự thọ ký ấy nhắm vào đời nào? 
    • Quá khứ chăng? Vị lai chăng? Hiện tại chăng?
    • Nếu là quá khứ, thì quá khứ đã diệt. Nếu là vị lai thì vị lai chưa đến. Nếu ở hiện tại, thì hiện tại không đình trú. Như Phật đã nói: Này Tỳ kheo, ngươi nay tức thời vừa sanh, vừa già, vừa diệt. Nếu bằng vô sanh mà được thọ ký, thì vô sanh là chính vị. Mà trong chính vị thì không có thọ ký, cũng không có sự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. 
    • Vậy làm sao Di Lặc được thọ ký còn một lần tái sanh? 
    • Ấy là bằng Như sanh mà được thọ ký, hay bằng Như diệt mà được thọ ký? 
    • Nếu bằng Như sanh mà được thọ ký, thì Như vốn không sanh. 
    • Nếu bằng Như diệt mà được thọ ký, thì Như vốn không diệt. 
    • Vì hết thảy chúng sanh đều là Như tánh vậy. Hết thảy pháp cũng là Như tánh vậy. Các Hiền thánh cũng là Như tánh vậy. Di Lặc cũng là Như tánh vậy. Như vậy, nếu Di Lặc được thọ ký, thì hết thảy chúng sanh cũng đều được thọ ký.
    • Vì sao? Vì Như vốn không hai, không khác. Nếu Di Lặc chứng đắc Giác ngộ tối thượng, thì hết thảy chúng sanh cũng chứng đắc Giác ngộ tối thượng.
    • Vì sao? Vì hết thảy chúng sanh tức là hiện tướng của Bồ đề. Nếu Di Lặc mà diệt độ, thì hết thảy chúng sanh cũng diệt độ.
    • Vì sao? Chư Phật biết rõ hết thảy chúng sanh rốt ráo tịch diệt, tức là tướng Bồ đề, không còn gì để diệt nữa.
    • Thưa Di Lặc, vì thế không nên dụ chư thiên bằng pháp này; vì thật sự không có người phát tâm Bồ đề tối thượng cũng chẳng có người thối lui. Di Lặc hãy nên khiến cho họ tránh xa những quan niệm phân biệt về Bồ đề.
    • Vì sao? Vì Bồ đề không thể được chứng đắc bằng thân, không thể được chứng đắc bằng tâm.
    • Tịch diệt là Bồ đề, vì diệt các tướng.
    • Chẳng quán là Bồ đề vì nó lìa ngoài nhân duyên.
    • Chẳng hành là Bồ đề vì nó dứt tuyệt nghĩ tưởng.
    • Đoạn là Bồ đề, vì xả ly các kiến.
    • Xả ly là Bồ đề, vì xả ly vọng tưởng.
    • Chướng là Bồ đề, vì chướng các nguyện.
    • Chẳng nhập là Bồ đề vì không tham trước.
    • Tùy thuận là Bồ đề vì thuận với Như.
    • Trụ là Bồ đề vì trụ pháp tánh.
    • Đến là Bồ đề, vì đi đến thực tế.
    • Bất Nhị là Bồ đề, vì nó xa lìa ý và pháp.
    • Bình đẳng là Bồ đề, vì đồng đẳng với hư không.
    • Vô vi là Bồ đề vì không sanh, trụ, diệt.
    • Tri là Bồ đề, vì liễu tri tâm hành của hết thảy chúng sanh.
    • Chẳng hội là Bồ đề vì các nhập không hội.
    • Chẳng hiệp là Bồ đề, vì lìa tập quán phiền não.
    • Vô xứ là Bồ đề, vì không hình sắc.
    • Giả danh là Bồ đề, vì tên gọi vốn rỗng không.
    • Như hoá là Bồ đề, vì không thủ xả.
    • Không loạn là Bồ đề, vì thường tịch tĩnh.
    • Thiện tịch là Bồ đề vì tự tánh thuần tịnh.
    • Vô thủ là Bồ đề không thể vin nắm.
    • Vô dị là Bồ đề, vì bình đẳng các pháp vốn bình đẳng.
    • Vô tỷ là Bồ đề, vì không thể thí dụ.
    • Vi diệu là Bồ đề, vì các pháp khó biết.
  • Bạch Thế Tôn, Duy Ma Cật giảng xong pháp như vậy, hai trăm Thiên tử chứng Vô sanh Pháp nhẫn. Vì vậy con không đủ năng lực đến thăm bịnh ông.

Phật nói với Quang Nghiêm đồng tử:

  • Ông hãy đi thăm bệnh Duy Ma Cật.

Quang Nghiêm đáp:

  • Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực đến thăm ông. Vì, nhớ lại, có lần con đang trong thành Tỳ Xá Ly đi ra, gặp Duy Ma Cật ở ngoài đi vào. Con cúi chào ông và hỏi:
    • Quý cư sĩ đi đâu về?
  • Ông đáp:
    • Từ đạo tràng về.
  • Con mới hỏi ông:
    • Đạo tràng này ở đâu?
  • Ông đáp:
    • Tâm chính trực là đạo tràng, vì không hư giả.
    • Phát hành là đạo tràng, vì có khả năng biện sự.
    • Thâm tâm là đạo tràng, vì tăng ích công đức.
    • Tâm Bồ đề là đạo tràng, vì không thể sai lầm.
    • Bố thí là đạo tràng, vì không cầu đáp trả.
    • Trì giới là đạo tràng, vì giúp hoàn thành tâm nguyện.
    • Nhẫn nhục là đạo tràng, vì tâm vô ngại đối với hết thảy chúng sanh.
    • Tinh tấn là đạo tràng, vì lìa xa biếng nhác.
    • Thiền định là đạo tràng, vì là tâm hài hòa dịu dàng.
    • Trí huệ là đạo tràng, vì thấy các pháp.
    • Từ là đạo tràng, vì đối xử bình đẳng với tất cả chúng sanh.
    • Bi là đạo tràng, vì nhẫn nại các khổ nhọc.
    • Hỷ là đạo tràng, vì là pháp an vui khoái lạc.
    • Xả là đạo tràng, vì dứt bỏ yêu hay ghét.
    • Thần thông là đạo tràng, vì thành tựu Lục thông.
    • Giải thoát là đạo tràng, vì hay dứt bỏ.
    • Phương tiện là đạo tràng, vì giáo hóa chúng sanh.
    • Tứ nhiếp pháp là đạo tràng, vì nhiếp chúng sanh.
    • Đa văn là đạo tràng, vì y như điẽu đã nghe mà thực hành.
    • Tâm được chế ngự là đạo tràng, vì chính quán các pháp.
    • 37 Trợ đạo phẩm là đạo tràng, vì xả bỏ các pháp hữu vi.
    • Chân đế là đạo tràng, vì không dối gạt thế gian.
    • Duyên khởi là đạo tràng, vì từ vô minh cho đến già chết, thảy đều không cùng tận.
    • Phiền não là đạo tràng, vì biết như thật.
    • Chúng sanh là đạo tràng, vì biết vô ngã.
    • Tất cả pháp là đạo tràng, vì biết các pháp vốn không.
    • Hàng phục chúng ma là đạo tràng, vì không khuynh động.
    • Ba cõi là đạo tràng, vì không định hướng phải đến.
    • Tiếng sư tử hống là đạo tràng, vì là Vô sở úy.
    • Thập lực, Tứ vô sở úy, Bất cộng là đạo tràng, vì không khuyết điểm.
    • Tam minh là đạo tràng, vì vô ngại.
    • Môt niệm biết tất cả pháp là đạo tràng, vì thành nhất thiết trí.
    • Như vậy, này Thiện nam tử, Bồ tát thích ứng theo các Ba la mật mà giáo hóa chúng sanh, thì mọi hành vi, cho đến từng bước chân đi, nên biết, đều từ đạo tràng mà đến; an trú trong pháp Phật vậy.
  • Duy Ma Cật giảng pháp như vậy, năm trăm trời và người đã phát tâm cầu Giác ngộ tối thượng. Vì thế con không đủ năng lực đến thăm bịnh ông.

Phật bèn nói với Trì Thế Bồ tát:

  • Ông hãy đi thăm bệnh Duy Ma Cật.

Trì Thế đáp:

  • Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực để viếng thăm ông. Con còn nhớ có lần đang ở trong tĩnh thất, khi ấy ma Ba Tuần, hình trạng như Đế Thích, xuất hiện cùng với 12000 Thiên nữ theo sau đàn hát, đi đến chỗ con. Sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân con, họ chắp tay đứng sang một bên. Con tưởng đó là Đế Thích nên nói:
    • Xin chào Kiều Thi Ca. Dù ông đã thành tựu nhiều phước báo, nhưng không nên phóng túng. Ông nên quán ngũ dục là vô thường để tim cầu gốc rễ thiện. Hãy tìm cầu pháp chắc thật cho thân thể, sanh mạng và tài sản này.
  • Ma liền nói:
    • Thưa Đại chánh sĩ, xin ngài nhận lấy 12000 Thiên nữ này để hầu hạ ngài, lo việc quét dọn.
  • Con bảo:
    • Này Kiều Thi Ca, chớ đem cho Sa môn họ Thích món quà phi pháp như vậy. Nó không thích hợp với tôi.
  • Con chưa dứt lời thì Duy Ma Cật chợt đến và nói:
    • Nó đâu phải là Đế Thích. Nó là ma đến quấy nhiễu ngài đấy.
  • Rồi ông quay sang bảo ma:
    • Hãy cho ta các cô gái này. Như ta thì có thể nhận.
  • Ma kinh sợ, nghĩ rằng, Duy Ma Cật có thể gây hại ta chăng?
  • Nó bèn muốn ẩn hình nhưng không được. Nó vận dụng hết thần lực cũng không thể bỏ đi được. Chợt trên không có tiếng vọng xuống:
    • Này Ba Tuần, hãy cho ông ấy các Thiên nữ thì mới có thể đi được. Sợ quá, ma đành dâng hết các Thiên nữ cho Duy Ma Cật.
  • Ông mới nói với họ:
    • Ma đã đem các ngươi cho ta. Bây giờ các ngươi hãy phát tâm cầu Giác ngộ tối thượng.
  • Đoạn ông tùy chỗ thích hợp giảng pháp cho họ nghe, giúp họ phát đạo ý. Ông bảo:
    • Các ngươi đã phát đạo ý, có thể tìm thấy niềm vui nơi pháp thay vì nơi ngũ dục thế gian.
  • Họ hỏi ông:
    • Vui nơi pháp là thế nào?
  • Ông đáp:
    • Là vui vì niềm tin Phật.
    • Vui vì được nghe pháp.
    • Vui khi cúng dường Tăng.
    • Vui vui khi bỏ được năm dục lạc trần thế.
    • Vui khi thấy ra Ngũ ấm là kẻ thù, Tứ đại như rắn độc, các nội xứ như xóm hoang; vui khi theo đuổi và hộ trì đạo ý.
    • Vui khi thấy mình có lợi cho chúng sanh.
    • Vui khi kính dưỡng minh sư.
    • Vui khi rộng rãi thực hành bố thí.
    • Vui khi kiên trì tịnh giới.
    • Vui khi nhẫn nhục khoan hòa.
    • Vui khi siêng tu thiện căn.
    • Vui khi thiền định không loạn tưởng.
    • Vui khi có huệ sáng suốt sạch không cáu bẩn.
    • Vui khi trải rộng tâm Bồ đề.
    • Vui khi vượt thắng tà ma.
    • Vui khi nhổ gốc phiền não.
    • Vui trong đất Phật thanh tịnh.
    • Vui khi tu tập các công đức để thành tựu thân tướng tốt đẹp.
    • Vui khi làm đẹp Bồ Đề đạo tràng.
    • Vui khi nghe pháp thậm thâm mà không sợ hãi.
    • Vui trong ba cửa giải thoát; không vui với phi thời tiết.
    • Vui khi ngăn ngừa bằng hữu tri thức xấu.
    • Vui khi ở gần thiện tri thức.
    • Vui vì tâm hoan hỷ thanh tịnh.
    • Vui khi thực hành vô lượng pháp đạo phẩm.
    • Đó là những niềm vui nơi pháp của Bồ tát.
  • Nghe vậy, ma bảo các Thiên nữ:
    • Ta muốn cùng các ngươi trở về chỗ của ta.
  • Các Thiên nữ nói:
    • Hãy đem chúng tôi cho cư sĩ. Chúng tôi thấy vui nơi Chánh pháp, chẳng còn ham muốn năm thú vui trần thế.
  • Ma nói với Duy Ma Cật:
    • Cư sĩ hãy buông thả những Thiên nữ này. Vì Bồ tát là người sẵn lòng ban cho tất cả.
  • Duy Ma Cật nói:
    • Ta nay trả hết cho ngươi và ngươi có thể mang họ đi để hết thảy chúng sanh có thể thành tựu ước nguyện đắc pháp.
  • Các Thiên nữ quay hỏi Duy Ma Cật:
    • Ở Ma cung, chúng tôi phải sống như thế nào?
  • Duy Ma Cật đáp:
    • Này các chị, có Pháp môn được gọi là Vô Tận Đăng; các chị nên học. Ví như, một ngọn đèn có thể được dùng để mồi sáng hàng trăm ngàn ngọn đèn khác, do đó bóng tối sẽ được soi sáng và ánh sáng này sẽ vô tận. 
    • Cũng vậy, các chị, một Bồ tát hướng dẫn và chuyển hóa hàng trăm ngàn người khác khiến cho họ phát tâm cầu Giác ngộ tối thượng; mà Đạo ý của Bồ tát không hề tắt ngúm. Cứ mỗi lần thuyết pháp là mỗi lần tăng thêm tất cả pháp thiện cho mình. 
    • Cho nên gọi là Vô Tận Đăng. Dù các chị có ở nơi cung điện của ma, các chị hãy nên dùng pháp Vô Tận Đăng này để dẫn dắt vô lượng con trai, con gái của trời khiến phát tâm cầu Giác ngộ, vừa để báo Phật ân vừa làm lợi chúng sanh.
  • Khi ấy các Thiên nữ cúi đầu lễ dưới chân Duy Ma Cật rồi theo ma về cung điện. Trong phút chốc, họ biến mất cả.
  • Bạch Thế Tôn, Duy Ma Cật thần thông siêu việt, biện tài và trí huệ như vậy, con không đủ năng lực viếng thăm người.

Phật bảo một người con trai của trưởng giả tên Thiện Đức:

  • Ông hãy đi thăm bệnh Duy Ma Cật.

Thiện Đức đáp:

  • Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực đến thăm bịnh ông ấy. Vì nhớ lại có lần con tổ chức một đại hội bố thí tại nhà thân phụ để cúng dường hết thảy Sa môn, Bà la môn, các ngoại đạo, các người bần cùng, hạ tiện, cho đến cả ăn mày. Đại hội kéo dài đến bảy ngày. Khi kết thúc, Duy Ma Cật đã đến nói với con:
    • Ồ, con trai nhà trưởng giả, đại hội bố thí không phải như ông đã tổ chức. Nó phải là đại hội bố thí pháp. Đại hội bố thí vật chất như vậy có ích gì.
  • Con hỏi:
    • Thưa cư sĩ, thế nào là Hội pháp thí?
  • Ông đáp:
    • Pháp thí không có trước cũng không có sau. Trong một lúc mà cúng dường hết thảy chúng sanh. Đó là Đại Hội pháp thí.
  • Nghĩa là sao? Con hỏi.
  • Ông mới đáp:
    • Nghĩa là, vì Bồ đề mà phát khởi từ tâm.
    • Vì cứu độ chúng sanh mà khởi bi tâm.
    • Vì để duy trì Chánh pháp mà khởi hỷ tâm.
    • Vì để nhiếp trí huệ mà hành xả tâm.
    • Để vượt thắng lòng tham lam bủn xỉn mà khởi Bố thí Ba la mật.
    • Để giáo hoá người phạm giới mà Trì giới Ba la mật.
    • Vì vô ngã mà khởi Nhẫn nhục Ba la mật.
    • Vì lìa tướng thân tâm mà khởi Tinh tấn Ba la mật.
    • Vì Bồ đề tướng mà khởi Thiền định Ba la mật.
    • Nhất thiết trí mà khởi Bát nhã Ba la mật.
    • Vì giáo hóa chúng sanh mà khởi Không.
    • Không xả hữu vi mà phát khởi Vô tướng.
    • Thị hiện thọ sanh mà khởi Vô tác.
    • Vì hộ trì Chánh pháp mà khởi phương tiện lực.
    • Vì cứu độ chúng sanh mà khởi Tứ nhiếp pháp.
    • Vì kính thờ tất cả mà quyết tâm quét sạch kiêu mạn; ở nơi thân, mạng, tài sản mà khởi ba pháp chắc thật; ở trong sáu niệm mà khởi pháp tư niệm; ở nơi sáu điểm hòa kính mà khởi tâm chất trực.
    • Vì chân chánh tu hành pháp thiện mà khởi tịnh mạng.
    • Vì tịnh tâm hoan hỷ mà khởi lên sự gần gũi hiền thánh trí.
    • Vì để không ghét bỏ người xấu mà khởi lên sự chế ngự tâm.
    • Vì pháp xuất gia mà khởi thâm tâm.
    • Vì  như thuyết mà hành mà khởi đa văn.
    • Vì pháp vô tránh mà phát khỏi đời sống nhàn tĩnh.
    • Vì thú hướng Phật đạo mà phát khởi đời sống độc cư.
    • Vì cởi trói chúng sanh mà phát khởi các giai đoạn tu hành.
    • Vì để được các hình tướng tốt đẹp đất Phật thanh tịnh mà phát khởi nghiệp phước đức.
    • Vì biết tâm niệm hết thảy chúng sanh để tùy nghi nói pháp mà phát khởi nghiệp của trí.
    • Vì hiểu rõ các pháp vốn không thủ cũng không xả, để thâm nhập cánh cửa nhất tướng, mà phát khởi nghiệp của huệ.
    • Vì tận diệt mọi phiền não, mọi chướng ngại và bất thiện pháp, mà phát khởi tất thảy thiện nghiệp.
    • Vì chứng nghiệm tất cả trí huệ và tất cả thiện pháp mà phát khởi các pháp trợ Phật đạo.
    • Hết thảy những điều trên, này Thiện nam tử, là Đại Hội pháp thí. Nếu Bồ tát an trú nơi Đại Hội pháp thí, đó là Đại thí chủ, và cũng là ruộng phước cho hết thảy thế gian.
  • Bạch Thế Tôn, khi Duy Ma Cật giảng pháp này xong, trong chúng Bà la môn có hai trăm người lắng nghe đã phát tâm tầm cầu Giác ngộ tối thượng. Bản thân con lúc đó cảm thấy tâm lắng đọng, thanh tịnh, tán thán là chưa từng có. Con bèn làm lễ bái tạ dưới chân ông và cởi ra vòng trân châu vô giá dâng tặng ông. Nhưng ông không nhận. Con nói:
    • Thưa cư sĩ, xin ngài nhận lấy tặng phẩm này rồi muốn sử dụng sao tùy ý. Ông lấy vòng trân châu, chia ra hai phần, cho người ăn xin tồi tàn nhất một phần; phần kia cho Đức Nan Thắng Như Lai. Hết thảy chúng hội hiện diện đều có thể nhìn thấy Nan Thắng Như Lai trong quốc độ Quang Minh.
    • Lúc ấy họ cũng thấy phía trên Đức Phật kia nửa vòng trân châu ấy biến thành đài báu trang nghiêm trên bốn cột trụ, bốn mặt đều được trang nghiêm, rõ ràng không che khuất nhau.
  • Sau thị hiện biến hóa thần kỳ này, Duy Ma Cật nói:
    • Ai bố thí cho người hành khất nghèo hèn nhất với tâm bình đẳng, là hành động không khác với phước báo của Như Lai, vì nó xuất phát từ lòng đại bi không mong đáp trả. Đó chính là viên mãn pháp thí vậy.
  • Sau khi chứng kiến thần lực và nghe giảng pháp của Duy Ma Cật, người hành khất thấp hèn nhất trong thành cũng đã phát tâm cầu Giác ngộ tối thượng. Cho nên, con không đủ năng lực đến thăm Duy Ma Cật để vấn an sức khỏe ông.

Các Bồ tát, từng mỗi vị, trình bày những lần gặp Duy Ma Cật như vậy, đều nói không có khả năng đi thăm bệnh ông.