Lược giải kinh Duy Ma Cật – Chương 9: Pháp Môn Bất Nhị
維摩詰所說經
- Published: 04 Nov 2021 22:23:39
- Modified: 31 Jul 2022 13:49:25
- Categories: Kinh Duy Ma Cật, Lược giải kinh Duy Ma Cật
- Tags: Thích Trí Quảng
Lược giải kinh Duy Ma Cật
Chương 9:
Pháp Môn Bất Nhị
Tất cả pháp được đề cập ở phần trước phẩm 8 là phương tiện để phá vọng thức hay chẻ sự hiểu biết phân biệt sai lầm của chúng ta, mà tìm cái chân thật sâu kín bên trong; chẻ cho đến tận cùng mới thấy Thiên nữ xuất hiện ở cuối phẩm “Phật Đạo”. Từ đây đưa đến kết luận phá vỡ Ngũ ấm thân mới bắt gặp chơn tâm; hay Phật dạy áng mây phiền não tan, mặt trăng Giác ngộ hiện ra. Đó là quá trình tu xóa sạch vọng thức để chơn tâm hiển hiện, quy tất cả pháp tu Nhị nguyên có trước về thế giới Nhất nguyên. Ở đây gọi là Bất Nhị Pháp môn.
Từ trước phẩm 8 thuộc thế giới Nhị nguyên, hay tương đối pháp. Theo đó, chúng ta sinh hoạt, tồn tại trong cái tương đối, chấp cái này, ghét cái kia. Thí dụ như người lớn ghét trẻ con. Theo kinh Pháp Hoa, muốn an lành đừng thân với Sa di nhỏ tuổi, đừng có chung thầy với nó. Và ngược lại trẻ con ngán ông già khó chịu. Đó là tương đối pháp.
Đến phẩm này, trở thành Bất Nhị; theo đó, đứng lập trường trẻ nhìn người già, thì nhận biết đó là tương lai của mình. Ở vị trí người già thấy trẻ, biết nó là quá khứ của mình. Hai phần trẻ và già đều là một dưới mắt chúng ta. Cho đến các loài hữu tình tuy đa nguyên đa dạng, nhưng nương Phật huệ thấy tất cả đều tiến lần về Vô thượng Đẳng giác; còn chúng ta thấy tất cả đều chui xuống nấm mồ. Về Vô thượng Đẳng giác nghĩa là về cõi sống vĩnh viễn ở Niết bàn, hoặc về cõi chết, là tùy chúng ta chọn.
Phẩm này muốn kiểm chứng toàn bộ Bồ tát tiến về Vô thượng Đẳng giác bằng cách nào, hay tu cách nào.
Ở đây chỉ đề cập đến người tu có kết quả, tiêu biểu bằng bốn mươi hai Bồ tát. Tôi cũng chưa hiểu con số bốn mươi hai này mang ý nghĩa gì, nhưng có cảm nghĩ đó là bốn mươi hai kiểu mẫu tu hành đưa hành giả đến thế giới bất tử.
Phẩm này mở đầu với bốn mươi hai vị Bồ tát trình bày trường hợp vào Phật đạo là vào cửa Bất Nhị của các ngài. Mỗi vị vào cửa đạo khác nhau và bốn mươi hai vị phát biểu về sự tu chứng đều bị Duy Ma xem như chưa đạt đến lý Bất Nhị hay quả vị Phật.
Đối trước sự lầm lỗi của các Bồ tát thượng thủ này, chúng ta tự nghĩ thân phận của mình như thế nào mà bước vào cửa Bất Nhị được.
Cảnh giới Bất Nhị hay cảnh giới chân thật của Như Lai hoàn toàn nằm ngoài ngôn ngữ phàm phu, như chúng ta sẽ thấy ngài Văn Thù trình bày ở phần sau. Tuy nhiên, muốn truyền thông tư tưởng giữa con người phàm phu của chúng ta với nhau, không còn cách nào khác hơn là sử dụng ngôn từ. Hơn nữa, chính tôi cũng chưa đạt tới trạng thái yên lặng tịch tĩnh mà có tác dụng làm mọi người giải thoát như ngài Duy Ma. Vì thế, tôi phải dùng ngôn ngữ và ngôn ngữ của tôi chắc chắn tầm thường hơn sự biểu lộ của bốn mươi hai Bồ tát. Các ngài là thượng nhân đã thể nghiệm trình độ tu chứng ở mức độ cao, vượt ngoài sự hiểu biết hạn hẹp của chúng ta. Vì vậy, phần diễn đạt vấn đề nhập cảnh giới Bất Nhị, một vấn đề trọng yếu của kinh Duy Ma, chúng tôi chỉ nhằm gợi ý để mỗi người tùy phước đức nhân duyên mà tự thâm nhập vào cảnh giới này.
Sau khi dẫn dắt đại chúng phương cách của Bồ tát quán chúng sanh như thế nào và hành Phật đạo ra sao, giúp cho đại chúng thấy được tu hành theo Phật đạo, Duy Ma hỏi lại các Bồ tát làm sao nhập Bất Nhị Pháp môn, nghĩa là tu thế nào để thành Phật. Mỗi Bồ tát diễn tả một cách vào đạo, nhưng tựu trung cách tu của bốn mươi hai vị Bồ tát này đều tìm Bất Nhị trong Nhị nguyên hay tìm tuyệt đối thể trong pháp tương đối; nghĩa là mỗi vị đều có đối tượng tu hành.
Chúng ta thực dạ tu hành cũng phải dựng lên thế giới Nhị nguyên để tu. Pháp môn tu có rất nhiều, nhưng chúng ta chỉ chọn một pháp thích hợp và khi giải thoát đều đồng nhau.
Bốn mươi hai Bồ tát đều tu pháp tương đối, ở trong tương đối quán sát sự chuyển biến của nó, để tiến đến thế giới tuyệt đối Nhất nguyên. Đa số đệ tử Phật chọn cách tu này. Thật vậy, thông thường chúng ta đến với đạo thấy hai thái cực. Một bên là thế giới an lành của Phật và một bên là thế giới đau khổ của chúng sanh.
Vì chúng ta ở địa ngục, nên ước mơ về thiên đường, đang khổ mới mong ước được an lành, đang ở thế giới nhiễm ô mới muốn về thế giới thanh tịnh. Điều này tất yếu như vậy, không có cách nào khác. Từ thế giới chúng sanh đau khổ nhiễm ô nhìn về Phật, thấy thanh tịnh an vui. Chúng ta hướng tâm về đó, từng bước quên mất khổ đau, cảm thấy an lành.
Tôi đã chứng nghiệm pháp này sâu sắc. Có những lúc cuộc sống quá khó khăn thiếu thốn, nhưng tâm tôi hướng một cách mãnh liệt về thế giới Phật an lành mà quên mất thực tế bức ngặt này. Đó là thế giới của tâm hay thế giới tinh thần hoàn toàn khác với thế giới vật chất. Tuy vật chất thiếu thốn, nhưng thế giới tâm phong phú. Thế giới tâm an lành nằm trong thế giới vật chất đau khổ. Ngược lại, có người vật chất quá dư thừa mà vẫn thấy thiếu thốn, vẫn bị đau khổ dằn vặt. Riêng Duy Ma có thân vật chất già bệnh, nhưng tinh thần của ngài rất khỏe, hoàn toàn sáng suốt.
Trên bước đường tu, chúng ta cần lưu ý nếu chỉ lo phần vật chất, không có phần tâm chứng, coi như công phu tu hành bỏ đi. Ngược lại, vật chất hao hụt, thân bệnh hoạn, mà tinh thần thanh tịnh đầy đủ, chắc chắn khi từ bỏ thân này, ta sẽ bước về thế giới Phật.
Từ thế giới Ta Bà nhìn thấy được bằng mắt, Phật chỉ cho chúng ta thế giới Phật A Di Đà ở phương Tây và thế giới Phật Vô Động ở phương Đông. Hành giả tu Pháp môn Tịnh Độ, thân ở thế giới nhiễm ô, tâm hướng về Tịnh Độ như ngài Vĩnh Gia có dạy: “Tam giới du hỏa trạch, bát đức bản thanh lương. Dục ly kham nhẫn độ, thê tâm an dưỡng hương”. Thực tế chúng ta đang sống trong thế giới Ta Bà đau khổ mà kinh Pháp Hoa diễn tả thân tâm chúng ta đang bị thiêu đốt trong Nhà lửa Tam giới. Tuy nhiên, trong thế giới đau khổ này, chúng ta còn có cách tu hướng tâm về thế giới không đau khổ, nghĩa là thân ở Ta Bà, nhưng tâm ở Tịnh Độ. Sống trong khổ nghĩ đến vui, sống trong hẩm hiu hình dung lầu các, là cách tu để quên khổ của thế gian. Chúng ta dại khờ hướng về trần gian mà cầu giải thoát, chẳng bao giờ có. Nhưng nay đặt tâm vào thế giới an tịnh, chúng ta liền được an tịnh.
Lúc trẻ tôi thường hình dung cảnh giới Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà để sống. Dù chỉ tưởng tượng cũng cảm thấy hạnh phúc thanh thản. Ở đó có ao thất bảo, nước bát công đức, nghe chim nói tiếng Phật, nghe gió reo pháp âm,… Tôi hình dung mình vào sống trong nước bát công đức nhẹ như hư không. Nằm bằng tâm nên muốn nổi thì nổi, muốn chìm tự chìm, muốn xa tự nhảy vọt. Đây là thế giới tâm đem gắn vào Cực Lạc được những cảm nhận đó. Trong bể nước bát công đức có hoa sen nổi lên, sáng như gương. Trong sen búp có Bồ tát nhỏ, Bồ tát lớn ở trong hoa sen nở và Bồ tát đứng trên gương sen; toàn là bậc thượng thiện nhân không làm mất lòng ta. Tôi cảm thấy an lành thực sự, mới hiểu được nghĩa “Thê tâm an dưỡng hương”. Nghĩa là sống trong cuộc đời mệt mỏi, chúng ta tìm được một phút giây an lành ở Tây phương Cực Lạc.
Từ khởi đầu tu, chúng ta phân rõ thế giới Nhị nguyên là hai phần tốt và xấu, Phật và chúng sanh. Như vậy, chúng ta có thân phàm, thân thánh, tâm phàm, tâm thánh. Chúng ta đứng ở thế giới này hướng về thế giới thánh thiện. Vì thế, tuy có thân phàm, nhưng tâm chúng ta đã nằm trong thế giới an lành của chư Phật.
Gá tâm nơi thế giới Phật lâu ngày, hành giả trở thành dễ thương, vì quen tiếp xúc với thượng thiện nhân nên thân khổ mà tâm an lành. Phàm tâm đã rời bỏ phàm xác chuyển thành tâm thánh, trở thành Bồ tát nhân gian, hay mẫu người thân phàm tâm thánh.
Từ tâm thánh an lành, chúng ta bắt tâm trở về thân đau khổ này. Lúc ấy, thân đau khổ đã được tâm cải tạo một phần. Vì vậy, chúng ta xả Thiền thì thân hiện hảo tướng, mắt sáng hơn, mặt vui hơn. Đó là cách tu có kết quả, thân tâm đều thăng hoa. Như vậy, trải qua quá trình tu, tâm phàm đã trở thành tâm thánh. Và tâm thánh hồi nhập lại thế giới Ta Bà nằm trong thân phàm, tạo thành thế giới phàm thánh là một, tức thế giới Bất Nhị.
Trên thực tế, chúng ta thấy rõ Đức Phật Thích Ca có một quá trình tu như vậy. Ngài cũng khởi đầu bằng thân người như chúng ta, nhưng không thích những tạm bợ này. Ngài hướng tâm tìm đạo. Trong bốn mươi chín ngày tham Thiền, Ngài bắt đầu tham quan thế giới Phật, cho xác phàm tạm nghỉ, để tâm Ngài vân du mười phương. Ngài thấy được Cực Lạc ở phương Tây, thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương Đông và tự chọn cho Ngài một Tịnh Độ.
Đêm mùng 7 rạng mùng 8 tháng Chạp, tâm thánh hồi nhập trở lại thân phàm. Tất cả sự tham lam ích kỷ xấu xa đều hiện đủ trong tâm ông thánh và đánh nhau một trận cuối cùng giữa hai tâm thánh phàm, để lột bỏ hoàn toàn tâm phàm.
Chưa đắc đạo, hành giả với ma là đồng minh. Nay từ thế giới Phật trở lại, hành giả là thánh, đương nhiên nó là ma, nên trở thành thù. Nói cho dễ hiểu, khi chúng ta xấu chơi với người xấu, cùng làm việc xấu, ta và nó là bạn. Nhưng khi chúng ta không làm ác, không chơi chung với xấu, tất yếu có vấn đề đặt ra gọi là ma, chắc chắn nó phải ghét ta.
Đức Phật đắc đạo đầu hôm chứng được Túc mạng minh. Ngài quán sát trở lại Ngũ ấm thân, thấy đủ nghiệp chướng, tức thế lực vô minh giở mọi thủ đoạn. Nhưng thực sự kẻ thù đó chính là Ngũ ấm của chúng ta, không phải ai xa lạ. Thật vậy, trước kia vì vô minh lầm tưởng Lục căn, Lục thức là “Ta” thật. Nó ở với ta lâu ngày, chiếm lĩnh toàn bộ thân ta làm cứ địa. Chúng ta phải đấu tranh với nó, một cuộc đấu tranh nội bộ giữa tham ái và tri thức.
Vì thế, chứng Túc mạng, Ngài tìm cách hóa giải thân Ngũ ấm, bắt đầu thu phục Ngũ ấm của chính mình, không làm việc gì khác. Từ thế giới thiền định, bằng Phật huệ, Ngài chiếm lại sáu cửa thành quan trọng của Ngũ ấm là sáu giác quan hay Lục căn. Và Ngài bắt đầu sử dụng Lục căn này quan sát trở lại, thấy được Túc mạng là nghiệp theo chúng ta nhiều đời. Nó mang đủ các loại hình, đủ loại tánh, từ thân người, thân trời, cho đến súc sanh, ngạ quỷ.
Sau khi đã hoàn toàn làm chủ Lục căn, đến nửa đêm, Ngài chứng Thiên nhãn minh thấy hoàn toàn khác. Đó là cách quán sát theo Phật, không phải theo chúng sanh. Kinh Pháp Hoa diễn tả là “Bất như tam giới kiến ư tam giới”.
Thiên nhãn minh, hay cái thấy của người Giác ngộ, sự vật thế nào thấy đúng như vậy, thấy rõ không sai lầm quá trình của nó từ khởi thủy đến hiện tại cho đến muôn kiếp về sau. Bấy giờ Đức Phật vẽ ra lộ trình truyền bá giáo pháp của Ngài và chương trình tu học cho mọi người. Đó là giai đoạn thứ ba, từ nửa đêm đến sao mai mọc, Ngài chứng Lậu tận minh.
Sáng mùng 8, Đức Phật hoàn toàn làm chủ bản thân, làm chủ xã hội và thiên nhiên. Không làm chủ một ngày một kiếp, nhưng làm chủ muôn đời. Còn chúng ta nay là chủ, mai bị truất quyền. Đạo Phật tồn tại hàng bao thế kỷ, nghĩa là Đức Phật làm chủ cả mấy ngàn năm, một thọ mạng dài nhất trong các vị thánh.
Chỉ trong vòng bốn mươi chín ngày ngắn ngủi tư duy dưới cội Bồ đề, Đức Phật thấy rõ quá trình diễn tiến của từng người, từng sự kiện, từng chặng đường Bồ tát phải làm gì, ở đâu. Vì vậy, người nào bước đúng lộ trình do Ngài vạch ra, đều tiến đến Vô thượng Đẳng giác.
Bốn mươi hai Bồ tát diễn tả nhiều cách khác nhau, nhưng chung quy từ Nhị nguyên phát triển khả năng, thăng hoa để nhập Bất Nhị Pháp môn, hay Nhất nguyên.
Bốn mươi hai Bồ tát trình bày đều đúng, vì các ngài đã đắc đạo. Tuy nhiên, Văn Thù sợ chúng ta chấp pháp, không được giải thoát. Ngài mới nhắc nhở chúng ta đừng chấp giữ cái đúng của mình và đem dạy mọi người để họ thấy pháp của người khác sai. Tất cả những gì Phật dạy là phương tiện. Huệ giác của Phật Thích Ca và của các nhà truyền giáo đều đúng, nhưng sinh hoạt tất yếu phải khác.
Hành giả theo giáo nghĩa Đại thừa là theo Văn Thù hay theo cách sống của Phật, không lập y lời Phật. Dưới kiến giải của Duy Ma, sống theo Phật nghĩa là người đời sống thế nào, hành giả sống y hệt như họ; nếu khác, sẽ trở thành đối lập. Điều này gợi cho chúng ta ý thức đừng tạo mẫu hình cố định ràng buộc làm chúng ta khổ. Triển khai tư tưởng này, Phật giáo Đại thừa không theo hình thức, nhưng chủ yếu phát huy đạo đức và trí huệ để thuyết phục người. Đức Phật cũng e ngại chúng ta mắc bệnh chấp pháp, trở thành sai lầm. Thể hiện ý này, kinh Văn Thù xác định rằng trong bốn mươi chín năm, Phật chưa nói lời nào.
Về vấn đề này, tôi nhận thấy một số chùa không cho Tăng trẻ đi học, sợ học giỏi không tu nữa. Đây là quan niệm nguy hiểm. Như vậy hóa ra đạo Phật làm cho người trở thành ngu dốt hay sao. Theo tôi, phải khuyến khích người phát triển, dùng trí khôn xử trí theo Phật. Trí khôn là tùy cơ ứng biến. Kinh Pháp Hoa diễn tả rằng Phật dùng vô số phương tiện thuyết pháp lợi ích cho chúng sanh, không nên ở trong khuôn cứng nhắc sẽ thủ tiêu trí khôn.
Đức Phật chứng Lậu tận minh phác họa con đường sáng cho chúng ta phát triển. Theo tinh thần này, giáo nghĩa Đại thừa vô cùng tận, trí Bát Nhã được diễn dịch qua biết bao nhiêu sách vở.
Trở lại vấn đề Văn Thù luận bàn về pháp tu của bốn mươi hai Bồ tát. Theo ngài, sự tu chứng của bốn mươi hai Bồ tát còn thuộc pháp tương đối, nằm trong vòng đối đãi thiện ác, phải trái, nhơ sạch, động tịnh, tội phước, hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi, sắc không, minh vô minh, ngã vô ngã, sanh tử Niết bàn,… Và hai cái đối sau cùng là thế gian và xuất thế gian. Trong xuất thế gian cũng có Tam thừa và Phật thừa đối nhau.
Ở giai đoạn đầu, thực hành pháp tương đối, ta phân ra hai phần rõ rệt là ta làm lành và người làm ác, ta là thánh và người là phàm, ta giỏi và người dở.
Khi có quan niệm ta tốt người xấu, ta sẽ sanh ý niệm ghét người và khinh người. Nghĩa là từ đây đã sanh ra trong ta hai tâm xấu là ghét người và khinh người. Dù người có xấu, có dở thật chăng nữa, họ vẫn trở thành đối tượng thù nghịch của ta. Khi cái dở và xấu của người phát huy trong tâm ta càng cao, thì mặt đối tượng thù nghịch càng tăng trưởng. Như vậy, cái tốt của ta là cái tốt tương đối, được Văn Thù ví như hoa sen mọc trong bùn, vì có người xấu ta mới ngát hương.
Trên bước đường tu phàm thánh phân minh hay thế giới Nhị nguyên tồn tại, đối với chúng ta là điều tất yếu. Thật vậy, trước mắt người trí luôn luôn hiện hữu phải trái tốt xấu. Và chắc chắn ta sẽ chọn điều tốt, điều phải. Từ đó cứ tiến dần đến một lúc chúng ta bị lệch đường. Bấy giờ, làm thiện càng nhiều, ta thấy cuộc đời càng ác gấp bội. Đứng bên này cái tốt nhìn qua thái cực xấu kia, ta bực không nhịn được. Hoặc ta thẳng tay với người ác hoặc ta khiếp sợ nó, sanh tâm chán nản đến độ buông xuôi, để nó hại ta. Vì vậy, mặt đối nghịch càng lớn khi ta càng đi xa trên con đường giải thoát theo mô hình phân biệt phải trái này.
Đức Phật thuyết kinh Duy Ma để phá vỡ Kiến chấp thiện ấy và nhắc nhở chúng ta đừng cho lòng ác tăng trưởng theo việc làm thiện. Trong thế giới tâm thức, ta thấy rõ điều này. Khi chưa tu, thiên hạ giết người, ta cũng giết người. Thiên hạ giả dối, ta cũng giả dối. Nhưng ta điều chỉnh mình trở thành tốt. Lúc ấy, cái xấu của người sẽ trở thành đối nghịch với ta. Ta thánh thiện để tạo thành sự tương phản ác lớn hơn, là tu sai pháp.
Từ đó, Đức Phật mới đặt vấn đề hành phi đạo tức thông đạt Phật đạo, để chúng ta hóa giải thánh thiện của chúng ta; nghĩa là cởi bỏ phần thánh thiện trong tâm, tạo thế giữa ta và ác không căng thẳng, không đập mạnh vào tâm ta nữa. Không vì sự thánh thiện của ta mà thấy người ác. Không thấy họ ác, thì cái thiện của ta mới trở thành thiện độc nhất, hay độc thiện.
Khởi đầu tu có thiện ác đối nhau và tiến đến phá bỏ cái ác đối lập với thiện. Làm cho thiện không có đối nghịch ác, mới thông đạt Phật đạo. Từ đó, đi suốt cuộc đời với cái nhìn sáng suốt và giải quyết việc không theo quyết định cái thiện chủ quan của mình.
Từ góc độ nhìn của Bồ tát thông đạt Phật đạo thấy khác, không thông đạt làm việc trong thế đối lập. Ngược lại, thông đạt làm việc trong thế hòa giải, càng làm việc thiện càng dìu dắt theo nhiều người cùng làm thiện với mình. Không phải càng làm thiện càng tạo thế đối lập, chống đối. Điển hình như tiền thân Phật hành Bồ tát đạo, Ngài giết tên cướp để cứu năm trăm lái buôn. Ngài đã hóa độ được năm trăm người này và cả tên cướp trở thành Bồ tát bất thoái chuyển. Đây là mẫu tiêu biểu cao nhất mà Đức Phật đã thể hiện tinh thần hành phi đạo tức thông đạt Phật đạo.
Không đạt đến sự chứng ngộ này, chúng ta vẫn là chúng sanh đứng ở lập trường sanh tử giáo hóa chúng sanh sanh tử, thì chỉ là việc vô ích.
Bồ tát quán sát chúng sanh dưới dạng thể tánh đồng với Phật mà kinh Hoa Nghiêm đưa đến kiến giải cao nhất, theo đó không có gì không phải là Phật mới thực là Phật. Vì nếu không có chúng sanh, Phật cũng không tồn tại, chúng sanh bị triệt tiêu thì Phật cũng mất.
Dưới góc độ này, Duy Ma xác định việc làm phi đạo của Bồ tát mới thông đạt Phật đạo, nhằm mục đích phá bỏ sự hạn hẹp cục bộ của những người chấp pháp. Hành phi đạo nghĩa là không theo mẫu cố định có sẵn. Thí dụ như chư Tăng ở thành Tỳ Xá Ly xây chùa, giữ tiền bị Da Xá cho là phi đạo. Nhưng sự phi đạo này, dưới mắt Phật giáo Đại Thừa, là Phật đạo; vì nó đóng góp cho nhân sanh được lợi lạc, giúp cho đạo Phật tồn tại, phát triển.
Phi đạo được Bồ tát đem ứng dụng tùy chỗ, tùy thời, có lợi ích khác nhau, không phải theo một khuôn mẫu cố định, mà có nhiều mô hình khác nhau. Nghĩa là trở lại thuyết tương đối thì cái này có cái kia có, cái này sanh cái kia sanh. Bồ tát kết hợp hai phần thuận và nghịch đối nhau để hành đạo.
Bồ tát hành đạo trên lập trường Bất Nhị Pháp môn, tùy theo yêu cầu mà giải quyết. Gặp hoàn cảnh thuận tốt, ngài vận dụng pháp thuận để làm. Gặp nghịch cảnh, ngài nương theo pháp đối nghịch tu tập giáo hóa. Bồ tát sống trên cuộc đời không bị đời làm ô nhiễm. Ngài cỡi thuyền Bát Nhã, lướt trên sóng phiền não, dùng trí huệ soi rọi vào đời mà lướt đi nhẹ nhàng, ngược xuôi trên dòng thuận nghịch của sanh tử.
Bốn mươi hai Bồ tát tiêu biểu đều khởi tu từ pháp tương đối, làm thiện tránh ác. Nhưng sang giai đoạn hai, không tránh ác, mà hóa giải được ác, nên có thêm một Bồ tát đồng hành làm pháp lữ. Cũng vậy, trên bước đường tu, chúng ta bắt đầu thực hiện từng pháp tương đối, dẫn đến thể hiện Thập thiện đạo, 37 Phẩm trợ đạo, Lục độ Ba la mật. Tuy làm những việc thuần thiện, nhưng hoàn toàn xả bỏ tâm chấp thiện chấp ác. Không có gì tồn tại trong lòng để tâm hồn hoàn toàn giải thoát, bước vào cảnh giới Bất Nhị, mới thực sự tác động cho người thánh thiện.
Tóm lại, trên dòng sanh diệt của cuộc đời, luôn luôn có hai pháp đối nghịch. Bồ tát thông đạt Phật đạo rồi, nhập Bất Nhị Pháp môn, không còn vướng mắc trong thiện ác. Bồ tát đã thoát vòng tương đối để đi vào tuyệt đối, trở về bản thể sự vật mà Bát Nhã gọi là “Bát Bất” thuộc chặng đường sau cùng của lộ trình Bồ tát. Đó cũng là ý chính của phẩm này.
Văn Thù kết thúc bốn mươi hai ý kiến của các Bồ tát rằng Bất Nhị Pháp môn là pháp tuyệt đối của Bồ tát. Không thể lý luận, không tranh cãi được và cũng không chỉ dạy được pháp này. Người nào tự chứng nghiệm sẽ biết hương vị giải thoát như các Bồ tát trình bày.
Văn Thù không phủ nhận thuyết của bốn mươi hai Bồ tát là sai. Ngài khuyên chúng ta làm tất cả mọi việc như bốn mươi hai Bồ tát đã làm, nhưng không được để vướng mắc trong trường hợp nào. Vì đạo Bồ tát chẳng những xa rời ngôn ngữ, mà còn không có phạm trù.
Bốn mươi hai sở đắc của Bồ tát trình bày là bốn mươi hai dị kiến. Mỗi vị chỉ hiểu một khía cạnh riêng; trong khi chân lý tròn đầy tự sáng, khỏi cần nhờ ai bênh vực, bào chữa. Vì vậy, Duy Ma lặng thinh không nói, mà Duy Ma vẫn tiêu biểu cho sự sống trên nhân gian, làm được tất cả và được mọi người kính trọng.
Bốn mươi hai kiến giải của Bồ tát là bốn mươi hai phương cách, bốn mươi hai con đường dẫn đến thế giới Bất Nhị lặng thinh. Nếu bỏ bốn mươi hai cách này, hành giả cũng không thể bước vào thế giới Bất Nhị.
Cánh cửa Bất Nhị mở ra cho hành giả thấy rõ Đạo không phải là Chân đế của hàng Thanh văn, cũng không phải là Tục đế của hàng phàm phu thế tục. Những bộ kinh trước kinh Duy Ma ca ngợi đạo xuất thế của Thanh văn tu không dính líu cuộc đời mới thực sự là chân đạo. Nhưng kinh Duy Ma phủ nhận chân đạo của Thanh văn và lập luận đảo ngược lại, lấy pháp tu xả thân vào đời làm lợi ích cho chúng sanh.
Tuy nhiên đến phẩm này, Duy Ma đưa ra pháp Bất Nhị để giải thích con đường Trung đạo nhằm giúp cho hành giả khỏi hiểu lầm pháp tu của Thanh văn. Đừng nghĩ rằng pháp Thanh văn không ích lợi cho đời, để rồi chúng ta chống lại thánh đạo và thế tục hóa đạo Phật.
Bất Nhị Pháp môn của Duy Ma đưa ra là mô hình Phật đạo để phá bỏ thế giới Nhị nguyên đối đãi và đưa đến con đường Nhị đế dung thông. Thật vậy, hành giả hành đạo trên thế gian làm lợi lạc cho chúng sanh, vẫn không rời bản vị giải thoát của mình. Bấy giờ, thánh phàm, hữu tình vô tình, hữu vi vô vi,… tất cả sự vật trên cuộc đời, không có gì mà Bồ tát không thông đạt, không tác dụng lợi ích.
Bồ tát ảnh hưởng tốt cho tất cả loài chúng sanh, chứng tỏ Bồ tát có làm, nhưng không tồn tại việc làm trong tâm Bồ tát và việc làm này cũng không thể giải thích cho người biết. Tác dụng của Bồ tát vào sáu đường chúng sanh làm cho họ giải thoát. Tuy nhiên, những chúng sanh này cũng không kẹt trong tâm Bồ tát, nên gọi là rời hý luận. Hý luận để hiểu còn nằm trong tương đối pháp, không phải là Bồ tát độc thiện.
Bồ tát làm được tất cả, nhưng không ai có thể hiểu được sự thể nhập cửa Bất Nhị của Bồ tát. Cảnh giới Bất Nhị thuộc tuyệt đối thể, Thiền gọi là ly văn tự, ly ngôn thuyết, ly tâm duyên. Kinh Pháp Hoa cũng thể hiện ý này rằng “Các pháp tướng thường tự vắng lặng, Bồ tát hành đạo sẽ thành Phật”.
Văn Thù hỏi tiếp Duy Ma vào Bất Nhị bằng cách nào. Duy Ma hoàn toàn yên lặng, từ thái độ cho đến trạng thái nội tâm và được Văn Thù tán thán tuyệt diệu. Các Bồ tát giải thích đủ cách, không được Văn Thù chấp nhận.
Tuy Duy Ma lặng thinh, nhưng tác động vào tâm thánh chúng không ít, khiến họ hiểu được việc làm của Duy Ma tại thành Tỳ Xá Ly. Chúng ta lặng thinh, thân không động mà dòng tư duy vẫn diễn biến không ngừng. Điển hình như trường hợp Phật Ấn chỉnh Tô Đông Pha về cái gọi là không động tâm của ông. Tô Đông Pha tự cho rằng ông không động tâm trước tám việc của thế gian như yêu thương, ghét bỏ, buồn vui, mừng giận, khen chê,… nên thốt lên câu đầy tự hào rằng:
Bát phong xuy bất động
Tuy nhiên, ngài Phật Ấn thấy được sự động loạn biến chuyển tận trong tâm của Tô Đông Pha nên cảnh giác ông bằng hai câu:
Hữu phong bất động, vô phong động
Bất động vô phong, động hữu phong
Khi có phong trần bên ngoài tác động mà ta nói rằng ta không động, ta biết ta không động là đã động rồi. Và tệ hơn nữa, không có gió bên ngoài tác động, không có người nói, mà tâm ta vẫn động. Sự khởi niệm động tâm này tràn ngập trong lòng, vì ý thức có trước, cảnh vật mới tùy đó sanh. Động từ gốc, từ trong tâm, nên cảnh mới hiện. Sự việc đến với ta là tự biết gió nghiệp ta có. Nghiệp bên trong thôi thúc làm cho cảnh hiện lên.
Sự lặng thinh của Duy Ma tiêu biểu cho sự yên lặng như Chánh pháp. Ngài hoàn toàn yên lặng, không có khởi niệm mà mọi vật đều chịu sự tác động của ngài. Bồ tát đến dự hội thâm nhập vào sự lặng thinh tịch tĩnh của Duy Ma, cũng đạt được Vô sanh Pháp nhẫn.
Bồ tát an trụ trong tuyệt đối thể, vẫn thể hiện đầy đủ lợi ích trên sanh diệt môn, nhưng không bị vướng mắc điều gì trong tâm. Các ngài tự tại ra vào cảnh giới Bất Nhị tùy theo bản nguyện và yêu cầu của chúng sanh.
Hòa thượng Thích Trí Quảng (1938~)