Skip to content

Kinh Duy Ma Cật chương 1: Quốc Độ Phật

維摩詰所說經

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh – Tập 14 – Số 475 (Kinh Tập Bộ)
Vimalakirti Nirdesa Sutra – 維摩詰所說經 – Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh
Nước Trung Hoa – triều Hậu Tần (384~417) thời kỳ Ngũ Hồ Thập Lục Quốc
Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập (344~413) Hán dịch từ Phạn văn năm 406
Tham chiếu Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh của ngài Huyền Trang (602~664)
Tỳ kheo Thích Tuệ Sỹ (1943~2023) Việt dịch từ Hán văn
Nhà xuất bản Phương Đông xuất bản năm 2008
daithua.com biên tập năm 2020

Chương 1:

QUỐC ĐỘ PHẬT


Tôi nghe như vậy.

Một thời, Phật ở trong vườn Am La trong thành Tỳ Xá Ly cùng với đại chúng gồm 8000 Tỳ kheo, 32000 Bồ tát, là những vị được mọi người biết đến, đã thành tựu Đại trí và bản hạnh, đã được xác lập bởi oai thần của chư Phật, là thành trì hộ pháp, thọ trì Chánh pháp, có khả năng cất tiếng rống của sư tử vang dội khắp mười phương, là những người bạn không đợi mời gọi của mọi người, đem an lạc đến cho mọi người, kế thừa và làm rạng rỡ Tam bảo không để đoạn tuyệt, hàng phục các ma oán, chế ngự các tà đạo; đã hoàn toàn thanh tịnh; vĩnh viễn lìa các cái và triền; tâm thường an trụ nơi giải thoát vô ngại; có niệm, định, tổng trì, biện tài không gián đoạn; bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, định và huệ, cùng năng lực của phương tiện, tất cả đều được thành tựu; đạt đến pháp nhẫn bất khởi vốn vô sở đắc.

Các ngài có thể tùy thuận mà quay bánh xe bất thối chuyển; có năng lực giải thích mọi hiện tượng; biết rõ căn tánh của mọi chúng sanh, bao trùm cả đại chúng mà đắc pháp vô úy.

Các ngài tu dưỡng tâm bằng công đức và trí huệ, lấy đó điểm trang cho thân tướng thù thắng, vứt bỏ mọi thứ trang sức trần gian. Thanh danh lồng lộng của các ngài cao hơn núi Tu Di. Tín tâm của các ngài thâm sâu kiên cố như kim cang. Bảo vật Chánh pháp của các ngài lấp lánh soi rọi, và tuôn xuống những trận mưa cam lộ. Âm thanh của các ngài vi diệu bậc nhất trong mọi thứ âm thanh.

Các ngài thâm nhập duyên khởi, đoạn trừ các tà kiến, hoàn toàn thoát ly mọi đối đãi nhị nguyên, không còn tập khí tàn dư.

Các ngài tuyên dương Chánh pháp một cách không sợ hãi như sư tử gầm rống; những điều được thuyết giảng vang dội như sấm. Không thể đánh giá các ngài vì các ngài vượt ngoài mọi giá trị nhân gian.

Các ngài tích lũy kho tàng Chánh pháp như những thuyền trưởng tài ba thu hoạch ở biển cả.

Các ngài tinh thông yếu nghĩa của các pháp; hiểu rõ căn cảnh của chúng sanh, chỗ đi và chỗ đến của chúng cũng như các sở hành của tâm tư của chúng.

Các ngài đã đạt gần trí huệ tự tại của chư Phật, sở đắc Thập lực, Vô úy, và Thập bát Bất cộng pháp. Tuy đã đóng chặt cánh cửa dẫn xuống các cõi bất hạnh, các ngài vẫn hiện thân trong năm đường làm vị đại lương y để điều trị các thứ bịnh, theo bịnh mà cho thuốc khiến cho bình phục; thành tựu vô biên công đức, trang hoàng vô lượng cảnh giới chư Phật. Mỗi chúng sanh đều được lợi ích lớn khi nhìn thấy và được nghe các ngài, vì hành vi của các ngài đều không vô ích.

Các ngài đã thành tựu đầy đủ công đức như vậy.

Danh xưng của các ngài là: Đẳng Quán Bồ tát, Bất Đẳng Quán Bồ tát, Đẳng Bất Đẳng Quán Bồ tát, Định Tự Tại Vương Bồ tát, Pháp Tự Tại Vương Bồ tát, Pháp Tướng Bồ tát, Quang Tướng Bồ tát, Quang Nghiêm Bồ tát, Đại Nghiêm Bồ tát, Bảo Tích Bồ tát, Biện Tích Bồ tát, Bảo Thủ Bồ tát, Bảo Ấn Thủ Bồ tát, Thường Cử Thủ Bồ tát, Thường Hạ Thủ Bồ tát, Thường Thảm Bồ tát, Hỷ Căn Bồ tát, Hỷ Vương Bồ tát, Biện Âm Bồ tát, Hư Không Tạng Bồ tát, Chấp Bảo Cự Bồ tát, Bảo Dõng Bồ tát, Bảo Kiến Bồ tát, Đế Võng Bồ tát, Minh Võng Bồ tát, Vô Duyên Quán Bồ tát, Huệ Tích Bồ tát, Bảo Thắng Bồ tát, Thiên Vương Bồ tát, Hoại Ma Bồ tát, Điện Đức Bồ tát, Tự Tại Vương Bồ tát, Công Đức Tướng Nghiêm Bồ tát, Sư Tử Hống Bồ tát, Lôi Âm Bồ tát, Sơn Tướng Kích Âm Bồ tát, Hương Tượng Bồ tát, Bạch Hương Tượng Bồ tát, Thường Tinh Tấn Bồ tát, Bất Hưu Tức Bồ tát, Diệu Sanh Bồ tát, Hoa Nghiêm Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đắc Đại Thế Bồ tát, Phạm Võng Bồ tát, Bảo Trượng Bồ tát, Vô Thắng Bồ tát, Nghiêm Độ Bồ tát, Kim Kế Bồ tát, Châu Kế Bồ tát, Di Lặc Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử Bồ tát. Cả thảy là 32000 vị như vậy.

Ngoài ra còn có 10000 Phạm Thiên, như Đại Phạm Thiên Thi Khí, từ bốn thiên hạ về chỗ Phật để nghe pháp.

Có 12000 Thiên đế khắp bốn phương về dự hội.

Và chư Quỷ thần đại oai lực, Long thần, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la và Ma hầu la dà cũng về dự.

Về dự hội còn có nhiều Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di.

Bấy giờ Phật nói pháp cho vô lượng trăm nghìn đại chúng đang cung kính vây quanh Ngài. Như ngọn núi Tu Di nổi lên giữa đại dương, Phật ngồi ung dung trên bảo tòa sư tử, chói lọi che trùm tất cả các đại chúng đang đến.

Lúc bấy giờ con trai của một vị trưởng giả, tên Bảo Tích, cùng với năm trăm người con của các trưởng giả khác, cầm năm trăm tàn lọng được trang hoàng bằng bảy loại ngọc quí, đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ sát chân Phật, rồi dâng tất cả tàn lọng ấy cúng dường Phật. Phật đã dùng thần lực siêu việt gom hết số tàn lọng đó làm thành một cái duy nhất che rợp cả Tam thiên Đại thiên thế giới. Chiều kích dài rộng của các thế giới này thảy đều ánh hiện trong đó. Và trong Tam thiên Đại thiên thế giới này, hết thảy núi Tu Di, núi Tuyết Sơn, núi Mục Chân Lân Đà, núi Ma Ha Mục Chân Lân Đà, núi Hương, núi Bảo, núi Hắc, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, cùng với biển, sông, suối, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, cung điện chư thiên, cung điện các rồng, tất cả đều ánh hiện trong lọng báu. Và khắp trong mười phương chư Phật, và chư Phật đang thuyết pháp, cũng thảy đều ánh hiện trong đó.

Khi đại chúng được chứng kiến thần lực của Phật, đều tán dương sự kiện hy hữu chưa từng thấy, cùng chắp tay lễ Phật và chiêm ngưỡng tôn nhan không rời mắt.

Rồi thì, Bảo Tích, con trai của trưởng giả, đến trước Phật, đọc bài kệ ca ngợi:

Con kính đảnh lễ Ngài,
Vị dẫn đạo chúng sanh bằng con đường tịch tĩnh.
Mắt trong vắt, dài rộng như sen xanh;
Tâm tịnh, đã vượt các thiền định;
Lâu dài tích chứa nghiệp tịnh,
Danh xưng không thể lường;
Đã thấy đại thánh, bằng thần biến,
Hiện khắp mười phương vô lượng cõi;
Trong đó, chư Phật diễn nói pháp;
Hết thảy hội chúng đều thấy nghe.
Pháp lực của đấng pháp vương vượt thắng hết.
Thường đem tài sản pháp ban cho tất cả;
Khéo hay phân biệt các pháp tướng,
Mà đệ nhất nghĩa chẳng dao động.
Đã được tự tại trong các pháp
Nên con đảnh lễ pháp vương này.
Không nói pháp hữu, cũng không phi hiện hữu;
Bởi do nhân duyên các pháp sanh.
Vô ngã, không tạo tác, không người thọ báo.
Nhưng nghiệp thiện ác không hề mất.
Dưới cội Bồ đề bắt đầu đánh bại ma,
Được cam lộ diệt, thành giác đạo.
Đã không tâm ý, không thọ hành,
Mà lại chiết phục các ngoại đạo.
Ba lần Chuyển luân trong Đại thiên;
Pháp luân bản lai thường thanh tịnh,
Trời, người đắc đạo, do đây chứng;
Tam bảo do đó hiện thế gian.
Bằng pháp mầu này cứu chúng sanh;
Đã thọ, không thối, thường tịch nhiên.
Là bậc đại y vương diệt trừ lão, bịnh, tử.
Con đảnh lễ công đức vô biên của biển pháp.
Chê, khen chẳng động, như Tu Di;
Lòng từ trải rộng cho người hiền lẫn kẻ ác.
Tâm hành bình đẳng như hư không,
Ai nghe mà không kính phục con người cao quý này?
Nay dâng Thế Tôn lọng hèn mọn,
Trong đó, ánh hiện cho con Tam thiên giới;
Với cung điện trời, rồng, quỷ thần,
Càn thát bà lẫn của Dạ xoa;
Và hết thảy mọi vật trên thế gian.
Đấng Thập lực từ tâm hiện biến hoá;
Đại chúng thấy việc hy hữu, tán thán Phật.
Nay con đảnh lễ đấng Chí Tôn trong ba cõi.
Đại chúng quy ngưỡng Đại Pháp vương,
Tâm tịnh, quán Phật, ai cũng vui.
Mỗi người tự thấy Phật trước mặt;
Ấy do thần lực pháp Bất cộng.
Phật bằng một âm diễn thuyết pháp;
Chúng sanh tùy loại đều hiểu được;
Đều nói Thế Tôn cùng tiếng của mình;
Ấy do thần lực pháp Bất cộng.
Phật bằng một âm diễn thuyết pháp;
Chúng sanh mỗi mỗi theo chỗ hiểu,
Đều được thọ hành, đại lợi ích;
Ấy do thần lực pháp Bất cộng.
Phật bằng một âm diễn thuyết pháp;
Có kẻ nghe sợ, có kẻ vui,
Có kẻ chán bỏ, kẻ hết nghi;
Ấy do thần lực pháp Bất cộng.
Cúi lạy đấng Thập lực, Đại tinh tấn;
Cúi lạy đấng đã đạt Vô sở uý;
Đảnh lễ bậc trụ pháp Bất cộng;
Đảnh lễ đại đạo sư của tất cả;
Đảnh lễ đấng dứt mọi trói buộc;
Đảnh lễ đấng đến bờ bên kia;
Đảnh lễ đấng cứu độ thế gian;
Đảnh lễ đấng thoát vòng sanh tử.
Biết lẽ đến, đi của chúng sanh,
Thâm nhập vạn pháp, được giải thoát,
Không vướng thế gian, như hoa sen,
Thường khéo thâm nhập hạnh không tịch,
Thấu đạt pháp tướng không trở ngại;
Cúi lạy đáng vô sở y như hư không.

Đọc kệ xong, Bảo Tích thưa với Phật:

  • Bạch Thế Tôn, năm trăm người con của các trưởng giả này đã phát tâm tầm cầu Giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nguyện được nghe sự thanh tịnh của quốc độ Phật. Xin Thế Tôn chỉ dạy chúng con những việc làm của Bồ tát dẫn đến quốc độ thanh tịnh.

Phật bảo:

  • Lành thay, Bảo Tích! Con đã vì chư Bồ tát hỏi những việc làm vì quốc độ thanh tịnh của Như Lai. Hãy lắng nghe và suy nghĩ. Ta sẽ nói cho con nghe.

Bảo Tích và năm trăm thanh niên trưởng giả chăm chú nghe. Phật dạy:

  • Bảo Tích, loại của chúng sanh là quốc độ Phật của Bồ tát. 
  • Vì sao như vậy? Vì Bồ tát tùy theo loại chúng sanh được giáo hoá mà tiếp nhận quốc độ Phật; tuỳ theo loại chúng sanh được điều phục mà tiếp nhận quốc độ Phật; tuỳ theo loại quốc độ nào thích hợp để chúng sanh thâm nhập trí của Phật mà tiếp nhận quốc độ Phật; tuỳ theo loại quốc độ nào thích hợp để chúng sanh làm chỗi dậy căn tánh của Bồ tát mà tiếp nhận quốc độ Phật. 
  • Là vì sao? Vì Bồ tát tiếp nhận quốc độ thanh tịnh chỉ vì lợi ích của chúng sanh. Ví như một người có thể xây dựng đền đài nhà cửa trên khoảng đất trống, tuỳ ý không trở ngại; nhưng không thể xây dựng như vậy ở giữa hư không. Cũng vậy, Bồ tát vì muốn thành tựu chúng sanh mà ước nguyện tiếp nhận quốc độ Phật. Ước nguyện tiếp nhận quốc độ Phật không thể tìm thấy giữa hư không.
  • Bảo Tích, con nên biết, trực tâm là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh không dua vạy sẽ tái sanh vào đó.
  • Thâm tâm là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh nào có đủ đầy công đức sẽ tái sanh vào đó.
  • Bồ đề tâm là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, hết thảy chúng sanh tầm cầu Đại thừa sẽ tái sanh vào cõi đó.
  • Bố thí là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh nào có thể ban phát sẽ tái sanh vào đó.
  • Trì giới là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh tu hành mãn nguyện mười thiện nghiệp đạo sẽ tái sanh vào đó.
  • Nhẫn nhục là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh nào trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt sẽ tái sanh vào đó.
  • Tinh tấn là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh nào cần mẫn thực hiện mọi công đức sẽ tái sanh vào đó.
  • Thiền định là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh nào nhiếp tâm không tán loạn sẽ tái sanh vào đó.
  • Trí huệ là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh chánh định sẽ tái sanh vào đó.
  • Tứ vô lượng tâm là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh nào thành tựu từ, bi, hỷ, xả sẽ tái sanh vào đó.
  • Tứ nhiếp pháp là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh nào được nhiếp phục bởi giải thoát sẽ tái sanh vào đó.
  • Phương tiện là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh nào biết diệu dụng phương tiện một cách vô ngại đối với hết thảy các pháp sẽ tái sanh vào đó.
  • 37 Trợ đạo phẩm là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh có đủ niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn, giác chi, và chánh đạo, sẽ tái sanh vào đó.
  • Tâm hồi hướng là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, quốc độ sẽ trang nghiêm đầy đủ công đức cao quí.
  • Diễn thuyết để diệt trừ tám nạn là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, quốc độ sẽ không ba ác, tám nạn.
  • Tự mình giữ giới, không phê bình người phá giới là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, quốc độ không nghe danh từ phạm cấm.
  • Thập thiện là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, sẽ không yểu mạng, sẽ giàu có, cuộc sống phạm hạnh, nói lời chân xác, ngôn ngữ dịu dàng, quyến thuộc không ly tán vì khéo hòa giải tranh chấp; lời nói tất lợi lạc cho người, không đố kỵ, sân hận, giữ gìn chánh kiến, sẽ tái sanh vào đó.
  • Như vậy, Bảo Tích, tùy theo trực tâm ấy mà Bồ tát mới có thể phát khởi hành.
    • Tùy theo sự phát khởi hành mà được thâm tâm. 
    • Tùy theo thâm tâm mà ý được điều phục. 
    • Tùy theo sự điều phục ý mà hành được như thuyết. 
    • Tùy theo hành như thuyết mà có thể hồi hướng. 
    • Tùy theo hồi hướng như vậy mà có thể diệu dụng các phương tiện. 
    • Tùy theo phương tiện thích hợp thành tựu chúng sanh. 
    • Tùy theo sự thành tựu chúng sanh mà quốc độ Phật thanh tịnh. 
    • Tùy theo sự thanh tịnh của quốc độ mà thuyết pháp thanh tịnh. 
    • Tuỳ theo sự thuyết pháp thanh tịnh mà trí huệ thanh tịnh. 
    • Tùy theo trí huệ thanh tịnh mà tâm thanh tịnh. 
    • Tùy theo tâm thanh tịnh mà hết thảy công đức đều thanh tịnh.
  • Cho nên, Bảo Tích, nếu Bồ tát muốn làm thanh tịnh quốc độ, hãy làm thanh tịnh tự tâm. Tùy theo tâm tịnh mà Phật độ tịnh.

Bấy giờ, nương theo oai thần của Phật, Xá Lợi Phất chợt nghĩ: 

  • Khi tâm của Bồ tát thanh tịnh thì quốc độ Phật thanh tịnh. Vậy há tâm của Đức Thế Tôn không thanh tịnh hay sao mà quốc độ Phật này chẳng hề thanh tịnh?

Phật biết ý nghĩ ấy, nói với Xá Lợi Phất:

  • Ý ngươi nghĩ sao, mặt trời, mặt trăng há không tịnh chăng khi người mù chẳng thấy chúng sáng?

Xá Lợi Phất đáp:

  • Bạch Thế Tôn, đó là tại lỗi của người mù chứ không phải tại mặt trời mặt trăng không sáng.

Phật nói:

  • Này Xá Lợi Phất, do bởi tội của chúng sanh nên không thấy vẻ trang nghiêm thanh tịnh của quốc độ Phật; đó không phải do lỗi của Như Lai. Xá Lợi Phất, cõi đất này của Ta thanh tịnh nhưng ngươi không nhận thấy đó thôi.

Khi ấy, Phạm Thiên Loa Kế nói với Xá Lợi Phất:

  • Chớ nghĩ rằng quốc độ này không thanh tịnh. 
  • Vì sao? Vì tôi thấy quốc độ Phật Thích Ca thanh tịnh, chẳng khác gì cung điện của trời Tự Tại.

Xá Lợi Phất bảo:

  • Tôi thấy cõi này nào là gò nỗng, hầm hố, chông gai, toàn đất và đá; cái gì cũng nhơ bẩn.

Phạm Thiên bảo:

  • Là vì tâm của nhân giả có thấp có cao, chưa y theo huệ của Phật, nên thấy cõi đất này bất tịnh. 
  • Xá Lợi Phất, vì Bồ tát bình đẳng với hết thảy chúng sanh, thâm tâm thanh tịnh, nương theo trí huệ của Phật, nên có thể nhìn thấy cõi Phật này thanh tịnh.

Bấy giờ, Phật ấn ngón chân của Ngài xuống đất. Tam thiên Đại thiên thế giới bỗng hóa rực rỡ với muôn vàn châu báu quí hiếm, trang nghiêm như cõi Tịnh Độ của Phật Bảo Trang Nghiêm, được trang hoàng bằng vô lượng công đức mà hội chúng ca ngợi là chưa từng thấy. Hơn nữa, mọi người đều thấy mình được ngồi trên một tòa sen lộng lẫy.

Phật nói với Xá Lợi Phất:

  • Hãy quán sát vẻ thuần tịnh trang nghiêm của quốc độ này.

Xá Lợi Phất thưa:

  • Bạch Thế Tôn, con chưa từng thấy và nghe về đất Phật thanh tịnh trang nghiêm như vầy.

Phật nói:

  • Cõi Phật này của Ta thường thanh tịnh như vậy. 
  • Nhưng hiển hiện các thứ xấu xa uế tạp là để dẫn dắt những người căn trí thấp kém. Cũng giống như thức ăn của chư thiên có muôn màu hiển hiện tùy theo công đức của người ăn. 
  • Cho nên, Xá Lợi Phất, người có tâm thanh tịnh sẽ thấy đất này thanh tịnh.

Khi Phật hiển hiện toàn vẻ trang nghiêm thanh tịnh của quốc độ này, năm trăm người con của các trưởng giả cùng đi với Bảo Tích chứng Vô sanh Pháp nhẫn, và 84000 người phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật thâu lại thần túc, tức thì thế giới trở về hiện trạng cũ. 32000 chư thiên và người từng mong cầu quả vị Thanh văn, thấy rõ tánh vô thường của các pháp hữu vi, dứt lìa những cáu bẩn trần lao, được sự minh tịnh của con mắt pháp. 8000 Tỳ kheo không còn chấp thủ các pháp, dứt sạch các lậu, được giải thoát.