Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Bồ Tát Thập Địa
大方廣佛華嚴經
- Published: 06 Nov 2021 20:28:11
- Modified: 31 Jul 2022 14:13:45
- Categories: Kinh Hoa Nghiêm, Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Tags: Thích Trí Quảng
Theo Thanh văn thừa, những vị đắc tam quả là Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm được xếp vào Hiền vị và hàng thánh là A la hán.
Theo Đại thừa thì khác hẳn, hàng Tam Hiền gồm có những vị đang ở giai đoạn tu Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập hồi hướng. Hàng thánh vị là chư Bồ tát đang thể nghiệm pháp Thập địa ở mười cấp bậc khác nhau.
Kinh Hoa Nghiêm quy định Tam Hiền vị mới chỉ là quyến thuộc của Bồ tát, hay Bồ tát tập sự làm công việc của Bồ tát, chưa đủ tư cách Bồ tát thực thụ. Họ chưa chính thức nhận trách nhiệm, phải nương theo sự chỉ đạo của hàng Thập thánh để phát triển đạo hạnh của bản thân.
Muốn hành Bồ tát đạo, trở thành Bồ tát chính thức hay Hậu tâm Bồ tát, hàng Tam Hiền phải viên mãn quá trình tu Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập hồi hướng.
Ở giai đoạn từ Thập Tín đến Thập hồi hướng, nhờ nương Phật hay các Đại Bồ tát, chúng ta thành tựu công đức một cách dễ dàng, đôi khi làm được những việc lớn, khó, vượt hơn cả khả năng của Thanh văn, Bích chi Phật, thậm chí hơn cả Bồ tát. Nói cho dễ hiểu, kể từ khởi điểm cho đến giai đoạn tu Thập hồi hướng, chúng ta chỉ là người cộng tác, chưa phải lãnh đạo. Lúc ấy, việc quan trọng là chuẩn bị cho đầy đủ để khi bước lên địa vị lãnh đạo, không gặp khó khăn và chắc chắn thành công.
Tuy nhiên, khi đăng địa Bồ tát, là bước sang giai đoạn phải tự phát huy bằng sức lực, khả năng của chính mình, không nương nhờ với Đạo sư nữa. Bồ tát Thập địa đã có đầy đủ trí huệ, có quần chúng ủng hộ và không còn vướng mắc các pháp, có điều kiện tự làm lấy.
1. Bồ tát Sơ địa: Hoan Hỷ địa
Khi bước vào hàng lãnh đạo hay chuyển qua giai đoạn tu của Bồ tát Thập địa, vị trí khởi đầu là Hoan Hỷ địa. Kinh Hoa Nghiêm quy định Bồ tát Sơ địa hiện thân làm tiểu vương, tức lãnh chúa một vùng. Công việc của họ tương đối nhỏ, chỉ lãnh đạo một nhóm người, điều hành tốt một lãnh vực nào thôi. Thí dụ như tôi chỉ chu toàn được công việc hoằng pháp là một ngành của Giáo hội, không thể đảm đương toàn bộ công việc.
Bắt đầu nhận một việc nhỏ trong việc chung của hàng lãnh đạo mới thấy cái khó của người lãnh đạo. Đơn giản như trong lớp học, chỉ làm chúng trưởng của một chúng đã có vấn đề. Ta thường cảm thấy khó chịu khi bị lãnh đạo, tìm cách chống phá; đến phiên ta lãnh đạo, ta còn tệ hơn họ. Điều hòa một chúng nhỏ còn không xong, nói chi làm được thật tốt công tác của lớp đề ra. Bản thân không kiếm nổi cơm ăn cho cá nhân mình, nhưng ôm chí lo cho xã hội no cơm ấm áo thì chỉ là kẻ mộng du, nói chuyện của thiên hạ thì chỉ là hạng thực khách.
Khi tôi trưởng thành, bắt tay vào công việc lãnh đạo mới nhận chân được nhiều điều khó khăn, mới thấy được các bậc cha anh mình thật tài đức. Bắt đầu viết sách, dịch kinh, mới thấy Hòa thượng Trí Tịnh quá giỏi. Đến khi làm Trưởng ban Hoằng pháp, mới phục cố Hòa thượng Thiện Hoa.
Bắt đầu làm việc, va chạm với nhiều khó khăn, nhưng lòng vẫn hoan hỷ, không nhăn nhó, không cằn nhằn, không la rầy. Bình tĩnh, sáng suốt, vui vẻ là ba đức tánh mà Bồ tát Hoan Hỷ địa an trụ. Tụng kinh Hoa Nghiêm, tôi luôn suy nghĩ về hạnh đức này của Bồ tát Sơ địa để ứng dụng trong cuộc đời hành đạo. Dù hoàn cảnh nào cũng cố gắng đem hết khả năng hoàn tất nhiệm vụ mà Giáo hội giao phó. Gặp việc khó, tôi luôn nhớ đức tánh bình tĩnh của Hòa thượng Trí Tịnh. Đừng để người khích động, bị người chọc tức, đe dọa, mua chuộc, vẫn thản nhiên. Vì chúng ta biết rõ thiếu bình tĩnh sẽ hư việc liền. Thực tế cho thấy có người giỏi nhưng nông nổi, phạm sai lầm, tiêu cả cuộc đời. Hoặc khi cáu kỉnh, mắng nhiếc người, họ không hoan hỷ và bỏ ta; không còn ai hợp tác, ta chỉ còn nước từ chức. Nếu biết bình tĩnh, chúng ta sẽ tìm được cách tốt nhất để thuyết phục họ.
Ngoài ra, tôi học được với cố Hòa thượng Thiện Hoa đức tánh hoan hỷ. Gặp người kỳ dị mấy, ngài cũng cười. Ta không làm thì ngài vẫn vui vẻ nói: “Thầy mệt thì cứ nghỉ, tôi làm”. Nhưng để Hòa thượng làm, chúng ta chịu không nổi. Hòa thượng có niềm tin sâu xa ở Đức Như Lai và đức tánh hoan hỷ của ngài là chất keo gắn bó mọi người ngồi lại với nhau, giúp Hòa thượng lãnh đạo được Phật giáo ở giai đoạn có nhiều biến động. Tuy Hòa thượng vắng bóng trên cuộc đời, những người cộng tác với ngài vẫn nhớ thương, quý trọng.
Trên bước đường hành đạo, khi chúng ta đề xuất việc, người không làm, còn chống đối. Chúng ta làm sao vô hiệu hóa sự chống đối, không cho phép họ chống. Nhớ lời Phật dạy không ai có thể đổ xấu cho người tốt, chúng ta không trả đũa bằng cách đánh hay nói nặng họ. Trái lại, dùng đức tánh tốt, tài năng đức độ để sự xấu ác ấy không tác hại được. Ta phớt lờ, mỉm cười hoan hỷ như Đức Di Lặc và chỉ nỗ lực phát huy đức tánh tốt.
Tu Bồ tát đạo, bình tĩnh kiểm lại xem số người ủng hộ hay số chống đối mạnh. Nếu người chống đông và quyến thuộc theo ta còn quá yếu là biết thời cơ chưa đến. Nếu một nửa ủng hộ, một nửa chống mà thuộc hạng cái gì cũng chống, thì cũng chẳng đáng sợ. Chúng ta dùng tài đức thuyết phục được những người thân cùng chung sức hợp tác, thì người chống không giúp một tay cũng chẳng sao. Ta vẫn thản nhiên, vui vẻ với kẻ chống đối, nhiều khi lại có lợi, vì làm cho người tốt thương ta hơn. Tôi từng kinh nghiệm điều này, có người chống thì tự nhiên có người tốt bảo vệ. Quan trọng làm sao tranh thủ được Như Lai, Bồ tát ủng hộ thì tà ma ngoại đạo không chống phá được, hay càng bị chống phá, chúng ta càng được các Ngài hộ niệm nhiều. Ngoài ra, đối với hạng không chống không theo, ta nên tranh thủ.
Như vậy, ra làm việc có đụng chạm, mới có cơ hội sửa đổi thái độ, lời nói, dần dần chúng ta mới tốt. Phải bắt đầu tập thực hành việc nhỏ và hoàn thành được, sau lần bước đi lên; nếu chê hay cãi nhau, rồi giận, bỏ không làm thì sự nghiệp đến đây cũng chấm dứt. Gặp những người như vậy, chúng ta cứ để họ đứng bên lề, một lúc cảm thấy buồn, họ cũng nhập cuộc với ta.
Tu hành trong cuộc đời này, chúng ta luôn gặp ba thế lực nói trên. Làm thế nào điều hòa, phát triển được người ủng hộ, chúng ta sẽ thành công. Bồ tát Sơ địa tu chính yếu là phát triển công việc ấy. Với tư cách lãnh đạo một nhóm nhỏ, Ý thức được rằng sự tồn tại của ta là mối tương quan tương duyên với người, cho nên cố gắng mở rộng mối tương quan đó cho tốt đẹp.
Bước vào dòng thánh, Bồ tát Sơ địa có tên là Hoan Hỷ địa. Ở vị trí này, làm thánh đầu tiên, tuy chưa tu tạo được nhiều công đức, nhưng tối thiểu phải giữ được tâm hoan hỷ trong mọi tình huống. Thiết nghĩ tâm hoan hỷ là sợi dây thân ái liên kết chặt chẽ mọi người. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy nhiều Thầy học giỏi, nhưng kiêu ngạo, không ai dám gần, trở thành cô độc. Có Thầy không giỏi nhưng luôn hoan hỷ cũng kết hợp được người và làm được việc.
Bắt đầu dấn thân, phải luyện cho được tâm hoan hỷ; nếu không sẽ khó thành công. Đó cũng là lời nhắc nhở của Bồ tát Phổ Hiền với chúng ta: “Đối với tôi lòng luôn hoan hỷ”. Hoan hỷ đối với bạn đồng học, đồng tu và tất cả chúng sanh.
Nói thì dễ, nhưng thành tựu được tâm này khó vô cùng. Lúc tôi 38 tuổi, giữ chức vụ Tổng vụ trưởng Thanh niên vào giai đoạn nhiều bất an, khó khăn, nên tôi đăm chiêu đến độ ai cũng sợ, không dám gần. Nhưng trì kinh Hoa Nghiêm, tôi nhận ra ý sâu xa của Phổ Hiền dạy, lập hạnh này, đổi tâm một chút thì hoàn cảnh khác liền. Đổi từ tâm cố chấp, người không dám gần, thành mở rộng lòng, dung người, khiến người thương mến, thích thân cận. Tôi quan sát bề trong từng người, phát hiện được đức tánh tốt của họ, nên dễ sanh tâm hoan hỷ. Nhà thơ Trụ Vũ sau ba mươi năm gặp lại thấy tôi hoàn toàn thay đổi, anh đã cảm tác bài thơ:
Vào tâm Hoan Hỷ địa
Thể hiện nụ cười thơ
Trí Quảng Thiền sư độ
Ba ngàn giọt lệ khô.
Ở bước đầu của Thập địa, Bồ tát Sơ địa tu Thập Ba la mật và Tứ Nhiếp pháp. Thập Ba la mật gồm có: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, phương tiện, nguyện, lực và trí. Trong pháp Thập Độ, Bồ tát lấy bố thí làm pháp hành chính yếu, chín pháp còn lại thì tùy duyên mà làm. Trong Tứ Nhiếp pháp gồm bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự, Sơ địa Bồ tát cũng hành sử bố thí là pháp chính; vì giai đoạn này cần tranh thủ nhân tâm, hành bố thí rất có lợi cho Bồ tát đạt mục tiêu này.
Ý thức được sự lợi ích của bố thí theo Bồ tát Sơ địa, tôi rất cân nhắc trong việc thể nghiệm pháp tu này. Khi bố thí, tôi thường nhắm đến tìm pháp lữ đồng hành, tìm người đồng hạnh, đồng nguyện; vì thiếu quyến thuộc, chúng ta không làm được. Tìm xem ai có căn tánh Đại thừa để ta kết làm bạn tu, bất luận giàu nghèo, lớn nhỏ, họ cần ta và ta cần họ, ta giúp họ và họ hợp tác với ta, cả hai bên đều chung sức với nhau hết tình. Không được như vậy, khó làm nên đạo nghiệp.
Hành bố thí để phát triển, càng bố thí, quyến thuộc của chúng ta càng đông, càng giàu mạnh, đạo lực của chúng ta càng tăng trưởng. Trên bước đường hành đạo, tôi luôn theo dõi thành quả của việc bố thí, nếu thấy quyến thuộc tôi giàu thêm, tốt thêm, khỏe thêm, thì biết mình tu đúng pháp của Bồ tát. Vì chúng ta đang tập đóng vai tương tự như tiểu vương lãnh đạo một nhóm nhỏ, phải làm thế nào phát triển được nhóm quyến thuộc này và lấy đó làm nền tảng.
Trong mười pháp Ba la mật, song song với việc hành pháp bố thí, Bồ tát tu chín pháp còn lại làm trợ hạnh. Thí dụ vừa bố thí vừa trì giới để trở thành người đức hạnh. Theo Hoa Nghiêm, Bồ tát trì giới lấy Thập thiện làm chuẩn, giữ cho ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, không phải thu hẹp trong giới điều của Tỳ kheo.
Tôi thấy nhiều người tốt lo bố thí, nhưng không tu trì giới, ba nghiệp không thanh tịnh. Lúc ấy người theo ta, tin ta, nhưng vì lời nói sai lầm, mất giá trị, người sẽ bỏ ta. Cần nhớ rằng khi phát triển hạnh bố thí, quyến thuộc chúng ta nhiều và họ càng gần gũi thì càng để ý đến ta; nếu phạm lỗi lầm, người không còn mến phục nữa. Hành bố thí đi kèm với trì giới, ráng giữ thân khẩu ý trong sạch, nhất là ý rất quan trọng. Hành đạo ở nơi nào, quan sát khả năng người để giúp đỡ họ đi lên, họ sẽ gần gũi chúng ta; như vậy đã thực hiện được ý niệm trong sạch trong việc hành bố thí.
Hạnh nhẫn nhục đi kèm với hạnh bố thí, luôn bình tĩnh chấp nhận việc không hay đổ lên cho ta. Chẳng hạn giúp người, lại bị họ chống ta. Ta nhẫn nhục đến khi họ hiểu được thì sẽ trở thành người hỗ trợ đắc lực nhất. Tu Đại thừa, nhẫn nhục của Bồ tát phải mang lại kết quả lợi ích trong tương lai.
Trợ hạnh tinh tấn giúp ta thấy việc đáng làm thì làm, không do dự. Trợ hạnh thiền định giúp ta luôn giữ tâm sáng suốt, v.v… Nói chung, chín pháp khác trong Thập Độ thì tùy lúc, tùy người mà làm khác nhau, nhưng cũng chỉ nhằm hỗ trợ cho ta tiến tu hoàn mãn pháp bố thí, gọi là Đàn Ba la mật gồm: Tài thí, pháp thí và vô úy thí.
Muốn bố thí tất nhiên phải có của cải, làm sao cho người hợp tác với ta có cơm ăn áo mặc. Ta xây dựng họ và cả gia đình họ cùng được hưởng sung túc, dứt khoát từng bước đi lên, không để họ thụt lùi. Vì vậy, Bồ tát càng bố thí càng có nhiều quyến thuộc và thế lực. Nếu không bố thí đúng pháp, không kết hợp với trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ…, giúp người mà lòng chúng ta như thế nào đó và tâm của người nhận thế nào mà kết cuộc họ trở thành kẻ ăn hại suốt đời, thậm chí tệ hơn nữa là ta không còn của để cho và họ sẽ thù ghét ta.
Pháp thí không có nghĩa là giảng kinh, vì giảng mà người không sử dụng được, cũng không ích lợi. Pháp là chân lý, tức nguyên tắc sống đẹp nhất trên cuộc đời, thí pháp rất quan trọng.
Người đến với tôi, tôi thường suy nghĩ nên giúp họ lời khuyên nào để có thể chuyển hóa cuộc sống họ tốt đẹp. Thực tế thường thấy người nghe pháp, sống được với pháp, họ rất an vui, sanh được công đức. Những người ở Mỹ đọc sách của tôi, họ đồng cảm. Đến thăm tôi, họ cho biết nhờ an trụ những lời chỉ dạy trong sách, họ nhận được nhiều điều mầu nhiệm trong cuộc sống.
Thiết nghĩ, trước nhất chúng ta chỉ họ cách sống ở thế gian có ý nghĩa và cao hơn mới dạy pháp xuất thế, ra khỏi sanh tử luân hồi, thành Phật. Sống an vui, chết giải thoát; được như vậy chắc chắn họ phải gắn bó cuộc đời với ta, theo ta mà không an lành thì ai theo làm gì.
Tôi tâm niệm rằng không làm cho người tốt được thì thôi, không thể làm cho họ xấu đi. Tôi thường thấy các Thầy lãnh đạo chỉ nghĩ được việc mình, những người tin mình, thương mình, thì xúi họ làm kẻ lót đường, thành thân tàn ma dại. Cổ nhân cũng nói: “Nhứt tướng công thành vạn cốt khô”. Đức Phật của chúng ta không bao giờ như vậy, Ngài hiện hữu trên cuộc đời vì lợi ích cho chư thiên và loài người. Ngài sẵn sàng hy sinh để cứu người, không để người chết vì mình.
Ngoài ra, Bồ tát Sơ địa thể hiện hạnh vô úy thí, ai gần Bồ tát phải cảm nhận được sự an lành. Tôi tu suy nghĩ pháp này nhiều. Muốn làm cho người yên, phải tự mình yên trước. Luyện cho được sức bình tĩnh vì không bình tĩnh, cuộc đời còn bi đát hơn. Ta che chở được người, có khả năng làm cho người an ổn, hay chỉ cần có ta là họ yên tâm. Sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần để bảo vệ ta và người rất quan trọng. Vì người đông, nhưng thiếu lãnh tụ, chẳng khác gì bầy cừu khờ dại, họ tha hồ giết. Nhưng nếu ta sử dụng được sức lực tổng hợp của nhiều người, có thể chống trả được.
Giúp người được như vậy rồi, Bồ tát cho họ biết rằng họ phải tự phấn đấu để mai kia không còn Thầy, họ vẫn sống tốt đẹp. Và đúng như vậy, nhờ Bồ tát giúp đỡ, xây dựng, trong tương lai họ cũng có khả năng tự sống an lành.
Thành tựu ba pháp tài thí, pháp thí và vô úy thí, người theo học với Bồ tát được no cơm ấm áo, sống cuộc đời có ý nghĩa, lợi lạc, bình ổn. Làm được việc khó ấy mà lòng Bồ tát lúc nào cũng hoan hỷ, không dám xem thường người, không hãnh diện, tâm vẫn thanh thản, tự tại, mới được gọi là Bồ tát Hoan Hỷ địa. Phàm phu thì không giống như vậy, lòng họ tràn đầy phiền não, càng bố thí càng ngạo mạn khinh đời. Hoặc cho rồi đòi hỏi người biết ơn, đền ơn, không làm theo ý họ thì buồn giận, phiền trách.
Để tránh những sai lầm trên, trong lúc hành Bồ tát đạo, kinh Hoa Nghiêm dạy phải kiểm tra xem chúng ta thực hành có đúng với pháp Thập nhị nhân duyên hay không, có lạc ra ngoài Tứ niệm xứ và Bát chánh đạo hay không. Nếu lạc ra ngoài các pháp này là rớt vào tà đạo. Đừng quên niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng, đừng quên 37 Trợ đạo phẩm, đừng quên pháp quán nhân duyên. Quên những pháp này, chúng ta sẽ bị vui buồn vinh nhục tác động dẫn chúng ta đi mất hút vào sanh tử.
Hành bố thí mà quán được pháp nhân duyên sanh diệt mới có thể trụ được pháp Không, mới giải tỏa được phiền não của nhân gian và trụ ở ngôi vị Sơ địa. Chúng ta nhận thấy một số người hành Bồ tát đạo, bố thí một ít lâu thì bị thế tục hóa. Bước đầu họ phát tâm Bồ đề rất tốt, một khoảng thời gian sau, thường nổi sân si, chỉ vì đã rời niệm Phật, pháp, Tăng và các pháp nói trên.
Viên mãn được công hạnh của Hoan Hỷ địa, Bồ tát Sơ địa từ vị trí tiểu vương bước sang việc làm khó hơn của Chuyển luân thánh vương ở Nhị địa là Ly cấu địa.
2. Bồ tát Nhị địa: Ly Cấu địa
Theo kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy tu mười pháp Ba la mật tương ưng với Thập địa Bồ tát. Từ Sơ địa tức Hoan Hỷ địa, Bồ tát thành tựu chánh hạnh là bố thí, được mọi người quý mến và Bồ tát hoan hỷ với người. Ở vị trí này, Bồ tát thường làm Hộ quốc nhân vương, giữ gìn bờ cõi thái bình, được dân chúng yêu quý. Các vua đời Trần ở nước ta thể hiện được tư cách của Sơ địa Bồ tát. Thật vậy, họ được dân quý và họ thương dân, đặc biệt là thường hướng về việc tu hành, dìu dắt người tu.
Thành tựu được công đức của Sơ địa, Bồ tát và người nhìn nhau trong niềm hoan hỷ. Tuy nhiên, phải làm thế nào để tình thương này mỗi ngày gắn bó hơn, rộng lớn hơn từ kiếp này sang kiếp khác, mới đi đúng lộ trình Bồ tát đạo. Vì hành đạo theo Hoa Nghiêm, sự tương quan mật thiết, lâu dài giữa ta và người hay nói chung, giữa ta và các loài rất cần thiết. Nếu không theo đúng đạo lý Phật dạy, không phải là Bồ tát, vì sống chung lâu ngày, chúng ta thấy rõ khuyết tật của nhau, tình thương sẽ giảm dần theo thời gian cho đến chẳng còn thương nhau được, thậm chí thù ghét nhau.
Muốn giữ được tình thương bền lâu, không có cách nào hơn là chúng ta phải tự tốt, phải hạn chế tối đa các khuyết điểm. Cũng vậy, muốn lên đệ Nhị địa, phải tịnh hóa thân tâm, tức trì giới thanh tịnh. Trì giới của Bồ tát khác với Thanh văn theo chủ nghĩa giới điều. Giới của Bồ tát tu nhằm diệt sạch ba nghiệp thân, khẩu, ý, không phải chỉ tánh trên giới điều.
Làm thế nào để ba nghiệp được thanh tịnh, vì Phật dạy người có nghiệp không thể nào độ chúng sanh được. Trước nhất, không có hảo tướng, khó có thể hành Bồ tát đạo. Tu hành, hiện ra thân tướng được người thương, quý mến và muốn gần gũi, đó là thân giới của Bồ tát.
Muốn có thân mạnh khỏe, xinh đẹp, dễ thương, điều căn bản đầu tiên là phải hạn chế tối đa việc sát sanh, dù cho loài vật nhỏ nhất cũng không sát hại; vì biết rằng nghiệp sát sẽ tạo cho chúng ta thân thể yếu đuối, bệnh tật hay chết yểu. Kế đến, cần hạn chế dâm dục cho đến đoạn dục để giữ cho con người trong sạch. Càng đam mê tửu sắc, người càng xấu và hôi dơ. Điều thứ ba là tuyệt đối không trộm cắp. Vi phạm ba điều này, sẽ rơi vào ba đường ác. Nếu đạt đến vị trí Hộ quốc nhân vương mà còn muốn tóm thu của người hay còn muốn bắt phái nữ làm của riêng, thì không thể giữ được tư cách thánh thiện của vua hộ quốc và phải bị đọa.
Từ Hộ quốc nhân vương muốn tiến lên vị trí cao hơn phải tịnh hóa thân, nhất là tịnh hóa từ bên trong, tự mình hạn chế ba nghiệp, đó là trì giới theo tinh thần Hoa Nghiêm. Ngoài ra, tiến tu khẩu nghiệp, đối với người hành Bồ tát đạo, điều gì nằm trong tầm tay, có khả năng làm được mới hứa. Và xa hơn nữa, Phật dạy chúng ta nên nói tốt cho nhau hơn là nói xấu. Người đời thường tìm lỗi người khác để nói và che giấu lỗi mình. Theo kinh nghiệm tôi, không nói lỗi của người thì được hưởng quả báo là khi ta lỡ phạm sai lầm, cũng có người che chở ta, vì không ai hoàn toàn không lỗi. Chúng ta hạn chế lời ác, ý ác, không nói đòn sóc, nói lời hòa hợp, khiến người thích gần gũi, theo ta; chuyển đổi từ thế giới bươi móc sang thế giới bảo vệ, xây dựng nhau. Và sau cùng, tu sao cho giọng nói nghe êm tai mát lòng, việc chúng ta dễ thành công. Thực tế, có người mở lời cầu thỉnh điều gì mà chúng ta không thể nào từ chối họ được; nhưng trái lại có người vừa mở giọng là bị từ chối liền. Đó là điều cần suy nghĩ trên bước đường tu để rèn luyện khẩu nghiệp theo Phật dạy.
Thanh tịnh hóa thân, khẩu, ý, nhưng chúng ta biết rõ thân và khẩu lệ thuộc vào ý. Trên căn bản ấy, tu Bồ tát đạo nhắm vô điều chỉnh động cơ thúc đẩy bên trong, tức nội tâm là chính. Từ nội tâm phát triển ra ngoài hình dáng, lời nói, việc làm đều tốt. Tuy nhiên, khi trong lòng họ thánh thiện, thì dù bên ngoài không tốt, chúng ta cũng cảm thấy họ trong sạch. Thí dụ, tôi thấy người có giọng nói không hay, nhưng đời này nhờ trì kinh, tâm họ tốt, chúng ta cũng có cảm tình với họ được. Trái lại, người có giọng ngọt ngào dễ thương, nhưng đời này khởi nhiều niệm ác hàm chứa trong tâm, khiến chúng ta phải sợ, e dè.
Trong phần ý nghiệp là tham, sân, si, tham đóng vai trò chủ yếu. Tổ Quy Sơn dạy rằng chúng ta bị lệ thuộc vật chất, quyền lợi, bị nó sai khiến vì chúng ta tham ưa nó. Tu Bồ tát đạo, đoạn lòng tham, chúng ta không bực tức, không mê muội. Giai đoạn đầu, tập bỏ, không ham những gì không thể vói tới, chỉ ham những gì nắm bắt được. Nhưng tiến lên, luyện lần đến mức không quan tâm những gì ta sở hữu, cho đến mạng sống cũng không ham, đạt đến vô tham hoàn toàn mới thực sự giải thoát. Được vậy, quỷ thần còn không chi phối được chúng ta, huống chi là nhân gian.
Bồ tát Nhị địa còn có tên Ly Cấu địa vì làm nhiều việc công đức mà lòng không bợn nhơ, bỏ lại phía sau mọi quyền lợi thế gian, bỏ những vọng tình mê chấp, hơn thua tầm thường, mới trụ ở thánh vị. Phàm phu lặn hụp trong sanh tử hưởng ô uế, thánh nhân thì thoát ly xấu ác đến mức hoàn toàn trong sạch, được Phật ấn chứng thành quả tu hành ấy, không phải Phật cho.
Bồ tát Ly Cấu địa chuyên tu Trì giới. Bắt đầu giữ ngũ giới tiến tu lần lên, đoạn dứt ba nghiệp tham, sân, si trong cuộc sống, cho đến tâm hoàn toàn thanh tịnh. Kế đến Bồ tát tu Tam tụ tịnh giới. Đối với Bồ tát, Tam tụ tịnh giới gồm nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện Pháp giới và nhiêu ích hữu tình giới, nghĩa là sống trên cuộc đời, luôn luôn làm việc tốt, là mô phạm cho người. Bồ tát hành đạo hoàn toàn vì lợi ích cho chúng sanh, không có quyền lợi riêng nào cho bản thân.
Bồ tát tu Nhiếp luật nghi giới không rời niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng. Đối tượng của Bồ tát là Phật, pháp, Tăng. Đức Phật sống và suy nghĩ về chúng sanh như thế nào, Bồ tát cũng làm giống vậy. Chánh pháp luôn thể hiện trong cuộc sống của Bồ tát, nên tâm lúc nào cũng thanh tịnh, hòa hợp, an vui, không bao giờ tranh cãi, hơn thua. Đời sống của Bồ tát được hình thành đầy đủ Phật, Chánh pháp và nét giải thoát của thánh Tăng, đưa Bồ tát lên bậc thánh, tức từ tiểu vương lên Chuyển luân thánh vương.
thánh nhân luôn luôn làm gương sáng cho đời, người đời thấy Tam bảo trong cuộc sống của thánh vương, nên quý trọng và tự nguyện làm theo, không cần bắt buộc. Bồ tát làm thánh vương thì người nghe tên, nhìn hình tướng, phát tâm quy ngưỡng. Họ không làm gì, nhưng dưới trướng đầy đủ bốn binh chủng, người tài giỏi đều đầu phục khiến cho thiên hạ phải sợ, nên không cần đánh.
Ngoài ra, Bồ tát Ly Cấu địa nhiếp luật nghi giới an trụ quả vị A la hán, Bích chi Phật. Dù đóng vai nào trên cuộc đời, họ cũng giữ vững tư cách của bậc xuất trần thượng sĩ “Cư tài chi sĩ, cư gia chi sĩ, tại gia chí Phật đạo giả”. Đó là hình ảnh Bồ tát đóng vai Chuyển luân thánh vương không xuất gia, nhưng tâm thanh thản như bậc chân tu, làm tất cả việc đời mà không nhiễm bụi trần. Trong đạo, vị trí của họ hơn người xuất gia, vì đóng góp nhiều lợi ích cho đời vẫn không rời giải thoát và họ hơn người đời vì không vướng mắc lợi danh phiền não.
Chỉ có Bồ tát đệ Nhị địa mới làm được Chuyển luân thánh vương. Sanh trên cuộc đời, sống trong tình huống nào, họ cũng là Chuyển luân thánh vương. Trên bước đường tu, chúng ta thấy rõ người thật giỏi, tốt thì làm việc nhỏ, họ vẫn được kính trọng. Bồ tát có khả năng làm Chuyển luân thánh vương nhưng đóng vai nhỏ hơn, thì càng dễ cho họ. Chúng ta nên biết không phải sanh ra họ làm Chuyển luân thánh vương ngay. Dù sanh vào gia đình nghèo ở nơi biên địa hạ tiện, từng bước khắc phục hoàn cảnh khó, một thời gian sau họ cũng trở thành lãnh tụ. Vì họ thông minh nhất, tài giỏi nhất, giàu nhất, khỏe nhất, nên ở hoàn cảnh nào, nhất định họ cũng là Chuyển luân thánh vương.
Riêng tôi, Ý thức sâu sắc điểm này, thường an phận với vị trí của mình, không tham vọng, nhưng có khả năng thì từ từ người phát hiện và đưa lên. Mới ra trường, Hòa thượng Thiện Hoa chỉ định tôi đến giảng kinh ở Bà Rá, Xuân Lộc hay những vùng xa xôi, nghèo khổ. Bước đầu tất yếu phải như vậy, nhưng khi giảng được thì trở về thuyết pháp ở các giảng đường lớn của thành phố, dần dần thăng hoa đạo nghiệp. Vị trí chúng ta ở đâu thì nhất định sẽ tới đó.
Bồ tát Nhị địa tu Tam tụ tịnh giới, lấy việc lợi ích cho người làm chính và trong Tứ Nhiếp pháp, thường dùng ái ngữ, vì có ngôn ngữ khó nghe thì không thể giữ lâu vị trí Chuyển luân thánh vương. Bồ tát Ly Cấu địa đã sạch phiền não, ái ngữ phát xuất từ chân tình, từ lòng thương muốn làm lợi ích chúng sanh.
3. Bồ tát đệ Tam địa: Phát Quang địa
Từ vị trí Chuyển luân thánh vương ở đệ Nhị địa có khả năng lãnh đạo tất cả nước, nhưng Bồ tát không thỏa mãn với địa vị cao tột này của nhân gian. Dùng thành quả ấy để Bồ tát tiến tu lên quả vị cao hơn, tức từ đệ Nhị địa là Ly Cấu địa thâm nhập vào địa thứ ba, Phát Quang địa. Vì không màng đến quyền lợi thế gian, hướng tâm đi xa hơn, nên dập tắt tất cả ý niệm trần gian, từ cuối đường hầm sanh tử lóe lên tia sáng mở đường cho Bồ tát đi ra.
Nhờ đã hoàn tất Thập thiện nghiệp đạo ở giai đoạn Ly Cấu địa, rèn luyện được thân khẩu ý nghiệp thanh tịnh, thân tâm hoàn toàn bình yên. Bấy giờ, xả Báo thân, Bồ tát hướng lên thiên thượng, thế giới gần chúng ta nhất là cõi trời Đao Lợi. Đế Thích Thiên vương đạt đến địa vị làm vua trời Đao Lợi, nhưng hưởng hết phước rồi cũng đọa. Riêng Bồ tát đệ Tam địa vào cõi trời Đao Lợi không phải bằng tham vọng, vì đã thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, thường sống trong Diệu pháp đường, suy nghĩ về pháp, nên thăng hoa, không bị đọa lạc. Bồ tát Phát Quang địa tu pháp Nhẫn nhục, thành tựu được chúng sanh nhẫn, pháp nhẫn và đại nhẫn. Nghĩa là người trên cuộc đời muốn gì, Bồ tát sẵn sàng nhường cho họ. Các loài chúng sanh không có khả năng tác hại Bồ tát. Tuy vượt hơn mọi loài về trí huệ, đạo đức, nhưng Bồ tát nhẫn nhịn để làm lợi ích cho chúng sanh. Bồ tát không bị chúng sanh và hoàn cảnh chi phối, đứng ngoài mọi tranh chấp, đồng thời dùng pháp Lợi hành trong Tứ Nhiếp pháp để giáo hóa.
Ở giai đoạn tu Nhị địa, làm Chuyển luân thánh vương chỉ điều hành được loài người. Nhưng nay, làm Trời Đế Thích, Bồ tát Phát Quang địa phải chi phối được tất cả chúng sanhgồm noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh.
Vì chi phối được toàn bộ các loài, trên căn bản ấy, Bồ tát nhẫn khác hẳn nhẫn nhục của Thanh văn. Thanh văn nhẫn bằng cách chịu đựng, rụt cổ lại trước những gì chúng sanh đổ lên. Trái lại, Bồ tát có trí huệ, thấy rõ để cho họ đổ ô uế có lợi hay giết họ có lợi. Bồ tát suy nghĩ ứng xử cách nào lợi lạc cho người trong hiện tại và tương lai. Nếu nhịn để ta đau khổ và họ tham lam hơn thì lợi ích gì.
4. Bồ tát đệ Tứ địa: Diệm Huệ địa
Đạt được Nhẫn nhục Ba la mật, từ đó tiến lên đệ Tứ địa, Diệm Huệ địa ở cõi Dạ Ma Thiên. Bồ tát lấy hạnh Tinh tấn và Đồng sự làm chính. Muốn dìu dắt người, vào đời độ sanh, Bồ tát phải sống chung với họ. Vì có kiến thức cao tột ở cõi Trời Dạ Ma mà sinh hoạt với người thường, Bồ tát thành công dễ dàng. Đối với việc bình thường,Bồ tát không cần nhọc công, với việc khó mà người không kham nổi, Bồ tát cũng hoàn tất. Bồ tát lập hạnh mang lợi lạc cho người, không biết mệt mỏi: “Thừa sự thập phương chư Phật vô hữu bì lao”.
5. Bồ tát đệ Ngũ địa: Nan Thắng địa
Với trí huệ đã phát sanh ở Diệm Huệ địa, Bồ tát tiến tu thiền địnhở đệ Ngũ địa là Nan Thắng địa, nên không rớt vô tà định. Bồ tát đã từ bỏ quyền uy cao nhất của vua cõi Trời Dạ Ma để thâm nhập giáo nghĩa Phật dạy và đi sâu vào thiền định, thấy cuộc đời sáng lên, không phải thiền định để thành than nguội củi mục, không biết gì.
Từ Diệm Huệ địa, Bồ tát thâm nhập Phật pháp, vào thiền định, tức từ cảnh giới bên ngoài vào cảnh giới bên trong là Đâu Suất Đà Thiên của Di Lặc. Nếu chúng ta không có trí huệ vào tà định thì gặp Thiên ma. Phải ngang qua cung Trời Đâu Suất, gặp Di Lặc, học tình cảm của tất cả các loài, biết chúng nghĩ gì và vào thiền định thì tùy theo điều gì hiện ra, Bồ tát hóa giải điều đó.
Hòa thượng Trí Tịnh nhắc nhở tôi, khi sống trong thiền định sẽ có trực giác; rời định, chúng ta sống với vọng thức, tánh toán thường gặp rắc rối. Sống trong thiền định, có trực giác, thấy việc biết ngay tốt xấu, vì lòng chúng ta yên tĩnh như gương, cái gì hiện lên, chúng ta biết rõ, đúng được tám mươi phần trăm, không cần suy nghĩ; còn suy nghĩ kỹ cũng chỉ biết đúng năm mươi phần trăm. Tôi thử áp dụng điều Hòa thượng dạy trong cuộc sống. Thấy rõ những gì tôi suy nghĩ cân nhắc rồi làm thì ít đạt kết quả. Việc không suy nghĩ mà làm lại chính xác.
Bồ tát Nan Thắng địa hơn người ở điểm người moi óc tánh toán vẫn không giải được bài toán đời, Bồ tát không cần suy nghĩ mà biết rõ. Bồ tát đạt được định thứ nhất kiểm tra được thân; định thứ hai, kiểm tra phiền não và định thứ ba để có trực giác.
Bồ tát thâm nhập thiền định, việc làm trở thành phi thường; vì pháp hành của Bồ tát diễn ra trong tâm, người thường không thể hiểu được, nên gọi là Nan Thắng địa. Điển hình như các Tổ đắc định, ngồi yên mà thú dữ kéo đến để thọ nhận sự giáo hóa.
6. Bồ tát đệ Lục địa: Hiện Tiền địa
Trải qua năm chặng đường hành Bồ tát đạo, hoàn tất được năm pháp Ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định, giúp Bồ tát bước qua địa thứ sáu, chứng Bát nhã Ba la mật, tức trí huệ của Bồ tát Hiện Tiền địa. Ở vị trí này, Bồ tát thường làm Thiện Hóa Thiên vương ở cõi Trời Dục Giới thứ năm gọi là Hóa Lạc Thiên. Bồ tát này có trí huệ siêu tuyệt, thấy biết chính xác Tam thiên Đại thiên thế giới như thấy vật để trên bàn tay.
Kinh Bát Nhã chấm dứt ở đỉnh cao là Bát nhã Ba la mật. Nhưng theo tinh thần Hoa Nghiêm, không kết thúc ở điểm này, vì từ chơn không của Bát Nhã phát sanh diệu hữu. Vì vậy, kinh Hoa Nghiêm triển khai thêm bốn pháp Ba la mật là phương tiện, nguyện, lực và trí; đó là bốn pháp hành sau cùng của Bồ tát để hoàn tất Bồ tát đạo.
7. Bồ tát đệ Thất địa: Viễn Hành địa
Từ các giai đoạn tu trước kia cho đến bước sang đệ Thất địa, tuy làm nhiều, nhưng kết quả ít vì hiểu biết chưa rốt ráo, nhận định còn sai lầm, còn ở trong sanh tử. Thật vậy, mặc dù tu đến đệ Lục địa, chứng được Bát nhã Ba la mật, thấy đúng, nhưng vẫn thiếu Hậu đẳng trí, nghĩa là mới có hiểu biết về lý thuyết, chưa có kinh nghiệm, mà kinh nghiệm hay thực tế cuộc sống thì không giống như lý thuyết.
Lúc đó, Bồ tát mới biết phước đức còn kém, tức thiếu phương tiện. Thí dụ, nếu không có sức khỏe thì tu đắc đạo rồi, xác thân theo đó cũng bị hư hoại. Hoặc người giỏi, có trí, nhưng không được mọi người chấp nhận, vì phước tướng không có. Hành Bồ tát đạo đòi hỏi phải có hảo tướng, bề ngoài xấu xí, khó thuyết phục được người. Trên bước đường tu, tuy lấy trí huệ làm chính, nhưng đừng hủy hoại thân thể.
Sức khỏe và ngoại hình có thể coi là phương tiện làm đạo của Bồ tát. Đức Phật cũng mang thân Ngũ ấm như chúng ta. Tuy nhiên, người nhìn thấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Ngài là họ phát tâm Bồ đề. Còn ta cũng nói giống Phật, nhưng người không nghe, vì không có tướng phước.
Ở đệ Thất địa, Bồ tát tu Phương tiện. Nay được phương tiện này, ngày mai thấy việc người thành tựu, nhưng Bồ tát chưa làm được, thì phải tu nữa để có phương tiện đó. Khi nào đầy đủ phương tiện, làm gì cũng xuất sắc là đã đạt phương tiện Ba la mật.
Phương tiện có thể hiểu theo thực tế, trước tiên là sức khỏe.Tu phương tiện này, tức điều chỉnh thân thành khỏe mạnh, oai nghi, đổi thân nghiệp ác thành thân phước đức. Vì không có sức khỏe, không làm được gì; sức khỏe là phương tiện căn bản cần có của Bồ tát.
Phương tiện thứ hai theo Kim Cang Tạng Bồ tát là những gì chúng sanh cần, Bồ tát đều biết rõ và đáp ứng được. Kinh thường diễn tả là Bồ tát hành đạo tùy phương tùy tiện, hay tùy không gian và thời gian mà thỏa mãn yêu cầu của mọi người. Cho đến khắp Pháp giới, chỗ nào, người nào, lúc nào, Bồ tát cũng làm được, thỏa mãn trọn vẹn sự cần thiết của mọi người, là thành tựu phương tiện Ba la mật.
Kế đến, Bồ tát sử dụng Ngũ minh làm phương tiện để dẫn dắt chúng sanh vào đạo. Đến đâu truyền đạo, điều tất yếu là phải thông suốt văn tự, ngôn ngữ nơi đó mới có thể truyền đạt tư tưởng, chỉ dạy người. Ngoài ra, để giáo hóa chúng sanh được phổ cập, Bồ tát phải hiểu biết về kỹ thuật, thuốc men, lý luận học và Phật học.
Thực tế cho thấy rõ các nhà sư Tây Tạng rèn luyện được sức khỏe vượt hơn người thường và có trình độ khoa học, ngoại ngữ, nên đã hướng dẫn được người Tây phương, đáp ứng được yêu cầu về tâm linh của họ trong thời hiện đại. Thật vậy, người Tây phương rất thích Thiền học của Phật giáo và Lạt Ma giáo mà người thường không thể đáp ứng được. Còn phương tiện của chúng ta chỉ giới hạn, không thông thạo ngôn ngữ cũng như không giải đáp được sự bế tắc của người, tất nhiên không thể giáo hóa.
Ngoài việc thông thạo ngôn ngữ của Tây phương, các sư còn có sức thuyết phục của nhà tôn giáo. Đó là điều cốt lõi của người tu. Chúng ta thấy các Giảng sư bình thường, nhưng họ hơn người ở sức thuyết phục và năng lực giáo hóa. Kinh Hoa Nghiêm gọi đó là phương tiện.
Theo Hoa Nghiêm, Bồ tát đệ Thất địa đạt được Phương tiện Ba la mật, giải quyết trọn vẹn yêu cầu của chúng sanh. Bồ tát này thường làm Đại Tự Tại Thiên vương,đến đâu, gặp ai cũng giáo hóa được. Chúng ta chưa đến vị trí này, nay người nghe ta, nhưng mai họ lại không nghe, vì điều ta nói đã thành lỗi thời.
Tuy nhiên, ở địa vị Tha Hóa Tự Tại Thiên vương vẫn còn trong tứ sanh lục đạo. Nếu đến đây mà thiếu niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng và tự mãn là vẫn rớt xuống, tức còn thoái chuyển. Trên bước đường tu, chúng ta gặp những việc tầm thường, xấu xa, nếu được Phật lực gia bị, chúng ta nghĩ phải còn cái gì cao thượng hơn. Có cảm nhận như vậy, chúng ta mới tu được, bằng không, khó ở lâu trong đạo. Riêng bản thân tôi, không bằng lòng chúng hội, nhưng thường nghĩ còn cái gì đó cao hơn chưa thấy và minh sư chưa gặp, nên vẫn nuôi ý chí cầu tiến.
Có thể nói, đạt đến đệ Thất địa có phương tiện Ba la mật, nhưng nếu không được Phật lực gia bị, không thể lên tiếp. Tiếp nhận được Phật lực, Bồ tát tiến tu đệ Bát địa, được Phật ví như giữa hành tinh này và hành tinh khác, ở khoảng giữa có chơn không. Thiết nghĩ ở thời kỳ còn lạc hậu, mà Đức Phật đã nghĩ ra điều này quả thật là quá siêu đẳng. Ngày nay, chúng ta dễ hình dung ý Phật dạy. Chúng ta đều biết giữa trái đất và mặt trăng có khoảng trống là chơn không. Vượt được khoảng không này mới qua được mặt trăng.
Người tu đến đệ Thất địa tưởng đến đây là chấm dứt, nhưng Phật dạy, bên kia Chơn không còn có cái thật mầu nhiệm của Phật, Bồ tát. Chưa qua được khoảng chơn không này, dù đứng trên thiên hạ, có đủ phương tiện, Bồ tát đệ Thất địa vẫn còn bị sự chi phối của người, vẫn rớt lại dễ dàng.
Muốn qua chơn không này, phải dùng phi thuyền thứ hai bắn đi, nghĩa là ý chí phải thật mạnh, vươn lên đẩy qua thế giới kia. Ý này được Tổ Huệ Năng diễn tả rằng bản lai vô nhất vật, nghĩa là tu chứng đến đây, không có gì để làm. Nhưng nếu được Phật hộ niệm thì thế giới Phật hiện ra và mười phương Phật phóng quang tiếp độ thì chúng ta mới thấy “Hữu hoa, hữu nguyệt, hữu lầu đài”.
Ai tu hành cũng phải trải qua biết bao thử thách gian nan, cám dỗ, đe dọa không ít. Tuy nhiên, vượt được chặng đường gai góc, thấy được thế giới huy hoàng bên kia, mới đi tới được. Còn thấp chí, bạc tài, tất nhiên phải ở lại thế giới này để hưởng thụ áo cơm.
Bồ tát rớt vô Chơn không, nhưng phải được Diệu hữu, tức “Vô nhất vật trung vô tận tạng”. Hay điều đó nhằm diễn tả Đức Phật không sở hữu vật gì trong tay, nhưng Ngài có kho vô tận chứa nhóm toàn công đức đã tu tạo được từ quá trình hành Bồ tát đạo trải qua vô lượng kiếp, không có chúng sanh nào mà không thọ ơn giáo dưỡng của Ngài. Đức Phật xả bỏ tất cả, để được tất cả, không phải bỏ để không có gì.
Tu đệ Lục địa, xả tất cả, không được gì; nhưng nay được tất cả vì nhờ Tha Hóa Tự Tại, tức giáo hóa chúng sanh tự tại, tạo thành kho công đức vô tận thì thế giới Phật mới hiện lên. Thấy được thế giới Cực Lạc ở phương Tây, thấy sự giáo hóa của Phật Hương Tích bằng mùi hương, vì được Phật lực gia bị tạo cho Bồ tát có sự tương giao đó và có ý chí phấn đấu đi lên.
Bồ tát Hiện Tiền địa có trí huệ thấy biết đúng như thật. Tuy nhiên, hành đạo giáo hóa chúng sanh, làm cho họ hiểu và ứng dụng được pháp trong cuộc sống không phải là điều đơn giản. Bồ tát phải khai ra vô số phương tiện để dẫn dắt người tiến gần đến chân thật pháp, đó là pháp hành của Bồ tát ở địa thứ bảy, Viễn Hành địa.
8. Bồ tát đệ bát địa: Bất Động địa
Thành tựu được việc sử dụng phương tiện độ sanh, Bồ tát bước sang đệ Bát địa, Bất Động địa. Bấy giờ chuyên hành pháp Nguyện Ba la mật là dùng nguyện lực tác động chúng sanh phát tâm Bồ đề.
Bồ tát không cần đi, chỉ khởi tâm nghĩ đến người hay ngược lại, người nghĩ đến Bồ tát, thì được cứu độ. Đó là ý nghĩa Bồ tát không giáo hóa mà mọi loài đều nhờ ơn giáo hóa. Vì tàng thức của Bồ tát Bất Động địa đã xóa sạch phiền não nhiễm ô, chuyển đổi thành Bạch tịnh thức, nên tiếp nhận được Phật lực, trang nghiêm thân tâm bằng công đức của chư Phật mười phương. Và công đức này tự động giáo hóa chúng sanh, họ nghĩ đến Ngài, liền nhận được sự thanh tịnh giải thoát khiến họ phát tâm tu.
Vì làm bằng công Đức Phật, tuy không thấy cứu chúng sanh ở địa ngục, nhưng bước đi của Bồ tát trong trần gian làm vơi khổ cho chúng sanh ở địa ngục. Ý này được kinh diễn tả là từ bàn chân của Bồ tát phóng quang cứu chúng sanh ở địa ngục. Và đầu gối Bồ tát phóng muôn đạo hào quang cứu chúng sanh ở loài súc sanh. Từ bụng Bồ tát cũng phóng quang cứu chúng sanh ngạ quỷ. Tùy theo nghiệp thức của chúng sanh mà hào quang tác động, khiến ngạ quỷ thấy no đủ, khiến các loài trong địa ngục không thấy bị hành hình và súc sanh không khổ.
Chúng sanh có 84000 phiền não, thì Phật có 84000 Pháp môn tu, tùy theo yêu cầu của chúng sanh, mà Bồ tát hiện thân giáo hóa họ hết khổ; trong khi Bồ tát vẫn an tọa trên hoa sen lớn.
Trở lại kinh Pháp Hoa, Đức Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ định, thì chúng sanh thấy địa ngục A Tỳ đến Trời Sắc Cứu Kính và cũng thấy Thanh văn, Bồ tát hành đạo. Đó là vị trí của Bồ tát đệ Bát địa, Bất Động địa mới vào thế giới Phật.
Có thể nói, sau khi nỗ lực tu tập từ Sơ địa đến đệ Thất địa, đạt được Phương tiện Ba la mật, rồi mới mở cho Bồ tát cánh cửa khác để bước vào thế giới không sanh tử. Còn ở giai đoạn trước, từ Sơ địa đến đệ Thất địa, tuy giỏi nhưng bất cứ lúc nào nghiệp duyên khởi, công phu tu tập cũng bị tiêu tan, tức còn bị sanh tử chi phối.
9. Bồ tát đệ cửu địa: Thiện Huệ địa
Ở địa thứ tám, với trạng thái tâm hoàn toàn thanh tịnh, Bồ tát ngồi một chỗ mà thành tựu mọi việc giáo hóa chúng sanh và thọ pháp với mười phương Phật. Đối với Bồ tát, mọi việc tự động sáng ra, dễ dàng tiếp nhận pháp âm Phật, đạt được Phật huệ, hiểu biết đồng với Phật, bước lên địa vị thứ chín gọi là Thiện Huệ địa Bồ tát.
Thiện Huệ nghĩa là huệ tròn đủ, sử dụng được Tứ Vô ngại biện tài để giáo hóa chúng sanh, gồm có:
* Pháp vô ngại: Không có gì mà Bồ tát không thấy rõ từ nhân đến quả. Còn đối với chúng ta, một pháp cũng không thấy rốt ráo, huống gì tất cả pháp. Hoặc thấy nhân mà không thấy duyên, nên cái thấy luôn sai lầm.
Thấy trọn vẹn từ nhân đến quả không sai lầm, trong kinh Pháp Hoa gọi là Thập Như thị. Mười như thị tác động vào Thập giới biến thành một trăm và một trăm pháp này hỗ cụ với nhau thành một ngàn pháp. Tất cả pháp này Bồ tát đệ Cửu địa thấy chính xác.
* Nghĩa vô ngại: Bồ tát Thiện Huệ hoàn toàn thông suốt nghĩa lý tất cả các pháp.
* Từ vô ngại: Thông thường, chúng ta biết, nhưng không có từ sử dụng, hoặc thiếu ngôn ngữ để diễn tả cho người hiểu. Đó là trở ngại lớn trong việc hoằng hóa.
Bồ tát Thiện Huệ địa không bị vấn đề này cản trở vì ở nơi nào, đối với chúng sanh nào, Bồ tát cũng có đủ ngôn ngữ để dẫn dắt tất cả thâm nhập Phật đạo.
* Nhạo thuyết vô ngại: Một chữ, một câu, một ý được Bồ tát Thiện Huệ triển khai vô hạn mà người nghe không biết chán, không thấy mệt. Kinh Pháp Hoa có nói Đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh thuyết pháp trải qua sáu mươi tiểu kiếp mà chúng hội tưởng như nửa ngày.
Ngoài ra, Bồ tát Thiện Huệ địa tu chứng được Lực Ba la mật, tức mười lực của Như Lai. Bồ tát sử dụng Như Lai lực để giáo hóa chúng sanh. Như Lai không từ đâu đến và không đi về đâu, Ngài ở trạng thái như như bất động mà vẫn cứu độ chúng sanh.
10. Bồ tát đệ thập địa: pháp Vân địa
Trên bước đường tu, Bồ tát phát triển Như Lai lực đến độ cao, bước sang đệ Thập địa, pháp Vân địa, ví như mây bao trùm Pháp giới, không còn giới hạn nào, thành tựu viên mãn đạo Bồ đề. Bồ tát pháp Vân địa hoàn tất Trí Ba la mật, đạt đến đỉnh cao của Hoa Nghiêm khác với trí thuần lý của Bồ tát chứng Bát nhã Ba la mật ở địa thứ sáu.
Trí Ba la mật theo Hoa Nghiêm là Lý và Trí Bất Nhị giúp Bồ tát thâm nhập Pháp giới. Nghĩa là Bồ tát sử dụng Trí thân quán sát các pháp. Các pháp biến thành thân của Bồ tát, nên Pháp thân và Trí thân kết hợp thành một, đưa đến Nhất nguyên viên mãn.
Bồ tát pháp Vân địa là Bồ tát Quán đảnh vị, kể từ đây, được mười phương Phật công nhận sự hiểu biết và việc làm của Bồ tát đồng đẳng với Phật. Ở trong biển trần khổ, Bồ tát pháp Vân địa phát hiện được vô số châu báu và dùng châu báu đó cứu độ chúng sanh. Còn ở các giai đoạn trước, sự hiểu biết và việc hành Bồ tát đạo thành công là nhờ Phật lực gia bị.
Tóm lại, kinh Hoa Nghiêm quy định Bồ tát hoàn tất lộ trình Bồ tát đạo, phải trải qua mười cấp bậc tu chứng trong thánh vị và chờ thành Phật, là Nhứt sanh bổ xứ Bồ tát.
Thiết nghĩ, đó là quá trình thiết thân kiểm nghiệm không đơn giản mà Bồ tát phải xả thân hành đạo đến ba ngàn đại kiếp theo như kinh đã ghi. Như vậy, pháp hành của Bồ tát chắc chắn không phải là việc bàn suông của phàm phu.
Mong rằng những kiến giải sơ lược về Bồ tát đạo theo thiển nghĩ của chúng tôi, chỉ là phương tiện gợi ý cho các pháp lữ nhận được phần nào thế giới Tỳ Lô Giá Na bất tư nghì, dù chỉ trong một ít phút giây ngắn ngủi cũng đáng quý.
Thế giới này là một, nhưng tùy theo nhân cách của từng người mà hiện hữu loại hình thế giới khác nhau. Thí dụ cùng nghe giảng trong một lớp học, nhưng có người buồn khổ, thì đó là địa ngục đối với họ. Vì vậy, kinh Hoa Nghiêm dạy nhứt thiết duy tâm tạo, hay chính yếu là vấn đề nhân cách. Không thể phê phán một người tốt hay xấu. Tùy theo thái độ của ta mà họ tốt hay xấu. Trên bước đường tu, khi người đối xử tệ ác với ta, phải tự biết ta xấu. Ở đây tiêu biểu bằng hình ảnh Thiện Tài đi vào Pháp giới, học hỏi được với mọi thành phần xã hội, chuyển tất cả mặt xấu thành tốt. Theo tinh thần này, cải tạo được xã hội với điều kiện tự cải tạo được tâm ta trước.
Trước khi đi vào Pháp giới, Bồ tát phải trải qua năm mươi hai chặng đường tu chứng từ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập hồi hướng, đến Đẳng giác Bồ tát là hoàn tất giai đoạn một, được coi như tương đương với Phật, nhưng thực sự không làm Phật được vì phước đức chưa có. Ví như tốt nghiệp, có học vị chỉ mới đủ tư cách thôi, còn cần quá trình làm việc sau đó mới quan trọng hơn.
Thuở nhỏ, Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi rằng trong đời người có ba việc. Giai đoạn một, xuất gia học đạo, lấy việc học làm chính. Chúng ta vẫn tu và truyền bá đạo nếu có duyên, nhưng đó là việc phụ. Vì thế, làm gì mà trở ngại cho việc học thì không làm. Hòa thượng Thiện Hoa chỉ cho tôi giảng mùa Phật đản, Vu lan, còn lại thì giờ phải lo học. Thời khóa tu cũng vậy, ngài không bắt tôi hành trì nhiều. Một ngày chỉ tụng niệm một thời, vì chỉ học mà không tu, nội lực chúng ta bị mất.
Giai đoạn hai, tu là chính, nhưng học và làm việc là phụ, vì học tốt nghiệp xong, chưa làm việc được do công đức chưa có. Các Hòa thượng không làm gì vẫn được kính trọng vì đã có đức hạnh. Chúng ta phải nghĩ đến trau giồi đức hạnh; trên bước đường tu, không có nội lực không làm được gì.
Các vị chân tu khi học xong đều kiết thất năm, mười năm như Hòa thượng Huê Nghiêm sau khi thọ Cụ túc giới, ngài trì kinh Pháp Hoa năm năm. Hòa thượng không quan tâm đến việc ăn uống, trong khi chùa đã hết gạo. Ngài tụng kinh nhất tâm đến độ dân làng nằm mơ thấy Long thần Hộ pháp đến gọi họ đem gạo lên chùa cúng dường. Thành tựu được pháp này, Hòa thượng chữa bịnh rất tài. Dù bị ung thư bao tử, bác sĩ cho biết không thể sống quá năm năm, nhưng ngài vẫn kéo dài được tuổi thọ đến 91 tuổi. Hoặc nhìn gương sáng của Hòa thượng Bửu Huệ, ngài kiết thất tu chưa đạt kết quả, nên nhập thất suốt mười hai năm. Sau đó, Hòa thượng Thiện Hoa mời ngài trông coi Phật học viện Huệ Nghiêm. Nhờ công đức tu hành, ngài thành công trong việc lãnh đạo Tăng chúng, được quý Thầy kính mến như là người cha.
Nếu không có quá trình tu thành đức, ra làm việc một lúc, sẽ bị mất Tăng thể. Ý thức như vậy, khi người chưa kính trọng, tin tưởng, phải nỗ lực tu, vì ta mới học giáo lý, chưa ứng dụng được pháp Phật vào cuộc sống, nên càng nói Phật pháp, người càng thấy ta cách xa Phật.
Tu hành có kết quả, được quần chúng kính ngưỡng, chúng ta bắt đầu sang giai đoạn ba là truyền đạo. Theo tinh thần ấy, tôi thấy Hòa thượng Huê Nghiêm không nói, nhưng ta nhìn ngài mà sanh tâm kính trọng và tự sửa mình, đó là cách giáo hóa của bậc chân tu. Còn nhiều vị rầy la liên tục, chẳng ai nghe theo và họ bỏ đi.
Rút kinh nghiệm của Hòa thượng Thiện Hoa dạy, tôi trì kinh Hoa Nghiêm và thay đổi sinh hoạt tu hành theo hoàn cảnh của chính mình. Đối với tôi, khi mới lớn lên, còn nhiều nhiệt tình và sức khỏe, không nên lười biếng, cần dồn tất cả nỗ lực cho việc học, tu và làm việc.
Giai đoạn một, tôi tìm các bậc cao đức nương tựa, vì biết mình thuộc loại sắn bìm, không tự lên được, phải tìm Thầy để học, nương với Thầy để làm. Bản thân tôi nương với các Hòa thượng Huê Nghiêm, Vạn Đức, Ấn Quang, Xá Lợi, Già Lam để học hỏi và phục vụ. Nói chung, tôi tôn thờ tất cả các vị tôn đức Trung, Nam, Bắc, gặp lúc cần học thì học, đáng tu thì tu, đáng làm thì làm.
Vì vậy, lúc mới 18 tuổi, nhưng gặp việc, tôi vẫn xả thân, vì nghĩ rằng gặp việc không làm, về sau không có cơ hội, muốn làm cũng không được. Ở giai đoạn một, không nương được Thầy hiền, bạn tốt, thì không xây dựng được nền tảng này, các giai đoạn sau coi như vứt bỏ.
Tôi khuyên các anh em còn ngồi ghế nhà trường phát hiện được người tốt hay xấu. Từ đó, ta cố tranh thủ được tình cảm thân thương với người bạn tốt, với các giáo sư. Ở trường mà không được Thầy thương, bạn quý, thì sau này ra trường cũng bỏ đi. Vì vậy, không biết nương tựa Thầy hiền bạn tốt, đến lúc rời trường, xa bạn, xa Thầy, có muốn tạo tình cảm thân thiện cũng không được.
Nhờ giai đoạn một gắn bó với các bậc danh đức, các ngài thấy rõ tấm lòng của ta đối với đạo, biết rõ ta có năng lực, có nhiều điểm tốt và sẵn sàng dấn thân chịu đựng mọi gian khổ, các ngài mới giao việc cho ta. Bản thân tôi được Hòa thượng Thiện Hoa chọn vì nhờ quá trình trước, ngài giao việc gì, tôi đều hết tình làm trọn. Được vậy, sau này ngài mới yên tâm giao phó, tôi mới có cơ hội tiếp tục làm đạo.
Giai đoạn một ta dùng sức để làm, nhưng trách nhiệm là Thầy chịu. Tiến lên giai đoạn hai, ta trở thành lãnh đạo, làm việc bằng trí giác, làm sao cho tầm nhìn phổ quát, càng chính xác càng tốt. Nhờ lãnh đạo sáng suốt, chúng ta thành công. Bước qua giai đoạn ba của cuộc đời là tuổi từ 60 trở đi. Lúc đó, sức đã hết, trí đã mòn, nhưng còn thành tích là đức hạnh.
Trải qua quá trình tu ba mươi năm, từ 30 đến 60 tuổi, tất cả những gì làm được đều trở nên thành quả của chúng ta. Có thể nói, người lớn lãnh đạo được là nhờ thành tích, cảm hóa được người là nhờ đức hạnh, trong khi thực sự không còn nhạy bén nữa. Giai đoạn một không phát huy năng lực, giai đoạn hai không đủ tư cách lãnh đạo thì giai đoạn ba không thể thành công.
Trở lại kinh Hoa Nghiêm, ở giai đoạn một, Bồ tát hành trì từ Thập Tín đến Thập địa. Đến giai đoạn hai tu Thập Định, Thập Thông, Thập Nhẫn và giai đoạn ba mới thâm nhập Pháp giới, diện kiến Đức Tỳ lô giá na.
Căn cứ vào thứ bậc tu hành nêu trên của kinh Hoa Nghiêm, khi chúng ta hành Bồ tát đạo, tu Thập Ba la mật mà thấy không có kết quả, phải biết mình chưa đủ tư cách. Cần điều chỉnh đến khi người thấy ta thực sự là hành giả Đại thừa mới bước qua giai đoạn hai được. Chúng ta chỉ bước vào Pháp giới với điều kiện người nhìn thấy ta phải phát tâm Bồ đề.
- Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập lược giải
- Ý nghĩa đề kinh
- Quan niệm về Đức Phật
- Bồ Tát Đạo
- Thiện Tài đồng tử cầu đạo
- Đức Vân Tỳ kheo
- Hải Vân Tỳ kheo
- Thiện Trụ Tỳ kheo
- Di Già
- Trưởng giả Giải Thoát
- Hải Tràng Tỳ kheo
- Hưu Xã Ưu bà di
- Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa
- Thắng Nhiệt Bà la môn
- Từ Hạnh đồng nữ
- Thiện Kiến Tỳ kheo
- Tự Tại Chủ đồng tử
- Cụ Túc Ưu bà di
- Cư sĩ Minh Trí
- Trưởng giả Pháp Bửu Kế
- Trưởng giả Phổ Nhãn
- Vua Vô Yểm Túc
- Vua Đại Quang
- Bất Động Ưu bà di
- Biến Hành ngoại đạo
- Trưởng giả Ưu Bát La Hoa
- Thuyền trưởng Bà Thi La
- Vô Thượng Thắng hay Di Lặc Bồ Tát
- Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
- Bà kỹ nữ Tu Mật Đa
- Cư sĩ Tỳ Sắc Chi La
- Bồ Tát Chánh Thu
- Bồ Tát Quán Tự Tại
- Thần Đại Thiên
- Địa thần An Trụ
- Dạ thần Bà San Bà Diễn Để
- Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh
- Thọ thần Diệu Đức Viên Mãn
- Bồ Tát Di Lặc
- Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi
- Bồ Tát Phổ Hiền
- Phổ Hiền Hạnh Nguyện
- Nội dung kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập nội dung
- Thay lời tựa
- 01. Thế Chủ Diệu Nghiêm
- 02. Như Lai Hiện Tướng
- 03. Phổ Hiền Tam Muội
- 04. Thế Giới Thành Tựu
- 05. Hoa Tạng Thế Giới
- 06. Tỳ Lô Giá Na
- 07. Như Lai Danh Hiệu
- 08. Tứ Thánh Đế
- 09. Quang Minh Giác
- 10. Bồ Tát Vấn Minh
- 11. Tịnh Hạnh
- 12. Hiền Thủ
- 13. Thăng Tu Di Sơn Đảnh
- 14. Tu Di Sơn Đảnh Kệ Tán
- 15. Thập Trụ
- 16. Phạm Hạnh
- 17. Sơ Phát Tâm Công Đức
- 18. Minh Pháp
- 19. Thăng Dạ Ma Thiên Cung
- 20. Dạ Ma Cung Kệ Tán
- 21. Thập Hạnh
- 22. Vô Tận Tạng
- 23. Thăng Đâu Suất Thiên Cung
- 24. Đâu Suất Kệ Tán
- 25. Thập Hồi Hướng
- 26. Thập Địa
- 27. Thập Định
- 28. Thập Thông
- 29. Thập Nhẫn
- 30. A Tăng Kỳ
- 31. Thọ Lượng
- 32. Chư Bồ Tát Trụ Xứ
- 33. Phật Bất Tư Nghì
- 34. Như Lai Thập Thân Tướng Hải
- 35. Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Đức
- 36. Phổ Hiền Hạnh
- 37. Như Lai Xuất Hiện
- 38. Ly Thế Gian
- 39. Nhập Pháp Giới
- 40. Phổ Hiền Hạnh Nguyện