Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa

大方廣佛華嚴經

Sau khi dạy cho Thiện Tài tu được pháp giải thoát, Hưu Xã Ưu bà di chỉ Thiện Tài đi về phương Nam, đến tìm học Bồ tát hạnh với tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa. Đến đây khởi đầu cho giai đoạn đi vào ngoại đạo, tiếp cận với người có tư tưởng khác. Trước khi nhập đạo, tâm còn phân biệt giữa ta theo đạo này và người theo đạo khác, hiểu lầm ngoại đạo nên bị họ chống trái. Nay thâm nhập Hoa Nghiêm, có cái nhìn cởi mở, Thiện Tài được cung kính đón tiếp.

Tỳ Mục Cù Sa ca ngợi Thiện Tài đã phát tâm Vô thượng Chánh giác, có chí lớn, vì Thiện Tài đến với tư cách đi tìm thiện tri thức, khao khát chân lý. Nhân cách tốt đẹp này đã tác động đến tiên nhân, ông mới thương kính và trao truyền sở đắc bằng cách xoa đảnh và nắm tay Thiện Tài.

Đồng tử được tiên nhân Tỳ mục Cù Sa xoa đầu và nắm tay thì thấy hoàn toàn đổi khác, thấy các thế giới Phật hiện ra và nghe được pháp âm chư Phật. Sự tác động này khiến cho Thiện Tài nhận ra tiên nhân Tỳ Mục là người đắc đạo. Nếu chỉ nhìn bề ngoài theo mắt thường, không thấy được người đắc đạo. Nhưng dưới mắt Thiện Tài, thấy được Tỳ Mục tham quan lễ bái mười phương Phật, thấy Tỳ Mục đi mà không đi và hơn thế nữa ngồi yên tại chỗ mà có khả năng đưa Thiện Tài đi tham quan tất cả Pháp giới trong chớp mắt.

Tỳ Mục nắm tay và xoa đầu tạo sự an lành và tri thức cho Thiện Tài ngay trong khoảnh khắc và buông tay ra thì cũng trả ngay Thiện Tài trở về thế giới bình thường.

Thiện Tài vào đời tìm được thiện tri thức hiện hữu trong tất cả thành phần xã hội, không nghĩ thành phần này tốt, thành phần khác xấu. Thiện Tài nhận biết chân thực và kết hợp thành thế giới tốt, không bị óc bè phái làm sai lệch tri kiến, không phủ nhận việc tốt của người, không binh vực người cùng môn phái.

Thiện Tài vào rừng thấy tiên nhân cùng đại chúng sống đơn giản, không nhà ở, họ mặc áo vỏ cây hay áo da nai; đó là quan sát theo bề ngoài thấy ngoại đạo như vậy. Nhưng nhìn vào chiều sâu cũng tìm thấy cái hay của họ, thấy được người nào cũng có quyến thuộc. Người xấu có quyến thuộc xấu, giỏi có quyến thuộc giỏi. Quyến thuộc là nhân duyên của họ.

Dưới mắt Tiểu thừa, người tu ở rừng, mặc áo lá cây, hình thù kỳ quái là ngoại đạo. Nhưng nhìn theo Đại thừa như Thiện Tài, thấy tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa là Bồ tát hiện thân lại, khác với ngoại đạo thật. Vì ngoại đạo tu, luyện bùa chú để dẫn người vào đường tà; trong khi Bồ tát bằng lòng sống với ngoại đạo để dìu dắt họ lần ra khỏi đường mê.

Bồ tát với lòng đại bi, thương xót ngoại đạo, mới hiện thân vào sống với họ, thì phải sinh hoạt y hệt như họ, cũng mặc áo vỏ cây, cũng mang hình thù kỳ dị, ở núi rừng, để họ chấp nhận Bồ tát, dần dần chịu nghe theo. Bồ tát thấy rõ những người ngoại đạo tu chọn nếp sống khổ hạnh cũng là người tốt. Nếu không hướng dẫn, bỏ mặc họ cho người khác lợi dụng, sẽ dẫn họ đi vào đường ác. Tiên nhân hay Bồ tát khởi tâm cứu giúp, dạy dỗ họ từng bước hướng đến đời sống cao đẹp.

Ý thức này rất quan trọng mà chúng ta cần nhận chân theo tinh thần Đại thừa. Nếu sống theo Tiểu thừa, phải theo y khuôn hình thức ăn, mặc như thế nào mới được chấp nhận là người tu. Đối với Đại thừa, theo tinh thần mở rộng, muốn hướng dẫn người, phải sống gần gũi và làm giống họ, gọi là Đồng sự nhiếp, họ mới nghe và dần dần ta mới khai ngộ cho họ được. Điển hình như Long Thụ Bồ tát hiện thân tu theo ngoại đạo. Ngài rất thông thái, làm giáo chủ Bà la môn và trở về với Phật đạo, ngài biên soạn nhiều bộ luận nổi tiếng, ngày nay vẫn còn giá trị.

Hưu Xã Ưu bà di nhận biết được tiên nhân Tỳ Mục bên ngoài mặc áo tiên, nhưng bên trong ẩn hạnh Bồ tát, mới dạy Thiện Tài tìm đến học đạo. Và Thiện Tài cũng nhận ra vị tiên này tu Bồ tát đạo, dù bên ngoài bình thường là ngoại đạo.

Nội tâm của tiên nhân truyền thông với tâm Thiện Tài, nên Thiện Tài học được với ông pháp Bồ tát Vô thắng tràng giải thoát, hay tự tại giải thoát trong mọi tình huống. Tuy sinh hoạt với ngoại đạo, nhưng Thiện Tài sử dụng được Phật đạo, nên tốt hơn ngoại đạo thật.

Theo tinh thần Đại thừa, thể hiện lời Phật dạy rằng ở trong tầng lớp nào, chúng ta cũng phải tốt hơn người, giỏi hơn người. Tiên nhân Cù Mục hiện thân sống với lớp người ngoại đạo, làm Thầy họ, hướng dẫn họ cách tu tiên, nhưng cũng nhằm mục tiêu thuần hóa họ thành tốt cho đến thành Phật. Không giới hạn tu Phật mới thành Phật, ở đây tu tiên cũng thành Phật.

Tôi thấy các vị cao Tăng truyền bá đạo Phật thường sử dụng hình thức này. Vì người Việt Nam tin năm bà, nên chùa cũng phương tiện đặt miễu thờ năm bà để dân chúng có sẵn niềm tin ấy tìm đến lễ lạy, nhân đó Hòa thượng nói pháp hướng dẫn họ dần trở về chánh đạo.

Như vậy từ cốt lõi Phật đạo, mượn hình thức ngoại đạo để từng bước chuyển tâm họ theo Phật đạo, điều này cũng tốt. Nhưng, ngược lại, chúng ta đem ngoại đạo vào Phật đạo để mê tín hóa người, đưa người vào con đường sống với tà pháp là hoàn toàn sai, không được phép làm.

Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa sống với ngoại đạo, nổi bật hơn họ về đạo đức và tri thức, dùng vốn quý giá ấy dạy dỗ người tu về với Phật đạo. Thiện Tài tìm Bồ tát hiện thân ngoại đạo để học, không phải theo ngoại đạo thật.

Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa cho biết ông sống với ngoại đạo mà không đánh mất tâm Phật, đồng thời hiểu rõ ngoại đạo hơn để dẫn họ quy về Phật đạo. Việc làm của tiên nhân chỉ có vậy, Thiện Tài nên tiếp tục học Bồ tát hạnh với Thắng Nhiệt Bà la môn ở tụ lạc Y Sa Na.