Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân

大方廣佛華嚴經

Về vấn đề nam nữ, trong thời đại chúng ta, phần nhiều luật pháp các nước đều công nhận bình đẳng. Mặc dù được thừa nhận như vậy, nhưng thực chất của người nữ có ngang hàng với phái nam hay chưa, mới là điều quan trọng. Trong đạo Phật đặt nặng thành quả tu hành, từ đó xét ở góc độ tài năng, đức hạnh, tâm tưởng của người nữ có thực sự giống như người nam hay không. Thiết nghĩ để được ngang bằng với người nam, người nữ cần phát huy tánh ưu việt của mình.

Sư Tử Tần Thân là biểu tượng chỉ cho sự bình đẳng bên trong, không phải bình đẳng bên ngoài; nghĩa là trên Phật tánh thì bình đẳng, nhưng thực tế cuộc sống có khác nhau. Chính vì Phật tánh bình đẳng, nên ta phấn đấu tu hành đều sẽ thành Phật.

Sư Tử Tần Thân tiêu biểu cho Phật thân, bề ngoài mang hình tướng Tỳ kheo ni nhưng khả năng vượt hơn Bồ tát Di Lặc. Di Lặc cho biết ngài không bằng Sư Tử Tần Thân vốn là Phật rồi, nhưng thị hiện thân hình Tỳ kheo ni đang ở trong vườn Đại Quang. Tỳ kheo ni này được vua Thắng Quang kính trọng hơn tất cả Pháp sư khác và đem dâng cúng vườn ngự của vua để vị ni này hành đạo. Điều này gợi chúng ta suy nghĩ vị ni sư này phải có khả năng phi thường nào đó. Chính Di Lặc nói với Thiện Tài rằng bề ngoài thấy hình dáng người nữ, nhưng bên trong thật là một vị Phật; đó là điều mà Thiện Tài đáng học với Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân.

Bằng trí huệ học được với thuyền trưởng Bà Thi La và Vô Năng Thắng, mới thấy được Đức Phật tiềm ẩn bên trong Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân, vì đã học được pháp phân tích tâm theo Di Lặc Bồ tát, tức phân biệt được những nguyên tố tạo nên con người. Vì vậy, không thấy Sư Tử Tần Thân là cô ni tầm thường như bao người, nhưng thấy được sức thu hút mãnh liệt của ngài khiến vua phải quy ngưỡng. Ngoài ra, cả Bồ tát từ Sơ Địa đến Thập địa, cho đến chúng hội từ Tịnh Cư Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, Đâu Suất Thiên… và các loài chúng sanh đều tụ họp đến nghe Sư Tử Tần Thân thuyết pháp. Tất cả Bồ tát và chúng sanh trong vườn Nhựt Quang đều do Sư Tử Tần Thân Tỳ kheo ni khuyên phát tâm thọ trì Chánh pháp, đều được bất thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh giác.

Trong khu vườn, dưới mỗi cội cây có một tòa sen và mỗi tòa sen có một Sư Tử Tần Thân và chúng hội vây quanh. Như vậy, Sư Tử Tần Thân không phải là một người, một ni cô. Mỗi tòa sen đều có một Tỳ kheo ni mang hình dáng giống y Sư Tử Tần Thân. Trong chúng hội, mỗi người có yêu cầu riêng, không giống nhau, nhưng tất cả đều nghe được pháp đúng theo tâm ý họ. Đây là việc khó làm, kinh gọi là ưng hiện sắc thân, nghĩa là chư thiên cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, loài người, loài quỷ, rồng, chư Thần… sống như thế nào thì Sư Tử Tần Thân hiện hình tương ưng thuyết pháp, thỏa mãn tất cả sự mong ước của họ.

Thiện Tài quán sát theo trí huệ của Bà Thi La và theo tâm pháp của Vô Năng Thắng, không thấy Pháp hội bình thường như mắt thịt phàm phu thấy, mà thấy Sư Tử Tần Thân chi phối tất cả muôn loài, biến hóa được tất cả thân hình chúng sanh. Ngài cho biết sở đắc chứng này được gọi là pháp ý sanh thân. Ngài phổ hiện khắp nhân gian, ai nghĩ thế nào, yêu cầu điều gì, sẽ thấy ngài đúng như vậy. Ý này cho chúng Ta Bài học thuyết pháp không phải là chỉ nói suông, phải thỏa mãn được yêu cầu của người và đưa họ về sống với chánh đạo.