Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với vua Vô Yểm Túc

大方廣佛華嚴經

Vua này tàn nhẫn, đặt nhiều hình phạt trừng trị nặng nề, là vua hung ác thì học đạo với họ là học gì. Và nếu nghĩ học đạo Bồ tát tức cứu nhân độ thế, nhưng ông này sử dụng hình phạt cực ác, kinh khủng như móc mắt, xẻo tai, lột da, hành hạngười đau khổ cùng cực, làm sao có đạo Bồ tát để học.

Thiết nghĩ, chúng ta phải quan sát xem tội ác mà vua hành hình phạm nhân là thật hay giả. Nếu làm ác thật, vua Vô Yểm Túc cũng phải bị lật đổ và chết thảm thương như việc ông đã làm. Thực tế lịch sử đã chứng minh điều này. Chúng ta thấy rõ các nhà độc tài trên thế giới làm ác phải lãnh thọ quả báo ác. Quy luật này không trừ bất cứ ai. Tuy nhiên, riêng đối với vua Vô Yểm Túc, không phải như vậy.

Thông thường, người có căn lành không thích gần gũi người ác, vì thấy việc ác thì đau nhói trong lòng. Ở đây, kinh diễn tả là Thiện Tài phát tâm đại bi cứu hộ chúng sanh mà lại thấy Vô Yểm Túc bức hại chúng sanh cho đến chết, khiến Thiện Tài hoảng sợ, định bỏ đi.

Đây là lần thứ hai ta thấy Thiện Tài chùn bước. Lần thứ nhất gặp Thắng Nhiệt Bà la môn bảo trèo lên núi đao, nhảy vào hầm lửa, Thiện Tài hoảng sợ; nhưng nhận ra thâm ý mà thiện tri thức muốn dạy rằng không dấn thân vào đường hiểm sanh tử làm sao cứu vớt chúng sanh. Thiện Tài liền phát tâm cầu đạo không tiếc thân mạng.

Vượt được chặng thứ nhất rồi, Thiện Tài tự nghĩ chẳng lẽ học với người ác là Bồ tát hạnh hay sao. Lần này ông lại nghe chư thiên nhắc nhở: “Phải tin thiện tri thức, trưởng giả Phổ Nhãn không nói sai đâu. Bồ tát pháp không thể hiểu được, đừng suy nghĩ, đừng đánh giá, dễ sai lầm”.

Trên bước đường tu, chúng ta hiểu Hoa Nghiêm là hiểu từ tự tánh, trong lòng ta cân nhắc, cảnh tỉnh, chứ không phải gặp chư thiên thật. Thiện Tài nghe chư thiên nhắc, nghĩa là từ bản tánh thanh tịnh của ngài mà lóe sáng lên Trung đạo đệ nhất nghĩa. Bằng sự nhận thức thì Thiện Tài thấy Vô Yểm Túc tàn nhẫn, nhưng theo trực giác lại cảm nhận bên trong vua có cái gì bất khả tư nghì, không thể nói được.

Nghe tiếng nói trong hư không có thể hiểu là khi sử dụng sự nhận thức, thì tâm chúng ta bị mờ đặc. Nhưng xóa sạch nhận thức, tâm thành trống không, chân lý mới hiện ra.

Một niệm bất giác nổi dậy, không thể thấy chân lý, vì đầu óc chúng ta dầy đặc dữ kiện. Tuy nhiên, trở về trạng thái vô tư hồn nhiên của Tự Tại Chủ đồng tử, tức trở về tâm trống không mà Đức Phật thường so sánh với hư không, chân lý mới hiện ra cho ta.

Theo tôi, ta thấy người xấu, nghe nói họ xấu và dùng suy nghĩ phân tích cũng thấy họ xấu. Nhưng nếu ta không nghĩ họ xấu, dừng ý niệm xấu về họ khi sống chung và làm việc chung với họ, thì họ không xấu với ta nữa, dù trên thực tế cuộc sống, họ vẫn xấu với người khác. Đó là kinh nghiệm tu của tôi, dù xấu mấy, ác mấy, họ cũng ước mong có người tin để họ nương tựa. Có thể nói bất cứ ai cũng có một điểm lành. Trên bước đường tu, tôi không thấy ai xấu với tôi. Nếu cầu đạo bằng tâm đó, chúng ta thấy cuộc đời đẹp biết bao và bằng đôi mắt đẹp như đồng tử Thiện Tài cầu đạo, lần lần cuộc đời trở thành đẹp thật với chúng ta. Điều đó được Phật dạy rằng tất cả pháp do tâm tạo. Trên tinh thần ấy, Thiện Tài nhìn mặt ngoài thấy vua xấu ác, nhưng lắng lòng, thấy được vua tốt. Có cảm nhận như thế mới tiến tu được.

Trong cuộc sống luôn có hai mặt đối lập, nhìn thoáng qua, thấy tốt, nhìn kỹ lại thấy xấu; hai cái tốt xấu thường chập chờn hiện hữu. Ý thức sâu sắc điều đó, chúng ta nên cho cái xấu trôi về quá khứ để hiện tại tốt hơn, vì nếu cứ ghim chặt cái xấu quá khứ, nó sẽ trở thành hiện tại và mỗi ngày thêm lớn hơn. Và cố gắng giữ tâm niệm tốt, nuôi dưỡng nó mỗi ngày, mỗi đời phát triển hơn.

Vua Vô Yểm Túc xét xử tội nhân xong, ông dẫn Thiện Tài vào xem cung điện và cho biết bề ngoài thấy làm ác như vậy, nhưng thật trong lòng vua từ khi phát tâm tu Bồ tát đạo, một con muỗi cũng không giết. Vì thương chúng sanh đầy tham lam, ghét ganh, mê muội, độc ác, nên ông trừng trị để ngăn chặn tội ác cho họ, giúp họ thành người tốt. Với ý niệm không phải vì ác nhưng vì lòng Từ mà răn đe, dạy dỗ người. Nhờ pháp tu ấy mà ông đạt được Như huyễn Tam ma địa, thì ông cần cái gì liền hiện cái đó.

Khi vua nhập Như huyễn Tam ma địa, thì những người ác hiện ra để ông thuyết pháp. Người bị giết và người giết đều do biến hóa ra, không phải ngườithật. Dùng hình phạt nặng trừng trị người huyễn hóa nhằm giáo dục người thật hung dữ trên nhân gian, cho họ thấy quả báo đau khổ mà không dám làm việc ác nữa. Đây là việc làm của Bồ tát lớn, tạo dữ kiện để ngài lấy đó làm bài thuyết pháp sống.

Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca hành Bồ tát đạo cũng đã dùng Huyễn thân Tam ma địa hiện thành các loại hình nghịch thuận, tốt xấu để tuyên dương Chánh pháp. Điển hình như Bàn Đặc không thuộc nổi hai chữ mà đắc La hán, là do Đức Phật huyễn hóa ra để người dốt nghĩ rằng họ còn giỏi hơn Bàn Đặc, nếu tu sẽ đắc quả mau hơn.

Chúng ta biết rõ Đức Phật dùng huyễn hóa vì về sau không ai đắc đạo dễ dàng như vậy, dù họ là Tăng sĩ rất giỏi. Hiển nhiên là người huyễn hóa thì muốn làm gì cũng được, họ đắc đạo mau lẹ, dễ dàng vì có phải tu thật đâu, có thể tạm ví như đóng kịch trên sân khấu vậy. Họ đóng vai ngu dốt mà đắc quả thì kịch hết, màn hạ xuống, họ trở về con người thật, chứ có còn là vị La hán nữa đâu.

Dưới bàn tay của người đắc Huyễn thân Tam ma địa, họ sắp xếp cho người huyễn hóa thành công việc gì là tùy theo ý muốn của họ. Trái lại, trên thực tế, người xấu thật thì khó mà chuyển hóa họ trở thành tốt được.

Bồ tát nương theo Phật làm việc giáo hóa chúng sanh, vua Vô Yểm Túc ác thật thì ông không thể nào có phước báu lớn lao vô cùng. Thật vậy, Thiện Tài thấy cung điện của vua rộng lớn không gì có thể so sánh, đều làm bằng thất bảo và có mười ức thị nữ đoan trang xinh đẹp.

Vua bảo Thiện Tài nếu vua thật sự gây ác nghiệp thì làm sao có được quả báu tốt đẹp là thân không bệnh, tâm giải thoát và giàu sang như vậy, còn quyến thuộc hết lòng phục vụ, không trái ý. Thấy bề ngoài ác mà thật là thiện.

Làm ông ác khó hơn làm ông thiện. Toàn người hiền thì ai giữ của Tam aảo. Vì vậy, Quan Âm Bồ tát hiền nhất nhưng đóng vai ông Tiêu mặt dữ, hoặc Vi Đà Bồ tát cũng đầy lòng từ mà hiện thân Hộ pháp để dọa người ác.

Vua Vô Yểm Túc dạy Thiện Tài nên quan sát người ác giả mà trong tâm họ tốt như Đề Bà Đạt Đa mặt quỷ nhưng chứa tâm Phật. Và ngược lại, mặt ngoài hiền lành ẩn chứa tâm ác độc, gọi là khẩu Phật tâm xà. Tâm bên trong chủ động, quyết định quả tốt hay xấu. Tâm ác thật thì đương nhiên phải thọ quả báo khổ, không thể nào thoát khỏi lưới nhân quả; nhưng chúng ta thấy họ ác mà vẫn sống sung sướng thì còn phải xét lại có điểm gì hay mà chúng ta phải học, không nên nói xấu họ.

Vua Vô Yểm Túc dùng hình phạt nặng để xã hội được bình yên. Và hơn thế nữa, Thiện Tài học được cách nhìn bề trong, thấy được pháp Bồ tát như huyễn giải thoát.