Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Dạ thần Bà San Bà Diễn Để

大方廣佛華嚴經

Học đạo Bồ tát và tu Bồ tát hạnh chính yếu cần quan sát công hạnh của các ngài để ứng dụng vào cuộc sống của chúng ta. Ở đây, tên của vị thần này hơi lạ. Tuy nhiên, đọc kỹ kinh, chúng ta thấy công hạnh của ngài cũng khá quen thuộc. Trong kinh Pháp Hoa, chúng ta có thể bắt gặp Dạ thần này mang tên là Nguyệt Quang Bồ tát hay Mãn Nguyệt, Bảo Nguyệt Bồ tát.

Phải khẳng định rằng tất cả thần linh được diễn tả trong kinh Hoa Nghiêm không mang tính chất Thần đạo đã có ở các nước. Truyền thuyết cổ xưa dựng nên những vị thần và các vị này được nhào nặn theo tinh thần Hoa Nghiêm, tạo thành thần minh kiểu mẫu hành đạo Bồ tát. Bồ tát là người sống ở nhân gian vì lợi ích và làm phúc lạc cho người khác. Với ý nghĩa ấy, Bồ tát trong kinh Hoa Nghiêm được truyền bá đến đâu, thì người ta hình dung ra đó là những vị thần có từ trước. Từ đó, vị phúc thần được kết hợp với Bồ tát trở thành những minh thần của Hoa Nghiêm và tống xuất các hung thần đi. Được xây dựng trên tinh thần vì phúc lạc cho trời người, Bồ tát và phúc thần tuy hai mà một, hay đó là hai mặt khác nhau được diễn tả thành một và chỉ hiện hữu trong kinh Hoa Nghiêm.

Thiện Tài phải gặp Địa thần An Trụ rồi mới thấy Dạ thần; vì học với Địa thần, vấn đề trí huệ được đặt trên hết. Thật vậy, đối với người tu, trí huệ là cốt lõi. Hiện tượng trong trời đất có sẵn, nhưng người không có trí huệ chẳng thể thấy biết. Riêng Đức Phật Giác ngộ và bằng trí huệ thấu suốt mọi hiện tượng của vũ trụ. Đức Phật dạy nếu ta không biết thì thân này là một khối phiền não; nhưng nếu biết thì cũng nhờ thân Ngũ ấm mà ta phát sanh trí huệ hay tu thành Phật được.

Tất cả sự quý giá tiềm tàng trong lòng đất cũng như mọi sự hiểu biết tiềm ẩn trong tâm con người, đó là ý nghĩa gặp được Địa thần, tức phát hiện trí huệ có sẵn trong chúng ta. Đức Phật thành bậc Vô thượng Đẳng giác, vì phát hiện và sử dụng được trí huệ có sẵn. Và Ngài hiện hữu trên cuộc đời này chỉ nhằm mục tiêu chỉ dạy chúng ta cách thức khai thác khả năng sẵn có của mỗi người. Khai thác bằng cách nhờ thiện tri thức khơi dậy căn lành, giúp chúng ta hiểu biết mọi việc trên cuộc đời.

Nhờ thiện tri thức là Địa thần An Trụ, Thiện Tài thấy được Dạ thần Bà San Bà Diễn Để. Theo tín ngưỡng cổ xưa, Dạ thần này là Đại Phạm Thiên vương hay đấng tạo hóa. Theo thời đại ngày nay, chúng ta có thể hiểu đó là nguyên lý tạo nên vũ trụ và con người, tức lý duyên sanh. Đức Phật dạy người nào thấy nhân duyên là thấy pháp và thấy pháp là thấy Như Lai, hay nguyên lý tạo ra vũ trụ.

Kinh Hoa Nghiêm cho biết không phải người nào hay đấng tạo hóa nào áp đặt cho ta, chính cộng nghiệp của chúng sanh tạo nên chúng và thế giới của chúng. Thế giới loài người do cộng nghiệp của con người tạo nên, các loài khác cũng vậy.

Tuy nhiên, trong cộng nghiệp cũng có biệt nghiệp, nên cùng là loài người nhưng không ai giống ai. Biệt nghiệp, hay cá tánh là những đặc điểm riêng không thể phủ nhận. Trên bước đường tu Bồ tát đạo, chúng ta cầu thiện tri thức giúp đỡ để loại trừ cá tánh tác hại người khác khổ đau và phát huy cá tánh tốt nhằm tạo thế giới tốt đẹp. Thiện Tài đồng tử đi qua năm mươi ba chặng đường cầu đạo, cố khám phá triệt để mặt tốt này.

Sau khi phát hiện được sự quý báu nhất là trí huệ mà Địa thần chỉ dạy và phát triển trí huệ đến độ cao nhất, thì mọi việc trên cuộc đời trở thành quý giá, ở ngay thế gian này mà tiến tu. Từ yếu tố chính là vật chất, tức tận dụng những cái có trong tầm tay hay trong lòng đất, Thiện Tài mới bắt đầu quan sát vũ trụ, tìm nguyên lý tạo nên vũ trụ và con người.

Lúc ấy, Thiện Tài thấy Dạ thần, hay nhìn vào đêm dài sanh tử của chúng sanh, tìm trong vũ trụ bao la từ kiếp này sang kiếp khác, hay những biến chuyển trong trời đất. Ngày nay, với phương tiện khoa học, có thể hiểu ý nghĩa gặp Dạ thần, được thần dạy nghĩa là chúng ta sử dụng những gì có trong tầm tay để phát triển sự hiểu biết mà quan sát thế giới bên ngoài. Từ đó, biết được nguyên lý tạo nên cuộc sống, mà người xưa coi đó là đấng tạo hóa.

Trong kinh diễn tả Thiện Tài nhìn vào thân của Dạ thần thấy nhựt nguyệt tinh tú hiện vào. Tạo ra một vị thần ở trong đình miếu cho người thấy được thì không khó. Nhưng hình thành một thần linh mà trong người họ có mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, quả thật là khó hình dung nổi. Vì vậy, trong kinh bảo rằng gặp được Địa thần An Trụ rồi mới thấy Dạ thần Bà San Bà Diễn Để. Có thể hiểu rằng khi trí huệ chúng ta đã phát triển cao độ, cho phép chúng ta quan sát rộng hơn thì không còn thấy hạn hẹp trong thân con người, mà thấy vị thần này chuyển hóa thành rộng lớn, lấy vũ trụ và Pháp giới làm thân. Rồi thấy tất cả chuyển hóa không ngừng, trong mỗi lỗ chân lông phóng ra vô số ánh sáng đến tất cả chúng sanh.

Đến đây, chúng ta trở về kinh Pháp Hoa có thí dụ Đức Phật đối với chúng sanh ví như ánh sáng mặt trời chiếu đến muôn loài. Tất cả cỏ cây, muôn thú, loài người… hoàn toàn khác nhau, nhưng không loài nào sống ngoài định luật tồn tại của vũ trụ. Nguyên lý ấy chi phối chúng ta từng phút giây, mà không ai biết, chỉ có Thiện Tài thấy rõ sự tương quan tương duyên thuận nghịch của muôn loài nương nhau tồn tại trong trời đất. Bằng trí huệ, Thiện Tài quan sát Dạ thần, tức quan sát vũ trụ như vậy.

Dạ thần dùng lực chi phối mọi loài chúng sanh, nhưng chúng sanh không biết luật chi phối ấy. Kinh diễn tả là người thích tu Thanh văn thì Dạ thần hiện thân Thanh văn nói pháp, họ nghe liền khởi tâm vui thích, được giải thoát. Ý này nếu được hiểu mộc mạc rằng vị thần uy quyền lớn như đấng sáng thế, chỉ chắp tay cầu xin thì ngài sẽ hiện cái gì mà chúng ta ưa thích. Nghĩ như vậy, dễ rớt vào mê tín, nhất là đối với người nhiều lòng tham và chẳng may lại gặp thêm ác nhân khai thác, thì nhất định đưa họ vào con đường tội lỗi.

Theo tôi, những ai có nhân duyên, có thiện căn công đức, sẽ gặp được Dạ thần. Không có thần từ hư không hiện đến, nhưng tất cả người đến với tôi đều là Thiên thần, Địa thần, Dạ thần, Bồ tát đồng hạnh.

Chúng ta tìm Thiên thần vô hình không bao giờ gặp, đó là ma thuật mà Đức Phật thường phủ nhận. Tuy nhiên, chúng ta có pháp lữ đồng hành; khi khởi lên tâm niệm thiện thì thiện căn công đức đã gieo trồng kết hợp được với Bồ tát đồng hạnh. Thiện căn công đức của chúng ta và của người gặp nhau, thì chuyển thành tâm thiện, việc làm thiện. Vì thế, chúng ta tìm thiện tri thức ngay trong cuộc đời này là những Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, nam nữ Phật tử, những người có lòng tốt… Nếu bỏ những người này, tìm người vô hình cũng giống như tìm lông rùa sừng thỏ. Nhưng quan sát sinh hoạt thực tế, chúng ta thấy người tu xung đột với nhau, đó là vì xung đột nghiệp thân, từ đó thiện tri thức biến thành ác ma. Trên bước đường tu, điều này rất quan trọng. Khi chúng ta tìm thiện tri thức là phát khởi từ nhân duyên căn lành, chúng ta có lòng thương người, lòng khoan dung, thì phản ứng tốt tự nhiên cũng sẽ đến với chúng ta.

Trên nền tảng phát xuất từ thiện căn và được đáp lại bằng thiện căn, nếu chúng ta đến với người mà trong lòng không sanh thiện căn, nhưng sanh ác nghiệp, thì chúng ta phải tạm tránh; chỉ nên đến nơi nào khơi dậy căn lành mà thôi. Vì vậy, Thiện Tài cho biết nhờ thiện tri thức khai ngộ mà bản tâm thanh tịnh.

Tới gặp thiện tri thức, tất cả thắc mắc từ ngàn xưa tự giải đáp, kiêu căng, tật đố, ngã mạn tự biến mất. Chúng ta lạy Dạ thần, hay Bồ tát Nguyệt Quang, được ánh quang của ngài soi sáng đến, bao nhiêu phiền não nhiễm ô đè nặng lên kiếp người nhứt thời tan hoại, lòng được mát mẻ. Nhất là trí huệ được khai phát, khiến chúng ta sáng suốt, cái thấy mỗi ngày đúng đắn hơn. Trước lầm tưởng có trời Phạm Thiên, nhưng nay thấy được thuyết duyên sanh nhờ Bồ tát khai mở cho chúng ta.

Thiện tri thức là bất cứ người nào giúp ta thành tựu bốn việc là bớt phiền não, tâm mát mẻ, trí sáng suốt và đến gần quả vị Như Lai. Trái lại, ác ma làm chúng ta phiền não, tham lam, ích kỷ, ghét ganh. Chúng ta tìm thiện tri thức là những người cùng ý chí, cùng hạnh nguyện ngay trên cuộc đời này. Ngài Nhật Liên dạy rằng người cầm gươm giết ngài là thiện tri thức vì họ làm ngài khởi niệm lành và họ cũng có niệm lành. Trong khi người tâng bốc ta, nhưng ta khởi niệm ác, thì người đó là ác ma.

Đối với chúng ta, tìm thiện tri thức ở ngay trên cuộc đời; nhưng xa hơn, đối với Thiện Tài, tầm quan sát của ông là vũ trụ. Thiện Tài mượn tất cả sự hiểu biết của thiện tri thức trên đời dồn lại để ông có kiến thức siêu việt hơn. Thiện Tài nương vào các thiện tri thức trên đời và các phương tiện trên mảnh đất này mà đi xa vào vũ trụ bao la. Ông tìm thấy thiện tri thức dưới dạng thức khác, không phải là người nói bằng ngôn ngữ hay hành động khuyến thiện. Mọi hiện tượng thiên nhiên như cánh chim, ánh trăng soi bên dòng suối, hay một bông hoa dại, một ráng ban mai, v.v… đều phát triển thiện căn cho Thiện Tài, dẫn đến tâm thánh thiện nhất, việc làm lợi lạc nhất cho đời, đều là hình ảnh tiêu biểu của Dạ thần.