Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Bồ Tát Thập Trụ

大方廣佛華嚴經

Sau khi xây dựng được niềm tin kiên cố của thập tín, đến giai đoạn hai là thập trụ gồm có 10 cấp bậc khác nhau, từ thấp lên cao.

1. Sơ phát tâm trụ

Bậc thứ nhất của Bồ tát thập trụ là sơ phát tâm trụ, tức quyết lòng hướng đến Vô thượng đẳng giác. Đường đi đến Vô thượng đẳng giác gai góc, nhưng phải hướng tâm mạnh ở đó, trụ vững không thay đổi. Các vị Tổ sư thường nhắc chúng ta giữ tâm ban đầu là tâm này. Dù hoàn cảnh thế nào, chúng ta vẫn trụ vững chắc ở bồ đề tâm.

Thuở mới tu, tôi vô chùa thấy thực tế cuộc sống không giống như người ta đồn. Thần thông biến hóa đâu không thấy, chỉ thấy toàn là cực khổ, 3 giờ khuya phải thức, ăn uống đạm bạc, làm việc thật nhiều. Trên bước đường tu, vượt qua thử thách lớn này, chúng ta mới được bất tư nghì khác.

2. Nhị địa trụ

Trước kia, ta chưa phát tâm bồ đề, ăn miếng trả miếng. Nay tu theo Hoa Nghiêm, lập hạnh Bồ tát, tiến sang bước thứ hai, ta khởi tâm thương xót chúng sanh, không giận, kể cả người gây khó khăn, hại ta. Không khởi tâm thương chúng sanh mà cầu bồ đề là đọa địa ngục.

Chúng sanh gây khó khăn, ta coi họ là người ơn, đó là trụ vững ở địa thứ nhì, oán nó thì không tu được. Tôi làm đạo, bước đầu thấy người gây khó khăn cũng giận, muốn đánh trả. Nhưng nhận ra ý Phật dạy, tập thay đổi lần, nghĩ rằng nhờ họ không làm, ta có việc làm. Nhờ họ chống phá, ta nổi tiếng.

Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi rằng nhờ có người dữ, người lành mới nên. Không có thử thaùch, ta dễ trở thành tăng thượng mạn, được tâng bốc, ta mau rớt xuống chín tầng địa ngục.

Ở hiền vị thứ nhất, giai đoạn một, chúng ta hướng về Vô thượng bồ đề. Bước sang giai đoạn hai, thương người đánh phá ta, tức hướng tình thương đến chúng sanh.

3. Tu hành trụ

Những gì Phật dạy trong kinh điển phải gắn liền vào đời ta, rời bỏ pháp Phật, chắc chắn rớt vào ma sự. Trên tinh thần đó, chúng ta phải luôn an trụ tam giải thoát môn, nghĩa là làm gì cũng được, nhưng đừng đánh mất áo tu, bản chất thầy tu, nhất định ở trong cửa giải thoát là Không môn, không phải phiền não môn. Hoàn cảnh xã hội thế nào cũng không tác động cho ta phiền não.

Đầu tiên học giáo lý, nhưng không bị vướng mắc giáo lý. Học Phật pháp để chúng ta thâm nhập Không môn hay Thiền môn, sống với chơn tâm, không sanh vọng tâm tham đắm. Cần phải trụ tâm vì tự biết ở trong sanh tử, phiền não đảo điên luôn bao vây làm khổ chúng ta. Có lúc niềm tin chúng ta vững vàng, kiên cố, nhưng cũng có lúc cảm giác mình lao đao trong bể khổ.

Ở giai đoạn thập trụ, dù sóng bủa ba đào thế nào, cũng cố nâng tâm mình lên, trụ pháp Không; nghĩa là, vượt ngoài Ngũ ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Quan trọng là hành uẩn và thức uẩn, hai uẩn này thường đua nhau hành hạ chúng ta.

Thức uẩn cho chúng ta suy nghĩ, phân biệt, tánh toán, nhưng hiểu biết ấy thường thúc bách chúng ta, phiền não nhân đây nổi dậy liên tục. Trên bước đường tu tôi hay cân nhắc điều này, Tống Nhân Tông gọi là ba trù lãng khởi, tức sóng to, gió lớn trên cuộc đời luôn dồi dập tâm thức chúng ta. Hành uẩn là âm mưu chống đối do thức chỉ đạo. Biết và hành trong tâm luôn gây nhức nhối cho ta.

Khi nào vượt trên thức uẩn, hành uẩn, chúng ta không hiểu biết và đối phó theo kiểu người đời. Thả nổi thì mới đằng Không được. Ba trù lãng khởi như vậy, nhưng chúng ta nổi lên mặt nước thì không bao giờ bị vở thuyền. Chống lại sức nước thì phải vở thuyền, nhưng chịu xuôi theo dòng thì nước cuốn trôi, đưa vào biển khổ. Phải nâng mình trên ngọn soùng thức uẩn và hành uẩn. Chúng ta có Ngũ ấm, biết tất cả, nhưng không sử dụng khôn dại của người đời. Khi bị đẩy, kéo, người khác không vững tâm nên vở thuyền, hoàn tục, trôi mất; trong khi ta nhờ trụ tâm, tin vững neân trụ vững, mới tồn tại và thăng hoa được.

Trụ tâm vững trong Phật pháp, nhưng sống trong cuộc đời làm mọi việc là tùy duyên; đó là tâm niệm của người đi theo lộ trình Hoa Nghiêm:

Tùy thuận thế duyên vô quái ngại

Niết bàn sanh tử đẳng không hoa.

Ngược lại, chúng ta cố chấp một điều gì, sẽ bị cuộc đời đập chết liền. Thật vậy:

Diệt trừ phiền não trùng Tăng bịnh

Xu hướng chân như tổng thị tà.

nghĩa là lo diệt trừ phieàn não, nhưng không hết là bệnh của thầy tu. Càng diệt, nó càng nổi dậy. Tuy nhiên, không diệt nó, mà hướng về chân như, không dính líu gì đến cuộc đời, thì cũng rớt vô không tưởng.

Vì vậy, cần phải theo lập trường “Tùy thuận thế duyên vô quái ngại”, gặp công nhân, nông dân, trí thức, học sanh …, ta đứng ở vị trí của họ mà nói chuyện, cảm thông. Tinh thần này cũng được tiêu biểu trong kinh Duy Ma. Duy Ma là tâm trống không, nhưng đối với cuộc đời, không có việc tốt nào mà không có Ngài tham dự.

Trên đường hành đạo, tôi cảm nhận sâu sắc ý nghĩa này. Tôi tồn tại đến ngày nay nhờ tham gia tất cả phong trào, từ công tác từ thiện của quận cho đến thành phố hoặc sinh hoạt với Viện khoa học xã hội, không từ chối việc gì, nhưng tôi vẫn là tôi.

Tất cả mọi việc đối với tôi đều tùy duyên, chỉ là hoa đốm trong hư không, còn cái thật bên trong, ai biết được tôi là gì, chỉ có Phật biết. Khi trụ được tâm, ta làm việc cảm thấy thú vị lạ. Người không biết được ta, nghĩa là không biết tâm trụ pháp của ta. Các Bồ tát trụ tâm, sống với tâm, họ hiểu nhau dễ dàng, ở gần nhau thì thanh tịnh hoà hợp, cách xa nhau thì vẫn cảm thông, hộ niệm cho nhau.

Thiết nghĩ trụ trong pháp Phật với niềm tin kiên định sẽ cảm nhận những điều kỳ diệu, khó giải thích được cho người ngoài cuộc hiểu. Đó là Pháp giới của Hoa Nghiêm, bước chân vào rồi, thật thú vị vô cùng, không gì có thể đánh đổi được.

Ý này được kinh Hoa nghiêm diễn tả là Phật thăng Tu Di đảnh sơn, ở cung trời Đao Lợi, ngồi trong Diệu pháp đường nói về sự phát tâm của Bồ tát và sự an lành của các Ngài trên bước đường hành đạo.

Tôi quan sát thấy rõ ý của Phật dạy. Quả thật cuộc đời đầy sóng gió, nhưng các bậc cao Tăng lướt sóng gió, cứu chúng sanh không chút nhọc nhằn và các Ngài cũng hoàn toàn an ổn, không bị cuộc đời quấy rầy.

Còn đối với chúng ta, hành đạo thật vất vả, nhưng thành quả chẳng được là bao. Thậm chí có người vừa hành Bồ tát đạo vừa giận, vừa khóc. Nếu làm một cách khổ cực, nhưng chỉ chuốc lấy quả báo không tốt dồn dập đến, phải tự biết thực sự chúng ta phá pháp, mà lầm tưởng là mình lo cho đạo.

Thăng Tu Di đảnh sơn, nghĩa là Phật dạy chúng ta vượt qua Ngũ ấm thân, vui buồn vinh nhục của cuộc đời đối với chúng ta vô nghĩa, mới bước vào nhà thậm thâm vi diệu, Thiên ma không vô được, thì chắc chắn người đời còn cách xa.

Đến đây, mở cánh cửa cho Bồ tát tu hành, theo đó thân thọ hình có khổ đau, nhưng tâm không đau khổ. Sớm muộn gì thì ai cũng phải già, bệnh, chết, nhưng bằng mọi cách chúng ta không để cho tâm bị chi phối.

Dùng tâm thức thăng Tu Di đảnh sơn và thâm nhập Diệu pháp đường nghe Phật thuyết pháp. Phật là Phật huệ và pháp là pháp âm hiện bày trong tam thế gian, tức bài pháp sống. Lúc ấy, chúng ta không lập y lời Phật, nhưng dùng trí huệ quán sát sự sống của người, vật, thấy rõ tình cảm, phước báo, nghiệp chướng của chúng sanh và ta tùy theo đó mà nói pháp tương ưng. Đó mới thực sự là chân thật pháp.

Theo Đại thừa, hành Bồ tát đạo, mỗi người làm một việc khác nhau, công việc ở mỗi nơi cũng khác nhau, có bao nhiêu công tác thì có bấy nhiêu Bồ tát xuất hiện giúp cho Phật pháp tồn tại. Việc tu hành của chúng ta là làm thế nào đúng thời, đúng chỗ, đúng người, đúng việc thì mới thành công.

Vào Diệu pháp đường, nghe pháp âm do Phật huệ thuyết, thấy được tương quan, tương duyên tồn tại của con người và muôn loài. Ý thức như vậy, chúng ta giúp nhau thăng hoa, tạo thành thế hỗ tương sanh tồn, khác với cạnh tranh sanh tồn giết hại nhau để sống. Tất cả nương nhau cùng phát triển, cho đến cỏ cây hoa lá cũng trang nghiêm làm đẹp cuộc đời. Tu theo Hoa Nghiêm, nhìn thấy cái đẹp của muôn loài, cái đáng kính trọng của mọi người, chúng ta dễ sanh tâm hoan hỷ.

Lên Tu Di đảnh sơn, thâm nhập Diệu pháp đường, Phaät mới dạy pháp thập trụ. Chắc chắn Phật không ngồi dạy như chúng ta, nhưng có thể hiểu sống trong Diệu pháp đường rồi, niềm tin chúng ta vững chắc, khác với sự tin tưởng của người bình thường. Vì vậy, dù hoàn cảnh khó khăn thế nào, tâm ta vẫn an trụ Phật pháp.

Chúng ta tự kiểm xem có trụ pháp, vui với pháp hay không ? Nếu sống được với pháp Phật, chúng ta quan sát trần thế thấy tất cả đều mang an vui cho chính ta. Không trụ tâm trong Phật pháp mà hành Bồ tát đạo thì mọi việc đều trở thành ma sự, phải thọ quả báo.

Trên bước đường tu, nhiều người tốt, nhưng vì tâm chưa an trụ pháp Đại thừa, hành Bồ tát đạo gặp chống phá, tâm họ cũng thay đổi theo, buồn vui, sân hận và đọa. Thật vậy, kết quả tu hành theo kinh ghi thì quá lớn, nhưng vì chúng ta không trụ pháp Đại thừa, nên Phật không hộ niệm, Bồ tát không gia bị và chư thiên không bảo vệ, dẫn đến thực tế không được lợi lạc gì, khiến cho niềm tin sụp đổ, rớt xuống cuộc sống tầm thường vô nghĩa, cuối cùng chán nản cũng bỏ tu.

Theo kinh nghiệm hành đạo của riêng tôi, trụ vững chắc pháp Đại thừa, hành Bồ tát đạo thì phải có những điều bất tư nghì đến với chúng ta. Trước tiên, gặp hoàn cảnh khó khăn dùng trí bình thường không giải quyết được; dùng trực giác, không theo suy nghĩ, không theo sách vở, lại dễ dàng thành công. Đó là vô sư trí, tự nhiên trí hay Phật lực gia bị cho ta có nhận thức sáng suốt, quyết định đúng, hy sinh cao và đạt kết quả tốt đẹp, có bạn tốt đến hợp tác, giúp đỡ ta. Ở chỗ hiểm nguy, chúng ta vẫn an lành, nhờ có Hộ pháp che chở trong vô hình vaø trên thực tế được người có quyền thế, thậm chí người đối nghịch cũng giúp ta thoát nạn.

4. Sanh quý trụ

Vì an trụ Không môn, huệ bắt đầu sanh, thấy được sự thật của cuộc đời, tức thấy được nhân duyên sở sanh pháp. Pháp này khi tu nhị thừa, thuộc về Duyên giác thừa.Ta trụ được trong pháp Phật, không cần để ý bên ngoài, sự vật không để trong lòng, nhưng từng bước thấy biết sáng hơn, việc tốt đẹp tự động tìm đến ta, thể hiện tinh thần chơn không diệu hữu.

5. Phương tiện cụ túc trụ

Tất cả Phật sự tự nhiên thành tựu, giả sử cần chùa, cần đệ tử, thì những thứ này có đủ. Không cần thì không có, không gì vướng bận tâm, ta vẫn an trụ pháp Không. Mọi việc đều là phương tiện hành đạo, chúng tự thành, không cần giữ gìn, quản lý, vẫn không mất mát, hư hao.

Vua Tống Nhân Tông ca ngợi việc làm của thầy tu hoàn toàn thanh thản, tốt đẹp tự nhiên, không trái ý: Bang bang như ý, chủng chủng hiện thành.

6. Chánh tâm trụ

Trên bước đường tu, đương nhiên có ác ma song hành với chúng ta, tác động của chúng không bao giờ chấm dứt. Tuy nhiên, vượt qua được thử thách này, chứng được chánh tâm trụ thì mặc tình cho ngoại đạo nói đủ điều, chúng ta càng vững tâm ở Phật đạo hơn nữa. Trái lại, không thành tựu pháp này, nghe người khuyên lơn một lúc, ta sẽ thay đổi theo họ.

Có chánh tâm trụ, ta thấy đó là nhờ ngoại đạo bày vẽ đủ thứ, từ trong rừng rậm tà kiến ấy mà ta nhận chân được chánh đạo.

7. Bất thối trụ

Ở các giai đoạn trước, Bồ tát phát triển được tự thân là nhờ Phật lực, Bồ tát lực gia bị. Nay, đạt đến vị trí bất thối, có Phật hay không, vẫn tu, Bồ tát đã chuyển sang phần tự lực đứng vững. Không thầy cũng tu, không bổn đạo cũng vẫn trang nghiêm, tuy ở nơi vắng vẻ một mình, nhưng vẫn đầy đủ oai nghi. Đức hạnh thể hiện trong cuoäc sống của Bồ tát, không phải giả dối, có người nhìn thấy mới trang nghiêm.

8. Đồng chơn trụ

Nhờ đạt bất thối trụ, có được pháp thứ 8 là sống thanh thản nhẹ nhàng, nhưng đức hạnh của Bồ tát không ai sánh bằng. Thật vậy, vì đồng chơn trụ, mọi việc làm phát xuất từ chơn tánh thanh tịnh, không giữ lời, giữ ý mà lời nói và ý tứ vẫn thanh tịnh, tác động cho người an vui.

Mọi sinh hoạt trong cuộc sống của Bồ tát như ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng, đi đứng đều toát lên sự thanh cao, ai thấy cũng kính trọng. Nói cho dễ hiểu, từ trong lòng Bồ tát hoàn toàn trong sạch, nên hiện ra bên ngoài việc gì cũng tốt. Khác với người làm bộ, giữ gìn bề ngoài, nhưng trong tâm không thanh tịnh, chỉ có thể đè nén xấu dở lúc bình thường, đến lúc ngủ, thì nó tự động bung ra, không giữ được.

9. Pháp vương tử trụ

Pháp vương tử là con của Phật. Đạt được tư cách này, không thấy họ tu, nhưng được nhiều người kính trọng, làm được nhiều Phật sự lớn lao. Vị trí của họ cao tột, hơn hẳn mọi người, được kinh ví như con của vua, thì dù còn nằm nôi cũng là hoàng tử hơn cả các quan đại thần đầu bạc.

10. Quán đảnh trụ

Boà tát ở quả vị này, có năng lực thay thế Phật, được Phật thọ ký thay Ngài tuyên dương Chánh pháp.

Đó là 10 thứ bậc của Bồ tát thập trụ tu chứng Hiền vị.