Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Thiện Trụ Tỳ kheo

大方廣佛華嚴經

Nhờ học với Hải Vân là người thâm nhập Phật huệ, trí sâu như biển cả, Thiện Tài quán sát được mọi loài, phát tâm từ rộng lớn với tất cả chúng sanh. Từ đó, Như Lai xuất hiện, thọ học được với Như Lai, thành tựu được công đức hải, Thiện Tài đi về phương Nam, gặp Thiện Trụ Tỳ kheo đang đi kinh hành trong hư không.

Đi kinh hành trong hư không, hay an trú pháp Không, lòng Thiện Trụ hoàn toàn thanh thản, không cố chấp, không vướng mắc bất cứ điều gì. Vì khéo an trú trong Phật pháp như vậy, mới có danh xưng là Thiện Trụ. Đối với người lòng không chấp trước thì sống ngay trong ngũ trược mà chẳng khác Niết bàn.

Với quá trình đã vượt qua hai chặng đường trước, sống với bát ngát của biển cả, lòng rộng như trời cao, đức hạnh bao trùm như mây phủ bầu trời. Từ đó, Thiện Tài mới nhẹ nhàng bỏ lại phía sau những tầm thường, nhơ bẩn của thế gian, thâm nhập Thiền quán, an trụ pháp Không, phiền não trần lao không làm hoen ố được. Điều này nhắc nhở chúng ta nếu chưa đạt được trí huệ và thành tựu đức hạnh mà vào thiền định thì chỉ là giả danh Thiền sư.

Tu tập Thiền quán tức vận dụng trí huệ, sự hiểu biết của ta được nung nấu đến tâm thành trống không, đắc được pháp Không mà kinh diễn tả là Thiện Tài đến núi Lăng Già gặp Thiện Trụ. Kinh Lăng Già nói về pháp Tổng trì, tức đại định, tâm Không.

Với tâm Không, hoàn toàn an định, Thiện Tài mới diện kiến được Thiện Trụ đang kinh hành trong hư không và hiểu được pháp hành của vị thiện tri thức này. Ngược lại, nếu tâm còn kẹt những kiến thức bình thường bên ngoài, thì không thể nào gặp được Thiện Trụ.

Trước khi vào thiền định, đã có phước đức, trí huệ, thì vào Định khỏi phải bận tâm lo việc ăn mặc chỗ ở, hay các thứ lặt vặt khác. Trong thiền định, chúng ta mới có thời gian quán sát lại Phật pháp đã học được. Chưa học mà tu, chỉ là tu mù, vì vào Định lấy gì để suy tư, nếu chỉ suy tư việc thế gian là rơi vào tà định. Còn Định để không biết gì là than nguội, củi mục. Theo Trí Giả đại sư, phải chuẩn bị hai mươi lăm phương tiện trước khi vào Định và pháp thứ hai mươi sáu là những gì ta học được với Hải Vân, nhờ đó không rơi vào cảnh giới ma.

Vào thiền định rồi, cuộc sống không liên hệ với con người bình thường, sống hoàn toàn với nội tâm. Người ngoài không thể thấy được sinh hoạt nội giới ấy, nhưng việc đó mới thực sự quan trọng đối với người tu. Từ đó, đi lần vào thế giới tâm thức, Thiện Trụ dạy Thiện Tài tham quan thế giới chư Phật mười phương.

Tỳ kheo vào Định, tập trung tư tưởng tạo thành linh giác đi khắp Pháp giới, thấy được chư Phật hiện tiền và nghe được pháp âm Phật. Nhưng người ngoài thấy họ ngồi bất động, không đi, không tu, nhưng đó mới thật là đi, thật là tu. Thiện Trụ cho biết ngài thấy rõ thế giới Phật. Mỗi một lần vào Định là một lần tham quan Pháp giới, nhưng tham quan bằng tâm thức, nên thực tại vẫn ngồi yên. Sau khi thâm nhập thế giới Phật, trở lại tham quan sáu đường chúng sanh xem chúng suy nghĩ và hành động như thế nào. Từ đó, thấy chúng sanh không theo hình tướng bên ngoài, nhưng thấy rõ căn tánh, hành nghiệp của chúng từ địa ngục A Tỳ đến Trời Hữu đảnh, mà chúng không hề hay biết có người gần gũi, sống cạnh chúng.

Đó là việc làm của Thiện Trụ tuy ngồi một chỗ, sống trong đại định, nhưng lực tác động tỏa ra ảnh hưởng lợi lạc cho mọi loài. Tất cả hàm linh đều nhận được sự giáo hóa của ngài. Chư Thiên, Dạ xoa, Càn thát bà, Long vương… và các loài vô hình đều đến cúng dường ngài.

Sau khi học thành tựu trí huệ vô lậu với Hải Vân rồi, mới nhìn thấy pháp hành thực sự của Thiện Trụ Tỳ kheo. Nếu không có trí, nhìn chung chung sẽ thấy Thiện Trụ cũng giống như các Tỳ kheo khác. Quan sát bằng mắt huệ thì thấy không ai giống nhau, thấy Thiện Trụ chẳng làm gì, chỉ nhiếp tâm tu mà chư thiên cung kính cúng dường, là đạo Bồ tát mà Hải Vân dạy Thiện Tài đến Thiện Trụ học cho được.

Chư Thiên vô hình, chúng ta không thấy, trừ khi phát huệ như Thiện Tài mới thấy. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu trên thực tế, chư thiên tiêu biểu cho phước đức, được người giàu có nhất trong vùng thường đến cúng dường, không cần đi xin. Dạ xoa, La sát hung dữ, kỳ khôi nhất cũng trở thành hiền lành, hộ đạo đối với Thiện Trụ.

Trên tinh thần ấy, học đạo Bồ tát là phải học cho được pháp hành vô hành của Thiện Trụ, không cử thân động niệm, nhưng mọi việc đều thành tựu, sống nhẹ nhàng, thanh thản, giáo hóa chúng sanh mà không hề bị chúng mê hoặc, hay làm trở ngại việc hành Bồ tát đạo.

Thiện Tài gặp Đức Vân, Hải Vân và Thiện Trụ Tỳ kheo tiêu biểu cho ba việc làm kiểu mẫu của người xuất gia, thành tựu đạo đức, tri thức và pháp vô vi nhơn phục. Rèn luyện được ba mẫu này rồi, mới có đủ tư cách dấn thân vào đời độ sanh, đến học với vị thiện tri thức thứ tư là Di Già.