Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với thuyền trưởng Bà Thi La

大方廣佛華嚴經

Bề ngoài, Bà Thi La cũng giống như các thuyền trưởng khác, nhưng bên trong ông có điểm đặc biệt mà người bình thường không thể vói tới. Bà Thi La nói rằng ông biết trong biển cả, chỗ nào có của báu, chỗ nào có quỷ La sát và dắt chúng nhân đến tìm của báu, trở về ai cũng giàu. Bà Thi La dùng phương tiện ấy để giáo hóa vì biết rõ chúng sanh ở Ta Bà, lòng tham ngũ dục còn tràn đầy. Sống trên cuộc đời này, ai cũng muốn giàu sang, sung sướng, được của báu. Muốn giáo hóa họ phải tùy theo sự ham muốn ấy, không thể làm khác. Họ đang muốn làm giàu thì phải tạo điều kiện cho họ làm giàu, còn bảo họ cạo đầu, đi khất thực, chắc chắn họ không nghe.

Trên bước đường hành đạo, tôi có kinh nghiệm này. Một sanh viên đến tuổi bị bắt đi quân dịch, sợ quá, đến nói rằng: “Nhờ Thầy cứu con”. Tôi khuyên anh ăn chay, tụng kinh Pháp Hoa, lạy Phật thì anh răm rắp làm theo. Nhưng khi thoát khỏi nạn khổ sanh tử ấy, thì chẳng thấy bóng dáng anh ta. Một hôm, tình cờ gặp lại, anh cho biết lúc này ăn chay hết nổi, tụng kinh lạy Phật mệt quá, không có thì giờ!

Hiện hữu trong sanh tử, chúng ta phải học theo cách giáo hóa của thuyền trưởng Bà Thi La, tức đáp ứng yêu cầu của người, họ mới có cảm tình, nghe lời ta. Tuy nhiên, khi họ tinh tấn tu hành sẽ nhận được sự gia trì, vượt qua khó khăn đến chỗ an vui; nhưng giàu rồi, an ổn, sung sướng rồi, họ lại quên tu. Nếu chúng ta có lực gia trì mạnh thì giúp mặt này xong, phải chận mặt khác, đó là cách mà thuyền trưởng hành sử. Họ sướng, không tu, chúng ta cũng có lực gia trì áp xuống cho họ. Khi họ hưởng hết phước, tai họa thứ hai giáng xuống, khiến họ có dịp nhận ra rằng nhờ tu mới thoát nạn được. Nhưng họ còn đang hưởng phước lạc, ta nói gì cũng không nghe, cứ thả cho họ sống đến ngày họa tới, tự động phải nghe ta.

Việc làm của thuyền trưởng Bà Thi La là của Bồ tát giáo hóa, phải theo dõi họ đến nơi đến chốn, cho đến khi họ giải thoát thực sự. Ở đây, Bà Thi La đưa người đi tìm châu báu, ngầm chỉ chúng ta tùy theo người, tùy phương tiện giúp họ rồi mới có điều kiện đưa họ ra khỏi sanh tử. Kinh Hoa Nghiêm đưa ra nhiều mẫu người hành Bồ tát đạo không mang hình thức xuất gia, nhưng vẫn thể hiện tinh ba Phật pháp, làm lợi lạc quần sanh.

Bà Thi La dắt chúng nhân đến lấy của báu, còn ông thì không có gì, gợi cho họ suy tư, may ra bắt gặp được Bồ tát Pháp thân của Bà Thi La và từ đó nghĩ đến sự phát triển Pháp thân của chính họ. Ông thỏa mãn yêu cầu của chúng sanh và lần hồi đưa họ vào bể cả, chỉ rõ chỗ nào có La sát, chỗ nguy hiểm có quỷ dữ… nhằm gợi ý cuộc đời họ đang sống là biển khổ sanh tử. Chính vì vậy mà ông không ham thích việc lấy của báu, dù biết rõ.

Chúng sanh ưa thích thì dẫn họ đi, nhưng ông không lấy. Ông dìu dắt họ nhìn biển cả mà thấy được biển khổ sanh tử và từ đó ý tưởng ham muốn châu báu vơi lần đi, dần dần họ hướng tâm mong cầu cái cao hơn mà Bà Thi La đang tu là biển trí huệ.

Bà Thi La dùng trí huệ Như Lai thấy rõ chỗ nào an nguy, chỗ có châu báu hay quỹ dữ để đưa người tránh xa và đến nơi an lành. Rồi ông cho biết không còn ở đây lâu, mọi người phải bước vào biển trí huệ để tự đi. Nói cách khác, bước đầu, Bồ tát hướng dẫn ta và từng bước, chúng ta phát sanh trí huệ để tự giải thoát và ta hướng dẫn lại người khác.

Tóm lại, từ quá trình thấy biển khơi, hình dung ra biển phiền não, nhàm chán nó để phát hiện ra biển trí huệ, không còn gặp khó khăn nào trên bước đường hành đạo là thâm nhập vào biển pháp tánh. Bà Thi La bề ngoài là thuyền trưởng, nhưng bên trong là Bồ tát có khả năng lái thuyền Bát Nhã, dùng trí huệ đặc thù hướng dẫn người phát huy tri thức đạo đức, ra khỏi biển sanh tử.

Đó là phương cách hành đạo của Bồ tát Nhập Pháp giới, thị hiện trên nhân gian, làm các ngành nghề giống mọi người để cuối cùng đưa tất cả về bờ giác.