Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Đức Vân Tỳ kheo
大方廣佛華嚴經
- Published: 06 Nov 2021 20:35:52
- Modified: 31 Jul 2022 14:15:04
- Categories: Kinh Hoa Nghiêm, Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Tags: Thích Trí Quảng
Thiện Tài đồng tử là Bồ tát tái sanh nên căn lành sâu dày, rộng lớn vô cùng, mới được ngài Văn Thù tìm đến khai ngộ, dạy cho đồng tử đạo Bồ đề để nhận thức được khổ đau sanh tử trầm luân mà tránh được nhiễm ô trần thế. Trên bước đường tu, gặp được minh sư hướng dẫn là điều vô cùng quan trọng. Vì trong thực tế cuộc sống, chúng ta thấy nhiều người tuy có căn lành, nhưng không được phước duyên gặp Bồ tát chỉ dạy, thì sẽ bị người đời nhồi nặn một lúc, họ cũng trôi lăn theo dòng sông mê bể khổ.
Thiện Tài thì khác hẳn, nhờ Bồ tát Văn Thù khai tâm, liền nhớ ngay cõi này là chốn giả tạm, khổ đau, không phải là chốn quê nhà vĩnh hằng của ông. Nhận thức sâu sắc như vậy, Thiện Tài một lòng cầu thỉnh Bồ tát Văn Thù chỉ dạy phương cách thoát ly trần ai khổ lụy.
Văn Thù Sư Lợi khẳng định chỉ có một cách duy nhất là tầm sư học đạo. Thật vậy, khi đã Ý thức rõ cuộc đời là huyễn ảo, xấu xa, chúng ta phải hướng tâm đi tìm cái chân thực, tốt đẹp vĩnh hằng. Thiện Tài có cả gia nghiệp đầy đủ của báu, không thiếu gì, nhưng ngài thấy nó chỉ tạo thêm ràng buộc, nên sẵn sàng từ bỏ để dấn thân tìm đạo. ĐứcPhật Thích Ca xuất gia cũng với Ý thức hoàn toàn buông bỏ dục lạc mới đạt được quả Vô thượng Đẳng giác. Còn chúng ta không có gì mà còn muốn tạo thêm, nhiều tham muốn quá, chắc chắn cách đạo còn xa, khó lòng đi trọn con đường Giác ngộ.
Tuy nhiên, việc tầm sư học đạo không đơn giản. Riêng tôi, từ lúc mới 12 tuổi đầu, mang chí xuất gia cũng khổ vô cùng với vấn đề tìm chùa để tu, tìm Thầy để theo học đúng Chánh pháp. Vì vậy, có người tu một lúc rồi cũng quay trở về. Đi một đoạn đường tu tương đối còn nhiều người, nhưng đi cho trọn Phật đạo thì thật là hiếm.
Nếu may mắn gặp Văn Thù trên đường tìm đạo thì còn gì hạnh phúc hơn. Thuở nhỏ, tôi được nhiều người giúp đỡ. Đặc biệt có một Hòa thượng rất giỏi về thuốc Bắc và uyên thâm Hán học. Bất chợt, ngài gặp tôi ở Đức Hòa và bảo tôi nên về chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức tu với Hòa thượng Trí Đức là cố Viện chủ Tổ đình Huê Nghiêm. Nghe lời chỉ dạy đó, tôi lội bộ từ Củ Chi đến Đức Hòa, rồi đi ngược trở về Thủ Đức, không có một đồng xu lận lưng. Với duyên may ấy đã đưa tôi đến nương với Hòa thượng Huê Nghiêm, tiến tu đến ngày nay.
Thiện Tài được khai ngộ và phát tâm Bồ đề rồi, Văn Thù cho biết việc của ông đến đây là xong và khuyên từ đây về sau Thiện Tài nên hành Bồ tát đạo, dấn thân vào đời để tìm chơn thiện tri thức, không phải ngụy thiện tri thức.
Văn Thù chỉ dạy Thiện Tài nên đi về phương Nam, trên đỉnh núi Diệu Phong học đạo với Tỳ kheo Đức Vân đang tu Bồ tát hạnh. Muốn hành Bồ tát đạo mà lại tìm Thanh văn để học là chuyện trái ngược, nhưng Thiện Tài vâng lời dạy không chút nghi ngờ, rồi hướng về hư không lạy, đền ơn tri ngộ.
Tìm Tỳ kheo trên đỉnh núi cao, nghĩa là người cầu đạo phát tâm Bồ đề phải hướng ý chí đến quả vị cao nhất là Phật. Tìm đạo với Tỳ kheo, vì đó là đệ tử Phật đang tiến trên lộ trình cầu thành Phật quả. Thật là Tỳ kheo thì phải thể hiện năm đức tánh tiêu biểu. Trước nhất, Tỳ kheo có hình tướng giải thoát khiến người từ xa trông thấy đã phát tâm. Khi đến gần, nhận thấy lời nói, dáng đi, cử chỉ của Tỳ kheo đều đáng cho ta kính trọng. Và càng tiếp xúc, gần gũi nhiều năm với Tỳ kheo, ta chỉ thấy những điều tốt của họ và cuộc sống thánh thiện ấy tác động cho ta hưởng hương vị giải thoát. Tâm hoàn toàn thanh thoát, hướng thượng, gần gũi và học với người cao thượng là con đường mà Văn Thù dạy chúng ta phải trải qua trên bước đường tu, đi tắt vào đời không được. Tỳ kheo Đức Vân ở trên núi nhiều năm cũng làm bao nhiêu việcbình thường, nhưng hơn người thế tục ở năm đức tánh thánh thiện trên.
Nghe lời Văn Thù, Thiện Tài khao khát đến núi Diệu Phong tìm Đức Vân Tỳ kheo, nhưng tìm hoài không gặp. Sau khi đi vòng quanh núi bảy ngày, mới thấy một vị sư đang chậm rãi đi kinh hành ở đỉnh núi toát ra đức hạnh cao cả như ngọn núi cao mà ngài đang sống.
Phải mất một tuần mới tìm được Đức Vân, haynói cách khác, chúng ta tu hành luôn luôn có giai đoạn thử thách. Trong một tuần cầu đạo, lòng chúng ta thường quyết tâm đến độ cao, dù tan thân mất mạng cũng cam chịu. Khi nghĩ lên núi tu tưởng là đơn giản, dễ dàng, nhưng thực tế không như ta mơ tưởng. Chẳng hạn như từ chân núi Thị Vải leo lên, mệt thở không ra hơi, chẳng thấy bồng lai tiên cảnh hay bóng dáng tiên nào cả, chỉ có nắng chang chang, toàn là đá với đá, khiến ta bắt đầu nản chí tang bồng. Suốt một tuần tìm đạo, người không có căn lành cảm thấy buồn thiu, chán ngắt và bắt đầu nhớ gia đình. Trái lại, với người có căn lành sâu dày nơi Phật đạo, cảnh u tịch của núi rừng tác động cho tâm hồn họ trở nên nhẹ nhàng, trong sáng. Từ một ngày đến bảy ngày, họ quên hết thế sự, kể cả gia đình. Lúc đó, chỉ một lòng thiết tha cầu đạo mới gặp được Đức Vân.
Thiện Tài trong một tuần quyết tâm tìm thì Đức Vân xuất hiện. Và với căn lành có sẵn, khi thấy đạo hạnh của ngài sáng ngời, chỉ trong khoảnh khắc, thân tâm Thiện Tài liền thanh tịnh. Người có căn lành tu dễ dàng, chỉ nhìn thấy là đắc đạo liền, vì đời trước đã từng tu, đã thực hiện các pháp lành của Phật, nên nay thấy quen thuộc. Giữa Thầy và họ liền hợp nhau, thông nhau và bằng quyết tâm cầu giải thoát, chỉ trong chớp mắt tiếp nhận được sở đắc của Thầy.
Văn Thù bảo Thiện Tài tìm Đức Vân, nhằm nhắc nhở chúng ta sơ tâm học đạo cần phải tìm một vị danh Tăng, một người đức hạnh để nương theo. Đó là Ý thức đầu tiên cần có, vì trên đường tu, người sơ tâm mà gặp người phiền não thì nghiệp chướng trần lao phát sanh.
Đức hạnh là việc quan trọng chính, trước nhất xuất gia phải nương tựa với người phước đức, ví nhưcây tùng không bị phong ba bão táp quật ngã. Bước đầu tu không giữ đức hạnh thì càng về sau, cuộc đời tu của chúng ta càng khó khăn vì bị người bươi móc tội lỗi. Riêng tôi may mắn được cầu pháp với Hòa thượng Huê Nghiêm. Niềm tin của Hòa thượng đối với Phật rất cao và tấm lòng của Hòa thượng đối với đạo cũng hiếm người có được. Cách hành đạo của Hòa thượng tôi thấy rõ là Ngài không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào, chỉ mong được đền trả ơn Phật. Ngài sợ thời gian trôi qua mà đạo quả chưa thành, nên lúc đại chúng ngủ, Hòa thượng vẫn tiếp tục lạy Phật, trì chú, khiến tôi sanh tâm kính trọng và cũng bắt chước nỗ lực công phu tu tập như ngài. Nghĩa là tôi đã nương được đức hạnh của Hòa thượng. Ngược lại, chúng ta theo vị Thầy chỉ lo tham đắm thế gian thì rõ ràng đang tiến bước trên đường ác.
Để thâm nhập Pháp giới, kinh Hoa Nghiêm đảo ngược thứ tự, theo đó thứ nhất tu chùa, thứ nhì tu chợ, thứ ba mới tu nhà. Nói cách khác, vào chùa học đạo Vô thượng của Như Lai xong, mới đem Phật pháp vào xã hội và sau cùng trở về hướng dẫn gia đình.
Bước đầu tìm cao Tăng học đạo, tìm người đức hạnh sánh bằng trời cao, tiêu biểu bằng hình ảnh Đức Vân Tỳ kheo, để rèn luyện mình thành người đạo đức. Từ đây, phải làm theo tất cả phương tiện mà vị thiện tri thức dạy. Ở giai đoạn này, phần lớn thiện tri thức dạy chúng ta tích tụ công đức, nên làm việc nặng nhọc thay cho mọi người không biết nhàm chán, mới là cầu đạo thật. Như Huệ Năng bửa củi, gánh nước, giã gạo, sau ngài thành Tổ, thể hiện rõ nét gương sáng nhập Pháp giới. Trái lại, chúng ta thấy phần lớn những người lánh nặng tìm nhẹ, thích làm việc nổi cho nhiều người biết, thì cuối cuộc đời của họ cũng chẳng ra sao.
Tôi sớm Ý thức sự quan trọng của việc tích lũy công đức trên bước đường tu, từ thuở ấu thơ mới vào đạo, đã siêng năng làm những việc nặng nhọc mà người khác thường chê bỏ, trốn tránh. Nhờ cực khổ công quả cho Phật lâu ngày, tích tụ thành công đức, giúp tôi thăng hoa cuộc sống đạo hạnh đến ngày nay.
Biết nương theo người đạo đức để tự sửa mình cho trong sạch, mới dễ tiến xa. Tôi thấy trên thực tế, có nhiều chùa vắng người ở, nhưng có Thầy lại kiếm không được chùa để ở. Chúng ta phải tự xem tại sao người không dung chứa mình. Theo ý tôi, rõ ràng là tại ta không có đức hạnh, xuất gia tu học không đúng pháp mới ra nông nổi ấy. Thiết nghĩ lo tu bồi cội đức thì sau này có điều kiện tốt cho ta phát triển khả năng. Những người thiếu đức hạnh, dù giỏi cũng không dùng được. Việc tu hành trước tiên phải lo rèn luyện đức hạnh tốt khả dĩ thay Phật giáo hóa độ sanh.
Luyện mình thành người đức hạnh, tức ba nghiệp thuần hòa, chỉ quyết tâm làm đạo, việc bình thường khác không nghĩ đến và không làm. Một người có đức hạnh thật, chắc chắn người khác nhìn thấy phải có cảm tình ngay. Không đức hạnh, ăn nói bừa bãi, hiện tướng hung dữ, thì có năn nỉ, người ta cũng không cho mình ở, dù chùa còn phòng rộng thênh thang.
Thuở nhỏ, tôi may mắn gặp quý Thầy thường nhắc nhở, dạy tôi phải làm những việc gì để trở thành người đức hạnh. Tôi vâng lời làm đúng vậy, nên đến đâu cũng được thương mến. Chỉ nhìn những gì tốt, hay, phải mà bắt chước theo. Tôi thấy những Thầy khác thường phạm sai lầm vì chỉ biết những việc xấu của người, còn việc đáng làm, nên biết, thì lại ở ngoài tai, không đụng đến. Nghe lời Thầy, tôi không màng quan tâm đến việc lặt vặt của người khác, nỗ lực học kinh điển và sống hòa với đại chúng. Tôi công quả, làm được việc, thì người mới cho ở và thương được. Tôi làm Hương đăng thì trang hoàng bông trái đẹp đẽ, quét dọn sạch sẽ. Làm vệ sanh nhà cầu thì cũng siêng năng làm sạch không ai bằng. Thiết nghĩ chúng ta hiện hữu nơi nào đều cần thiết, lợi ích cho người; nói cách khác, có tài và đức tánh tốt, đó là đức hạnh.
- Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập lược giải
- Ý nghĩa đề kinh
- Quan niệm về Đức Phật
- Bồ Tát Đạo
- Thiện Tài đồng tử cầu đạo
- Đức Vân Tỳ kheo
- Hải Vân Tỳ kheo
- Thiện Trụ Tỳ kheo
- Di Già
- Trưởng giả Giải Thoát
- Hải Tràng Tỳ kheo
- Hưu Xã Ưu bà di
- Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa
- Thắng Nhiệt Bà la môn
- Từ Hạnh đồng nữ
- Thiện Kiến Tỳ kheo
- Tự Tại Chủ đồng tử
- Cụ Túc Ưu bà di
- Cư sĩ Minh Trí
- Trưởng giả Pháp Bửu Kế
- Trưởng giả Phổ Nhãn
- Vua Vô Yểm Túc
- Vua Đại Quang
- Bất Động Ưu bà di
- Biến Hành ngoại đạo
- Trưởng giả Ưu Bát La Hoa
- Thuyền trưởng Bà Thi La
- Vô Thượng Thắng hay Di Lặc Bồ Tát
- Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
- Bà kỹ nữ Tu Mật Đa
- Cư sĩ Tỳ Sắc Chi La
- Bồ Tát Chánh Thu
- Bồ Tát Quán Tự Tại
- Thần Đại Thiên
- Địa thần An Trụ
- Dạ thần Bà San Bà Diễn Để
- Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh
- Thọ thần Diệu Đức Viên Mãn
- Bồ Tát Di Lặc
- Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi
- Bồ Tát Phổ Hiền
- Phổ Hiền Hạnh Nguyện
- Nội dung kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập nội dung
- Thay lời tựa
- 01. Thế Chủ Diệu Nghiêm
- 02. Như Lai Hiện Tướng
- 03. Phổ Hiền Tam Muội
- 04. Thế Giới Thành Tựu
- 05. Hoa Tạng Thế Giới
- 06. Tỳ Lô Giá Na
- 07. Như Lai Danh Hiệu
- 08. Tứ Thánh Đế
- 09. Quang Minh Giác
- 10. Bồ Tát Vấn Minh
- 11. Tịnh Hạnh
- 12. Hiền Thủ
- 13. Thăng Tu Di Sơn Đảnh
- 14. Tu Di Sơn Đảnh Kệ Tán
- 15. Thập Trụ
- 16. Phạm Hạnh
- 17. Sơ Phát Tâm Công Đức
- 18. Minh Pháp
- 19. Thăng Dạ Ma Thiên Cung
- 20. Dạ Ma Cung Kệ Tán
- 21. Thập Hạnh
- 22. Vô Tận Tạng
- 23. Thăng Đâu Suất Thiên Cung
- 24. Đâu Suất Kệ Tán
- 25. Thập Hồi Hướng
- 26. Thập Địa
- 27. Thập Định
- 28. Thập Thông
- 29. Thập Nhẫn
- 30. A Tăng Kỳ
- 31. Thọ Lượng
- 32. Chư Bồ Tát Trụ Xứ
- 33. Phật Bất Tư Nghì
- 34. Như Lai Thập Thân Tướng Hải
- 35. Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Đức
- 36. Phổ Hiền Hạnh
- 37. Như Lai Xuất Hiện
- 38. Ly Thế Gian
- 39. Nhập Pháp Giới
- 40. Phổ Hiền Hạnh Nguyện