Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với bà kỹ nữ Tu Mật Đa

大方廣佛華嚴經

Học xong với Sư Tử Tần Thân là vị xuất gia có đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, vị Tỳ kheo Ni này lại giới thiệu Thiện Tài đến cầu đạo với mẫu người hoàn toàn trái ngược. Đó là bà Tu Mật Đa làm kỹ nữ. Đến cầu học với bà Tu Mật Đa vì trên bước đường học đạo Bồ tát, Thiện Tài không từ chối bất cứ việc làm nào ở trần gian. Làm được nhiều việc khó là Bồ tát lớn, làm được tất cả là Phật.

Bà Tu Mật Đa là Bồ tát lớn mà kinh Hoa Nghiêm giới thiệu rằng bà hiện thân vào tầng lớp xã hội, làm nghề bán hương sắc cho người mua vui; nhưng đối với Sư Tử Tần Thân, vị này hoàn toàn đáng kính trọng.

Có người nghĩ Thiện Tài đạo đức trong sạch, không nên để cho bà Tu Mật Đa cám dỗ, phải tìm cách ngăn chặn. Nhưng có người hiểu được hạnh của bà Tu Mật Đa, thì bảo Thiện Tài nên nghe Sư Tử Tần Thân tìm đến vị này học đạo.

Từ trong tâm tưởng, Thiện Tài nghe bà Tu Mật Đa nói rằng bà đã chứng được pháp Vô tham dục tế. Quả thật, vì bà Tu Mật Đa chứng pháp Vô tham dục, hoàn toàn thanh tịnh nên sắc đẹp của bà không làm cho người khởi lên lòng tham dục. Hảo tướng của bà có tác dụng giúp người hướng thượng, về với đạo, sống trong giải thoát; trong khi sắc đẹp của người thế gian khiến người khởi tâm nhiễm ô, dùng để khuyến dụ người vào con đường tội lỗi.

Những người theo bà Tu Mật Đa không còn sanh tâm tham dục, người trông thấy hoặc nghe bà thuyết pháp liền xa lìa lòng tham ái, sống với phạm hạnh thanh tịnh. Điều này chứng minh lực tác động của sắc thân Bồ tát đã hiển hiện, còn sắc đẹp khêu gợi cho người si ám thì chẳng tốt lành gì.

Đứng ở vị trí chư thiên quan sát, bà Tu Mật Đa biến thành Thiên nữ đẹp nhất; nhưng nếu Dạ xoa nhìn thì thấy bà là Dạ xoa nữ đẹp nhất. Bất cứ loài nào cũng thấy bà hiện thân đẹp nhất theo tâm tưởng của chúng. Tuy nhiên, ai thấy cũng đều xa lìa tham dục.

Chỉ dưới mắt Thiện Tài đắc đạo mới thấy và hiểu được điều kỳ đặc ẩn chứa bên trong con người như vậy; còn những người bình thường khác chỉ thấy một con người không ra gì tập hợp những thành phần đáng khinh chê.

Trên bước đường hành đạo, tôi đã gặp một người dưới dạng bà Tu Mật Đa. Một số Thầy trong chùa khuyên tôi cẩn thận, vì bà này ghê gớm, có nhiều chồng. Nhưng dưới mắt tôi, con người thật của bà ta từ trẻ đến già đã từng trải qua biết bao điều đen tối của cuộc đời. Hiện tại vì tràn ngập khổ đau, hối hận, nên phát tâm tu, cầu học pháp giải thoát để vơi bớt phiền muộn. Tôi thấy rõ bà ta phát tâm nên giáo hóa để bà ấy tu tạo được nhân lành; còn nghiệp ác quá khứ thì không nên phê phán. Nhìn bề ngoài thấy họ xấu, nhưng trong lòng còn chút tâm đạo biết giúp người tu. Và chính bà đã ủng hộ tiền gạo giúp cho đạo tràng tu trong những ngày khởi đầu còn nhiều khó khăn.

Theo tôi, chúng ta cần thấy rõ một người lúc nào họ xấu, lúc nào tốt. Và từ sự cùng cực của hành động xấu ác, họ dễ trở thành người tốt nhất. Điển hình như vua A Dục nổi tiếng ác, nhưng khi phát tâm tu, không ai tốt bằng ông, không ai hộ pháp đắc lực bằng ông. Từ sự cùng cực của việc ác, có cái thiện sanh ra; vì họ hối hận hành động ác nên dễ làm điều tốt. Và từ sự cùng cực của cái thiện lại sanh ra việc ác, như người bố thí cúng dường nhiều thường kiêu mạn. Họ cúng nhiều, giúp người nhiều và sanh ra tánh khinh người, nhất định mai kia họ cũng sẽ sa cơ thất thế bị người khinh lại.

Tu hành theo tinh thần Hoa Nghiêm, trên chơn tánh hoàn toàn bình đẳng, tốt xấu không khác. Và trên hiện thực cuộc sống, người có hành động tốt, tâm tưởng tốt vì hoàn cảnh phải làm việc xấu, chúng ta vẫn trân trọng, không nên xem thường họ. Thí dụ điển hình như tấm gương hiếu thảo của Thúy Kiều trong truyện Kiều của Nguyễn Du, ai mà không khởi tâm thương xót thân phận khổ đau của người nữ bán mình để cứu cha.

Thiết nghĩ nhìn người bề ngoài không đáng tin cậy, nhưng chúng ta thấy được Bồ đề tâm của họ và chỉ giáo hóa Bồ đề tâm ấy, chắc chắn sẽ cải hóa được họ.