Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Địa thần An Trụ

大方廣佛華嚴經

  An Trụ Địa thần là thiện tri thức thứ ba mươi mà Đức Phật Thích Ca suy nghĩ, nhận ra và chỉ dạy. Vị này tập trung tất cả Địa thần khác và chỉ cho họ thấy Thiện Tài là Phật tạng, nghĩa là kho chứa Phật. Phật này chỉ cho sự sáng suốt, sự Giác ngộ, là trí huệ. Trong con người đơn sơ của Thiện Tài hàm chứa trí huệ bao la, kỳ vĩ. Nói cách khác, trải qua quá trình tu hành đến khi trí giác bừng sáng, chúng ta thấy mọi việc trong trời đất như thấy vật để trên bàn tay, tức tận dụng được trọn vẹn chất xám của chúng ta, thấu biết toàn bộ vũ trụ. Hiểu theo tinh thần ấy, An Trụ Địa thần mới nói rằng Thiện Tài là kho tàng vô giá.

Địa thần hỏi Thiện Tài muốn thấy kho tàng mà Thiện Tài đã gieo trồng nhiều đời hay không. Kho báu của ông mà ông lại không biết, phải nhờ người khác chỉ giùm. Kinh Pháp Hoa gọi là Phật tri kiến. Tri kiến Phật của chúng sanh y như Phật, không khác; nhưng vì họ không biết, không thấy, nên phải chịu thân phận nô lệ, nghèo nàn.

Thiện Tài nhờ An Trụ Địa thần chỉ kho tàng trí huệ, thấy được Phật tri kiến, nghĩa là ở ngay trên nhân gian tu hành, sống chung với những người thấp kém, tệ ác mà vận dụng được trí huệ và vượt khó. Đó là môi trường để ta hành Bồ tát đạo, thể hiện lòng từ bi, phát huy đạo đức. Chung quanh toàn người ganh tỵ, thù hiềm mà ta sử dụng trí khôn, hóa giải được, thì cuối cùng ta thành Phật. Chúng sanh có khổ thì ta mới phát bi tâm và tận tụy với người khổ, ta mới thành tựu đạo hạnh. Vì vậy Bồ tát bỏ thế gian đi tìm Phật là tìm lông rùa sừng thỏ, không bao giờ có.

Địa thần cho biết xưa kia ngài được Đức Phật Diệu Nhãn dạy pháp tu thiền định, chứng được Trí tạng, tức kho tàng trí huệ. Khi đắc được pháp này, ngài muốn nhập diệt ngay; nhưng thấy người khác cũng có kho tàng trí huệ ấy mà không biết, nên ngài nguyện ở lại để chỉ dạy họ. Tâm niệm vì lợi ích chúng sanh của Địa thần cao cả như vậy, đã chuyển đổi thần trở thành Bồ tát.

Tất cả kinh Đại thừa gặp nhau ở điểm ai tu hành cũng thành Phật. Địa thần An Trụ, hay sống ở đây để tìm người có nhân duyên căn lành mà nâng đỡ họ lên. Vì vậy, Địa thần nói với Thiện Tài rằng ông đã gieo trồng căn lành thì kho tàng này thuộc về ông.

Có thể nói Thiện Tài chính là Đức Phật Thích Ca và bảo tàng vô giá của Đức Phật là nước Ma Kiệt Đà. Thật vậy, ở ngay mảnh đất hung tàn bạo ngược nhất của A Xà Thế mà Đức Thích Ca đã phô diễn được trí huệ tuyệt vời, thể hiện Diệu pháp và cảm hóa ông vua ác độc trở thành người hộ pháp đắc lực.

Tóm lại, Địa thần An Trụ chỉ dạy Thiện Tài pháp tu đạt được trí huệ, vì có trí huệ là có tất cả. Trí huệ phát triển đến độ cao, khai thác được tất cả thì không có gì không hữu ích. Còn nghèo đói, khổ đau, chỉ vì con người không có phước huệ.