Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Hải Tràng Tỳ kheo

大方廣佛華嚴經

Sau khi thọ học với trưởng giả Giải Thoát, Thiện Tài nghe lời chỉ dạy của trưởng giả tiếp tục đến cầu đạo với Hải Tràng Tỳ kheo tiêu biểu cho mẫu Tỳ kheo Bồ tát vào đời độ sanh, giải thoát ngay trong trần thế.

Thiện Tài đến đúng lúc Hải Tràng đang nhập thiền định. Thiện Tài kiên trì đứng chờ từ một ngày đến bảy ngày, chờ ông xả định để hỏi đạo. Nhưng Thiện Tài càng chờ thì ông càng nhập Thiền lâu hơn. Thiện Tài quan sát, theo dõi, chịu đựng đến sáu tháng vụt bừng ngộ.

Sáu tháng thử thách mà Thiện Tài cố công mài dũa là phương cách để Hải Tràng luyện tập cho Thiện Tài tu thiền định, khác với tu Thiền theo hình thức, chỉ dạy ngồi suông, Thiền Đại thừa nhắm vào việc quan trọng là tiếp tâm. Hải Tràng nhập Thiền tỏa ra lực thu hút Thiện Tài chú mục vào, nhiếp tâm theo dõi đến độ tâm vụt bừng sáng.

Cách truyền đăng tiếp tâm này cũng được Đạt Ma Tổ sư thể hiện qua chín năm ngồi xay mặt vô vách, tạo thành sức thu hút Huệ Khả cao đến mức ông đứng ngoài trời băng giá mà không biết lạnh, tuyết ngập đến đầu gối mà không hay biết.

Với cách giáo dưỡng bằng tâm, không dùng lời nói, tác động cho Thiện Tài sáng tâm. Và đắc đạo rồi, Thiện Tài thấy được cái vô hình, không chỉ đơn giản thấy Hải Tràng ngồi như củi mục. Nhưng từ bên ngoài tiến sâu vô thế giới nội tâm, thấy được chân linh của Hải Tràng và học với chân linh, mới là người thật tâm cầu đạo.

Nhìn bằng mắt, Thiện Tài thấy Tỳ kheo Hải Tràng không làm gì; tuy nhiên, nhìn bằng tâm thấy vị Tỳ kheo này học được với mười phương Phật. Vì vậy, Hải Tràng im lặng mà Thiện Tài thấy được đạo. Đạo này là gì?

Trước tiên, kinh ghi rằng Thiện Tài thấy dưới hai bàn chân của Hải Tràng có vô số trưởng giả và cư sĩ. Nếu chúng ta nghĩ từ chân của Hải Tràng có nhiều trưởng giả cư sĩ vọt lên, thì thật là mê tín. Theo tôi, điều này cần nhìn ở dạng vô hình, thấy được lực vô hình của Hải Tràng Tỳ kheo tác động đến vô số trưởng giả, cư sĩ khiến họ phát tâm làm tay chân, quyến thuộc của ông. Đó là cáchnhìn để chúng ta đi sâu vào đạo. Trên bướcđường tu, thâm nhập yếu nghĩa Hoa Nghiêm, chúng ta mới hiểu tại sao có những vị Hòa thượng hiền lành, không làm gì mà Phật tử cung kính, tôn trọng, sẵn lòng tận tụy với họ.

Trưởng giả là người giàu có, hằng tâm hằng sản đóng góp tích cực cho đạo. Cư sĩ là người sống trong sạch, làm tất cả việc thế gian, nhưng tâm vẫn chí đạo. Hai thành phần này hết lòng gánh vác Phật sự thì việc khó cũng hoàn thành. Thiện Tài đầu tiên bắt gặp được chân linh của Tỳ kheo Hải Tràng, nghĩa là nhận ra được người thân tín của Hải Tràng toàn là cư sĩ, trưởng giả, nên ông ngồi yên, mọi việc có đệ tử giỏi, giàu có, đạo đức đảm trách toàn bộ. Thực tế, chúng ta cũng thấy vị Tỳ kheo nào được thành phần tốt, giỏi theo thì họ thành công nhiều việc. Trái lại, thành phần xấu, ăn hại theo thì một lúc chùa sập, Thầy cũng thành thân tàn ma dại.

Sau đó, Thiện Tài thấy từ đầu gối của Hải Tràng xuất hiện trăm ngàn ức Sát đế lợi, Bà la môn. Bà la môn thuộc giới trí thức vì tự cho rằng họ sanh trên đầu Phạm Thiên. Sát đế lợi được xếp vào hàng quý tộc, từ trên trời xuống. Chúng ta không nên hiểu là từ đầu gối Hải Tràng có trí thức và quý tộc chui ra. Ý này nhằm diễn tả người trí thức và quý tộc kính phục sự hiểu biết của Hải Tràng đến độ quỳ gối chắp tay, cúi đầu, công nhận ông là bậc Thầy. Chúng ta thấy trong sinh hoạt đời thường, việc ảnh hưởng cho giới trí thức và quý tộc kính trọng là điều không đơn giản vì hai giới này rất kiêu ngạo. Hải Tràng không nói gì mà họ kính nể, đó là mẫu người tiêu biểu làm nên đạo nghiệp. Vì vậy, tôi thấy rõ nếu người đời còn khinh thường người tu thì chúng ta khó hành đạo.

Khi được bốn giới là trưởng giả, cư sĩ, trí thức, quyền quý quy phục, tất nhiên dễ dàng làm được việc lớn. Các Tổ sư lập giáo khai tông cũng vậy, đến nơi nào lập chùa đều được chính quyền địa phương kính trọng. Điển hình như ở Tổ đình Giác Lâm, Tổ Viên Quang về ở trên đồi, tu trong am tranh nhỏ; nhưng văn nhân, thi sĩ, giới trí thức kính phục, tìm đến thỉnh ngài chỉ giáo, khiến cho Tổng trấn Trịnh Hoài Đức cũng phải kính nể.

Ngoài ra, Thiện Tài nhìn thấy hai bên vai của Hải Tràng Tỳ kheo có vô số A tu la vương và Dược xoa vương xuất hiện. Đó là hai thế lực mạnh làm hiệp sĩ bảo hộ. Trên bước đường tu, chúng ta hiền, nhưng phải có người mạnh bảo vệ, thường được gọi là Hộ pháp Long thiên. Trên vai có thần A tu la theo hộ vệ thì tà ma quỷ quái không thể tác hại được.

Thiện Tài nhìn thấy sức bảo hộ đối với Hải Tràng Tỳ kheo rất lớn. Đó là thế lực vô hình của A tu la hỗ trợ và sức mạnh hữu hình của người trên cuộc đời bảo vệ. Nhờ đó, ông ngồi yên mà thế lực ác không dám quấy rầy, chọc phá. Đạo pháp cần người giỏi, mạnh, nhanh, xả thân gánh vác Phật sự được tiêu biểu bằng hình ảnh thần La sát, Dược xoa ở trên hai vai Hải Tràng.

Trên mặt của Hải Tràng, Thiện Tài thấy vô số Trời Đế Thích, Phạm Thiên xuất hiện. Từ chân là cư sĩ, nay đổi thành Đế Thích và từ Bà la môn đổi thành Phạm Thiên. Theo Ấn Độ giáo, Phạm Thiên là cha đẻ của muôn loài, Đế Thích là Thượng đế. Cả hai cùng cung kính hướng về Hải Tràng Tỳ kheo.

Từ hai mắt của Hải Tràng xuất hiện Nhựt luân vương chiếu khắp mười phương thế giới, tiêu biểu cho ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi. Nói cách khác, tầm nhìn của Tỳ kheo thấu suốt mọi việc của chúng sanh. Trên đỉnh đầu của Hải Tràng xuất hiện vô số Bồ tát, Như Lai.

Nói chung, Hải Tràng nhập thiền định, không nói, không làm, nhưng mọi việc đều thành tựu tốt đẹp, vì đã được ông thực hiện trong thiền định, tạo thành sự tác động trong yên lặng, mới là điều quan trọng. Trên tinh thần ấy, kinh diễn tả là từ đầu xuống chân của Thiện Tài có đủ thành phần tốt xuất hiện, nhằm nói lên ý nghĩa từ chân là địa ngục A Tỳ cho đến đầu là trí huệ Như Lai tuyệt vời, hay từ chỗ thấp nhất trần gian đến cao nhất trong thiền định, chỗ nào cũng có lực của Hải Tràng Tỳ kheo chi phối đến. Dưới mắt người ngoài chỉ thấy Hải Tràng ngồi yên và Thiện Tài đứng trơ ra, nhưng thực sự đối với Thiện Tài thì trong sự yên lặng thấy được Hải Tràng đang chi phối cả vũ trụ Pháp giới. Đó là ý mà kinh Hoa Nghiêm ngầm chỉ. Học đạo phải học cho được thực chất của đạo ở dạng này và tầm sư cần tìm cho được vị đắc pháp như vậy.

Thiện Tài không học ngữ ngôn văn tự, nhưng đã học được lực tác động sâu xa của thiền định với trưởng giả Giải Thoát và ứng dụng pháp này để học huệ giác với Hải Tràng Tỳ kheo. Truyền Pháp môn Bát nhã Ba la mật cho Thiện Tài xong, Hải Tràng khuyên đồng tử nên tiếp tục đi về phương Nam để học Bồ tát đạo với Ưu bà di Hưu Xã ở khu viên lâm tên là Phổ Trang Nghiêm của nước Hải Triều.