Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Bồ Tát Di Lặc
大方廣佛華嚴經
- Published: 06 Nov 2021 21:12:50
- Modified: 31 Jul 2022 14:20:07
- Categories: Kinh Hoa Nghiêm, Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Tags: Thích Trí Quảng
Thiện Tài trải qua năm mươi ba chặng đường cầu đạo, gặp một trăm mười vị thiện tri thức, trong đó có bốn Bồ tát quan trọng đã giáo dưỡng, hộ niệm cho Thiện Tài trên bước đường tu, đó là Văn Thù Sư Lợi, Quan Âm, Di Lặc và Phổ Hiền.
Mở đầu việc tham học, Thiện Tài gặp Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, tức cầu đạo trước tiên là cầu trí huệ, vì không có trí huệ không thể nào giữ được phước đức. Vì vậy khẩu hiệu của người tu là duy huệ thị nghiệp.
Thiện Tài may mắn gặp đại thiện tri thức Văn Thù, nhận được lực gia bị của ngài và phát huy trí huệ theo từng bước chân hành đạo. Nhờ vậy, Thiện Tài dấn thân vào đời thấy gai góc là huy hoàng, đối diện với đủ thành phần xã hội không hề thấy chống trái, mà toàn là thiện tri thức dưới mắt ông. Vì dưới lăng kính trí huệ thấy tất cả đều có hai mặt tốt và xấu, không có gì hoàn toàn tốt hay xấu. Tốt xấu là tùy thuộc ở ta. Thiện Tài nhận chân được cái tốt của người và khai thác mặt tốt nên đắc đạo.
Dưới ánh sáng trí huệ của Văn Thù, Thiện Tài đi khắp thế gian thấy sanh thân Phật Thích Ca không còn hiện hữu, nhưng Đức Phật quyền năng tồn tại dưới dạng Quan Âm phổ hiện thành ba mươi hai hiện thân, không có một loại hình Phật cố định. Đối với người đáng hiện thân nào để cứu độ thì ngài hiện thân đó. Vì vậy, kinh Pháp Hoa dạy rằng có người thấy Phật, nhưng cũng có người không thấy. Đức Phật siêu hình thì người có nhân duyên đắc độ mới thấy Ngài.
Các vị Tổ sư, các nhà truyền giáo thấy Phật, mới dấn thân hành đạo không tiếc thân mạng. Theo tôi, từ một Đức Phật Thích Ca, nhưng mỗi vị tu hành thấy Phật khác nhau, dẫn đến hình thành nhiều tông phái khác nhau. Có bao nhiêu vị Tổ thì có bấy nhiêu Phật, cho đến có Phật ba đầu sáu tay, hay Phật vạn năng ngàn mắt ngàn tay tiêu biểu cho hành động có trí huệ chỉ đạo.
Sau khi Thiện Tài học với Văn Thù Bồ tát mới gặp được Phật dưới dạng Quan Âm ban vui cứu khổ. Kế tiếp, Thiện Tài bắt đầu du hành trong thế giới siêu hình, gặp những vị thần minh, nhận ra lực chi phối của họ đối với mọi việc trên cuộc đời.
Kinh Hoa Nghiêm giới thiệu với chúng ta thế giới siêu nhiên ấy và duy nhất có Thiện Tài thâm nhập được để tiếp tục học đạo với Di Lặc Bồ tát. Theo kinh Nguyên thủy, độc nhất có Bồ tát Di Lặc được Phật thọ ký thành Phật. Kinh Hoa Nghiêm đặt năng vấn đề người hành Bồ tát đạo cần học với Di Lặc, vì ngài thừa kế sự nghiệp của Đức Thích Ca. Nhưng muốn học với Di Lặc, Thiện Tài phải gặp Văn Thù và Quan Âm trước.
Thiện Tài gặp Di Lặc và Di Lặc khảy tay ba cái, thì lâu các Tỳ Lô Giá Na mở ra và Thiện Tài đi vào lâu các thấy được tất cả việc của Đức Phật đã làm trong quá khứ dẫn đến hiện tại và kéo dài tận vị lai, tất cả hiện hữu đầy đủ trong lâu các. Khi Thiện Tài tham quan xong, Di Lặc khảy móng tay một lần nữa thì lâu các biến mất. Lâu các xuất hiện và biến mất chứng tỏ đây không phải là tòa nhà thật.
Tỳ Lô Giá Na lâu các tiêu biểu cho Pháp thân Phật. Đức Phật sanh thân Niết bàn, nhưng Ngài vẫn tồn tại miên viễn dưới dạng thanh tịnh Pháp thân. Trên bước đường tu, trở về với chơn tâm thanh tịnh mới bắt gặp được Pháp thân Tỳ Lô Giá Na.
Di Lặc là người giữ Tỳ Lô Giá Na lâu các, tức ngài sử dụng được phần linh hoạt diệu dụng của chơn tâm để thông với thanh tịnh Pháp thân Phật. Vì vậy, Di Lặc được coi là Tổ của tông Duy thức. Ngài dạy chúng ta quan sát hiện tượng bên ngoài mà đo được tâm khởi, hay nhờ có cảnh, chúng ta phát hiện được tâm. Và chúng ta mới theo tâm trở về nguồn; từ ngoài lần vào trong đến tận Tiềm thức hay A lại da thức. Có thể ví nó như một cái kho vô hình chứa đựng những thứ vô hình. Kho vô hình của Thiện Tài được Bồ tát Văn Thù khai ngộ, chứa những hạt giống trí huệ và học với Quan Âm nên có hạt giống từ bi. Tâm thức của Thiện Tài đầy đủ trí huệ và từ bi, nên A lại da thức trắng sạch như gương trong. Còn kho chứa của chúng ta chỉ có toàn phiền não nhiễm ô.
Di Lặc mở lâu các cho Thiện Tài xem thành quả của Phật Thích Ca chứng được và giao cho ngài giữ gìn. Thiện Tài thắc mắc hỏi Di Lặc tại sao ngài là người thừa kế sự nghiệp của Phật mà lại không ra đời để sử dụng những của báu đã được giao phó.
Di Lặc cho biết ngài đã đủ điều kiện thành Phật, nhưng chưa ra đời ngồi tòa Long Hoa vì còn phải lo việc giáo hóa chúng sanh có duyên với ngài cho thành thục và tiếp độ những người mà Đức Thích Ca để lại cũng được thuần thục. Theo lời dạy của Di Lặc với Thiện Tài như trên, chúng ta biết rằng hiện tại tất cả ai đang từng bước phát triển trên lộ trình Phật đạo đều được Di Lặc Bồ tát chăm sóc. Di Lặc chứng được Từ tâm Tam ma địa, nên người có duyên với ngài là người cũng phải có tâm Từ.
Tại sao Di Lặc Bồ tát giáo hóa người có duyên với ngài trước, rồi mới độ người của Đức Thích Ca sau. Người của Đức Thích Ca để lại phức tạp lắm. Thật vậy, thử nghĩ xem trên thế giới có hàng tỷ người theo đạo Phật, không ai giống ai, giữa các tông phái cũng không chấp nhận nhau. Làm sao xác định ai đúng, ai sai. Đúng thì tất cả đều đúng, mà sai thì tất cả cũng sai. Nếu lo việc này thì suốt đời chỉ tranh cãi nhau. Vì vậy, việc quan trọng đầu tiên là Di Lặc phải thuần thục chúng của mình trước. Thiển nghĩ chúng ta có giỏi mấy, nhưng quyến thuộc của ta toàn người ăn hại thì cũng chẳng thể làm được việc lớn. Ý thức sâu sắc như vậy, người thật tu lo giải quyết bản thân thật tốt, chắc chắn người xung quanh cũng tốt theo.
Trên bước đường tu theo Di Lặc, cần phát triển tâm an vui, vì con Phật mà phiền não là biến thành con của ma. Tôi tâm đắc pháp này, cố giữ cho mình an lành. Dù hoàn cảnh thế nào vẫn lấy sự bình ổn làm lẽ sống, còn mưa gió là việc của thiên hạ. Theo Phật dạy, lo cho ta chính là đã lo cho người. Trên tinh thần ấy, bằng mọi giá, chúng ta phải tự an lấy tâm, tức đạt được Định. Từ tâm Định ấy, chúng ta mới bắt gặp được Định của Phật và Bồ tát. Và công đức lành mới theo Định tâm của ta mà tới, nhưng cũng tới với dạng vô hình. Chúng ta không thể biết cho cùng tận công đức này mà đó là sự thật. Công đức chỉ có trong thiền định là công đức vô lậu.
Từ tâm an nên Định sanh, thấy được sự vật không chướng ngại, vật không tác động làm phiền chúng ta là Huệ sanh. Nhờ vậy, bản thân và hoàn cảnh chúng ta mỗi ngày tốt thêm hơn. Đó là ba điều căn bản mà chúng ta phải thực hiện được trên lộ trình đi theo dấu chân Bồ tát Di Lặc.
Thiện Tài được Di Lặc dẫn vào Tỳ Lô Giá Na lâu các, thấy được thành quả của Đức Phật từ vô số kiếp quá khứ đến tận vị lai vô cùng. Kinh Hoa Nghiêm mở ra cho chúng ta hình ảnh một Đức Phật thật không phải chỉ còn lưu lại những viên Xá lợi. Nhưng đó là Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật đang sống, đang chi phối tất cả muôn loài và tồn tại miên viễn theo thời gian vô cùng, không gian vô tận, mới thật quý báu.
Thật vậy, từ Phật Niết bàn đến nay, các Luận sư tiếp tục triển khai giáo lý theo từng thời kỳ, từng quốc gia khác nhau, thích hợp với cuộc sống nhân sanh, tức Pháp thân Phật mở rộng biến chiếu khắp tất cả, không có trình độ nào không phổ cập. Người trí thấy Phật tuyệt luân và người chỉ có niềm tin cũng thấy Phật tuyệt vời. Dòng thác trí huệ của nhân loại phát khởi từ ngọn nguồn bước theo tri kiến Phật, cùng với vô số cuộc sống giải thoát, vị tha của người con Phật, tất cả tiêu biểu cho thanh tịnh Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật vẫn đang tồn tại khắp nơi khắp chốn.
- Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập lược giải
- Ý nghĩa đề kinh
- Quan niệm về Đức Phật
- Bồ Tát Đạo
- Thiện Tài đồng tử cầu đạo
- Đức Vân Tỳ kheo
- Hải Vân Tỳ kheo
- Thiện Trụ Tỳ kheo
- Di Già
- Trưởng giả Giải Thoát
- Hải Tràng Tỳ kheo
- Hưu Xã Ưu bà di
- Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa
- Thắng Nhiệt Bà la môn
- Từ Hạnh đồng nữ
- Thiện Kiến Tỳ kheo
- Tự Tại Chủ đồng tử
- Cụ Túc Ưu bà di
- Cư sĩ Minh Trí
- Trưởng giả Pháp Bửu Kế
- Trưởng giả Phổ Nhãn
- Vua Vô Yểm Túc
- Vua Đại Quang
- Bất Động Ưu bà di
- Biến Hành ngoại đạo
- Trưởng giả Ưu Bát La Hoa
- Thuyền trưởng Bà Thi La
- Vô Thượng Thắng hay Di Lặc Bồ Tát
- Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
- Bà kỹ nữ Tu Mật Đa
- Cư sĩ Tỳ Sắc Chi La
- Bồ Tát Chánh Thu
- Bồ Tát Quán Tự Tại
- Thần Đại Thiên
- Địa thần An Trụ
- Dạ thần Bà San Bà Diễn Để
- Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh
- Thọ thần Diệu Đức Viên Mãn
- Bồ Tát Di Lặc
- Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi
- Bồ Tát Phổ Hiền
- Phổ Hiền Hạnh Nguyện
- Nội dung kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập nội dung
- Thay lời tựa
- 01. Thế Chủ Diệu Nghiêm
- 02. Như Lai Hiện Tướng
- 03. Phổ Hiền Tam Muội
- 04. Thế Giới Thành Tựu
- 05. Hoa Tạng Thế Giới
- 06. Tỳ Lô Giá Na
- 07. Như Lai Danh Hiệu
- 08. Tứ Thánh Đế
- 09. Quang Minh Giác
- 10. Bồ Tát Vấn Minh
- 11. Tịnh Hạnh
- 12. Hiền Thủ
- 13. Thăng Tu Di Sơn Đảnh
- 14. Tu Di Sơn Đảnh Kệ Tán
- 15. Thập Trụ
- 16. Phạm Hạnh
- 17. Sơ Phát Tâm Công Đức
- 18. Minh Pháp
- 19. Thăng Dạ Ma Thiên Cung
- 20. Dạ Ma Cung Kệ Tán
- 21. Thập Hạnh
- 22. Vô Tận Tạng
- 23. Thăng Đâu Suất Thiên Cung
- 24. Đâu Suất Kệ Tán
- 25. Thập Hồi Hướng
- 26. Thập Địa
- 27. Thập Định
- 28. Thập Thông
- 29. Thập Nhẫn
- 30. A Tăng Kỳ
- 31. Thọ Lượng
- 32. Chư Bồ Tát Trụ Xứ
- 33. Phật Bất Tư Nghì
- 34. Như Lai Thập Thân Tướng Hải
- 35. Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Đức
- 36. Phổ Hiền Hạnh
- 37. Như Lai Xuất Hiện
- 38. Ly Thế Gian
- 39. Nhập Pháp Giới
- 40. Phổ Hiền Hạnh Nguyện