Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Bồ Tát Thập Hồi Hướng

大方廣佛華嚴經

Khi hoàn tất hai đoạn đường Thập Tín và Thập Trụ, việc làm của chúng ta là pháp hành trong tâm, không phải làm bên ngoài. Thực chứng Thập Hạnh của Hoa Nghiêm, ngồi yên một chỗ, nhưng tâm tác động cho muôn loài phát tâm.

Khi đã tạo được mối quan hệ với chúng sanh mười phương bằng vô tác diệu lực, chúng ta tiếp tục tiến tu pháp Hồi hướng. Những thành quả tu tạo được trên đường hành Bồ tát đạo, chúng ta đừng đánh mất. Chúng ta không nghĩ tới, nhưng không phải làm rồi bỏ, tức phải có gắn bó mật thiết. Phải giữ lại và biết chỗ gởi là tu Thập hồi hướng. Tu Hồi hướng theo Hoa Nghiêm là nỗ lực đầu tư vào ba vấn đề chính là đầu tư về trí huệ, đầu tư cho Pháp giới chúng sanh và đầu tư CHO chơn như thật tướng.

Đây là việc làm của Bồ tát trụ Hiền vị ở cấp ba, vẫn nương theo Thầy là bậc thánh, làm với Thầy để có kinh nghiệm và tạo được cảm tình với người. Dùng thành quả này tu Hồi hướng, chuẩn bị tư lương để sau này làm thay Thầy.

1. Hồi hướng Vô thượng Bồ đề

Nghĩa là dốc toàn tâm, toàn lực để phát triển sự hiểu biết. Vì muốn thay Thầy, ta phải chuẩn bị để có nhận thức chính xác nhất và được đại chúng chấp nhận. Muốn như vậy, ta phải lo học. Thực chất của Bồ tát Hiền vị bước sang hàng thánh đòi hỏi có sức hiểu biết cao tột. Còn sống bình thường, hưởng lặt vặt, mai kia Thầy qua đời, ta làm được gì, có thể tiếp tục hưởng thụ hay không.

Sự hiểu biết của Thầy vượt trội hơn người đương thời, nay ta kế nghiệp Thầy, phải làm được hơn, không thì xấu hổ vô cùng. Theo tôi, thế kỷ XXI có nhận thức khác, văn minh mỗi ngày đi lên. Hôm nay, sự hiểu biết này là vô thượng, nhưng giữ nguyên thì ngày mai thành tụt hậu. Tôi giỏi trong thế hệ tôi, không giỏi trong thế hệ các anh em, vì những phát minh mới không có trong thời tôi. Tôi mong sao các anh em hơn tôi, làm thế nào cho mọi người đương thời của anh em phải công nhận tu sĩ Phật giáo có trí thông minh đáng nể.

Học kinh Hoa Nghiêm phải học theo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi để cập nhật hóa sự hiểu biết. Chưa có sự hiểu biết cao nhất, chưa thể làm Phật; đối với người bước theo dấu chân Phật, việc đầu tư cho trí huệ quan trọng nhất. Vì vậy, mục tiêu của Bồ tát là nâng trình độ tri thức đến độ cao nhất. Tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, không có gì Bồ tát không biết. Trong khi Thanh văn tu quán Không, bỏ hết việc thế gian và tách rời thế gian, thì trở thành người không biết gì, thậm chí trở thành con nợ, là đọa.

Bồ tát Tăng phát huy trí huệ càng cao, quả chứng càng lớn. Mọi việc, đất đai, chùa chiền … có thể bỏ, nhưng phải giữ trí huệ, trí huệ còn là còn tất cả. Nâng kiến thức, biết tất cả việc đời thường, mới hướng dẫn người sống cao thượng. Còn chỉ dạy người công quả, nhưng họ cũng không được lợi ích trong cuộc sống, hoặc thảm hại hơn nữa, cạo tóc cho họ thành người sống dở chết dở. Dạy và độ người đông như vậy, Phật giáo càng mau suy sụp.

Lịch sử cho thấy ở đời Trần, Thầy tu rất nhiều, nhưng tinh thần và vật chất của dân chúng thời bấy giờ rất mạnh, vì nhờ các nhà sư làm kinh tế giỏi, có văn hóa cao, chính trị vững. Đó là cách sống của người tu theo Phật, trở thành người tốt nhất, giỏi nhất, quả cảm nhất. Nếu lúc ấy, sư chỉ ăn hại thì đã mất nước rồi.

Riêng các anh em học Tăng không chịu học, mãi lo xây chùa, về sau coi chừng hỏng cuộc đời. Phải lo nâng trí giác vượt hơn người, vì dở hơn, chắc chắn không thể độ họ.

Rèn luyện Vô thượng Bồ đề theo Hoa Nghiêm không có nghĩa là lập lại lời Phật, lời của Tổ. Chúng ta chỉ mượn tạm ngôn ngữ văn tự để nhằm phát huy trí giác. Thật vậy, nếu không nương theo văn, tư, tu bên ngoài thì không có điều kiện phát triển Vô thượng Bồ đề, nhưng để kẹt văn, tư, tu, chấp vào đó, Bồ đề cũng không phát được.

Những gì chúng ta học từ bên ngoài được vỏ não tiếp thu, cho ta tất cả sự nhận thức về cuộc sống. Phần lớn, chúng ta từ địa vị phàm phu cho đến hàng Nhị thừa đều đạt được tri thức ở dạng này. Nhưng, theo tinh thần Hoa Nghiêm, hiểu biết như vậy không phải là Vô thượng Bồ đề, không thể xem là sở đắc của Bồ tát.

Những gì Bồ tát tiếp thu từ văn tư tu không dừng lại ở phần tác động cho vỏ não, mà còn tác động sâu vào bên trong là trung não, khiến cho trung não hoạt động, sản sanh ra trí giác ở mức độ cao, một sự thấy biết chính xác, vượt ngoài sự hiểu biết thông thường do vỏ não cung cấp.

Phần tác động vô trung não khiến trung não hoạt động thì chỉ có Thiền sư mới sử dụng được khi nhập Thiền. Họ sẽ thấy Pháp giới, nhập Pháp giới, tức thế giới tâm, khác với thế giới bên ngoài là thế giới của Ý thức, không phải thế giới Phật. Thế giới của Ý thức là chỗ sinh hoạt của phàm phu trong sanh tử luân hồi. Người tu không sống với thế giới ấy, chúng ta chỉ tạm thời mượn nó ở bước ban đầu để làm thềm thang bước lên thế giới tâm linh. Theo tôi, điều đó giống như hỏa tiễn dùng để phóng phi thuyền lên, nếu giữ hỏa tiễn lại thì phi thuyền cũng không thể bay lên được. Là phàm phu, chúng ta phải chuẩn bị tư lương để đẩy phi thuyền trí huệ lên.

Học ở giai đoạn một, ví như nhiên liệu đẩy trí lên và lên rồi, chúng ta cần bấm nút xả hỏa tiễn hay xả Thức, bỏ tất cả để đưa phi thuyền vào không gian hoàn toàn vô thức. Lúc ấy, vỏ não ngưng hoạt động, tâm hồn nhẹ nhàng lạ lùng, đầu hoàn toàn thảnh thơi, trống không, ví như không bị trái đất, mặt trăng hút, đó là người học Vô thượng Bồ đề.

Thuở nhỏ, tôi học, đầu luôn nặng trĩu vì tất cả dữ kiện nhồi nhét vô quá nhiều, thành đau đầu. Sang Nhật, tôi mới nhận ra điều này, nếu tiếp tục, e bị điên. Phải xả Thức, tất cả những gì ta học không cần thiết nữa.

Tổ sư dạy: Học hành không thiếu cũng không dư, nghĩa là quên hết, để vỏ não ngưng hoạt động, đầu nhẹ liền. Ngày nay, mỗi khi tôi cảm thấy hơi mệt vì phải giải quyết nhiều việc, tôi xả Thức, chừng khoảng 15 đến 30 phút, không nghĩ ngợi gì, tất cả vui buồn vinh nhục, hiểu biết của cuộc đời đều được dẹp sạch. Nhờ ngưng lại như vậy, vỏ não được nghỉ ngơi thì phần chính là trung não hoạt động để phát sanh ra Vô thượng Bồ đề.

Khi vỏ não và cơ thể được nghỉ ngơi, chúng ta làm việc không cảm thấy mệt mỏi, mới nói: Thừa sự thập phương chư Phật, vô hữu bì lao. Không mệt vì chỉ làm bằng trung não, tức Pháp thân Bồ tát, nên làm mà không làm. Không đến, không nói, không dạy, nhưng làm trên Pháp giới. Lúc ấy, hoạt động của trung não có công năng tác động cho người phát tâm, người phát tâm rồi thì tăng trưởng Bồ đề. Đó là pháp hành của Bồ tát, đến đâu đều tác động qua các loài chúng sanh bằng tâm.

Chúng ta tu ở dạng Vô thượng Bồ đề, nằm ngoài tầm nhận biết của Thức và Trí thế gian, vượt ngoài lưới ma. Ma không biết được vì họ hoàn toàn vô niệm. Đối với họ, có hình thì ảnh tự hiện, tất cả Pháp giới chúng sanh hiện đủ, nhưng không có vật thì trong tâm họ cũng chẳng có hình nào. Trong khi Thức của chúng sanh ghi nhận hình ảnh khi có vật, mà lúc vật đi rồi, Thức vẫn lưu lại hình bóng của vật.

Trạng thái của Bồ tát đạt Vô thượng Bồ đề được ví như tâm gương; có chúng sanh thì Bồ tát hiểu ngay họ muốn gì, nghĩ gì và thuyết pháp tương ưng với điều họ muốn. Tất cả tâm thức chúng sanh hiện lên tâm gương Bồ tát và Bồ tát tùy theo yêu cầu đó mà giáo hóa, nên không lỗi lầm.

Bồ tát nâng trí giác lên thành trực giác, không cần suy nghĩ tánh toán mà vẫn biết đúng. Chúng ta thấy các vị đắc đạo làm việc rất nhàn hạ, nhưng sự hiểu biết của họ linh hoạt kỳ diệu. Phần vô lậu huệ này mới thông được chúng sanh, vũ trụ và Pháp giới, mới chứng được thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông, không nghe mà biết được người muốn gì. Chúng ta cần rèn luyện tri thức ở dạng này càng cao, thì sự truyền đạo càng dễ. Nếu không được như vậy thì nhà truyền giáo cũng chẳng khác gì mọi người trên cuộc đời.

Khi đắc được Vô thượng Bồ đề, việc học đạt đến đỉnh cao nhất của tri thức, kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta dùng trí Vô thượng để độ chúng sanh, phục vụ xã hội, không phải học để chơi; bấy giờ, tiến sang bước thứ hai, tu Hồi hướng Pháp giới chúng sanh.

2. Hồi hướng Pháp giới chúng sanh

Ở giai đoạn này, đối tượng của Bồ tát là Pháp giới chúng sanh, vì nếu không được tiếp cận cuộc đời, chỉ là hiểu biết thuần lý của hàng Nhị thừa, Duyên giác. Chúng ta dễ nhận ra ý này, thực tế cho thấy sự hiểu biết có được ở nhà trường, nhiều khi đem ứng dụng trong cuộc sống lại khác. Vì vậy, nhờ có học mới giáo hóa được chúng sanh và nhờ giáo hóa chúng sanh, chúng ta tăng thêm sự hiểu biết, có được chân thật trí, hai phần này ví như hai chân để chúng ta đi tới.

Đức Phật dạy rằng quả Bồ đề thuộc chúng sanh, không có chúng sanh, Bồ tát không thành Vô thượng Đẳng giác. Y cứ theo tinh thần này, làm cho chúng sanh thành Phật là làm cho chính ta thành Phật. Hiểu đạo lý như vậy, từng bước chúng ta thăng hoa đạo hạnh. Không hiểu cốt lõi này, càng ráng tu càng khổ, nghiệp sanh và đọa.

Lo cho chúng sanh một phần, nghiệp của ta nhẹ được một phần. Nhưng với chúng sanh có thiện duyên với ta, ta lo trước. Vì mới tu, nghiệp ác ta còn nhiều, mà phải luôn đối phó với người ác duyên, họ chống đối ta, thì việc tu hành của ta sẽ bị trở ngại. Nhận ra ý này, bước ban đầu, tôi tìm người hiểu tôi, có cảm tình tốt hoặc đồng hành với tôi; kinh gọi là Bồ tát đồng hạnh nguyện. Tôi lo xây dựng gấp Bồ đề quyến thuộc này. Còn làm việc chung chung, ai cũng độ, nhưng ta giúp lầm người ác thì dễ bị chuốc họa. Thật vậy, nghiệp ta còn và phước đức mỏng mà kết quyến thuộc xấu ác thường gây rắc rối cho ta.

Tôi lưu ý Tăng Ni sanh điều này. Người thương ta, tin ta, đồng hành đồng sự với ta, phải lo xây dựng họ trước. Nếu chúng ta không biết, khai thác họ cạn kiệt để phục vụ cái không phải là Bồ đề quyến thuộc, thì đến khi người hết lòng với ta cạn túi mà ác ma quyến thuộc tăng thêm, ta còn nhờ cậy vào đâu để làm đạo.

Tôi học được tinh thần này của Phật giáo Nhật. Đối với những người thương và gần gũi, ta cố gắng tạo công ăn việc làm hoặc lo cho họ học hành. Xây dựng người tốt làm nồng cốt cho lực lượng Phật giáo là điều tất yếu phải có.

Chúng ta đừng lầm là mình đang thực hiện tinh thần vị tha vô ngã. Phải biết đến khi nào chúng ta mới có thể thực hiện được hạnh này. Bước đầu, lo bao đồng thiên hạ, về nhà không có cơm ăn, chùa rách, đệ tử bỏ trốn, chúng ta sẽ ra sao.

Lo cho người có thiện duyên gần gũi vững rồi, bước thứ hai chúng ta xây dựng người ác duyên. Đức Phật cũng đã từng hoằng hóa độ sanh theo cách như vậy. Đầu tiên, Ngài giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như, họ là những nhà hiền triết quyết tâm tu. Điều này cho thấy Đức Phật không thuyết giáo ngay, nhưng lựa người tốt trước; họ cùng hạnh thanh tịnh, cùng nguyện thành Phật, Ngài cấp tốc xây dựng họ đắc quả vị La hán, trở thành mẫu người thánh thiện đáng kính trọng. Bước đầu lập giáo khai tông, Đức Phật đã xây dựng Bồ đề quyến thuộc như vậy, còn đồ chúng ô hợp, tranh cãi, thì khác gì ngoại đạo.

Ngày nay, chúng ta không Ý thức điều này, chỉ lo xây dựng cơ sở, nhưng quên giáo dưỡng Tăng chúng để họ thất học, ốm yếu, bệnh hoạn là tự đẩy chính mình vào đường cùng.

Giáo dưỡng cho năm anh em Kiều Trần Như thành thánh rồi, Đức Phật mới đến độ Xá Lợi Phất tiêu biểu cho hàng trí thức và Mục Kiền Liên tiêu biểu cho người làm ăn giỏi. Nói theo ngày nay, đây là thành phần thượng tầng kiến trúc của xã hội. Tuy không đông, nhưng họ đóng vai trò quan trọng, vì chính họ xây dựng mô hình xã hội. Vì thế lãnh đạo được giới trí thức là nắm được quần chúng. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy Phật giáo mạnh khi có thành phần trí thức ủng hộ.

Có thể nói mô hình xây dựng Pháp giới chúng sanh của Đức Phật bước đầu kết hợp người phạm hạnh thanh tịnh là nhóm Kiều Trần Như và tiếp theo là nhóm trí thức vẽ ra chương trình hành động và nhóm Mục Kiền Liên thực hiện. Tất cả gồm có hai trăm người cộng thêm năm mươi thanh niên thuộc nhóm Da Xá. Đó là những người có năng lực và chết sống với Phật, nhiều đời đã là quyến thuộc của Ngài, nên Phật tìm đến độ họ.

Xây dựng Bồ đề quyến thuộc vững, tập hợp thành thế lực mạnh, biểu tượng tốt, Đức Phật mới mở rộng tầm giáo hóa, hàng phục ác tri thức; nghĩa là phải có đạo quân Hiền thánh rồi mới đến với đối thủ. Tuy ác, nhưng họ cũng là người có duyên với Phật. Đó là ba anh em Ca Diếp gồm một ngàn đồ chúng, tức một thế lực mạnh được Đức Phật hướng đến tiếp độ.

Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp lãnh đạo nhóm này là quốc sư của Bình Sa vương. Ông chuyên dùng bùa chú để sai khiến rắn hại người và rất được vua trọng vọng, cung phụng đầy đủ. Khi Đức Phật đến thành Vương Xá để độ ông vua này, khiến cho Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp cảm thấy bị thiệt thòi quyền lợi. Đến đây, có đụng chạm thì mới ra lẽ.

Chúng ta thấy Đức Phật hết sức thanh thản trong việc này. Ngài thản nhiên xin ở trọ trong tu viện của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp. Ông ta rất mừng và sử dụng độc thủ nhất để hại Phật bằng cách xếp đặt cho Phật ở hang có rắn chúa. Tin chắc rằng Phật đã bị rắn mổ chết, nhưng khi ông tìm đến xem thì thấy Phật xoa đầu thọ ký cho rắn và con độc xà này quay ngược lại để giết ông. Chứng kiến đức độ của Phật quá lớn, tác động đến cả thú dữ cũng quy phục, khiến ông sanh tâm hổ thẹn và cảm phục lòng từ bi của Phật, phát tâm quy y với Ngài. Đó là giai đoạn Đức Phật giáo hóa người có ác duyên và chuyển thành thiện duyên với Ngài.

Đã xây dựng được người ác thành quyến thuộc, sang bước thứ ba, Đức Phật mới mở rộng tầm giáo hóa đến chúng sanh không có duyên. Trên bước đường độ sanh, Ngài không cần dụ dỗ, chỉ lo dung hóa được người thiện và ác, xây dựng được một ngàn hai trăm năm mươi vị thành thánh rồi thì tiếng lành đồn xa. Quần chúng thuộc mọi giới bắt đầu theo Phật, đó là chúng kết duyên.

Khi hàng trí thức và quần chúng theo Phật, thì vua chúa cũng phải theo. Tầm giáo hóa chúng sanh của Phật được mở rộng, tạo thành Bồ đề quyến thuộc là Pháp giới chúng sanh.

Tôi nhắc nhở Tăng Ni sanh ra trường cần xây dựng được Bồ đề quyến thuộc, tức người theo ta phải giỏi, tốt, khỏe. Còn toàn người nghèo đói, ngu dốt theo thì làm được gì.

Đức Phật khuyên hành Bồ tát đạo phải lo Hồi hướng Pháp giới chúng sanh, vì tiêu cực thì không làm được, còn làm mà không Hồi hướng, việc cũng thành mây khói.

Hồi hướng là biết gởi thành quả của ta vào chỗ còn sử dụng được về sau. Làm rồi bỏ, thì làm để làm gì. Phật bỏ tất cả để trở thành bậc siêu xuất thế gian, làm Thầy của trời người, không phải bỏ để thành ăn mày.

Việc mà chúng ta làm, vật của chúng ta tạo, hay nói chung tất cả pháp hữu vi là mộng huyễn bào ảnh, nhắm mắt xuôi tay là hết; dù ta có để cũng mất, mà bỏ cũng không còn. Chúng ta Ý thức sâu sắc điều này, nhưng không bỏ nó để trở thành khôi thân đoạn trí. Thật vậy, hành Bồ tát đạo phải biết lợi dụng mộng huyễn để có chân thật, sử dụng nó để tạo công đức. Mọi việc làm cuối cùng chỉ còn thiện hay ác mang theo, gieo vào lòng người tình cảm tốt đẹp hay nỗi oán hận.

Biết rõ như vậy, chúng ta chỉ gởi vào lòng người điều tốt. Thí dụ hành bố thí, cúng đường, giúp người là gieo vào lòng người ý niệm tốt. Đó là cái còn lại của Bồ tát trên cuộc đời. Trong hiện đời, gặp một người có cảm tình, là biết ta đã gieo nhân lành cho họ trong kiếp quá khứ. Ngược lại, gặp người thù ghét, chống đối cũng tự biết nhân ác của ta đã trồng trong tâm họ.

Tu Hồi hướng Pháp giới chúng sanh, bao nhiêu thiện căn công đức chúng ta đều gởi vào tâm chúng sanh thì không bao giờ mất. Phật pháp cửu trụ cũng ở dạng này. Và chúng ta tu được cũng nhờ Đức Phật Hồi hướng Pháp giới chúng sanh. Chúng sanh nào nhận được sự ký thác đó của Phật mới phát tâm Bồ đề. Không nhận được sự ký thác ấy, cũng thành ngoại đạo chống phá Phật đạo.

Đức Phật khuyên chúng ta làm bao nhiêu cứ đưa vào lòng người ý niệm tốt. Vua chúa nắm quyền, nhưng Phật nắm lòng người. Bước theo dấu chân Phật, hành Bồ tát đạo, ta cố tránh không làm mất lòng người, không đưa ý niệm ác, chỉ đưa ý niệm thiện vào lòng người. Các Thầy sống chung đừng gieo vào lòng nhau hận thù, nhưng gieo vào ý niệm tốt, sau làm đạo gặp nhau, chúng ta dễ thành công. Thà mất tất cả, nhưng còn giữ được lòng người.

Trên tinh thần xây dựng lòng người, hành Bồ tát đạo bố thí tiền của, sanh mạng cũng chỉ nhằm thu phục nhơn tâm. Giúp tiền của cho người vượt khó khăn, họ khá được thì cũng thương ta. Còn ta dư, trong khi họ thiếu thốn, tự nhiên họ cũng ghét ta. Phật khuyên ta bố thí ngoại tài để tạo cảm tình với người.

Kế đến bố thí nội tài, nghĩa là ta sử dụng sức khỏe, trí khôn và kỹ thuật tùy theo yêu cầu mà giúp người phát triển trí huệ, giàu có, khỏe mạnh, đầy đủ bản lĩnh bằng với ta. Tất cả cũng chỉ nhằm gieo vào lòng người ý niệm tốt. Thí dụ đem công sức giúp dân địa phương, khiến cho người quý mến, kính trọng; điển hình như Hạnh Cơ Bồ tát của Nhật thường đắp đường, bắt cầu, xây dựng thành phố Nara hoặc đúc tượng Tỳ Lô Giá Na.

Trí khôn, sức lực, tài sản đưa vào lòng người trở thành bất diệt, còn giữ lại thì đến ngày nào đó, sức khỏe cũng suy kiệt, trí cũng hết, tài sản cũng mòn.

Hồi hướng Vô thượng Bồ đề và Hồi hướng Pháp giới chúng sanh có quan hệ hỗ tương. Nhờ có học mới giáo hóa được chúng sanh và nhờ giáo hóa chúng sanh, chúng ta tăng thêm hiểu biết, có được chân thật trí. Hai phần này ví như hai chân để chúng ta đi tới.

Đối tượng chúng sanh càng ngang bướng, khó dạy, trí khôn của chúng ta mới nảy sanh và khả năng điều phục mới phát triển. Nếu chỉ tìm người tốt kết thân, lâu ngày ta dễ trở thành ngờ nghệch. Trên bước đường tu Bồ tát đạo, càng dấn thân đụng chạm cuộc đời bao nhiêu, trí chúng ta càng được mài dũa sáng bấy nhiêu.

Trên nền tảng độ sanh để phát triển trí giác, kinh Hoa Nghiêm dạy quả Bồ đề thuộc chúng sanh; không có chúng sanh, Bồ tát không thành Vô thượng Đẳng giác. Bồ tát hành đạo ví như Bồ đề thọ vương mọc giữa sa mạc sanh tử, chúng sanh ví như đất, chúng sanh nghiệp và chúng sanh phiền não ví như phân và nước. Không có đất, nước, phân, Bồ đề không sống và lớn được.

Cũng vậy, chúng sanh càng đau khổ, tâm Bồ đề chúng ta càng dễ phát. Chúng sanh ở cõi trời không chịu nghe pháp, không thích tu. Ở Ta Bà đau khổ, chúng sanh gặp nhiều phiền não không tự giải quyết được; Bồ tát cứu họ, giải được nghiệp cho họ, chắc chắn niềm tin của họ đối với đạo rất lớn và không thể nào quên ơn tế độ.

Điều quan trọng cần ghi nhờ rằng giúp người, nhưng trí huệ của chúng ta cũng phải theo đó phát triển. Đừng để rơi vào tình trạng làm nhiều mà quên tu học, phiền não bộc phát, trí huệ cùng mằn. Thực tế chúng ta thường thấy có người hành bố thí một lúc rồi cạn kiệt, người cũng không nhớ đến ta.

Ta làm gì cũng được, nhưng phải luôn chuẩn bị con đường thành Phật của mình, đầu tư sao cho đạt được Vô thượng Bồ đề. Trên nền tảng ấy, ta bố thí, cúng dường cũng nhằm tăng sự hiểu biết, phước đức, tình cảm của chúng ta và đạt đến mục tiêu thành Phật. Còn giúp đỡ người khác mà bản thân ta lên không được, thì người sẽ thương hại, không kính trọng ta nữa, ta lại bất mãn. Người được giúp phải theo gương ta tu hành.

Theo tinh thần Đại thừa, đạo yếu Tăng hoằng, nhờ chư Tăng mà người biết Phật. Thực tế chùa nào có Tăng Ni đạo đức, học thức thì người ta thường tập hợp đến để học, gần gũi để được an lành. Có người nhờ cảm đức của bậc chân tu mà nghiên cứu Phật giáo. Đại thừa Tăng làm sáng danh Phật, nên được kính trọng; không phải vì kính Phật nên trọng Tăng.

Bồ tát phục vụ chúng sanh, khiến chúng sanh quy ngưỡng Phật đạo. Làm được bao nhiêu công đức, Bồ tát hồi hướng cho Pháp giới chúng sanh, là cúng dường tối thượng.

Trên tinh thần ấy, Phật của Đại thừa là tất cả người đang sống trong Chánh pháp. Kinh Pháp Hoa gọi là thế gian tướng thường trụ, nghĩa là chúng ta tin Phật, tu theo Phật, thể hiện lời Phật dạy trong cuộc sống thì chúng ta là Pháp thân Phật. Pháp thân Phật hiện hữu ngay trong Tăng đoàn, trong sinh hoạt xã hội; tìm ngoài sự sống này, không thể có Pháp thân của Phật, kinh ví như tìm lông rùa, sừng thỏ.

Hồi hướng Pháp giới chúng sanh, phải nuôi dưỡng quyến thuộc của chúng ta thăng hoa. Nhiều Thầy trụ trì sợ học trò giỏi hơn, sẽ khi dễ mình, nên không cho đi học. Làm như vậy, rõ ràng là giết đạo. Người có quyến thuộc đông, chắc chắn làm được việc lớn. Thử nghĩ không có sức người, sức của, sao làm được.

Hành Bồ tát đạo, tất cả tư lương của chúng ta đem Hồi hướng cho Pháp giới chúng sanh, hay chia sẽ công đức để về sau người cùng hợp tác với ta gánh vác Phật sự. Nhiều Thầy giỏi, nhưng không có ai cộng tác, cũng đành gác cái giỏi một bên. Có thể nói ta được việc hay không là tùy thuộc ở số người giúp việc. Họ giỏi, ta làm được việc lớn, họ tầm thường, ta làm được việc thường.

Nhờ có Vô thượng Bồ đề, không làm mất lòng đại chúng và hiểu được tâm tư đại chúng, làm được những việc mà người quý mến ta. Hoặc biết đại chúng chưa chấp nhận, ta cũng tùy thuận họ. Như Di Lặc chưa làm Phật vì chúng chưa thuần thục, tức quyến thuộc chưa giỏi, họ chưa phải là Bồ tát. Di Lặc còn phải tiếp tục lo cho Pháp giới chúng sanh.

3. Hồi hướng Chân như thật tướng

Khi thành tựu được hai pháp Hồi hướng Vô thượng Bồ đề và Pháp giới chúng sanh, Bồ tát phải xả bỏ tất cả để thực hành pháp Hồi hướng Chân như thật tướng. Trước kia, với mục tiêu phấn đấu, Bồ tát tất yếu phải tích lũy công đức, tình cảm, trí huệ; vì không có vốn này thì không hành Bồ tát đạo được. Nay cả Pháp giới chúng sanh đều biết uy đức của Bồ tát, thì cần giữ làm gì nữa. Xả tất cả, trở về Chân như thật tướng, Bồ tát trở thành biểu tượng cao quý, đến đâu cũng mang an lạc cho mọi người, thể hiện Vô trụ xứ Niết bàn. Tuy nhiên, chưa đạt đến vị trí này, mà bỏ tất cả thì trở thành ăn mày.

Xả bỏ, trong lòng không nghĩ đến thành quả nào mà tất cả việc đều thành tựu một cách tự tại như ý, mới thực sự đạt đến Chân như thật tướng. Còn ôm giữ thì dễ mắc bệnh chấp thành quả của ta, hiểu biết của ta và đệ tử của ta, dẫn đến sanh tâm tăng thượng mạn. Kinh Hoa Nghiêm đưa ra pháp tu Hồi hướng Chân như thật tướng để giúp chúng ta xóa bỏ bệnh chấp pháp.

Tu Chân như thật tướng nghĩa là độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy ta độ và người cũng không cảm thấy bị độ. Nhờ vậy, tâm chúng ta luôn thanh thản, chúng sanh nhẹ nhàng phát tâm Bồ đề, mọi vật hiện trên tâm gương của chúng ta. Tùy theo tâm nguyện, tùy theo yêu cầu của chúng sanh mà việc được tự động giải quyết. Làm được tất cả nhưng buông bỏ tất cả, không làm nặng lòng ta và người. Đó là hành trang tối cần thiết để tiến tu Bồ tát đạo.

Các giai đoạn trước ta hướng về bên ngoài, nhưng nay, ở mức cuối cùng, buông bỏ mọi thành quả để ta hướng nội, tìm về cội nguồn chân như tâm. Sống với chân như tâm là chân thật bất hư, như như bất động; đó là thực chất mà Đức Phật muốn dạy.

Và từ chân như tâm, tùy theo nhân duyên, mà Bồ tát hiện thân tướng khác nhau, làm việc khác nhau. Nhưng duyên hết, việc hết, còn tâm chân như muôn đời không thay đổi.

Trên bước đường tu, phải tìm cho được Pháp thân vĩnh hằng của chính mình hay chân như tâm. Chính yếu là sống với tâm chân như và làm việc theo yêu cầu. Thí dụ thực chất của tôi không thay đổi, nghĩa là tâm chân như đa năng, đa dạng, không có hình tướng cố định, nhưng tùy theo Giáo hội phân công, tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp, làm Tổng biên tập, làm việc giảng dạy, v.v… Tùy từng giai đoạn, tùy yêu cầu mà có những việc khác nhau. Xong việc là hết, ta không bị kẹt với nó, nó không ngăn cản sự giải thoát của ta.

Đến đây đã vượt qua được ba chặng đường của tam Hiền. Cần phân biệt tam Hiền của Nhị thừa tuchứng khác với quả vị tam Hiền của Bồ tát đã hoàn tất pháp Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập hồi hướng.

Tam Hiền của Nhị thừa nhắm vô tu tự độ, lấy hạnh viễn ly làm chính và diệt được phiền não mới là Hiền. Vì vậy, từ hàng Dự lưu, tức Tu đà hoàn không bị xã hội chi phối được nhập vào dòng thánh của Nhị thừa.

Đối với Đại thừa, tánh từ Bồ tát Thập Trụ bắt đầu bước vào Hiền vị, nhưng khác với Dự lưu ở điểm hàng Dự lưu tu thoát ly cuộc đời, ở trong cảnh giải thoát được giải thoát để bước vào dòng thánh, thì dễ tu hơn Bồ tát. Tuy nhiên, thành quả không cao bằng Bồ tát.

Thật vậy, Bồ tát ở Hiền vị phải nhập thế mà không bị trần tục quấy rầy mới có thể bước vào dòng thánh. Kinh Duy Ma quy định tư cách Bồ tát là “Cư tài chi sĩ, cư gia chi sĩ, tại gia chí Phật đạo giả”, nghĩa là Bồ tát ở thế gian, nhưng ý nghĩ và việc làm của họ giống với người xuất gia. Và Bồ tát còn hơn Thanh văn Tăng ở điểm sống trong thế tục, nhưng tâm hồn xuất gia, quả thực là cao quý. Đó là tinh thần Đại thừa rèn luyện tư chất của Bồ tát vào đời đầy sóng gió, tâm vẫn trụ vững ở đạo pháp.

Bậc Nhứt lai của Thanh văn bằng với Thập Hạnh của Bồ tát. Nhưng hàng Nhứt lai đi sâu vào dòng thánh, hay sâu vào nội tâm và tiến lên dòng thánh dễ hơn Bồ tát vì càng tu, càng thoát ly cuộc đời, tâm dễ thoát tục.

Trong khi Bồ tát đi sâu vào cuộc đời, việc nhiều hơn, nhưng tâm hồn vẫn thanh thản. Họ tập sự tu Lục độ, không phải chính tu. Họ thân cận Phật. Vì vậy, hàng Thập Trụ, Thập Hạnh vẫn cần phải có Phật hay Bồ tát Thập thánh xuất thế để nương theo tu. Không có điểm nương tựa này, Bồ tát tam Hiền không tiến tu được. Tu Tiểu thừa theo Thanh văn, không có Phật xuất thế, không có Bồ tát để nương vẫn tu được.

Có thể khẳng định Bồ tát Hiền vị bắt buộc phải nương thánh, mới thành Hiền được. Trong lúc nương bậc thánh, điều gì xảy ra. Nương theo thánh Tăng, chúng ta thành tựu được nhiều công đức; nhưng cũng dễ bị đọa, nếu sai lầm. Theo kinh nghiệm của tôi, ai có Thầy nổi tiếng dễ nhận ra ý “Cha làm Thầy, con bán sách!”.

Nương Thầy để làm việc cho Thầy, tu bồi cội đức của mình. Nhưng dựa hơi Thầy, gây khó khăn cho bạn đồng tu, làm việc lặt vặt, cuối cùng cuộc đời cũng không ra chi. Trong chùa, thị giả là người có điều kiện nương Thầy, đời sống vật chất của thị giả thường cao. Tuy nhiên, nếu chỉ lo hưởng thụ, không tu, cuộc đời dễ tiêu tan nhanh chóng. Thực tế, nhiều Thầy lên được, nhưng bị như vậy lại rớt xuống. Hoặc có cư sĩ được các vị Hòa thượng tin cậy, cũng thường bắt nạt người khác, thâm lạm của Tam bảo. Và các bà nấu ăn cũng vậy, được hầu những vị tôn đức, nên ít ai dám nói động đến. Ỷ thế đó, họ thường bắt nạt các người nấu ăn khác, cho đến gây gổ, làm những việc tội lỗi, về sau cũng bị đọa, đáng sợ.

Tôi thân cận các vị đại Hòa thượng, thấy rõ các ngài có công đức lớn. Ba hạng người trên được phước duyên hầu cận các ngài, nhưng vì tu sai, mới ra nông nổi như vậy. Họ không Ý thức được rằng thực sự là nhờ đức hạnh của Thầy, mới làm được việc, còn tự bản thân họ làm thì không ai chấp nhận. Cần nhớ là ta có nhân duyên làm việc và nương theo Thầy, phải khiêm tốn, lo phát huy khả năng, mới tu tạo công đức của ta được.

Bản thân tôi từ ban đầu không ai biết đến. Nhờ làm thị giả cho Hòa thượng Thiện Hoa, giúp việc cho Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Thiện Hào, người ngoài mới biết tôi. Tôi luôn tâm niệm nương theo các bậc thạch trụ tòng lâm, quyết tâm phát huy tài năng, đức hạnh, làm cho được việc. Thầy tin, giao việc thì ta làm hết lòng. Càng được việc, càng khiêm nhường, từ chối cái Ta, nhận thức rõ ta làm việc của Thầy, không phải của ta.

Tôi tham gia vào hàng lãnh đạo từ lúc tuổi còn trẻ, thay thế các Hòa thượng lãnh đạo, nên khó vô cùng. Lúc ấy, tôi chủ trì buổi họp, nhưng không ngồi ghế chủ tọa, chỉ đứng một bên và truyền đạt ý của Hòa thượng lãnh đạo, thì các Hòa thượng khác dễ chấp nhận. Còn mình lãnh đạo thật thì chắc chắn bị phản đối. Khi tôi giúp việc với Hòa thượng Thiện Hào cũng vậy, Ngài cho phép tôi phát biểu thì tôi nói với tư cách đại diện Ngài, người mới nghe, họ ít bị tự ái hơn. Và khi ý kiến được đại chúng công nhận, là ta bước sang giai đoạn mới, thay thế Thầy để điều hành mọi việc.

Ở Nhật Bản có Bắc Điều Thời Lại xuất thân là Thiền sư thay triều đình làm chính sự cứu nước, nhưng ông không soán ngôi Thiên hoàng, không xưng tướng quân, cũng không xin tấn phong. Ông chỉ xưng chấp quyền, nghĩa là tạm điều hành để lo việc nước; khi tìm được người khác có khả năng lãnh đạo, ông sẵn sàng giao lại.

Thiết nghĩ hành Bồ tát đạo làm thế nào được việc, còn danh nghĩa là gì cũng được. Được người thương kính và làm được việc quá tốt, trở về chùa, ai cũng thương, thể hiện mẫu Bồ tát Tam Hiền luôn luôn có đức khiêm tốn. Đó là kinh nghiệm của tôi học về Tam Hiền của kinh Hoa Nghiêm, nương vào thánh, chúng ta thành công được một phần và khi các ngài không làm nữa, ta đủ khả năng thay thế.

Quá trình hành Bồ tát đạo theo Hoa Nghiêm, từ Sơ phát tâm tu Thập Tín đến hoàn tất Thập hồi hướng, đạt đến thềm thang thứ bốn mươi, chấm dứt giai đoạn Hiền vị và chuẩn bị bước lên thánh vị, tu pháp Thập địa của Bồ tát.