Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với trưởng giả Pháp Bửu Kế

大方廣佛華嚴經

Học xong với Minh Trí, Thiện Tài tìm đến trưởng giả pháp Bửu Kế. Trưởng giả là người làm ăn đàng hoàng, đã áp dụng lời Phật dạy trong đời sống và trở thành người giàu có.

Ông dắt Thiện Tài vào nhà ông làm bằng thấtbảo, có mười tầng. Ở vào thời xa xưa, chưa văn minh mà hình dung căn nhà mười tầng hơi khó. Thiết nghĩ, kinh này ứng dụng ở thời đại chúng ta dễ nhận ra hơn. Nhà trưởng giả có mười tầng gợi cho chúng ta liên tưởng đến các đại siêu thị ngày nay.

Nhà pháp Bửu Kế trưởng giả được thiết kế mười tầng, tức mười địa vị tu chứng của Bồ tát Thập địa. Tầng thứ nhất bố thí thực phẩm, ai cần gì đều được cấp cho no đủ. Hạnh này ứng với Sơ địa Bồ tát tu hành bố thí là chính, giải quyết được đời sống con người.

Tầng thứ hai bố thí những bửu y. Bửu y hay áo giới luật, áo pháp bảo vệ cho người thật an toàn. Thật vậy, nương pháp lực của Bồ tát, cuộc sống của chúng ta nhẹ nhàng đổi khác, thăng hoa. Tùy trình độ tới đâu thì thọ lãnh được pháp lực của Bồ tát đến đó.

Tầng thứ hai là giới pháp tương ưng với Bồ tát Nhị địa trì giới, dùng giới pháp hay pháp y để che chở giới thân huệ mạng. Đó là vật trang sức đẹp nhất. Về giới luật của Phật, thì tùy thân, tùy phận mà giữ gìn, tệ nhất là giữ được một trong năm giới cấm cũng đã tốt, vì chỉ giữ một giới không gian tham trộm cắp đã được người tin tưởng, kính trọng.

Từ một giới cũng tốt cho đến trang nghiêm trọn vẹn ba ngàn oai nghi. Áo giới luật là áo Như Lai có trong tòa nhà của trưởng giả pháp Bửu Kế. Kiểu áo nào của Như Lai cũng đẹp hay có thể hiểu rằng đức hạnh của con người toàn thiện toàn mỹ, thì ở khía cạnh nào cũng có tướng hảo.

Tầng thứ ba và thứ tư, Bồ tát tu hạnh tinh tấn và nhẫn nhục. Vào đó, chúng ta thấy mọi người sống hài hòa với nhau, thể hiện pháp Phật dạy là Đồng sự. Tất cả mọi người đồng nhất qua hạnh của trưởng giả pháp Bửu Kế, mỗi người tùy thời, tùy phận mà tự tìm việc để làm. Sống ở đó ai cũng như ai, không hề có ý niệm nhân ngã bỉ thử, tốt xấu, sang hèn.

Bốn tầng này nằm trong tứ sanh lục đạo, là bốn tầng thấp mà pháp Bửu Kế nhắm vô dạy con người. Lên tầng thứ năm, mọi người đều sống trong thiền định, đồng ngồi một chỗ, nhưng ảnh hưởng qua lục đạo tứ sanh. Bồ tát đệ Ngũ địa đắc định mới qua được tầng này.

Đến tầng thứ sáu, Bồ tát sống với trí huệ, kinh ghi rằng Bồ tát Lục địa tu Bát nhã Ba la mật, mỗi người biết được một pháp. Tất cả tập hợp trong nhà pháp Bửu Kế cùng chung luận bàn. Đi lần đến Thập địa, thì thấy mười phương chư Phật thường nhóm họp.

Trên bước đường tu, tùy theo trình độ của ta đến mức nào thì tự động vào tầng đó tham quan. Khi ta còn cần thức ăn, áo mặc thì không tài nào lên tầng thứ năm của nhà pháp Bửu Kế được.

Pháp Bửu Kế cho biết ông thành tựu như vậy vì vô lượng kiếp quá khứ, có Phật Vô Biên Quang Minh pháp Giới Phổ Trang Nghiêm Vương Như Lai. Ông đã đốt một nén hương cúng dường Đức Phật này và phát nguyện có đủ của báu, thường gặp Phật, hằng nghe Chánh pháp.

Chúng ta cần hiểu ý nghĩa cúng hương như thế nào mà chỉ có một nén hương lại thành tựu pháp vô cùng lớn như vậy. Hương dù quý báu như hương chiên đàn, trầm thủy… nhưng không có tâm hương dâng cúng cũng không thành pháp. Trưởng giả pháp Bửu Kế đốt nén tâm hương dâng Phật, tiêu biểu cho lòng tốt và hành động tốt của ông, tác động cho người có cảm tình với ông và phát tâm Bồ đề. Đó mới là tối thượng cúng dường chư Phật.

Tâm hương gồm có giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát, giải thoát tri kiến hương. Trước nhất, đệ tử Phật là người trong sạch, tốt lành. Đem dâng cúng Phật tâm trong sạch và hành động tốt đẹp của mình gọi là đốt giới hương.

Kế đến, tâm ý tập trung, không nghĩ tán loạn, thể hiện ra thân tướng giải thoát, cuộc sống định tĩnh. Dùng định hương ấy dâng cúng. Nhờ tâm an định, trí huệ phát sanh, làm lợi ích cho người, khiến người kính trọng Tam bảo, sử dụng được huệ hương.

Sau cùng đốt lên hương giải thoát và giải thoát tri kiến, nghĩa là trong cuộc sống, làm được mọi việc khó mà lòng không vướng bận một mảy trần, được tự tại trong mọi tình huống. Và dùng tri kiến của Chánh pháp để hàng phục tà ma ngoại đạo, đưa họ trở về con đường thánh thiện, giải thoát.

Trưởng giả pháp Bửu Kế có khả năng cúng dường tâm hương như vậy mới có sức thu hút, cảm hóa mọi người thâm nhập vào mười tầng của nhà Bồ tát đạo.