Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Di Già

大方廣佛華嚴經

Trên lộ trình cầu đạo, Thiện Tài đồng tử gặp Tỳ kheo Đức Vân, Hải Vân và Thiện Trụ, hay đó là ba giai đoạn tu cần thiết cho bất cứ ai muốn hành Bồ tát đạo.

Có thể hiểu ở giai đoạn thứ nhất, chúng ta gặp người đức hạnh quá lớn nên cảm đức mà nghiệp trần lao của ta tự mất, phát tâm tu và tự rèn luyện đức hạnh đến khi thành tựu thì ở thêm cũng không lợi ích. Vì vậy, chúng ta cầu phát huy trí huệ ở giai đoạn hai,gặp được Hải Vân Tỳ kheo, tiêu biểu cho sự hiểu biết rộng như biển cả, giải được tất cả thắc mắc cho ta. Và bước thứ ba, chúng ta học nhiều, nhưng không dao động, là nhờ gặp Thiện Trụ Tỳ kheo an tâm.

Tâm Thiện Tài ổn định rồi, Thiện Trụ mới khuyên đi về phương Nam, đến tụ lạc là chợ trời, tìm gặp ông Di Già để biết rõ đạo hạnh của Bồ tát. Di Già buôn bán ở chợ, nơi đó người buôn bán hơn thua, có đủ loại ngôn ngữ. Trên bước đường tu, nếu không học Thiện Trụ thì những thứ xấu ác này sẽ làm ta phát sanh phiền não và thối tâm Bồ đề. Ý này rất quan trọng. Gặp Thiện Trụ xây dựng cho ta tâm kiên cố, từ đó bước chân vào cuộc đời dù gặp nhiều cám dỗ, chúng ta vẫn không bị ô nhiễm. Trí chưa sâu, tâm chưa an định, đức hạnh không có mà vào đời độ sanh thì chưa độ được ai, đã tan thân mất mạng. Vì tâm chưa ổn, gặp việc cuống cuồng, sân si; không đức hạnh thì bị người xem thường, đánh chết; không trí khôn thì bị người lường gạt.

Ở chùa, trang bị được tâm an định, trí huệ cao và đức hạnh lớn. Đầy đủ ba tư cách này mới dấn thân vào đời, đi vào chợ, gặp ngay Di Già là Bồ tát hành đạo ở chợ với tâm hoàn toàn thanh thoát. Ta ẩn tu ở núi, chưa thực sự giải thoát. Đức Phật dạy giải thoát thực sự là giải thoát ngay trong cuộc đời. Đức Phật không dạy chúng ta thành người gỗ đá, nhưng luyện chúng ta thành người cứu đời, làm lợi ích cho người.

Thiện Tài quan sát thấy Di Già buôn bán ở chợ, nhưng không giống bất cứ người buôn bán nào ở trần thế. Đó là điều quan trọng khi chúng ta tìm bạn, tìm được người ở trong đời nhưng có hành động, ngôn ngữ, cuộc sống khác đời, cao quý hơn đời. Người buôn bán tốt, có đạo tâm khác với người đời buôn bán chụp giựt.

Thiện Tài vào học đạo với Di Già, quan sát thấy ông buôn bán giao dịch đã lâu mà phẩm chất Phật tử vẫn còn. Ông nhận thấy nơi Di Già cái gì cũng hay. Bên ngoài ông buôn bán bình thường, nhưng nội tâm hoàn toàn thanh tịnh. Trước ở chùa thanh tịnh là điều bình thường. Nay tiếp xúc với đời, tâm vẫn bình thản, khác với người ở chùa mà tâm ở chợ.

Bồ tát ở chùa thì tâm cũng ở chùa, vào chợ tâm vẫn ở chùa. Tâm hoàn toàn không thay đổi, lắng yên và hành sử không phạm sai lầm. Đó là điều khó trên bước đường tu chuyển từ Thanh văn sang Bồ tát. Thật vậy, ta sống trên đời nhưng giữ tâm trụ lại thường dễ bị khờ; còn không nghĩ gì đến đời thì không biết đời. Tuy nhiên, Di Già dạy đồng tử Thiện Tài trụ tâm một chỗ, không kẹt pháp, nhưng vẫn thấy pháp một cách chính xác.

Từ đó, Thiện Tài bước vào chợ nhằm mục tiêu hướng thiện cho người. Ông làm hạt nhân tốt ảnh hưởng cho người tốt theo. Người buôn bán với ông dần dần trở thành ngay thẳng, lương thiện.

Thiện Tài không biết Di Già làm cách nào mà được như vậy. Di Già cho biết nhờ vào chợ mới đạt được Đà la ni, có sự phản ảnh tốt xấu, động tịnh trong chợ giúp ông phát hiện được pháp ấy. Nghĩa là ông nhìn cuộc đời, hiểu được người, biết được họ muốn gì và biết cả cách hành sử của họ. Ý này nhắc chúng ta vào đời cần phải biết rõ về người là điều quan trọng nhất. Vì biết được tánh và phản ứng của người, chúng ta mới cảm hóa được họ, chuyển họ thành người tốt.

Giai đoạn ở chợ chạm với thực tế là chỗ tranh giành, dối trá, lường gạt, gây gổ… Tất cả xấu ác này đập vô mắt, vô tâm, Di Già lấy đó làm đối tượng hành Bồ tát đạo. Gặp người ương ngạnh, ông dùng lời êm dịu; ở chợ đầy tham sân phiền não thì ông luyện được tâm thuần từ nhất; đụng chạm với cuộc đời quá khắc nghiệt mà ông thành tựu được ái ngữ. Chỉ có Di Già giải quyết được việc nhờ trí sáng suốt, lời nói êm tai mát lòng phát xuất từ tâm thương người, độ người; không phải lời nói ngọt trên đầu môi chót lưỡi. Luyện tánh này đến điểm cao nhất là chứng được được Đà la ni thì ai trông thấy ông đều hoan hỷ, đều vâng theo lời chỉ dạy, dù người hung hăng mấy cũng trở nên hiền lành đối với ông.

Tu ở chùa gặp việc tốt, bình ổn là điều bình thường; nhưng đi vào chợ thì hoàn toàn khác hẳn. Di Già ở chợ buôn bán không phải để kiếm ăn, nhưng vì đạo là việc chính yếu của Bồ tát. Nghĩa là đối với Bồ tát, Chơn đế và Tục đế đều dung thông. Ở Tục đế thì đời muôn mặt, nhưng người hành đạo phải hoàn toàn thanh thản, không vướng bận gì. Trên tinh thần ấy, đối với người tu Tiểu thừa, Phật dạy người tu không được liên hệ đến chính trị, buôn bán. Nhưng với người theo Đại thừa, hành Bồ tát đạo, Phật cho phép làm tất cả, nhưng phải giữ được tâm hồn giải thoát.

Tiếp xúc cuộc đời, chúng ta biết tất cả mánh khoé của đời, không ai lừa được. Nhờ giai đoạn trước đã học, tu có trí huệ, chúng ta thấy được cạm bẫy và dạy cho người tránh khỏi. Đó là mẫu Di Già mà kinh Hoa Nghiêm đưa ra cho những ai muốn dấn thân vào đời hành đạo.

Di Già thấy Thiện Tài đến vội vàng đảnh lễ Thiện Tài ba lạy và mang những kinh nghiệm sở đắc nói cho Thiện Tài. Điều này cho thấy khi chúng ta tu hạnh Thanh văn, tự rèn luyện thành người cao cả, trí huệ rộng lớn, không nhiễm trước. Sau đó, bước vào đời chẳng những không bị hại mà còn gặp người đối xử tốt hơn. Di Già lấy hải ngạn chiên đàn dâng cúng Thiện Tài, cũng có nghĩa là nhập được Pháp giới, tất cả đều chuyển thành Phật quốc.