Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với trưởng giả Ưu Bát La Hoa

大方廣佛華嚴經

Trên bước đường cầu đạo, Thiện Tài học với Bất Động Ưu bà di rồi tiến qua học với Biến Hành ngoại đạo và nay lại đến với trưởng giả Ưu Bát La Hoa. Quá trình tu học này thể hiện ý nghĩa rằng khi gặp hoàn cảnh động, thì phải trụ tâm bất động, để không bị đời làm ô nhiễm.

Nhưng hoàn cảnh đổi khác, tốt hơn, Thiện Tài không nên khoanh tay, ngồi yên để không dao động; mà trái lại, cần hành động, hành động thay đổi nhịp nhàng để thích hợp lợi lạc cho chúng sanh, là học được ở Biến Hành. Nay tiến lên, đem đạo vào đời làm đẹp cho đời như trưởng giả Ưu Bát La Hoa. Ưu Bát La Hoa chuyên kinh doanh tất cả hương như hương bột, hương xoa, hương đốt…. Ông biến chế hương và làm giàu bằng nghề này. Trưởng giả đi khắp thiên hạ, từ thiên thượng xuống đến Long cung, tổng hợp tất cả hương, nghĩa là những điều hay đẹp của mọi người và phát ra loại danh hương mà những trưởng giả phàm phu khác không thể nào chế biến được.

Thật vậy, Ưu Bát La Hoa điều chế được một loại hương mà chỉ đốt một viên, cả thành phố đều vui. Những người ganh tỵ ngửi mùi hương này, tánh ác tự tiêu diệt. Có loại hương đốt lên, tánh tham lam ích kỷ cũng biến mất.

Ưu Bát La Hoa là hoa sen hay mùi hương đặc biệt trên đời không có, tiêu biểu cho người tạo nhiều công đức, phụng sự cho đời. Điều này cũng nhằm gián tiếp chỉ Đức Phật là vị Đạo sư toàn đức, toàn trí, giúp biết bao người thăng hoa cuộc sống.

Ưu Bát La Hoa dạy Thiện Tài hành đạo phải biết lo cho cuộc sống của mọi người. Có giúp đỡ được người, làm những việc giỏi hơn họ, mới có thể khuyên họ. Ta không bằng người thì dạy đạo giải thoát cũng vô ích.

Ngoài ra, Ưu Bát La Hoa nhắc nhở Thiện Tài nên nhìn người dưới dạng nghiệp báo của họ, thấy được người nghèo hay giàu đều do nghiệp quyết định, không phải do chúng ta giúp hay hại được. Chỉ có phước cứu họ hay nghiệp hại họ. Chúng sanh không biết như vậy, chỉ thích được cứu giúp và muốn hại người họ ghét. Hiểu đạo rồi, thấy rõ không ai có thể hại người có phước. Thực tế cho thấy có người chúng ta giúp hoài, nhưng họ cứ lụn bại dần, không ngóc đầu lên nổi. Không phải nhờ ta giúp mà họ giàu; biết như vậy rồi, chúng ta tìm cách giúp cho người phát triển tốt, không giúp để họ lợi dụng và tăng trưởng lòng tham.

Khi giúp người đúng pháp, của cải ta lại tăng thêm, không vì bố thí mà trở thành thiếu hụt, nghèo khổ. Càng bố thí, nguồn nước của chúng ta càng trong; không giúp người thì nước trở thành ao tù. Đó là cách sống của mẫu người giàu, có điều kiện tốt để làm phước, làm đẹp cuộc đời, người sanh cảm tình quý mến; không làm như vậy quả là uổng phí.

Đức Phật đưa ra mẫu trưởng giả giàu có, sống đẹp, đáng được kính trọng. Giúp người nhưng không có ý xem thường họ, Bồ tát chẳng thiệt thòi gì, trái lại người nhận càng quý Bồ tát hơn và sau họ sẽ bắt chước, làm thay Bồ tát. Họ không có ý ăn đậu ở nhờ thì nghiệp của họ hết và họ lại khởi ý niệm tốt giúp lại người, cuộc đời họ từ đó sẽ đổi mới tốt đẹp hơn. Cách bố thí của Bồ tát là như vậy.

Giúp người là phương tiện mà Ưu Bát La Hoa sử dụng để dẫn đến cứu cánh giáo hóa người trở thành tốt, lợi ích cho đời. Ông bố thí thì người tìm đến, từ đó nhìn thấy được việc làm tốt của ông, khiến họ kính trọng và phát tâm làm tốt như ông. Thực sự ông đã thuyết pháp bằng hành động, bằng cuộc sống cao quý. Mặc dù giúp được người, Bồ tát luôn tâm niệm rằng nhờ có người xin, mới có dịp bố thí và lấy đó làm hạnh tu, sanh tâm hoan hỷ theo việc làm thiện. Hoặc tu theo Bồ tát, chúng ta cũng cảm nhận sâu sắc rằng có người chống phá, ta mới có điều kiện nhẫn nhục. Trên bước đường tu suốt năm mươi năm, ngày nay tôi được như vầy nhờ đụng chạm với hoàn cảnh không mấy dễ dàng, mới luyện được ý chí. Thiết nghĩ nếu tôi sống trong tháp ngà, chắc chắn cũng có đủ tật xấu.

Trưởng giả Ưu Bát La Hoa giúp đỡ người, làm họ vui, từ đó ông mới giới thiệu pháp cao hơn mà ông cũng mơ ước, nhưng nhận thấy Thiện Tài thông minh, có thể tiến xa hơn ông, nên khuyên Thiện Tài đến học với thuyền trưởng Bà Thi La.