Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Biến Hành ngoại đạo
大方廣佛華嚴經
- Published: 06 Nov 2021 20:59:04
- Modified: 31 Jul 2022 14:18:19
- Categories: Kinh Hoa Nghiêm, Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Tags: Thích Trí Quảng
Khi con người chưa Giác ngộ, thường có cái nhìn về cuộc đời, về thần linh khác nhau, nên sanh tư tưởng khác biệt cho đến chống đối nhau. Từ đó, con người nhân danh thần linh mà chống nhau thì Phật coi đó là ngoại đạo.
Ở xã hội Ấn Độ thời Phật tại thế có đến chín mươi sáu thứ ngoại đạo chống báng nhau kịch liệt đến sát hại nhau. Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm rằng hãy thử nhìn ngoại đạo xem họ như thế nào và sống với họ ra sao. Nếu chúng ta có cái nhìn đúng đắn thì sẽ không bị chống và chúng ta cũng có thể hài hòa với mọi tôn giáo.
Những người bình thường luôn dao động trước sự phải trái tốt xấu; nếu thấy người không giống họ thì sanh khó chịu liền. Bất Động Ưu bà di không như vậy, nhờ tâm thanh tịnh, sáng suốt, thấy rõ cuộc đời, thấy người khác đạo cũng có điểm hay, không phải chỉ có đạo của ta mới tốt, còn người thì xấu.
Bồ tát tìm học cái hay, cái tốt của người. Với tầm nhìn chính xác, Bất Động thấy ngoại đạo Biến Hành là một người tu hành lợi ích cho đời, nên bà giới thiệu Thiện Tài đến cầu học. “Biến” là thay đổi, “Hành” là hành động; hành động luôn thay đổi, không cố định. Ưu bà di thì bất động, còn ngoại đạo này thì chuyển đổi không ngừng. Nếu biết sử dụng, thì “biến hành” hay “bất động” cũng đều tốt cả. Bất động hay biến hành đều phải có ý nghĩa, đó là hai mặt của cuộc đời, động hay tĩnh cũng là pháp.
Tu xong với Bất Động và tiếp tục học với Biến Hành, nghĩa là đang ở chỗ tịnh và bước qua chỗ động, thay đổi luôn. Có vậy, đạo hạnh mới mở rộng.
Đi thẳng về phía Nam, tìm cùng tột chỗ ồn ào náo nhiệt để gặp Biến Hành; nhưng Thiện Tài lại bắt gặp Biến Hành đang kinh hành trên núi vắng vẻ.
Ưu bà di bảo Thiện Tài vào chỗ động tìm, nhưng lại tìm gặp Biến Hành trong chỗ bất động, tiêu biểu cho tinh thần Nhập Pháp giới. Nghĩa là ở chỗ động mà tâm không động, nâng tâm cao đến mức tột cùng mới thấy được Biến Hành trên đỉnh núi.
Biến Hành cho biết ông hành đạo ở chỗ đông người như ông đang kinh hành ở chỗ không người. Điều này gợi nhắc Thiện Tài sống nơi đông người mà tâm hoàn toàn không động loạn, hay đang ở trên ngọn đồi thứ mười ba của Pháp Hoa, tác động cho người an tâm. (Ngọn đồi thứ mười ba vượt cao hơn mười hai ngọn đồi: tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ, ác kiến, tật đố, phiền não…).
Biến Hành ở trên đỉnh núi thấy được chín mươi sáu dị kiến ngoại đạo, có thể hiểu đó là lập trường của các triết học khác nhau ở Ấn Độ thời bấy giờ. Thấy như vậy, ông hành đạo ở nhân gian, đến với mọi người như một người bạn đồng tình. Họ làm gì, suy tư gì, thì ông cũng có suy tư và hành động giống như vậy, nên họ cảm mến ông; nhờ đó ngày qua ngày, ông dìu dắt họ từng bước, đưa họ trở về Phật đạo. Bên ngoài đóng vai ngoại đạo, nhưng thực sự thể hiện Bồ tát đạo.
Biến Hành nói rằng ông làm tất cả việc và sống gần mọi người, nhưng họ không biết ông từ đâu đến. Đây là một cách hành đạo của Bồ tát, vào đời cứu độ, không nhân danh đạo nào. Tùy theo tâm chúng sanh mà Bồ tát thể hiện sự tương ưng, còn bản chất thực sự của Bồ tát là Bồ đề tâm, đại bi tâm. Nói rõ hơn, Bồ tát đứng cùng một quan điểm với họ, lấy sự thao thức của họ làm tâm trạng của mình và lần hồi khai mở Ý thức mới mà họ chấp nhận được, đưa đến giải quyết tốt đẹp mọi khó khăn cho họ.
Qua hình ảnh Biến Hành ngoại đạo, kinh Hoa Nghiêm minh định lại lập trường, theo đó, nếu là chánh đạo thì phải dung được mọi người. Phật dạy chúng ta nhìn ngoại đạo với cách nhìn rộng mở, khoan dung để chung sống.
Trên bước đường tu, tôi cảm nhận sâu sắc lời dạy ấy của Phật. Qua kỳ hội nghị về Hòa bình tại Milan, nước Ý, tôi quan sát sinh hoạt của các tôn giáo khác, thấy được nhiều người, nhiều việc đáng cho ta kính trọng. Theo tôi, người có chí tu hành thì ở tôn giáo nào cũng tốt. Tôi có dịp tiếp xúc với một vị tu Kỳ Na giáo là một tôn giáo có đồng thời với Phật, thấy được họ cũng có điểm đáng thán phục. Ông này chỉ ăn toàn trái cây, không ăn gì khác, quý vị thử nghĩ ăn như vậy nổi không, không có tinh bột thì chắc chắn là bị xót ruột, khó chịu nổi. Vậy mà họ vẫn khỏe, an lành, điềm đạm là biết họ có trạng thái thiền định rất sâu.
Thiển nghĩ người làm tôn giáo không phải nói hay, nhưng điều quý nơi họ là trạng thái tinh thần lắng sâu. Họ hiểu người qua cuộc sống tâm linh hơn là ngôn ngữ, chỉ nhìn nhau đã cảm thấy hiểu nhau. Tôi nghĩ tất cả người tu chân chính đều rất tốt, còn bài bác nhau vì họ tu chưa đến nơi hoặc lợi dụng tôn giáo. Tu thật thì phải cảm thông nhau, như ngoại đạo cũng thấy Phật là Thầy.
Tôi tìm thấy nguồn vui kỳ lạ khi được sống chung với các bạn khác tôn giáo. Nhất là trong giờ phút thiêng liêng cầu nguyện cho Hòa bình, Ý thức tôn giáo khác biệt đều được dẹp sạch, chỉ nghĩ mình có trách nhiệm là người trên trái đất phải thương yêu nhau.
Các giáo chủ tôn giáo đều dấy lên niềm thông cảm, dù sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo hoàn toàn khác nhau. Tất cả dường như thông nhau bằng thứ ngôn ngữ phát xuất tận đáy lòng, nối kết nhau bằng tình thương và lòng kính mến. Điều quan trọng mà tôi nhận ra trong sinh hoạt lúc ấy là mọi người đã vượt qua Ý thức bảo thủ tôn giáo của mình để hòa nhập cùng cộng đồng nhân loại trong vũ trụ bao la.
Sự cảm nhận ấy gợi tôi nhớ đến kinh Hoa Nghiêm, nhớ đến việc hành đạo của Đức Phật. Phải chăng Đấng Đạo sư của chúng ta đã nhiều lần cảm hóa được hàng ngoại đạo, vì Ngài sử dụng được tâm hồn bao la dung chứa muôn loài mà kinh Hoa Nghiêm gọi là Nhập Pháp giới, tức thông được mọi loại hình chúng sanh, mọi ngôn ngữ, tất cả hiểu nhau, cảm mến nhau trong yên lặng.
Từ ý này, tôi cảm nhận được kinh Hoa Nghiêm và hình ảnh Biến Hành ngoại đạo liền hiện ra trước mặt tôi. Biến Hành hay Bồ tát lớn tu đắc đạo, tùy theo nhân duyên mà ngài hiện thân tương ưng với hoàn cảnh để cứu độ, đưa người về đường thánh thiện.
Tôi nhận ra ý này rõ khi sinh hoạt ở Milan, nơi đó thánh S.Egidio được kính trọng tuyệt đối vì dấn thân lo cho người nghèo. Tôi cũng tự giới thiệu là Hội trưởng Hội Từ thiện Nhân dân quận 10, tức ta và họ có hoạt động từ thiện xã hội giống nhau, để dễ cảm thông nhau.
Sau cùng tôi phát biểu được mọi người tán thành: “Thiết nghĩ ở trần gian có nhiều hình tướng khác biệt, nhưng trên thiên thượng chắc chắn phải giống nhau. Ở đó, Phật, Bồ tát, các vị thánh không hề chống nhau; trái lại, các Ngài gặp nhau trong suy tư, trong hành động tốt lành nhất. Hy vọng rằng tôi sẽ gặp quý vị ở cảnh giới chân thiện mỹ ấy”.
Học được với Biến Hành, nghĩa là tôi tìm được điểm hay của ngoại đạo. Ở chơn tánh không có tốt xấu, nhưng hiện trên cuộc đời có tốt xấu, từ đó Bồ tát thương nhân gian thị hiện sanh lại cuộc đời dưới mọi loại hình; đó là góc độ mà chúng ta nhìn về ngoại đạo. Và khác hơn ngoại đạo nữa là chúng ta tìm tri thức ngay trên cuộc đời, không phải tìm trong giấc mộng. Trong đời sống thường nhật, xung quanh tôi không ít những người bạn có điểm tốt mà tôi học được.
Phật dạy chúng ta tu nhìn mọi người trong xã hội, từ thấp đến cao, từ xấu đến tốt, trong cái tốt chúng ta tìm được điều tốt đã đành, mà trong cái xấu vẫn tìm được cái tốt. Tu theo tinh thần ấy của kinh Hoa Nghiêm mới sống thật với ý nghĩa bình đẳng của đạo Phật.
Phật dạy tinh thần bình đẳng trong các kinh, nhưng ở kinh Hoa Nghiêm, chúng ta mới triệt để thực hành ý này; tất cả đều là tri thức của chúng ta nếu biết ứng dụng tốt và tất cả đều do nghiệp khiến ta làm xấu hay tốt, tức do tâm là động cơ bên trong thúc đẩy.
Theo kinh nghiệm tu, khi tôi gặp ác nghiệp có thể sanh khởi thì phải chận lại ngay. Gặp người mà ta khó chịu, sao làm lành được, phải tránh mặt. Người mà ta không thương được, tốt hơn chúng ta đừng nói, đừng nhìn. Chỉ gặp người chúng ta thương, tâm hồn ta dễ an lạc.
Có người bị mọi người ghét, nhưng sao chúng ta thương họ được, là biết ta và họ có thiện nghiệp, ta đã tìm được điểm tốt trong người xấu.
- Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập lược giải
- Ý nghĩa đề kinh
- Quan niệm về Đức Phật
- Bồ Tát Đạo
- Thiện Tài đồng tử cầu đạo
- Đức Vân Tỳ kheo
- Hải Vân Tỳ kheo
- Thiện Trụ Tỳ kheo
- Di Già
- Trưởng giả Giải Thoát
- Hải Tràng Tỳ kheo
- Hưu Xã Ưu bà di
- Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa
- Thắng Nhiệt Bà la môn
- Từ Hạnh đồng nữ
- Thiện Kiến Tỳ kheo
- Tự Tại Chủ đồng tử
- Cụ Túc Ưu bà di
- Cư sĩ Minh Trí
- Trưởng giả Pháp Bửu Kế
- Trưởng giả Phổ Nhãn
- Vua Vô Yểm Túc
- Vua Đại Quang
- Bất Động Ưu bà di
- Biến Hành ngoại đạo
- Trưởng giả Ưu Bát La Hoa
- Thuyền trưởng Bà Thi La
- Vô Thượng Thắng hay Di Lặc Bồ Tát
- Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
- Bà kỹ nữ Tu Mật Đa
- Cư sĩ Tỳ Sắc Chi La
- Bồ Tát Chánh Thu
- Bồ Tát Quán Tự Tại
- Thần Đại Thiên
- Địa thần An Trụ
- Dạ thần Bà San Bà Diễn Để
- Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh
- Thọ thần Diệu Đức Viên Mãn
- Bồ Tát Di Lặc
- Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi
- Bồ Tát Phổ Hiền
- Phổ Hiền Hạnh Nguyện
- Nội dung kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập nội dung
- Thay lời tựa
- 01. Thế Chủ Diệu Nghiêm
- 02. Như Lai Hiện Tướng
- 03. Phổ Hiền Tam Muội
- 04. Thế Giới Thành Tựu
- 05. Hoa Tạng Thế Giới
- 06. Tỳ Lô Giá Na
- 07. Như Lai Danh Hiệu
- 08. Tứ Thánh Đế
- 09. Quang Minh Giác
- 10. Bồ Tát Vấn Minh
- 11. Tịnh Hạnh
- 12. Hiền Thủ
- 13. Thăng Tu Di Sơn Đảnh
- 14. Tu Di Sơn Đảnh Kệ Tán
- 15. Thập Trụ
- 16. Phạm Hạnh
- 17. Sơ Phát Tâm Công Đức
- 18. Minh Pháp
- 19. Thăng Dạ Ma Thiên Cung
- 20. Dạ Ma Cung Kệ Tán
- 21. Thập Hạnh
- 22. Vô Tận Tạng
- 23. Thăng Đâu Suất Thiên Cung
- 24. Đâu Suất Kệ Tán
- 25. Thập Hồi Hướng
- 26. Thập Địa
- 27. Thập Định
- 28. Thập Thông
- 29. Thập Nhẫn
- 30. A Tăng Kỳ
- 31. Thọ Lượng
- 32. Chư Bồ Tát Trụ Xứ
- 33. Phật Bất Tư Nghì
- 34. Như Lai Thập Thân Tướng Hải
- 35. Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Đức
- 36. Phổ Hiền Hạnh
- 37. Như Lai Xuất Hiện
- 38. Ly Thế Gian
- 39. Nhập Pháp Giới
- 40. Phổ Hiền Hạnh Nguyện