Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Bồ Tát Thập Định
大方廣佛華嚴經
- Published: 06 Nov 2021 20:28:39
- Modified: 31 Jul 2022 14:14:44
- Categories: Kinh Hoa Nghiêm, Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Tags: Thích Trí Quảng
Sau khi hoàn tất việc hành Bồ tát đạo của Thập địa, kinh Hoa Nghiêm quy định Bồ tát cần tiếp tục thể nghiệm ba mươi chặng đường sau cùng của các vị Bồ tát lớn là Thập Định, thập Thông và Thập Nhẫn.
Thập Định, Thập Thông, Thập Nhẫn là pháp hành của Đại Bồ tát, vượt ngoài sự hiểu biết và lạm bàn của chúng ta. Vì vậy, chúng tôi trình bày một ít kiến giải thô thiển để chia sẽ cùng pháp lữ đồng hành như là phương tiện tiến tu trên bước đường giải thoát.
Theo Hoa Nghiêm, thế giới vật chất là một, nhưng thế giới tâm thức thì muôn ngàn sai biệt; vì nghiệp thức khác nhau, nên thấy có mười loại hình thế giới. Tuy nhiên, không phải là mười thế giới riêng biệt, nó xen lẫn với nhau, tạo thành một loại thế giới của tâm thức thay đổi tùy theo nghiệp, gọi là thế giới quan. Thí dụ xã hội Việt Nam là một, nhưng mỗi người có phước đức, nghiệp quả và tội chướng khác nhau, nên hoàn cảnh sống của mỗi người cũng khác nhau.
Đi vào Pháp giới là đi vào thể tánh của sự vật, tạo thành thế giới an lành của chư Phật ở ngay trong cái không an lành. Quá trình tu Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát là bắt đầu xây dựng thế giới an lành ngay trong thế giới chúng ta đang sống. Đi đúng con đường Phật dạy, tâm hồn chúng ta trong sáng hơn, điều kiện sinh hoạt của chúng ta đi lên, tức đã cải tạo cuộc sống từ tâm thức trước.
Người đau khổ vì tham sân si, tạo thành thế giới khổ. Muốn cải tạo thế giới này, phải dứt bỏ tham sân si, thế giới an lành của hàng Nhị thừa hiện ra ngay lập tức. Và từ đó, chúng ta khởi tâm đại bi, xây dựng trên bốn tâm của Bồ tát là từ bi, hỷ xả. Bấy giờ vào đời thấy người đối xử với chúng ta khác hẳn. Thật vậy, vì không tham, sân, si, nên chúng ta dửng dưng với mọi lợi danh, cám dỗ và vì người, nên chúng ta mang tâm niệm giúp đỡ người, chắc chắn được tiếp đón vui vẻ.
Không nhận được ý này, tu suốt đời trên căn bản tham, sân, si, cuối cùng vào địa ngục. Vì vậy, tu lâu, nhưng dễ giận, dễ buồn là biết họ tu ác nghiệp. Mặc áo tu mà còn buồn giận phải xấu hổ, lo sửa đổi.
Thế giới chúng ta tạo được tùy theo quá trình tu. Riêng tôi, xây dựng thế giới tâm linh, bắt đầu đi vào Pháp giới, nghĩa là tạo thế giới quan có Phật, Bồ tát, thánh Hiền để an trú tâm hồn. Không có thế giới riêng để sống, không hành đạo được. Dù thế giới vật chất không có, hay không cần có, nhưng chúng ta cần có thế giới tinh thần để sống gọi là nhập Pháp giới. Kinh Pháp Hoa gọi là nhập tri kiến Như Lai, dùng tri kiến Như Lai làm tri kiến mình, không dùng tri kiến chúng sanh tham, sân, si.
Đức Phật dạy vào Pháp giới nên theo gương của Phổ Hiền Bồ tát; vì vậy trong phẩm Bồ tát Thập Định, Thập Thông, Thập Nhẫn, Đức Phật không thuyết, nhưng bảo Phổ Hiền thuyết. Hoặc có thể hiểu Phật thuyết dưới dạng Phổ Hiền hạnh, không nói bằng lời, nhưng nói bằng hành động.
Theo tinh thần Hoa Nghiêm, từ trí huệ Văn Thù thấy được chân thật nghĩa và đi vào Pháp giới bằng mười hạnh Phổ Hiền, tức có quá trình hành đạo mới hiểu được, nói đơn giản là có làm mới biết. Phổ Hiền dạy muốn vào Pháp giới phải đắc mười Định.
1. Phổ Quang Trí Định
Đắc được định này thì thấy ánh sáng tràn ngập trong phòng tối. Tôi cũng nghe các Thiền sư kể điều này. Không biết có phải Phổ Quang Trí Định là như vậy hay không; nhưng tôi nghĩ có lẽ đắc định, huệ sanh, đốt các nghiệp ác, nghiệp ác trong tứ sanh lục đạo không hiện ra. Phiền não bị đốt sạch, tâm hồn hoàn toàn trống không, nhà tối của vọng thức tự tan mất, biến nó thành ánh quang minh. Đó là pháp đầu tiên vào Pháp giới nhận được.
2. Diệu Quang Định
Từ Định thứ nhứt, chỉ thấy ánh sáng, bước sang Định thứ hai, thấy trong ánh sáng có Phật, Bồ tát. Chưa đắc định, chúng ta thấy chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não bao vây ta. Bước thứ hai thấy Phật và Bồ tát, nghĩa là thấy đạo cũng ở ngay trên cuộc đời tốt đẹp này, còn trước kia, chúng ta thấy cuộc đời là ác.
Dưới nhãn quan của Hoa Nghiêm, tất cả đều là Phật, vì ánh quang minh đã đốt sạch phiền não, nên Phật xuất hiện, thấy không có gì thực sự đáng bận tâm, khiến chúng ta không khổ. Lợi và danh không dính vô ta, nên không có tranh chấp nữa. Nhờ vậy, họ đối với ta thành pháp lữ đồng hành, cùng sống trong Bồ tát học xứ.
Tâm niệm chúng ta khác, vật cũng đổi khác theo. Khi tâm chúng ta tranh chấp với họ, họ là ác ma quyết tử với ta, nhưng lòng chúng ta không tranh chấp thì họ cũng không tranh chấp với ta. Và lòng chúng ta khởi đại bi, mang vui cứu khổ, họ sẽ trở thành hiền như Phật và tốt với ta như Bồ tát. Ý này được kinh diễn tả là thấy Phật và Bồ tát phóng ánh quang là Diệu Quang Định.
3. Thứ Đệ Biến Vãng Hành Chư Phật Quốc Độ
Đắc được định thứ hai, Bồ tát sẽ có định thứ ba, nhìn thấy tất cả Phật, Bồ tát đều có thế giới riêng và các Ngài ra vào tự tại các thế giới này. Có thể hiểu rằng trước kia, tâm ác độc, nên người là đối tượng ác. Nay tâm Bồ tát rộng mở, vào ra tâm người một cách nhẹ nhàng và trở thành pháp lữ của họ. Do đó, đắc được định thứ ba, Bồ tát đi thẳng vào tâm của người và hợp tác với phần tốt của người là hành Bồ tát đạo theo Phổ Hiền. Lúc ấy, điều kỳ diệu hiện ra, có bao nhiêu pháp lữ đồng hành với Bồ tát, thì có bấy nhiêu hiện thân Bồ tát đến với họ.
Phổ Hiền Bồ tát diễn tả năng lực của Tam ma địa này rằng: “Nhứt thân phục hiện sát trần thân, nhứt nhứt biến lễ sát trần Phật…”. Nghĩa là có bao nhiêu Phật, bao nhiêu Phật tâm thức, Bồ tát đều có đủ thân hiện ra trước các Ngài cùng một lúc. Tuy ngồi một chỗ, tâm Bồ tát thông khắp Pháp giới, đến với chúng sanh hữu duyên, khiến họ phát tâm Bồ đề, tạo thành thế giới có vô số Phật và Bồ tát.
Đạt đến định này, có những điều kỳ diệu như nhiều người cùng một lúc, trong giấc mơ thấy Bồ tát giáo hóa họ; nhưng thực sự, Bồ tát cũng không biết là đang giáo hóa. Có thể nói đó là cách giáo hóa mà không giáo hóa, vì giáo hóa người dưới dạng tâm Định, làm cho họ phát tâm Bồ đề; trong khi thực tế không thấy giáo hóa, chỉ thấy họ tự phát tâm mà thôi.
Cách giáo hóa theo Hoa Nghiêm đặc biệt như vậy, không đến, nhưng vào ra các cõi nước tự tại, là cõi nước của tâm hồn và khai thác Bồ đề tâm của họ; không giáo hóa theo hình thức, nhưng thực sự đạt kết quả vô cùng.
Tuy nhiên, đắc định vào ra các thế giới bằng tâm thức, không phải thế giới thật. Vì vậy, xả định, trở lại thực tế, vẫn là ông Thầy tu nghèo, vì chưa tu phước. Thật vậy, đắc pháp và đắc định, nhưng phước đức chưa tạo, nên trở lại đời thường phải chấp nhận thực tế vậy.
Tóm lại, ở giai đoạn này, vào ra các cõi nước Phật và đảnh lễ Phật cũng trong Định. Tu theo Hoa Nghiêm, ngồi yên, nhưng hoạt dụng của tâm thức đi khắp Pháp giới. Vì vậy, không thấy Bồ tát làm cực khổ, nhưng tu chứng được Tam ma địa này, quần chúng tự tìm đến.
4. Thanh Tịnh Thâm Tâm Hành là Định thứ tư.
Tâm thanh tịnh rồi, tự động có hoạt dụng của nó. Ở trong Định không làm, nhưng thiên biến vạn hóa, chúng hữu tình đều tiếp nhận được tâm Bồ tát và họ tự phát tâm. Thật vậy, bản tâm thanh tịnh của Bồ tát đến với bản tâm thanh tịnh của chúng sanh và họ tự phát tâm từ bản tâm của chính họ.
Hàng Thanh văn nghe Phật thuyết pháp, thâm nhập vào tâm, tức từ bên ngoài đi thẳng vào. Phổ Hiền không dạy như vậy, ngài dạy Phật thừa, là tâm thanh tịnh của hành giả ngang qua tâm thanh tịnh của chúng sanh. Và tâm thể của hành giả cũng như tâm thể của chúng sanh đồng thể đại bi, nên tâm họ tự phát.
Từ thể tánh thanh tịnh hữu duyên tác động cho thể tánh thanh tịnh của người, nên họ dễ đắc đạo. Dù không thuyết pháp, nhưng ở trong đại Định, cùng tột đáy lòng thanh tịnh, đồng thể đại bi, nên ảnh hưởng cho người. Tuy không khuyên bảo, mà người tự động tốt.
Tu theo Hoa Nghiêm, tâm thanh tịnh có hoạt dụng tác động cho tâm chúng sanh thanh tịnh theo, tức tâm thanh tịnh tự hoạt động, không phải có Ý thức muốn độ, mà tâm thể tự nó làm.
5. Tri Quá Khứ Trang Nghiêm Tạng là Định thứ năm
Bồ tát đắc định này, có hoạt dụng của tâm, đến với tâm thể từng người, biết được tất cả nghiệp duyên quá khứ của họ. Từ đó không làm, nhưng biết và tháo gỡ được nghiệp nhân thì nghiệp quả cũng không còn.
Tu Tiểu thừa, bằng kinh nghiệm, chỉ sửa đổi được một phần nào thôi. Nhưng theo Hoa Nghiêm, biết rõ ta đã làm gì và phải giải quyết bằng cách nào là giải quyết tận gốc. Dưới nhãn quan của Hoa Nghiêm, phiền não trùng trùng duyên khởi, càng cắt, nó càng mạnh. Không cắt, không cần phân trần, nhưng cắt gốc, mọi thứ tự tốt.
6. Trí Quang Minh Tạng Định
Thấy được quá khứ, Bồ tát đắc định này. Vì thấy được tánh của từng người, kinh Pháp Hoa gọi là các thứ tánh, các thứ ham muốn rất nhiều, thấy rõ nghiệp của chúng sanh, tức thấy thực chất tốt xấu của người; cho nên sự giáo hóa của Bồ tát trở thành đơn giản.
Chúng ta không có Định này, không thấy thực chất, đụng vào nghiệp của họ, chắc chắn họ không vui và chúng ta cũng khổ.
Bồ tát có Trí Quang Minh Tạng Định biết rõ căn tánh hành nghiệp của chúng sanh. Bồ tát chỉ khai thác căn lành của họ, còn phần nghiệp ác của họ thì để nguyên. Và khi căn lành sanh thì nghiệp ác tự diệt, đời sống của họ đi lên, nghèo khó tự mất.
7. Liễu Tri Nhứt Thiết Thế Giới Phật Trang Nghiêm
Bồ tát thấy nghiệp của chúng sanh và thấy mỗi chúng sanh là một thế giới. Vì vậy, gọi một con người là một tiểu thế giới, tức thế giới tâm thức. Có bao nhiêu người, Bồ tát thấy hết bấy nhiêu loại hình thế giới của họ, thấy được nội tâm hay nghiệp, phiền não của họ, là thâm nhập thế giới tâm thức của con người, không phải thế giới vật chất. Bồ tát thấu biết các loại hình của chúng sanh, chúng sanh có hai chân, nhiều chân, hay không chân, hoặc lăn lóc đi bằng bụng, v.v… Thế giới quan của chúng sanh như thế nào, tạo thành hình hài của chúng như vậy. Vì tâm thức khác nhau, tạo nên vô số hình hài mập ốm, đẹp xấu khác nhau và cuộc sống nghèo khổ, giàu có, hạnh phúc, khổ đau, v.v… cũng khác nhau.
8. Bồ tát từ Định trong Pháp giới thấu suốt cuộc sống sai biệt bên ngoài rõ ràng như vậy, Định này gọi là Liễu Tri Chúng Sanh Sai Biệt Thân.
9-10: pháp Giới Tự Tại Định và Vô Ngại Luân Định
Đắc hai Định này, Bồ tát vào ra tất cả tâm thức của chúng sanh một cách tự tại, tùy theo đó giáo hóa, nhưng cũng hoàn toàn trong Định. Khi thì mang thân người, khi làm thân trời hay thân quỹ, Bồ tát nhập xuất tự do, vào loại hình nào hành đạo cũng không bị kẹt trong thế giới đó. Vì Bồ tát tâm là một, nhưng giáo hóa hiện thiên sai ngàn biệt.
Theo Phổ Hiền, muốn hành Bồ tát đạo, phải tu đắc mười Định này và sử dụng cùng một lúc mười Định. Tuy nói mười, nhưng chỉ một niệm tâm, sử dụng được mười Định tương ứng với tất cả nghiệp của chúng sanh. Bồ tát ngồi một chỗ, đồng một lúc giáo hóa toàn diện khắp Pháp giới và chúng sanh hữu duyên tiếp nhận được mười Định lực này, tự phát tâm tu hành.
Có thể nói, Thập Định là pháp tu Định của Bồ tát Đẳng giác, không phải sở đắc của chúng ta, nằm ngoài sự lạm bàn của ngôn ngữ phàm phu; cho nên sự lý giải này chỉ là sự cảm nhận được phần nào pháp Bồ tát trên bước đường tu mà thôi.
Thiết nghĩ đối với chúng ta, tập tu Định, nghĩa là giữ cho tâm không dao động trước bất cứ tình huống nào. Trụ tâm được thì vào đời mới không vấp ngã. Trong nhà Thiền, Thiền sư thường thử Thiền sanh bằng cách tạo điều kiện cám dỗ, xem tâm của học trò mình có bị tham nhiễm hay không.
Quán sát tất cả mọi việc trên cuộc đời đều là ảo hóa, không thực, tâm ta vẫn an nhiên là Định. Như vậy, Định theo Đại thừa đi kèm với Huệ, không phải nhắm mắt, không biết gì.
- Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập lược giải
- Ý nghĩa đề kinh
- Quan niệm về Đức Phật
- Bồ Tát Đạo
- Thiện Tài đồng tử cầu đạo
- Đức Vân Tỳ kheo
- Hải Vân Tỳ kheo
- Thiện Trụ Tỳ kheo
- Di Già
- Trưởng giả Giải Thoát
- Hải Tràng Tỳ kheo
- Hưu Xã Ưu bà di
- Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa
- Thắng Nhiệt Bà la môn
- Từ Hạnh đồng nữ
- Thiện Kiến Tỳ kheo
- Tự Tại Chủ đồng tử
- Cụ Túc Ưu bà di
- Cư sĩ Minh Trí
- Trưởng giả Pháp Bửu Kế
- Trưởng giả Phổ Nhãn
- Vua Vô Yểm Túc
- Vua Đại Quang
- Bất Động Ưu bà di
- Biến Hành ngoại đạo
- Trưởng giả Ưu Bát La Hoa
- Thuyền trưởng Bà Thi La
- Vô Thượng Thắng hay Di Lặc Bồ Tát
- Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
- Bà kỹ nữ Tu Mật Đa
- Cư sĩ Tỳ Sắc Chi La
- Bồ Tát Chánh Thu
- Bồ Tát Quán Tự Tại
- Thần Đại Thiên
- Địa thần An Trụ
- Dạ thần Bà San Bà Diễn Để
- Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh
- Thọ thần Diệu Đức Viên Mãn
- Bồ Tát Di Lặc
- Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi
- Bồ Tát Phổ Hiền
- Phổ Hiền Hạnh Nguyện
- Nội dung kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập nội dung
- Thay lời tựa
- 01. Thế Chủ Diệu Nghiêm
- 02. Như Lai Hiện Tướng
- 03. Phổ Hiền Tam Muội
- 04. Thế Giới Thành Tựu
- 05. Hoa Tạng Thế Giới
- 06. Tỳ Lô Giá Na
- 07. Như Lai Danh Hiệu
- 08. Tứ Thánh Đế
- 09. Quang Minh Giác
- 10. Bồ Tát Vấn Minh
- 11. Tịnh Hạnh
- 12. Hiền Thủ
- 13. Thăng Tu Di Sơn Đảnh
- 14. Tu Di Sơn Đảnh Kệ Tán
- 15. Thập Trụ
- 16. Phạm Hạnh
- 17. Sơ Phát Tâm Công Đức
- 18. Minh Pháp
- 19. Thăng Dạ Ma Thiên Cung
- 20. Dạ Ma Cung Kệ Tán
- 21. Thập Hạnh
- 22. Vô Tận Tạng
- 23. Thăng Đâu Suất Thiên Cung
- 24. Đâu Suất Kệ Tán
- 25. Thập Hồi Hướng
- 26. Thập Địa
- 27. Thập Định
- 28. Thập Thông
- 29. Thập Nhẫn
- 30. A Tăng Kỳ
- 31. Thọ Lượng
- 32. Chư Bồ Tát Trụ Xứ
- 33. Phật Bất Tư Nghì
- 34. Như Lai Thập Thân Tướng Hải
- 35. Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Đức
- 36. Phổ Hiền Hạnh
- 37. Như Lai Xuất Hiện
- 38. Ly Thế Gian
- 39. Nhập Pháp Giới
- 40. Phổ Hiền Hạnh Nguyện