Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Hưu Xã Ưu bà di
大方廣佛華嚴經
- Published: 06 Nov 2021 20:42:17
- Modified: 31 Jul 2022 14:16:18
- Categories: Kinh Hoa Nghiêm, Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Tags: Thích Trí Quảng
Trên bước đường cầu đạo, ngoài các vị Tỳ kheo phạm hạnh, sáng suốt như Đức Vân, Hải Vân, Thiện Trụ, Hải Tràng, Thiện Tài còn tu học với hàng cư sĩ như Di Già và trưởng giả Giải Thoát là mẫu người buôn bán, giàu có, nhưng ung dung tự tại, sống đức hạnh, mang lợi ích cho người. Những nhân vật kiểu mẫu trên mà kinh Hoa Nghiêm đưa ra nhằm nói lên tinh thần Phật giáo chẳng những không tiêu cực, yếm thế mà trái lại, luôn mang lợi lạc cho đời.
Tiến xa hơn nữa, để vượt khỏi sự cố chấp về giới tánh, kinh Hoa Nghiêm đưa ra nhân vật kế tiếp được Thiện Tài tìm đến học là Hưu Xã Ưu bà di. Phải nói đây là một sự thay đổi lớn được Đức Phật đề xướng.
Thật vậy, xã hội Ấn Độ thời bấy giờ trọng nam khinh nữ, không bao giờ đàn ông lại lóng tai nghe đàn bà dạy. Nhiệm vụ của người phụ nữ chỉ là cái máy đẻ. Nhưng Đức Phật đã hướng dẫn mọi người về một tầm nhìn chính xác hơn, theo đó, có người đàn bà không nên gần, nhưng cũng có người đáng kính trọng, không thể nói chung đàn bà là xấu. Nếu theo Hồi giáo hay Ấn Độ giáo coi thường đàn bà, thì Tây phương kính trọng hoàn toàn đàn bà, cả hai đều không đúng.
Để nói lên điều quan trọng ấy, phải mượn Hải Tràng Tỳ kheo là một vị toàn năng, có uy tín, có sức thuyết phục mới có thể khuyên Thiện Tài tìm học với Hưu Xã Ưu bà di, cho đến học với Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa và Thắng Nhiệt Bà la môn. Đó là hình ảnh các vị Thầy hướng dẫn hoàn toàn trái với tinh thần Phật giáo Nguyên thủy, nhưng kinh Hoa Nghiêm lại coi như tiêu biểu. Điều này không có nghĩa khẳng định rằng Bà la môn, ngoại đạo hay tiên nhân hoàn toàn tốt. Nhưng phải hiểu rằng con người là quyết định. Ai giỏi, tốt, chúng ta học. Đừng đóng khuôn, mang thành kiến, tự ái, không học sẽ dốt suốt đời. Dẹp bỏ Ý thức ngoại đạo, điều nào hay, tốt, chúng ta học. Đó là tinh thần cầu tiến của kinh Hoa Nghiêm đưa ra. Tâm đắc tư tưởng này, trong đời tôi, ngoài bạn tu đồng màu áo, tôi còn có bạn tu khác tôn giáo và học được những nét thiện mỹ của họ.
Thiện Tài tin, học, tôn thờ thiện tri thức không mệt mỏi, tin Hải Tràng không bao giờ dối gạt, vì đạo Bồ tát thì người thường không thể hiểu được, quan trọng là tư cách của người hướng dẫn. Sự hiểu biết, việc tu hành và quyến thuộc của Tỳ kheo Hải Tràng có những điều ưu việt, nên Thiện Tài tin tưởng hoàn toàn ở sự chỉ giáo của Hải Tràng, xóa tan tâm do dự để đến học đạo với nữ cư sĩ Hưu Xã, học những gì chưa biết, chưa đắc.
Học được với Hải Tràng Tỳ kheo pháp Tam ma địa giải thoát thì ông lại chỉ cho Thiện Tài đi tìm học pháp khác cao hơn. Học đạo theo nhị nguyên luận, phân biệt tốt xấu, thiện ác, không thể vào tri kiến Như Lai. Đạo Bồ tát không phải nhị nguyên, nhưng dùng phương tiện để dần dần đưa đến đồng nhất thể.
Bước đầu Thiện Tài gặp Tỳ kheo Đức Vân tu giải thoát, không dính líu cuộc đời. Nay gặp Hải Tràng là người tu xuất thế nhưng ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời, làm gạch nối giữa chúng sanh và Phật. Từ trên đỉnh cao của mẫu Tỳ kheo Bồ tát giới là Hải Tràng, hạ xuống thấp nhất, học với nữ cư sĩ Hưu Xã.
Trong kinh Pháp Hoa, Xá Lợi Phất nói người nữ có năm điều chướng ngại, không thể thành Phật. Đức Phật xóa bỏ hoàn toàn sự cố chấp ấy bằng cách đưa ra hình ảnh Long Nữ thành Phật tức khắc, không cần qua quá trình tu học như Xá Lợi Phất. Đến đây thấy rõ mối liên hệ quan trọng giữa Pháp Hoa và Hoa Nghiêm. Kinh Pháp Hoa nhờ kinh Hoa Nghiêm giải thích làm sáng hơn.
Hưu Xã cho biết ai nhìn thấy bà thì dù đau khổ thế nào, phiền não cũng tan biến và trở thành quyến thuộc của bà, từ đó đến thành Phật, họ không bao giờ thối thất tâm Bồ đề.
Thiện Tài hỏi Hưu Xã làm gì mà có được công năng lớn mạnh và sự hiểu biết vượt hơn Hải Tràng như vậy. Hưu Xã cho biết rằng thấy được lực của bà là điều không đơn giản. Nhưng Thiện Tài đã thấy được lực của Hưu Xã là đã phát tâm Bồ đề rồi.
Theo Hưu Xã, muốn thấy được bà thì phải phát tâm Vô thượng Bồ đề và phải có Phật gia bị. Nhưng muốn phát tâm Bồ đề cần có trực tâm, tức tâm tánh ngay thẳng, diệu hòa. Còn nhìn thấy nhị nguyên đối đãi nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, giỏi dở thì không thể nào thấy Hưu Xã.
Kế tiếp phải hướng toàn tâm cầu đạo Vô thượng, không tiếc thân mạng và mang hạnh nguyện độ tận chúng sanh. Có như vậy, ta và Hưu Xã đồng hạnh, đồng nguyện, mới thấy nhau và trở thành pháp lữ của Hưu Xã, thấy được 84000 Bồ tát đồng hạnh với ngài. Ta là quyến thuộc của Bồ tát và Bồ tát thành quyến thuộc với ta, nghĩa là sự hỗ tương Bất Nhị. Một người một hạnh, nhơn lên thành 84000 hạnh lành, nên tất cả việc làm thế gian thực sự do bạn lữ của Hưu Xã làm. Và ngược lại, trong thế giới quan khác, tưởng rằng 84000 Bồ tát làm, nhưng sự thực là Hưu Xã làm.
Hưu Xã nói rằng trong kiếp quá khứ, từ thời Phật Nhiên Đăng, ngài đã phát tâm Bồ đề, xuất gia làm Tỳ kheo, làm tất cả việc công đức trong Pháp giới. Ý này được Phổ Hiền Bồ tát nhắc trong kinh Pháp Hoa rằng trồng căn lành với các Đức Phật và được Phật hộ niệm.
Kinh Hoa Nghiêm thì dạy rằng phải phát Bồ đề tâm và được Phật hộ niệm. Vì vậy, thấy việc làm của Hưu Xã là hiểu được ý nghĩa Long Nữ thành Phật, không phải tự nhiên thành, mà đã trải qua quá trình thân cận, cúng dường, thọ trì vô lượng pháp Phật. Trên nền tảng xứng tánh thành Phật như vậy, Hưu Xã vượt hơn Hải Tràng Tỳ kheo.
Hưu Xã cho biết từ khi phát tâm Bồ đề, trải qua vô lượng kiếp quá khứ, ngài đã thờ kính, cúng dường, tịnh tu phạm hạnh, thọ trì pháp với ba mươi sáu ức hằng ha sa Phật. Nghĩa là ngài đã thành tựu viên mãn hạnh Bồ tát, đạt quả vị Vô thượng Đẳng giác rồi. Vì thế, tuy bên ngoài mang thân người nữ, nhưng bên trong đã thành tựu Phật thân. Tinh thần Hoa Nghiêm dạy rằng không có sự hiện hữu nào của chúng sanh mà không phải là Phật.
Hưu Xã còn cho biết trong quá trình tu vô lượng đạo pháp với ba mươi sáu ức hằng hà sa Phật, chư Phật phương Đông thường đến trụ xứ của ngài mà thuyết pháp và chư Phật chín phương khác cũng vậy. Không lúc nào mà ngài không thấy Phật, không nghe pháp.
Nhân hạnh Bồ tát mà Hưu Xã gieo trồng với ba mươi sáu ức hằng hà sa Phật trong vô lượng kiếp và quả vị Phật mà Long Nữ thành tựu trong chớp mắt, tuy hai mà một, tuy một với nhiều không khác, thể hiện lý viên dung vô ngại của Pháp giới Hoa Nghiêm.
Từ thế giới giải thoát của Hải Tràng đi ngược về cuộc đời để quan sát, thấy được những điều mà trước kia ta cho là tầm thường, nhưng nay biết đạo, mới thấy quý. Ví như chưa có tri thức, không thể biết của báu phục tàng trong đất. Chưa ngộ đạo, chưa vào Pháp giới thì tất cả vật đối với ta đều chướng ngại. Tuy nhiên, ngộ đạo rồi, cũng cùng một vật đó mà ta thấy đổi khác. Và thấy đổi khác được là biết chính ta đã thay đổi. Thật vậy, ngày trước còn là phàm phu, thì người nữ nguy hiểm; nhưng ngộ đạo thì Hưu Xã dẫn ta thâm nhập Pháp giới. Hưu Xã trở thành thiện tri thức, không phải là người nữ tầm thường của trần thế.
Thể hiện tinh thần cầu học, Thiện Tài tìm đến Hưu Xã Ưu bà di. Nơi ngài ở là khu vườn tên Phổ Trang Nghiêm. Đúng với tên gọi, vườn ấy trang nghiêm nhẹ nhàng, thanh thản, tươi mát.
Trên đường hành đạo, đến nơi nào tôi thường lưu tâm đến phong cảnh. Nếu cảnh sắc hữu tình làm chúng ta thấy vui, thanh thoát thì nên lui tới. Ở chùa có bậc chân tu hiền lành thì cảnh cũng dễ thương theo. Cảnh tùy thuộc người, nhìn cảnh của một quốc gia, một thành phố, một ngôi nhà, chúng ta biết được người chủ như thế nào. Điều này dễ hiểu. Thí dụ đến một quốc gia mà rác xả đầy đường là biết ngay rằng nước đó lạc hậu. Hoặc đến một quốc gia như pháp có nhiều hoa viên, cho đến cột đèn, bao lơn các nhà lầu, chỗ nào cũng nở hoa, hoặc đến thành phố Nhật Bản rất sạch sẽ, ai mà không cảm tình.
Nhìn thấy cảnh vườn nhà của Hưu Xã đẹp đẽ, thanh tịnh như vậy thì đoán được ngài là người như thế nào. Cảnh đẹp có được là nhờ tâm hồn người chủ sống nơi đó chi phối và cảnh đẹp cũng tác động lại cho khách tham quan. Học đạo, chúng ta nên tìm đến những nơi như vậy để lòng lắng yên.
Tâm hồn Hưu Xã Ưu bà di cao quý, thanh thản, không rắc rối như các người đàn bà khác ở thế gian, nên Thiện Tài đến được. Đàn bà bình thường thì tham lam, ghét ganh; nhưng Hưu Xã, nghĩa là bỏ hết. Tâm bà không vướng mắc buồn phiền, âm mưu, thủ đoạn, mới có tên như vậy và có đủ tư cách làm Ưu bà di.
Ưu bà di, tức nữ cận sự Tam bảo, tuy chưa xuất gia, nhưng gần kề với đức tánh tốt của Tam bảo là sáng suốt, bình đẳng và hòa hợp. Khi người đàn bà không sáng suốt thì hay nghĩ bậy, tin bậy, nói bậy, gần họ chắc chắn bị khổ lây. Trái lại, họ đã gần với Tam bảo, tức gần với Phật nên sáng suốt, gần pháp nên nhìn đúng sự thật và gần Tăng nên hòa hợp. Đó là mẫu người tốt, mới tạo được cảnh đẹp thanh tịnh ở nhân gian, có thể thân cận.
Thiện Tài thấy cảnh trang nghiêm và người sống với nhau đầy an vui, thể hiện hình ảnh Phật vào nhân gian. Cảnh nhân gian hạnh phúc, giải thoát thì biến thành chùa, nhưng chùa mà tranh chấp thì đó là địa ngục của trần gian. Điều này khiến tôi nhớ đến Hòa thượng Trí Tịnh nhắc cho tôi nghe lời nói của cụ Mai Thọ Truyền rằng ở ngoài đời cụ thấy người ít nóng nẩy hơn các Thầy ở chùa. Các Thầy ngồi lần chuỗi trông hiền lành vậy mà đụng chuyện dữ không ai bằng. Đó là điều quan trọng chúng ta phải thấy.
Các sư nổi cơn giận hay liều mạng hơn người đời vì họ không bị ràng buộc bởi của cải, gia đình, nên xem nhẹ sống chết, dễ bực tức, nổi nóng. Tôi có kinh nghiệm về việc ấy. Ở chùa quanh năm nghe tiếng bảng báo hiệu giờ tụng kinh, giờ ăn, giờ ngủ, không ai chọc phá chúng ta; nhưng ra ngoài, gặp việc không như ý, phiền não cuồn cuộn nổi dậy ngay.
Trong khi đó, người đời thường tiếp xúc với phiền não, họ trở thành quen hoặc chai lì, không phản ứng, hay vì có kinh nghiệm nên họ biết cáchkhắc phục. Còn người tu không có kinh nghiệm, bước đến thì bị kẹt chân, đưa tay thì bị kẹt tay.
Theo Đại thừa, chỉ cho chúng ta nhận rõ ở chùa hay ở ngoài đời đều có người hiền, người dữ, người tốt, người xấu. Biết rõ để không bị mắc lừa kẻ xấu và học được với người tốt. Trên tinh thần ấy, bước chân vào đời hành đạo, Thiện Tài thấy được sự yên lành và tốt đẹp của Hưu Xã Ưu bà di thì học cái ấy. Hưu Xã dạy Thiện Tài tùy duyên làm đạo, không tham vọng. Người đời phải tánh toán lo nghĩ để tồn tại, nhưng Hưu Xã lại bảo Thiện Tài bỏ cho việc tự nhiên.
Theo kinh nghiệm của Hưu Xã, việc xảy đến hay rời bỏ, chúng ta ghi nhận nó như vậy, không ham muốn, mong cầu. Hãy để cho sự vật tự nhiên, con người dễ thương nhờ tự nhiên, cảnh vật đẹp cũng nhờ tự nhiên.
Hưu Xã nghĩa là dẹp bỏ ý niệm gò ép, gò ép người, gò ép cảnh đều bất lợi. Vì tư tưởng gò ép, bị buộc lại sẽ nảy sanh tư tưởng bung ra, phản ứng lại. Như người mẹ có ý ép buộc con thì nó sanh phiền muộn và người mẹ cũng không vui được, mẹ con lại có vấn đề.
Hưu Xã có nếp sống cao quý và người xung quanh tự bắt chước, tự theo, không bảo, không ép buộc. Thiện Tài nhận thấy người đến với Hưu Xã được sống thoải mái, an lành, tạo thành một tập thể hòa hợp, thanh tịnh, thể hiện đúng nghĩa một tổ chức Phật giáo không tổ chức, không có kỹ luật ràng buộc mà mọi việc tự ổn. Tôi đã từng sống trong những tu viện mà mỗi người Ý thức được việc của mình, tự vào khuôn khổ, không ai rầy, không ai thắc mắc, giận buồn.
Nhờ Hưu Xã không có Ý thức khống chế người, không cố chấp, không khó khăn, không buồn phiền, nên người tự nguyện đến học. Tâm hồn Hưu Xã yên vui như vậy tạo thành cảnh sắc sống đẹp tự nhiên. Nhìn cảnh mà Thiện Tài cảm nhận được sự an vui đó.
Hưu Xã cho biết bà chỉ được một pháp duy nhất là “Ly ưu an ổn tràng”, nghĩa là không tham vọng khống chế người, chỉ thanh thản sống theo nhân duyên. Ai nhìn thấy bà thì bất thối chuyển đạo Vô thượng Bồ đề, phiền muộn không thể sanh khởi và an trụ giải thoát.
Bà khuyên Thiện Tài nên tiếp tục tham vấn vị tiên nhân tên Tỳ Mục Cù Sa. Giai đoạn trước, Thiện Tài học với Hưu Xã Ưu bà di, tức tín đồ cùng đạo và nay sang học với tiên nhân ngoại đạo.
- Lược giải kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập lược giải
- Ý nghĩa đề kinh
- Quan niệm về Đức Phật
- Bồ Tát Đạo
- Thiện Tài đồng tử cầu đạo
- Đức Vân Tỳ kheo
- Hải Vân Tỳ kheo
- Thiện Trụ Tỳ kheo
- Di Già
- Trưởng giả Giải Thoát
- Hải Tràng Tỳ kheo
- Hưu Xã Ưu bà di
- Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa
- Thắng Nhiệt Bà la môn
- Từ Hạnh đồng nữ
- Thiện Kiến Tỳ kheo
- Tự Tại Chủ đồng tử
- Cụ Túc Ưu bà di
- Cư sĩ Minh Trí
- Trưởng giả Pháp Bửu Kế
- Trưởng giả Phổ Nhãn
- Vua Vô Yểm Túc
- Vua Đại Quang
- Bất Động Ưu bà di
- Biến Hành ngoại đạo
- Trưởng giả Ưu Bát La Hoa
- Thuyền trưởng Bà Thi La
- Vô Thượng Thắng hay Di Lặc Bồ Tát
- Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
- Bà kỹ nữ Tu Mật Đa
- Cư sĩ Tỳ Sắc Chi La
- Bồ Tát Chánh Thu
- Bồ Tát Quán Tự Tại
- Thần Đại Thiên
- Địa thần An Trụ
- Dạ thần Bà San Bà Diễn Để
- Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh
- Thọ thần Diệu Đức Viên Mãn
- Bồ Tát Di Lặc
- Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi
- Bồ Tát Phổ Hiền
- Phổ Hiền Hạnh Nguyện
- Nội dung kinh Hoa Nghiêm
- Dẫn nhập nội dung
- Thay lời tựa
- 01. Thế Chủ Diệu Nghiêm
- 02. Như Lai Hiện Tướng
- 03. Phổ Hiền Tam Muội
- 04. Thế Giới Thành Tựu
- 05. Hoa Tạng Thế Giới
- 06. Tỳ Lô Giá Na
- 07. Như Lai Danh Hiệu
- 08. Tứ Thánh Đế
- 09. Quang Minh Giác
- 10. Bồ Tát Vấn Minh
- 11. Tịnh Hạnh
- 12. Hiền Thủ
- 13. Thăng Tu Di Sơn Đảnh
- 14. Tu Di Sơn Đảnh Kệ Tán
- 15. Thập Trụ
- 16. Phạm Hạnh
- 17. Sơ Phát Tâm Công Đức
- 18. Minh Pháp
- 19. Thăng Dạ Ma Thiên Cung
- 20. Dạ Ma Cung Kệ Tán
- 21. Thập Hạnh
- 22. Vô Tận Tạng
- 23. Thăng Đâu Suất Thiên Cung
- 24. Đâu Suất Kệ Tán
- 25. Thập Hồi Hướng
- 26. Thập Địa
- 27. Thập Định
- 28. Thập Thông
- 29. Thập Nhẫn
- 30. A Tăng Kỳ
- 31. Thọ Lượng
- 32. Chư Bồ Tát Trụ Xứ
- 33. Phật Bất Tư Nghì
- 34. Như Lai Thập Thân Tướng Hải
- 35. Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Đức
- 36. Phổ Hiền Hạnh
- 37. Như Lai Xuất Hiện
- 38. Ly Thế Gian
- 39. Nhập Pháp Giới
- 40. Phổ Hiền Hạnh Nguyện