Skip to content

Lược giải kinh Hoa Nghiêm – Thiện Tài cầu đạo với Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh

大方廣佛華嚴經

Sau khi cầu học với nhiều thiện tri thức thuộc mọi thành phần xã hội, Thiện Tài bắt đầu tham quan thế giới vô hình để học đạo với Thiên thần, Địa thần, Dạ thần.

“Dạ” (trong Dạ thần) là ban đêm. Ban đêm thì khó nhận thấy sự vật chính xác. Cuộc đời đối với người còn trong sanh tử cũng vậy, khó mà nhận biết mọi việc tường tận, nên thường gọi là đêm dài sanh tử. Chúng ta không biết lúc nào chết và sẽ đi về đâu. Dạ thần biết rõ diễn biến trong vô hình và có thể giúp chúng ta vượt qua mọi chướng ngại trong đêm dài sanh tử.

Dạ thần cho Thiện Tài biết rằng họ đã ở trên cuộc đời này bao nhiêu kiếp, đã từng làm vua, làm tướng, làm thương gia, làm đồng nam, đồng nữ, làm Phật… và họ thấy biết tất cả.

Chúng ta học kinh Hoa Nghiêm phải lưu ý điều quan trọng này. Ngày nay cùng tu trong Pháp hội, giúp đỡ nhau là biết chúng ta đã từng hòa hợp với nhau trong quá khứ. Người chống đối ta cũng vậy, đời trước họ và ta cũng từng chống trái nhau. Bài pháp điển hình này được Đức Phật chỉ rõ qua sự kiện Đề Bà Đạt Đa thường phá hại Phật từ vô số kiếp cho đến hiện đời và có cả năm trăm người theo Đề Bà từ quá khứ để chống Phật, hiện tại cũng vậy. Nhưng càng phá Phật thì uy đức của Ngài chẳng những không bị giảm sút, mà còn tăng thêm.

Dạ thần nói với Thiện Tài, hay chỉ cho chúng ta những sự kiện quá khứ là hạt nhân dẫn tới hiện tại. Thấy rõ nhân tạo tác ấy, chúng ta mới hiểu được người, biết cách xử sự đúng đắn cho mỗi trường hợp. Đối với người giúp đỡ, người chống đối hay người thờ ơ, chúng ta phải xử trí cách nào.

Cuộc đời là đêm tối, chúng ta đang dò dẫm đi và Dạ thần cho những lời khuyên sáng giá. Hai vị Dạ thần quan trọng mà Thiện Tài gặp được trong cuộc đời là Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh. Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa chỉ cho chúng ta sống như thế nào để cuộc sống được phát triển. Dạ thần Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh bằng kinh nghiệm từng trải giúp người vượt qua mọi tai ách trên thế gian.

Thiết nghĩ trong đời thường, mọi người thường cầu mong hai vị thần ấy giúp đỡ để đạt được hai điều là cuộc sống được phát triển và không gặp taiách. Tuy nhiên, muốn giàu sang, khỏe mạnh, tài giỏi, nhưng thực tế có mấy ai chịu ứng dụng phương thức Phật dạy, hay những điều mà Dạ thần chỉ. Theo Phật, muốn giàu có phải hành bố thí, trải lòng rộng lớn, che chở người, ban phát tài vật, công sức, hiểu biết cho người. Thế nhưng quan sát sinh hoạt thường nhật, chúng ta thấy rõ nhiều người muốn giàu, nhưng lại sợ bố thí. Họ chỉ muốn xin và được cho. Làm như vậy chắc chắn không thể nào kết thành quả báu giàu có, thường được Phật ví như người tham muốn nấu cát thành cơm.

Riêng tôi xuất thân từ gia đình nghèo, vấn đề cơm ăn, chỗ ở vào thời niên thiếu thật khó khăn vô cùng. Lúc mới vào chùa, tôi không bằng ai, bị người xem nhẹ. Tuy nhiên tin sâu sắc ý Phật dạy, lời Dạ thần nói, từng bước khắc phục. Với đôi tay và khối óc, tôi hết lòng phục vụ cho đạo, nỗ lực tu học để lập công bồi đức. Nhờ vậy, từ từ công đức phát sanh và dùng công đức này phục vụ lại cho cuộc đời, để tích lũy thêm công đức, không dám tiêu xài. Trên bước đường tu, thiết nghĩ cần để ý điều này. Khi ta nhận của người cúng dường, mai kia được người quý trọng hơn, là biết ta đã sử dụng đúng tài vật của họ. Ngược lại, nhận của họ rồi, ngày mai họ sanh lòng khinh rẻ thì biết chúng ta đã sử dụng sai vật hiến cúng.

Dạ thần khuyên Thiện Tài phải hành sử Lục độ Ba la mật trong cuộc sống. Đức Phật thành tựu quả vị Vô thượng Đẳng giác, được tôn xưng là đấng cha lành của muôn loài, hoặc chư Bồ tát được người quý trọng, vì các ngài đã thể hiện trọn vẹn Lục độ Ba la mật. Trên lộ trình tiến đến Vô thượng Bồ đề, Lục độ Ba la mật là cốt tủy mà chúng ta phải thực hiện cho được. Trong sáu pháp này, ba pháp chính yếu quan trọng là bố thí, thiền định và trí huệ.

Thật vậy, theo tinh thần Đại thừa, muốn được kính mến chắc hẳn ta phải là người ban ơn; đừng làm người thọ thí. Ý này dễ nhận ra trong thực tế cuộc sống. Khi gặp người ta từng thi ân, ai lại không cảm thấy nhẹ nhàng hơn là gặp người mà ta mắc nợ. Kế đến giữ tâm bình ổn, dù hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào, ta cũng không thay đổi. Có sức định tâm cao, không để vật chi phối mới giữ được công đức đã tu tạo. Và sau cùng, muốn làm Thầy của trời người, tất yếu phải gieo trồng hạt giống trí huệ.

Có thể nói sự bình tĩnh và sáng suốt là hai đức tánh quan trọng của Bồ tát. Vì dấn thân hành đạo trên cuộc đời chắc chắn phải đối đầu với vô số chướng ngại, nếu không trang bị hai pháp này không thể nào đi trọn Bồ tát đạo. Theo gương các ngài, chúng ta luôn tâm niệm hoàn cảnh càng khó khăn, ta càng phải bình tĩnh. Có hành trang như vậy, ta mới có thể tiến tu trong sanh tử; đụng việc thì u mê, cuống cuồng lên là còn cách xa đạo.

Thực tế lịch sử cho thấy bà Ỷ Lan thứ phi nghe lời vua, đã nhứt tâm thiền định để gánh vác triều chính thành công trọn vẹn. Sức định tĩnh của bà ở độ cao nhất, dẫn đến sự sáng suốt, thấy được ai là hạng sâu mọt trong hoàng thân quốc thích cần phải trị tội, ai là người tài đức, thấy đúng từng người, giải quyết thỏa đáng từng việc.

Tóm lại, Dạ thần cho chúng Ta Bài học rằng ở trong đêm tối sanh tử, có gặp địch thủ, chúng ta mới vận dụng được trí năng. Nhờ đối mặt với gút mắt khó khăn, mới có cơ hội hiểu biết thêm vô số vấn đề lớn nhỏ, mặt phải mặt trái, mặt trong mặt ngoài của nó. Không cọ xát với thực tế cuộc sống như vậy, ắt hẳn sự hiểu biết của chúng ta cũng lụt dần. Chính vì để đạt được mục tiêu lớn lao ấy mà các vị Bồ tát thường thực hành chí nguyện dạo chơi trong sanh tử.